Nghị định số 186/2013/NĐ-CP do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký có 7 điều quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. So với Nghị định 07/2001/NĐ-CP, Nghị định mới thể hiện chi tiết vị trí và quyền tự chủ đại học của ĐHQG. Một số điểm mới của Nghị định 186/2013/NĐ-CP bao gồm:
- ĐHQG là cơ sở giáo dục đại học, là tổ hợp các trường đại học, viện nghiên cứu khoa học thành viên thuộc các lĩnh vực chuyên môn khác nhau, là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao, được Nhà nước ưu tiên đầu tư phát triển; ĐHQG có con dấu hình Quốc huy và là đầu mối được giao các chỉ tiêu ngân sách và kế hoạch.
- ĐHQG có nhiệm vụ nghiên cứu, cung cấp luận cứ khoa học nằm góp phần xây dựng các định hướng, chủ trương, chính sách, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. ĐHQG được đề xuất và thực hiện các chương trình nghiên cứu khoa học trọng điểm quốc gia theo quy định.
- ĐHQG được quyền tự chủ cao trong các hoạt động về đào tạo, nghiên cứu khoa học, tài chính, quan hệ quốc tế và tổ chức bộ máy. Đặc biệt, ĐHQG có cơ chế tài chính đặc thù do Thủ tướng Chính phủ quy định.
- Chủ tịch Hội đồng, Giám đốc, các Phó Giám đốc ĐHQG do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm. Hiệu trưởng và Viện trưởng các đơn vị thành viên, thủ trưởng và cấp phó các đơn vị trực thuộc do Giám đốc ĐHQG bổ nhiệm, miễn nhiệm.
- Giám đốc ĐHQG quyết định thành lập, giải thể, sáp nhập, chia tách các đơn vị trực thuộc ĐHQG trên cơ sở quyết nghị của Hội đồng ĐHQG.
Thời gian tới, trên cơ sở Nghị định số 186/2013/NĐ-CP về Đại học quốc gia, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và hai Đại học Quốc gia để xây dựng dự thảo Quy chế tổ chức và hoạt động của Đại học quốc gia và các cơ sở giáo dục đại học thành viên, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành, chính thức mở ra thời kỳ phát triển mới cho hai Đại học quốc gia./.
|