Ngọn hải đăng của giới trí thức
Bản thân Võ Đại tướng là một trí thức cách mạng, một nhà giáo yêu nước nên Võ Đại tướng đã dành rất nhiều tình cảm và tâm trí để xây dựng đội ngũ trí thức Việt Nam, phát triển nền giáo dục và khoa học trong công cuộc đổi mới.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn như ngọn hải đăng của những người trí thức trước những vấn đề trọng đại của đất nước. Ông đã sống trọn cuộc đời bằng nhân cách của một người trí thức biết gánh vác vận mệnh của đất nước trong cả thời chiến lẫn thời bình.
Nhà Sử học Dương Trung Quốc, một người đồng nghiệp - người học trò của Đại tướng đã nhận xét: “Có thể nói, thắng lợi của cách mạng Việt Nam với mục tiêu giải phóng dân tộc bao gồm việc giành độc lập dân tộc, và giữ vững nền độc lập ấy trong suốt ba thập kỷ chiến tranh phụ thuộc một phần lớn vào tinh thần “uy vũ bất năng khuất” của một thế hệ vàng. Dù trưởng thành trong nền giáo dục thực dân, nhưng họ vẫn giữ được những giá trị của nền văn hóa dân tộc, tiêu biểu là nền Quốc học. Bên cạnh đó, họ đã được tiếp thu một nền học vấn với những tư tưởng văn hóa phương Tây rất cơ bản mặc dù trong bối cảnh nền giáo dục của một nước thuộc địa luôn bị thực dân áp bức, đồng hóa. Thứ ba, đó là thế hệ khao khát độc lập tự do đến mãnh liệt và ba điều đó hòa trộn với nhau rồi được quy tụ dưới lá cờ cách mạng do Hồ Chí Minh đứng đầu. Võ Nguyên Giáp là một trong những tinh hoa đầu tiên trong thế hệ vàng đó”.
Nhà sử học Dương Trung Quốc còn bổ sung: "Ông là một nhà sử học thực thụ với những công trình tổng kết về lý luận, đặc biệt là những tập hồi ức của ông, có thể nói là những kho sử chứa đựng rất nhiều chất liệu để cho đời sau.. Từ hơn hai chục năm nay, ông là Chủ tịch danh dự của Hội Sử học Việt Nam và tham gia rất nhiều hoạt động sử học như một người thầy thực thụ của giới sử chúng tôi".
Tầm nhìn chiến lược về khoa học
Năm 1977, hai năm sau khi thống nhất đất nước, theo sự phân công của Đảng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhận công tác ở cương vị mới: Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực khoa học – kĩ thuật.
Bao nhiêu năm cầm quân đánh giặc, nhưng bản lĩnh của một trí thức lớn đã được khẳng định đầy thuyết phục qua thử thách mới này. Tuy những hạn chế của thời đại đã khiến nhiều chiến lược kinh tế của ông không thể thành hiện thực nhưng cho đến hôm nay, những tư duy của ông vẫn khiến chúng ta phải kính trọng về hàm lượng trí tuệ và con mắt chiến lược trong đó.
Từ những năm 1978, khi tư duy kinh tế thời chiến vẫn còn ngự trị trong toàn xã hội, ông đã nhìn thấy vấn đề “đẩy mạnh cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp nước ta”. Đại tướng đặc biệt nhấn mạnh đến mối quan hệ tổng hòa của các yếu tố đất - nước - rừng - biển trong việc giữ gìn hệ sinh thái và phát triển lâu dài.
Ông viết: "Nước ta nằm trên bờ biển Thái Bình Dương, cho nên đất, nước, rừng, biển đều có mối liên hệ qua lại và tác động lẫn nhau".
Trong một đất nước có bờ biển dài hơn 3.000 km với gần 80% dân số là nông dân, tư duy ấy không chỉ đảm bảo sự phát triển bền vững cho nền kinh tế, mà còn đảm bảo cho cuộc sống lâu dài của mỗi người dân. Giờ đây, những suy nghĩ từ cách đây hơn 30 năm ấy mới bắt đầu đi vào cuộc sống.
Nếu trong chiến tranh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nổi tiếng với khả năng nhìn thấy điểm yếu và tấn công điểm yếu của kẻ địch thì trong thời bình, người trí thức ấy lại tìm ra những thế mạnh nổi trội của nền kinh tế. Ngoài chiến lược về nông nghiệp, Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn đề xuất một chiến lược về Kinh tế biển và Khoa học kỹ thuật về biển. Trong đó, việc mở đường ra biển, làm ăn kinh tế biển được kết hợp chặt chẽ với quốc phòng. Mục đích lâu dài là chuyển đổi cơ cấu kinh tế ven biển thành miền công nghiệp thủy sản trù phú. Cái nhìn ấy cũng đã cách đây hơn 30 năm và giờ đây chúng ta cũng đang đi những bước đầu tiên về phía biển…
Ngay từ năm 1985, Đại tướng đưa ra những kiến nghị sâu sắc về việc đổi mới quản lý trong khoa học và giáo dục, trong đó Đại tướng nhấn mạnh đến việc phải có chế độ trả công cho lao động khoa học tương xứng, chấm dứt việc thăng lương của thầy cô giáo, kỹ sư… lại thấp hơn cả thu nhập của thầy bói, thầy cúng. Đòi hỏi phải xây dựng một môi trường thật sự dân chủ đối với tư duy khoa học, trong đó việc tôn trọng trí thức, khuyến khích nhân tài đã được Đại tướng dày công xây dựng trong một bản chiến lược công bố từ tháng 1/1989, đến nay đã được gần 20 năm nhưng vẫn chưa bao giờ vơi đi tính thời sự.
GS Trần Văn Hà đã từng viết: Sau này, đọc các cuốn sử do người nước ngoài viết về Việt Nam, tôi thấy nhà báo, nhà sử học Benard Fall đã có một lời đánh giá rất xác đáng từ năm 1962 trong tác phẩm Võ Nguyên Giáp - con người và huyền thoại (Võ Nguyên Giáp - Man and Myth - New York F.P.Publishers, 1962): “Trong một tương lai có thể thấy trước, phương Tây chưa thể đào tạo được một vị tướng nào sánh kịp với Võ Nguyên Giáp”.
Ghi nhớ những lời căn dặn của Võ Đại tướng
Năm 1991, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nghỉ hưu ở tuổi 80 và thôi giữ các chức vụ trong Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, tâm huyết và trí tuệ của ông thì chưa bao giờ ngừng nghỉ. Cả cuộc đời ông đã hiến mình cho lý tưởng cách mạng và lý tưởng đó đã trở thành máu thịt trong ông. Dù tuổi cao, sức yếu nhưng trong cuộc sống, ông vẫn đồng hành cùng từng trăn trở, từng suy tư của người dân Việt Nam.
Giáo sư Hoàng Tụy kể lại: Sáng kiến về bản kiến nghị chấn hưng giáo dục do nhóm 24 nhà khoa học - trí thức gửi lên Chính phủ năm 2004, chính là lấy ý tưởng từ bản kiến nghị của Đại tướng gửi đến nhóm. Sau khi công bố, bản kiến nghị đã có một tiếng vang lớn, và một số những thay đổi về phân ban, chức danh Phó giáo sư, Giáo sư... đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện theo đề xuất của bản kiến nghị.
Công lao của Võ Đại tướng kể sao cho xiết. Chỉ xin thắp nén tâm nhang thành kính mong Đại tướng an nghỉ chốn vĩnh hằng. Sự nghiệp vẻ vang của Đại tướng còn mãi mãi trường tồn trong lịch sử của dân tộc này, trong tâm trí của mọi thế hệ hôm nay và mai sau.
Giới trí thức Việt Nam luôn ghi nhớ những lời căn dặn ân tình của Đại tướng để góp phần tích cực vào công cuộc đổi mới đất nước, sao cho đúng với ước nguyện mà Đại tướng hằng mong muốn. |