Chủ trì hội thảo là đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc; đồng chí Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; đồng chí Nguyễn Văn Bình - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; đồng chí Triệu Tài Vinh - Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang; đồng chí Đàm Văn Bông - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang.
Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo các Ban, Bộ, Ngành Trung ương và các nhà quản lý, các nhà khoa học, doanh nghiệp đến từ các vùng miền trong cả nước. Đây là hội thảo có quy mô lớn nhất về phát triển kinh tế - xã hội tại tỉnh Hà Giang từ trước tới nay.
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Triệu Tài Vinh - Bí thư Tỉnh uỷ Hà Giang tin tưởng rằng hội thảo sẽ cung cấp cơ sở khoa học tin cậy để Tỉnh hoàn thiện kế hoạch, đề án tổng thể phát triển tỉnh Hà Giang, trong đó xác định rõ định hướng phát triển và các cơ chế, chính sách đặc thù cho Tỉnh.
Tại hội thảo, Giám đốc Phùng Xuân Nhạ đã phân tích cụ thể các vấn đề: Tại sao Hà Giang vẫn chưa phát triển được như mong muốn?; Giải pháp đột phá nào để Hà Giang phát huy các lợi thế về cây dược liệu, cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy và khu du lịch Công viên địa chất toàn cầu Đồng Văn; Vai trò của Chương trình Tây Bắc và ĐHQGHN đối với việc khai thác hiệu quả các lợi thế này?.
Sau khi phân tích rõ các vấn đề đã nêu, Giám đốc Phùng Xuân Nhạ kiến nghị với Chính phủ cần điều chỉnh, bổ sung qui hoạch kết nối không gian đảm bảo gắn kết Hà Giang với các tỉnh trong vùng và các địa phương biên giới 2 tỉnh (Vân Nam, Quảng Tây) của Trung quốc. Nhiệm vụ trọng tâm của điều chỉnh qui hoạch này là “mở rộng, nâng cấp và nắn cua” tuyến đường quốc lộ 2 nối thẳng giữa cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy chạy dọc qua Hà Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ, Hà Nội, Hải Phòng. Tuyến đường hành lang kinh tế này là “huyết mạch” liên kết Hà Giang với 2 tỉnh phía nam Trung Quốc và các tỉnh miền Bắc nước ta (thông qua các tuyến đường kết nối kiểu xương cá), nhờ đó đẩy mạnh hoạt động của cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy, kết nối Hà Giang với các tỉnh trong khai thác tiềm năng về cây dược liệu và du lịch. Đồng thời, Giám đốc cũng đề nghị Chính phủ cần ưu đãi cho Hà Giang một số chính sách đặc thù, trong đó đặc biệt là miễn giảm thuế đối với hàng hoá xuất nhập khẩu qua cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy trong một thời gian nhất định; cho phép cửa khẩu này được xây dựng và áp dụng qui chế khu kinh tế xuyên biên giới (như các cửa khẩu quốc tế Lào Cai và Lạng Sơn); áp dụng hợp tác công tư để nâng cấp hệ thống giao thông, hạ tầng du lịch, đầu tư phòng thí nghiệm trọng điểm KHCN để nghiên cứu, tách triết các hợp chất dược liệu… để hình thành các “chuỗi giá trị” trong vùng Tây Bắc.
Để góp phần thực hiện các kiến nghị nêu trên, Giám đốc Phùng Xuân Nhạ đã đề xuất Chương trình Tây Bắc sẽ cung cấp cơ sở dữ liệu tích hợp để điều chỉnh qui hoạch tiểu vùng, liên vùng; tham gia góp ý kiến hoàn thiện Báo cáo chính trị trình đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang cũng như các tỉnh trong vùng Tây Bắc. ĐHQGHN tổ chức nghiên cứu xây dựng luận chứng kinh tế kỹ thuật cho các nhiệm vụ đã kiến nghị. Đồng thời, phối hợp với tỉnh Hà Giang tiến hành khảo sát, đánh giá nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực của tỉnh để xây dựng, triển khai các chương trình đào tạo, bồi dưỡng thiết thực, hiệu quả. Các ý kiến của Giám đốc Phùng Xuân Nhạ đã được nhiều đại biểu quan tâm, đồng tình và được lựa chọn đưa vào ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tưởng Nguyễn Xuân Phúc.
Trong chuyến công tác này, Giám đốc Phùng Xuân Nhạ đã tham gia Đoàn công tác của Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc góp ý dự thảo báo cáo trình Đại hội đảng bộ tỉnh Tuyên Quang và đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Phú Thọ về chương trình hợp tác với tỉnh.
>>> Tin bài liên quan:
Mở hướng phát triển Kinh tế - Xã hội tỉnh Hà Giang
Hội thảo Phát triển KT-XH Hà Giang trong mối liên kết vùng Đông Bắc và Tây Bắc
PTT Nguyễn Xuân Phúc: Tin tưởng vào thành công của Chương trình KHCN phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc
Giám đốc ĐHQGHN tiếp và làm việc với lãnh đạo các tỉnh vùng Tây Bắc |