- Là người đã từng đóng góp nhiều ý kiến cho dự thảo Luật Giáo dục Đại học trong các hội thảo trước đây, Giáo sư có ý kiến gì về bản dự thảo lần này?
- So với các dự thảo trước, dự thảo lần này có nhiều ưu điểm; đã có những tiến bộ so với dự thảo lần trước. Tuy nhiên, trong câu chuyện hôm nay, tôi chỉ giới hạn ở vấn đề mô hình GDĐH và một số vấn đề kỹ thuật.
- Được biết Giáo sư có ý kiến khác với dự thảo Luật về việc phân biệt cơ sở GDĐH hoạt động không vì mục đích lợi nhuận với cơ sở hoạt động vì mục đích lợi nhuận?
- Vâng. Đây là một vấn đề lớn, nếu không xác định được quan niệm đúng đắn thì chủ trương xã hội hóa sẽ bị chệch hướng và chất lượng GDĐH cũng khó đảm bảo.
Khoản 7 Điều 4 dự thảo Luật giải thích: “Cơ sở GDĐH tư thục và cơ sở GDĐH có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động không vì lợi nhuận nếu phần lợi nhuận tích lũy hằng năm là tài sản chung không chia, để tái đầu tư phát triển cơ sở giáo dục đại học; các cổ đông hoặc các thành viên góp vốn không hưởng lợi tức hoặc hưởng lợi tức hằng năm không vượt quá lãi suất huy động tiền gửi bình quân do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố.”
Việc chấp nhận chia lợi tức và dành quyền tham gia Hội đồng quản trị và quyết định công việc của trường cho các cổ đông lớn như quy định tại dự thảo Luật không khác gì nguyên tắc tổ chức, hoạt động của công ty cổ phần. Chính vì vậy mà có nhà nghiên cứu đã khẳng định: “Trên thực tế, có thể nói 100% đại học tư thục ở Việt Nam là vì lợi nhuận” Cũng theo nhà nghiên cứu này, “các trường đại học tư thục vì lợi nhuận thường xuất hiện ở những lĩnh vực đào tạo có lợi nhuận, tránh đầu tư lớn và dài hạn […] Những hạn chế do phải thỏa mãn yêu cầu về lợi nhuận của các cổ đông làm cho các đại học tư thục vì lợi nhuận không thể đáp ứng được những chức năng giáo dục thường có của một trường đại học công lập. Những hạn chế đó thường là thương mại hóa giáo dục, chạy theo lợi nhuận, chạy theo ngành đào tạo chi phí thấp, nhu cầu lớn, không có đầu tư lớn vào nghiên cứu cơ bản, thậm chí có những hành vi vi phạm quy chế tuyển sinh và quy chế đào tạo”. Nguyên tắc hoạt động vì mục đích lợi nhuận cũng giải thích vì sao ở nhiều trường đại học ngoài công lập nước ta phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp nội bộ gay gắt, kéo dài. Những trường đại học như vậy rất khó để phát triển.
Đáng tiếc là dự thảo Luật GDĐH đang duy trì tình trạng không rõ ràng về mục đích hoạt động vì lợi nhuận/không vì lợi nhuận và kéo dài sự ưu đãi của Nhà nước cho các cơ sở kinh doanh giáo dục.
- Giáo sư có nhận xét gì về việc phân loại, phân tầng các cơ sở GDĐH trong dự thảo Luật?
- Lẽ ra, việc soạn thảo và ban hành Luật GDĐH là cơ hội để khắc phục tình trạng lộn xộn của hệ thống GDĐH hiện nay nhưng dự thảo Luật chỉ nhắc lại những cái tên rất thiếu rõ ràng và thiếu tính hệ thống đang có trong thực tế. Dự thảo Luật không có khoản nào giải thích trường đại học khác học viện, học viện khác đại học như thế nào.
- Dự thảo Luật lần này có một mục quy định về tổ chức Đại học quốc gia. Giáo sư có ý kiến như thế nào?
- Đảng và Nhà nước “chủ trương xây dựng hai Đại học Quốc gia (ĐHQG) thành những trung tâm đào tạo, NCKH và chuyển giao công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao, ngang tầm khu vực, dần dần đạt trình độ quốc tế” (Thông báo số 315-TB/TW ngày 29/8/2000 của Bộ Chính trị). Trên cơ sở ý kiến của Bộ Chính trị, ngày 01/02/2001, Chính phủ đã ban hành Nghị định 07/2001/NĐ-CP về ĐHQG và ngày 12/02/2001, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quy chế về tổ chức và hoạt động của ĐHQG theo Quyết định số 16/2001/QĐ-TTg.
Việc chọn lọc một số quy định chủ yếu của Nghị định 07 và Quy chế 16 đã ổn định và chứng tỏ được tính hiệu quả của Nghị định, Quy chế sau gần 20 năm thực hiện để đưa vào đạo luật đầu tiên trong lĩnh vực GDĐH là cần thiết và cũng phù hợp với thông lệ xây dựng pháp luật ở nước ta. Trong một số văn bản quy phạm pháp luật của ta cũng có những quy định riêng cho các tổ chức có tầm quan trọng. Ví dụ, Pháp lệnh Thư viện có mục riêng về Thư viện Quốc gia Việt Nam, và trong dự thảo Luật Thư viện trình Quốc hội lần này vẫn giữ những quy định ấy. Một số quốc gia còn ban hành những đạo luật riêng về ĐHQG. Vì thế, theo tôi, các quy định về ĐHQG nên được trình bày có tính quy phạm pháp luật, cụ thể hơn và nên chuyển về mục 1 Chương II, tiếp theo các quy định về trường đại học và đại học.
- Giáo sư có thể giới thiệu đôi nét về Luật về ĐHQG của các nước mà Giáo sư vừa nói?
- Liên bang Nga có Luật Liên bang “Về ĐHQG Moskva mang tên Lomonosov và ĐHQG Sankt Peterburg”. Luật gồm 6 điều, quy định những đặc thù về địa vị pháp lý của các cơ sở GDĐH hàng đầu của Liên bang Nga với tư cách là các cơ sở đào tạo - nghiên cứu khoa học đặc biệt, có vai trò to lớn trong sự phát triển của xã hội Nga. Luật quy định hai ĐHQG nói trên nhận kinh phí từ cơ quan ngân sách nhà nước của Liên bang; có quy chế hoạt động do Chính phủ Liên bang ban hành; Giám đốc các ĐHQG này do Tổng thống Liên bang Nga bổ nhiệm và miễm nhiệm. Luật cũng quy định về tổ chức của hai ĐHQG, bao gồm các đơn vị trực thuộc không có tư cách pháp nhân và có tư cách pháp nhân.
Ở Philippines có Luật về phát triển Đại học Philippines thành ĐHQG Philippines. Luật này được Nghị viện Philippines thông qua năm 2008, thống nhất 7 trường đại học thành viên tạo thành ĐHQG Philippines. Luật quy định Hội đồng điều hành ĐHQG do Tổng thống Philippines bổ nhiệm. Hiệu trưởng trường đại học thành viên được Hội đồng điều hành ĐHQG bổ nhiệm trên cơ sở đề xuất của Giám đốc ĐHQG. ĐHQG Philippines là cơ quan ngân sách trực thuộc Tổng thống và Nghị viện Philippines.
- Giáo sư có nói dự thảo Luật vẫn còn nhiều lỗi kỹ thuật, vậy đó là những lỗi gì?
- Nhiều thuật ngữ được giải thích tại Điều 4 như giáo dục chính quy, giáo dục thường xuyên, ngành đào tạo, chuyên ngành đào tạo,liên thông trong giáo dục đại học không chính xác, cần được chỉnh sửa. Ví dụ:
“1. Giáo dục chính viên nhà trường (như ở trường y, trường sư phạm) không phải là giáo dục chính quy.
“3. Ngành đào tạo là một tập hợp những kiến thức và kỹ năng chuyên môn của một lĩnh vực hoạt động nghề nghiệp, khoa học nhất định.” Giải thích ngành đào tạo như tại khoản này thì cần phải hiểu các thuật ngữ mở ngành đào tạo, chấm dứt hoạt động của ngành đào tạo quy định tại Điều 31 như thế nào? Trong Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học không có cụm từ ngành đào tạo nhưng có từ ngành và từ này được giải nghĩa là “lĩnh vực hoạt động về chuyên môn, khoa học, văn hóa, kinh tế”.
Thẩm quyền quyết định sáp nhập, chia, tách, giải thể,… đối với cơ sở giáo dục đại học ở khoản 3 điều 25 cũng không hợp lý: “Người có thẩm quyền quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập cơ sở giáo dục đại học thì có thẩm quyền quyết định sáp nhập, chia, tách, giải thể cơ sở giáo dục đại học.” Đối với cơ sở GDĐH ngoài công lập, quy định này không áp dụng được.
Việc sử dụng thuật ngữ “thủ trưởng cơ sở GDĐH” ở khoản 2 Điều 33 dễ dẫn đến những cách giải thích khác nhau. Theo tôi, Luật nên quy định rõ người có thẩm quyền này là hiệu trưởng, vì có thể có cách diễn giải chủ tịch Hội đồng trường, Hội đồng quản trị mới là người đứng đầu cơ sở GDĐH.
Về câu chữ, cách trình bày tại điểm đ khoản 1 Điều 34 dễ bị suy diễn sai, không có lợi cho quan hệ quốc tế và công tác tôn giáo: “Cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài tự chủ, tự chịu trách nhiệm xây dựng và thực hiện chương trình đào tạo, bảo đảm không gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia, lợi ích cộng đồng, không có nội dung truyền bá tôn giáo, xuyên tạc lịch sử, ảnh hưởng xấu đến văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục và đoàn kết các dân tộc Việt Nam, hòa bình và an ninh thế giới.”
Không truyền bá tôn giáo và thực hiện các nghi lễ tôn giáo trong trường học là quy định chung đối với tất cả các cơ sở GD, không riêng cơ sở GD có vốn đầu tư nước ngoài và cũng không phải quy định riêng của nước ta. Nhưng đặt vào giữa các nội dung cấm khác ở điều này, quy định “không truyền bá tôn giáo” gây ấn tượng truyền bá tôn giáo là một điều xấu, giống như gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia, lợi ích cộng đồng v.v… Theo tôi, toàn bộ các yêu cầu nêu tại điểm đ khoản 1 này là quy định chung cho chương trình đào tạo của tất cả các cơ sở GDĐH, chứ không riêng gì cơ sở GDĐH nước ngoài hoạt động tại Việt Nam. Tuy nhiên, dù coi là quy định chung hay quy định riêng cho cơ sở GDĐH nước ngoài cũng nên tách nội dung “không truyền bá tôn giáo và thực hiện các nghi lễ tôn giáo” thành một khoản riêng.
- Xin cảm ơn Giáo sư !
|