![]() |
Tại Hội thảo, hai diễn giả là GS. Trần Ngọc Anh - Đại học Indiana, Hoa Kỳ, Thành viên Hội đồng Tư vấn Quốc gia về Khoa học, Công nghệ, Đổi mới sáng tạo và Chuyển đổi số cùng ông Đỗ Đức - CEO and Cofounder, ETLabs, Australia đã đưa ra những phân tích sâu bản chất của trí tuệ nhân tạo và trí tuệ tự nhiên, đồng thời giới thiệu phương pháp tiếp cận tích hợp hai loại hình trí tuệ này.
Trưởng Ban Hợp tác và Phát triển ĐHQGHN Lê Tuấn Anh tham dự Hội thảo.
Trước làn sóng chuyển đổi số toàn cầu do công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) thúc đẩy, việc tích hợp hiệu quả trí tuệ nhân tạo với trí tuệ con người là yếu tố then chốt để đổi mới và cạnh tranh. Hội thảo được tổ chức nhằm cung cấp một bức tranh tổng quan về xu hướng chuyển đổi số toàn cầu đến năm 2025, làm rõ vai trò của sự tích hợp giữa con người và máy móc trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và 5.0 đang diễn ra song song. Đây cũng là dịp để các nhà khoa học, các chuyên gia cũng trao đổi, phân tích sâu sắc về bản chất của hai loại hình trí tuệ, từ đó đề xuất công thức tích hợp hiệu quả và rút ra những hàm ý quan trọng cho Việt Nam.
![]() |
Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Lê Trung Thành cho rằng việc tổ chức Hội thảo về trí tuệ nhân tạo và trí tuệ con người là vô cùng cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số và Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân. Đây là một diễn đàn có ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu đang bước vào giai đoạn chuyển đổi số sâu rộng, nơi công nghệ và con người không còn là hai thực thể tách biệt mà phải được thiết kế để cộng hưởng, hỗ trợ và bổ sung lẫn nhau. Ông cũng cho biết, là đơn vị chủ động và tích cực trong phát triển đào tạo, nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội, Trường ĐH Kinh tế đã có bước chuyển mình nhanh để tích hợp AI trong các chương trình đào tạo, các môn học…
![]() |
Theo GS. Trần Ngọc Anh, sự khác nhau giữa trí tuệ tự nhiên và trí tuệ nhân tạo, trong đó cái khác nhau căn bản là trí tuệ cảm xúc, là sự tự nhận thức và giác ngộ của con người. Ông đã đưa ra những câu hỏi để cùng thảo luận với các đại biểu như: Máy móc sẽ thay thế con người? Con người khác máy móc ở đâu? Trí tuệ là gì? Trí tuệ nhân tạo và trí tuệ con người khác nhau như thế nào? Tích hợp hai trí tuệ này như thế nào?
Ông cho rằng, bộ não của chúng ta có một cơ chế vận hành như một chiếc máy tính, thậm chí còn siêu việt hơn khi “hệ điều hành” của não còn ổn định hơn bất cứ hệ điều hành nào của máy tính. Ông đề xuất công thức tích hợp trí tuệ nhân tạo và trí tuệ con người đó là: I=NxKxA, trong đó I là Integrated intelligence (trí tuệ tích hợp), N là Natural intelligence (trí tuệ tự nhiên), K là Knowledge stock (lượng kiến thức) và A là Artificial intelligence (trí tuệ nhân tạo). Theo công thức này, chỉ cần một giá trị bằng không thì tất cả bằng không, do đó, ông gửi đến thông điệp rằng không nên chọn giữa AI và con người mà cần phải học cách kết nối, phối hợp,và tăng cường lẫn nhau. Chỉ như vậy, chuyển đổi số mới trở thành một quá trình nhân văn, bao trùm và bền vững.
![]() |
Ông Đỗ Đức nhấn mạnh rằng AI không nên được nhìn như một công cụ thay thế con người, mà là một hệ trí tuệ mở rộng - được dẫn dắt, điều tiết và làm giàu bởi con người. Ông gọi đó là tư duy "trí tuệ cộng hưởng" – nơi AI và con người bổ sung cho nhau, thay vì cạnh tranh. Ông cũng lưu ý về xu hướng “sùng bái công nghệ”, khi các tổ chức đầu tư mạnh vào AI nhưng bỏ quên năng lực nội sinh của con người - từ kỹ năng phân tích, tư duy phản biện đến văn hóa tổ chức. Trong mô hình mà ông xây dựng tại ETLabs, AI không phải là đích đến, mà là đòn bẩy để tăng cường khả năng học hỏi, sáng tạo và thích ứng của con người, cá nhân và tổ chức. Ông tin rằng, chuyển đổi số chỉ thành công khi công nghệ được ‘giải phóng’ bởi trí tuệ con người, không chỉ thông minh, mà còn có trách nhiệm.
Tại phiên thảo luận, các chuyên gia đã đề cập chiến lược phát triển song hành, bao gồm đầu tư vào giáo dục kỹ năng số, xây dựng văn hóa học tập liên tục trong tổ chức và thúc đẩy sự phát triển AI một cách có đạo đức, minh bạch và trách nhiệm.
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Diễn giả Trần Ngọc Anh hiện là Giáo sư tại Đại học Indiana (Hoa Kỳ) và Thành viên của Vietnam Initiative – một mạng lưới toàn cầu về nghiên cứu chính sách công và bồi dưỡng lãnh đạo cho Việt Nam. Ông được bổ nhiệm vào Hội đồng tư vấn quốc gia về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (Nghị quyết 57). Ông đã quản lý dự án 15 triệu USD của Chính phủ Mỹ hỗ trợ Việt Nam đổi mới các đại học công hàng đầu. Các nghiên cứu của ông về kinh tế phát triển và quản trị nhà nước được đăng trên các tạp chí khoa học hàng đầu như Journal of Financial Economics, Journal of Public Economics, và American Political Science Review. Ông thường xuyên tư vấn cho Liên hiệp quốc, Ngân hàng Thế giới và là Thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng qua nhiều năm, đồng thời thúc đẩy nhiều sáng kiến cải cách và đào tạo nhiều thế hệ lãnh đạo. Ông tốt nghiệp Tiến sĩ Chính sách Công tại Đại học Harvard (2009) và nhận nhiều giải thưởng uy tín như Lãnh đạo trẻ châu Á (2001) và Giáo sư Trẻ Xuất sắc tại Đại học Indiana (2014). Diễn giả Đỗ Đức, CEO ETLABS (tư vấn chiến lược & công nghệ chuyển đổi tại Australia, hoạt động ở 19 quốc gia) và Cố vấn Chiến lược VASEA, sở hữu hơn 30 năm kinh nghiệm. Ông đã lãnh đạo các chương trình chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo quy mô quốc tế, quốc gia, doanh nghiệp, đồng thời phát triển lãnh đạo tại các tập đoàn lớn như Accenture, Bưu điện Australia. Am hiểu sâu sắc bối cảnh chuyển đổi số tại Việt Nam, ông đã trực tiếp tư vấn và đào tạo cho nhiều bộ ngành và địa phương quan trọng. Là một trong những chuyên gia gốc Việt đầu tiên có bằng Thạc sĩ Trí tuệ Nhân tạo tại Australia, ông nổi bật với vai trò xây dựng văn hóa tổ chức thích nghi và năng lực Kiến trúc Doanh nghiệp hàng đầu tại Australia Post (Forrester, 2015). Ông cũng tiên phong xây dựng doanh nghiệp ecommerce tài chính thành công và được Fairfax Australia vinh danh là một trong 30 doanh nhân trẻ triển vọng (2001). |