Đi cùng đoàn còn có Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại Việt Nam Tôn Quốc Tường. Về phía Việt Nam, tham dự và đón đoàn có Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga, GS.TSKH Vũ Minh Giang - Phó Giám đốc ĐHQGHN, GS.TS Nguyễn Văn Khánh - Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV cùng đại diện lãnh đạo một số ban, ngành của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Ngoại giao Việt Nam.
|
Ảnh từ phải sang: Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga, GS.TSKH Vũ Minh Giang - Phó Giám đốc ĐHQGHN, GS.TS Nguyễn Văn Khánh - Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV |
GS.TS Nguyễn Văn Khánh - Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV đã phát biểu chào mừng chuyến thăm của đoàn đại biểu cấp cao Khu tự trị dân tộc Choang, khẳng định quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) với Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Cách đây 50 năm, khu học xá Trung ương của Việt Nam đã được thành lập tại tỉnh Quảng Tây, góp phần đào tạo nhiều cán bộ khoa học, cán bộ lãnh đạo cao cấp cho Việt Nam. Quan hệ hợp tác giữa các đại học Việt Nam và các đại học ở Quảng Tây nói riêng và Trung Quốc nói chung ngày càng phát triển nhanh về số lượng và chất lượng. Hiện có hàng trăm sinh viên Việt Nam sang học tập tại các trường đại học Quảng Tây và hàng ngàn sinh viên Trung Quốc đang học tập tại các trường đại học Việt Nam.
Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN - trường đại học hàng đầu của Việt Nam, là nơi đã góp phần đào tạo và bồi dưỡng nhiều thế hệ lưu học sinh Trung Quốc, trong đó nhiều người trở thành các nhà khoa học, nhà hoạt động ngoại giao xuất sắc, có 3 vị đã trở thành đại sứ của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại Việt Nam là các đại sứ Lý Gia Trung, Tề Kiến Quốc và Hồ Càn Văn. Nhà trường cũng đang triển khai hiệu quả các chương trình liên kết đào tạo theo hình thức ngắn hạn 3+1, 2+2 với các trường đại học Quảng Tây và hiện đang đào tạo hơn 300 sinh viên của tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.
|
GS.TS Nguyễn Văn Khánh (bên phải) và ông Mã Tiêu - Chủ tịch Khu tự trị dân tộc Choang (Quảng Tây, Trung Quốc) |
Tiếp đó, ông Mã Tiêu đã có bài phát biểu, nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác giáo dục giữa Quảng Tây và Việt Nam trong việc bồi dưỡng nhân tài cho hai bên. Mấy năm gần đây, số lượng lưu học sinh Quảng Tây sang Việt Nam tăng nhanh chóng, lên đến 5000 người. Tương tự, Việt Nam cũng là quốc gia có số học sinh sang Quảng Tây học tập đông nhất trong khối Asean. Trong 10 năm tới, Quảng Tây sẽ đưa giáo dục vào vị trí phát triển ưu tiên, mở rộng quy mô, ưu hóa kết cấu, nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Ông Mã Tiêu nói: “Chúng tôi khuyến khích và ủng hộ các trường đại học Quảng Tây tăng cường giao lưu và hợp tác giáo dục với các trường đại học cao đẳng của Asean, trong đó có Việt Nam, tiến hành trao đổi giáo viên, sinh viên, thừa nhận học phần và cùng trao đổi học vị lẫn nhau, thúc đẩy sự nghiệp giáo dục hai bên cùng phát triển”.
Trong chuyến thăm này, ông Mã Tiêu đã thay mặt chính quyền và nhân dân Khu tự trị Dân tộc Choang trao tặng Trường ĐHKHXH&NV 2000 cuốn sách và 100 bộ máy tính.
Tiếp đó là lễ ký kết 12 văn bản hợp tác giữa 6 cơ quan và trường đại học của tỉnh Quảng Tây và 11 cơ quan và trường đại học Việt Nam. Các đối tác Trung Quốc gồm: Sở Giáo dục Quảng Tây, Đại học Sư phạm Quảng Tây, Đại học Khoa học Kỹ thuật Điện tử Quế Lâm, Học viện Sư phạm Quảng Tây, Đại học Dân tộc Quảng Tây, Đại học Quảng Tây.
Các đối tác Việt Nam tham gia ký kết có Trung tâm Hợp tác chuyên gia và kỹ thuật với nước ngoài (Bộ Giáo dục và Đào tạo), Đại học Hà Nội, Khoa Quốc tế (ĐHQGHN), Đại học Dân lập Hải Phòng, Đại học Điện lực, Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, Đại học Ngoại thương Hà Nội, Đại học Hải Phòng, Đại học sư phạm Hà Nội, Đại học Nông nghiệp, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQGHN).
Lễ ký kết đã diễn ra dưới sự chứng kiến của ông Mã Tiêu - Chủ tịch Khu tự trị Dân tộc Choang, Đại sứ Trung Quốc Tôn Quốc Tường, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam Bùi Văn Ga, Phó Giám đốc ĐHQGHN Vũ Minh Giang cùng nhiều đại diện lãnh đạo cao cấp của hai bên.
|