TIN TỨC & SỰ KIỆN
Tin tức   Tin tức chung 00:00:00 Ngày 02/02/2014 GMT+7
Người "Con" của "Thần rùa" Hồ Gươm
Hơn 20 năm qua, tên tuổi PGS.TS Hà Đình Đức, Khoa Sinh học, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) đãtrở nên quen thuộc không chỉ trong giới nghiên cứu khoa học mà còn cả nhiều người dân Thủ đô. Hơn hai thập niên qua, ông đã"dốc tâm, dốc trí và dốc sức" đi theo cụ rùa để ghi chép rất tỉ mỉ phục vụ quátrình nghiên cứu khoa học của mình. Ông cũng là người đầu tiên và gần như duy nhất nghiên cứu về Rùa Hồ Gươm một cách có hệ thống. Bởi vậy, nhiều người đã"gắn" cho ông rất nhiều biệt danh như: Giáo sư rùa, Nhà rùa học hay Đức rùa...
CƠ DUYÊN VỚI RÙA
Hà Đình Đức sinh năm 1940 (tuổi Canh Thìn), tại Thọ Xuân - Thanh Hoá, một vùng đất giàu truyền thống hiếu học. Cái tuổi được đánh giá "lận đận" về đường công danh, nhưng về sự nhiệt tình, say mê công việc thì ông lại có thừa. Với ông, đã đam mê việc gì thì đố ai cản nổi, phải làm cho kỳ được - kỳ hay mới thôi.
PGS.TS. Hà Đình Đức học đại học năm 1959, chuyên ngành động vật học và nghiên cứu sinh cũng ở chuyên ngành này. Cuộc đời giảng dạy và nghiên cứu khoa học đã giúp ông đi nhiều, đọc nhiều. Bởi vậy, những bài giảng về chuyên môn của ông rất sâu sắc, sinh động mang hơi thở từ thực tiễn cuộc sống. Không chỉ là một giảng viên tâm huyết với công việc trồng người, ông còn là một nhà nghiên cứu, một chuyên gia bảo vệ sinh vật quý ở Việt Nam, đặc biệt là rùa Hồ Gươm.
Mặc dầu, nghiên cứu về rùa không phải chuyên ngành chính của ông, song với sự đam mê, nỗ lực không ngừng ông đã trở thành một chuyên gia nghiên cứu về rùa học có uy tín ở trong và ngoài nước. PGS. Hà Đình Đức tâm sự: Cuộc đời tôi "rẽ hướng" mới kể từ khi được tận mắt chứng kiến cụ rùa thiêng nổi trên Hồ Gươm vào năm 1991. Tôi như bị "thôi miên", ngày càng thôi thúc mình phải có trách nhiệm với thần rùa. Và cũng thật "kỳ ngộ" vào cuối năm 1991, Công ty Dịch vụ khai thác Du lịch (thuộc Sở Văn hoá - Thông tin) Hà Nội mời tôi nghiên cứu rùa Hồ Gươm nhằm phục vụ cho việc khai thác và phát triển du lịch. Và rồi, tôi bắt đầu "dấn thân" vào nghiên cứu chuyên biệt về rùa từ đó cho đến hôm nay.
Cho đến nay, ông đã có hàng chục công trình khoa học "chuyên biệt" với hàng vạn trang viết về rùa Hồ Gươm. Bên cạnh đó, ông còn nghiên cứu về cảnh quan, văn hoá lịch sử và môi trường Hồ Gươm với nhiều luận cứ, luận chứng khoa học, đầy sức thuyết phục. Từ năm 2009 đến nay, ông đã đảm nhiệm nhiều công trình khoa học quan trọng của Thủ đô như: Chủ nhiệm Dự án "Phục hồi và ổn định môi trường Hồ Hoàn Kiếm - Dự án khả thi (VN 05/A07); Dự án Nghị định thư giữa Việt Nam và Cộng hoà Liên bang Đức (đã hoàn thành năm 2009); Thử nghiệm thành công và quyết định nạo vét bùn toàn bộ Hồ Hoàn Kiếm,.... được công luận và giới chuyên môn đánh giá cao.
Ông kể lại câu chuyện: Ngày 2/6/1967, một con rùa nổi lên ở gần phía Câu lạc bộ Thống Nhất, nơi có tượng Vua Lê. Hình như rùa muốn báo với đức Vua rằng: Nó đang gặp nạn. Nó mang một vết thương. Người ta vớt nó lên để cứu chữa. Tuy nhiên, do mải miết ngồi tranh luận thế này - thế khác, con rùa bị nằm phơi nắng lâu nên nó đã vĩnh viễn ra đi. Tiêu bản của nó được lưu giữ trong Đền Ngọc Sơn hiện nay. Đây là con rùa nước ngọt lớn nhất ở nước ta, có chiều dài 1,9m, rộng 1,1m, cao 0,3m, nặng tới 200kg. Phải chứng kiến cảnh đó, lòng tôi cuộn đau. Và rồi, tôi quyết tâm đầu tư thời gian công sức nghiên cứu, tìm hiểu về loài rùa này với nhiều câu hỏi: Nguồn gốc rùa từ đâu? Sinh trưởng và phát triển thế nào? Môi trường sống hiện tại của chúng ra sao?... Để cuối cùng đã tìm ra lời giải đáp cho câu hỏi: Làm thế nào để rùa Hồ Gươm tồn tại và phát triển.
Sau đó, ông một mình "mò mẫm" tìm kiếm nhiều nguồn tài liệu ở trong nước và xem xét rất kỹ từ lai lịch của nhiều chủng loại rùa, phân tích cấu trúc xương, mai để khẳng định nguồn gốc, độ tuổi,... Rồi ông tiếp tục nghiên cứu về môi trường sống của loài rùa như nguồn nước, thành phần các hợp chất trong nước... Đồng thời, ông còn liên kết với các nhà khoa học về rùa ở các nước như: Indonesia, Trung Quốc, Thái Lan, Lào... để so sánh và có những đánh giá chính xác về loài rùa Hồ Gươm ở Việt Nam. Từ đó, ông đã có những đề xuất đối với Chính phủ và các cơ quan chức năng có liên quan đưa ra những quyết sách hợp lý nhất nhằm bảo tồn loài rùa ở Hồ Gươm.
Theo ông, thời gian qua có rất nhiều ý kiến đưa ra về việc chế độ tảo, rong rêu đang bủa vây cụ rùa. Rồi đủ gạch đá, sắt thép nằm dưới đáy hồ làm khổ cụ, gây ra các mầm bệnh cho rùa... Lại có nhiều ý kiến của các nhà khoa học cho rằng: rùa ở Hồ Gươm là một loại có nguồn gốc từ Thượng Hải. Những ý kiến đó đã gây hoang mang đối với những người quan tâm đến rùa. Và ông đã có công trình giải mã một cách khoa học, xác thực và đầy thuyết phục về vấn đề trên. Ông khẳng định: Cụ rùa Hồ Gươm không phải là loại giải Thượng Hải với những bằng chứng khoa học được các nhà khoa học trong và ngoài nước đánh giá cao
ĐẾN...ĐỨA CON CỦA THẦN RÙA
Việc nghiên cứu cụ rùa với ông như "cái duyên trời định", để rồi ông gắn bó, chuyên tâm với công việc mình đã chọn về văn hoá lịch sử Hồ Gươm. Do vậy, những thay đổi của cụ rùa và Hồ Gươm theo chiều hướng không tích cực ông đều lên tiếng nhằm bảo vệ di sản lịch sử văn hoá bậc nhất của Thủ đô. Đến nay, mọi người đều thấy được tấm lòng của ông "Đức rùa" đều xuất phát từ cái tâm và cái đức của một nhà khoa học đích thực là vì tình yêu Hà Nội, vì cụ rùa thiêng. Bởi vậy, Đức rùa đã được cố nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc "tặng" ông biệt danh rất ý nghĩa: "Đứa con của thần Rùa Hồ Gươm".
Ông khẳng định: Công việc tôi đã, đang và vẫn tiếp tục nghiên cứu về cụ rùa bằng tất cả tấm lòng của một nhà khoa học với Thủ đô ngàn năm Văn hiến chứ không hề vụ lợi. Năm 1992 - 1993, tôi đã lên tiếng phản đối dự án nạo vét Hồ Gươm bằng cơ giới, đưa máy hút bùn HB16, cuốc 100.000m3 bùn ở Hồ Gươm đổ ra sông Hồng rồi bơm nước từ sông Hồng trở lại. Khi đó, tôi đã gửi tờ trình lên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) nêu rõ: "Công việc này có thể làm xáo trộn môi trường yên ổn xưa nay của loài rùa quý, thậm chí có thể diệt vong. Để bảo vệ loài rùa thiêng, tôi đề nghị tạm hoãn công việc nạo vét lòng hồ để tiến hành nghiên cứu tổng thể về đặc điểm sinh thái; sinh học và điều kiện sống của loài rùa; tham khảo ý kiến của các chuyên gia động vật học về vấn đề này".
Không những vậy, từ 2009 đến 2011, "Giáo sư rùa" đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo cụ rùa Hồ Gươm đang bị đầy đoạ. Bao nhiêu rác rưởi bủa vây lấy cụ rùa. Nhiều thứ vật liệu rắn như: gạch, đá, sắt thép nằm dưới đáy hồ tiếp tục làm "khổ" cụ. Nguy hiểm hơn mai cụ rùa đã bị rêu mốc ăn trắng xoá cần phải có biện pháp khẩn thiết cứu lấy rùa thiêng.
Đức rùa kể lại: Sau bao lần kiến nghị, trao đổi trực tiếp với người đứng đầu, cuối cùng, lời khẩn thiết của tôi cũng được UBND TP.Hà Nội ghi nhận. Ngày 15/2/2011, UBND TP.Hà Nội đã có ý kiến chỉ đạo các sở, ban, ngành tiến hành khảo sát hiện trường, xây dựng phương án và đề xuất thành lập tổ công tác liên ngành có giải pháp bắt, xử lý triệt để rùa tai đỏ tại Hồ Gươm. Tiếp thu ý kiến của các nhà khoa học và các tổ chức, cá nhân để hoàn thiện phương án kỹ thuật, bắt rùa tai đỏ và có giải pháp tổng thể chữa trị vết thương cho cụ rùa.
Gần 1/4 thế kỷ nghiên cứu về cụ rùa, văn hoá Hồ Gươm PGS. Hà Đình Đức có rất nhiều kỷ niệm. Nhưng với ông, kỷ niệm sâu sắc nhất và tâm đắc nhất đó là công việc cứu chữa cụ rùa năm 2011đã thành công. Ông nhớ lại: Lúc đó, công luận cũng như nhiều nhà khoa học tỏ vẻ nghi ngờ về công việc cứu chữa cho cụ. Nhưng tôi luôn có một niềm tin vững chắc và được minh chứng bằng một kết quả rõ ràng, cụ rùa khoẻ mạnh trở lại Hồ Gươm sau 100 ngày điều trị. Và công tác chữa bệnh cho cụ rùa được bình chọn là sự kiện môi trường nổi bật nhất năm 2011.
Cũng theo ông: Rùa Hồ Gươm là loài rùa mới cho khoa học thế giới. Rùa ở đây về mặt hình thái hoàn toàn khác với loài giải Thượng Hải và rùa Đông Mô. Tôi đã cho công bố trên tạp chí Khảo cổ học số 4/2000 đặt tên khoa học là Rafetus leloii và công bố tại Hội thảo Quốc tế: "Phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội Văn hiến - Anh hùng - Vì hoà bình" trong dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Bên cạnh đó, ông còn là người có bộ sưu tập ảnh rùa Hồ Gươm nhiều vào loại bậc nhất ở nước ta với hàng ngàn bức ảnh. Trong đó, có hàng trăm bức ảnh cụ rùa nổi vào những thời khắc quan trọng của đất nước được ông lưu lại và chú thích rất rõ ràng (ngày, tháng và giờ chụp).

- PGS.TS Hà Đình Đức vinh dự được nhận giải thưởng "Bùi Xuân Phái vì Tình yêu Hà Nội" năm 2011.
- Đầu tháng 10/2012, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Hà Nội đãvinh danh ông là "Công dân Thủ đô ưu tú".
- Ông là người dành thời gian theo dõi, nghiên cứu sớm nhất về rùa Hồ Gươm và cho công bố 6 công trình nghiên cứu cấp Quốc gia về Hồ Gươm, viết hơn 200 bài viết và hàng ngàn bức ảnh về cụ rùa thiêng.

 Đài Sơn - Bản tin ĐHQGHN số 274 - 275
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ