TIN TỨC & SỰ KIỆN
Tin tức   Tin tức chung 08:32:37 Ngày 28/04/2015 GMT+7
Cơ hội luôn rộng mở cho các thí sinh
Năm 2015, ĐHQGHN thống nhất dùng 1 bài thi đánh giá năng lực xét tuyển sinh đại học. Riêng thí sinh dự tuyển vào trường Đại học Ngoại ngữ - ĐHQGHN sẽ phải hoàn tất một số thủ tục khác biệt so với các năm trước. Để thí sinh hiểu rõ hơn về phương thức tuyển sinh năm nay của trường ĐHNN – ĐHQGHN, phóng viên đã có cuộc trao đổi với TS. Đỗ Tuấn Minh – Phó Hiệu trưởng phụ trách đào tạo của trường.

Xin ông cho biết một số điểm mới trong phương án tuyển sinh năm 2015 của trường Đại học Ngoại ngữ (ĐHNN) – ĐHQGHN?

Thứ nhất, sẽ có 2 đợt thi diễn ra từ trước và sau kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia: Đợt 1 từ ngày 30 - 31/5/, 01-02/6/2015, đợt 2 từ ngày 1 - 2/8/2015. Riêng với thí sinh dự tuyển vào trường ĐHNN, ngoài việc phải hoàn thành bài thi đánh giá năng lực chung của ĐHQGHN, thí sinh sẽ phải dự thi môn Ngoại ngữ vào sáng 30/5/2015 (đợt 1) và sáng 01/8/2015 (đợt 2). Sau khi dự thi môn Ngoại ngữ, thí sinh sẽ tiếp tục dự thi bài thi đánh giá năng lực (ĐGNL) vào một trong các buổi thi còn lại.

Bài kiểm tra đánh giá năng lực ngoại ngữ đã được công bố trên website của ĐHQGHN và trường ĐHNN. Định dạng này đối với các thí sinh vẫn hết sức quen thuộc trong 5 năm trở lại đây,

Nhà trường sẽ sử dụng kết quả của kì thi đánh giá năng lực chung để làm điểm sàn xét tuyển vào trường. Sau đó, căn cứ vào điểm bài thi ngoại ngữ để xét tuyển vào từng ngành.

Thứ hai, cũng theo Đề án đổi mới tuyển sinh đại học chính quy áp dụng từ năm 2015 của ĐHQGHN, sẽ có sự tách biệt giữa thi và tuyển. Sau khi thi xong, thí sinh sẽ nhận được phiếu báo kết quả của 2 bài thi: đánh giá năng lực và ngoại ngữ. Các em sẽ sử dụng kết quả đó để đăng ký 3 nguyện vọng vào trường ĐHNN trong đó ghi rõ từng nguyện vọng 1, 2, 3. Căn cứ vào đó, Nhà trường sẽ xét tuyển từ cao đến thấp cho đến khi hết chỉ tiêu.

Trong trường hợp thí sinh đã đủ điểm vào trường, nhưng chưa trúng nguyện vọng 1, sẽ được chuyển sang các nguyện vọng tiếp theo. Do vậy, cơ hội vào trường rất rộng mở với các thí sinh.

Thí sinh đăng ký dự tuyển vào trường ĐHNN năm nay có những lợi thế gì thưa ông?

Lợi thế đầu tiên là thí sinh được biết kết quả trước, thậm chí từ kết quả đó, một số thí sinh còn biết được mình có trúng tuyển vào ĐHQGHN hay không trước khi các em thi tốt nghiệp THPT. Tất nhiên, các em chỉ có thể trở thành sinh viên của trường ĐHNN - ĐHQGHN khi các em có kết quả đạt trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia.

Biết được kết quả sớm là điều hết sức thuận lợi về mặt tâm lý cho thí sinh. Từ đó, cơ hội của các em không những được nhân đôi mà còn nhân ba: 2 đợt thi của ĐHQGHN và kết quả thi tốt nghiệp THPT quốc gia.

Thí sinh có thể nguyện vọng 1 vào trường ĐHNN - ĐHQGHN sau đợt thi thứ nhất vào ngày 30 - 31/5 tới đây. Ngoài ra, các em hoàn toàn có thể sử dụng kết quả của kỳ thi THPT quốc gia cho những nguyện vọng khác, đăng ký vào các trường khác ngoài ĐHQGHN. Cuối cùng, như chúng tôi đã thông báo, sau đợt 1, còn đợt 2 được tổ chức vào ngày 1 - 2/8.

Chỉ tiêu của các ngành thuộc trường ĐHNN - ĐHQGHN năm nay có gì khác không thưa ông?

Trong hơn 5 năm trở lại đây, chỉ tiêu của trường vẫn duy trì ở mức ổn định là 1.200 chỉ tiêu trong đó các thông số liên quan tới chỉ tiêu của từng ngành chúng tôi đã công bố rộng rãi trên website của trường cũng như trong cuốn Những điều cần biết của ĐHQGHN.

Hồ sơ đăng ký dự thi, giấy báo dự thi, giấy báo kết quả…của thí sinh dự thi vào trường ĐHNN – ĐHQGHN có gì khác so với thí sinh dự thi các trường khác của ĐHQGHN?

Về cơ bản không có gì khác cả. Chỉ có lưu ý là với hồ sơ đăng ký dự thi vào trường ĐHNN, ở mục đăng ký dự thi, thí sinh phải tích vào phần đăng ký dự thi vào trường ĐHNN – ĐHQGHN. Ở mục đó có 6 thứ tiếng, thí sinh lựa chọn và đánh dấu vào thứ tiếng mình sẽ thi trong môn ngoại ngữ.

Với lệ phí thi, để thuận lợi cho thí sinh, chúng tôi đã quyết định khi các em đến 1 trong 7 địa điểm thi của ĐHQGHN mới phải nộp lệ phí là 35.000 đồng/môn ngoại ngữ.

Ngoài ra, các thí sinh dự thi vào trường ĐHNN sẽ nhận được phiếu báo dự thi tương tự như các thí sinh khác của ĐHQGHN. Tuy nhiên, các em sẽ nhận được 2 phiếu báo kết quả: của kì thi đánh giá năng lực chung và của môn ngoại ngữ.

Về thời điểm nhập học, chúng tôi sẽ căn cứ vào thời điểm có kết quả của 2 bài thi: đánh giá năng lực và ngoại ngữ, cân đối trên chỉ tiêu nhà trường có để dự kiến phần thí sinh trúng tuyển. Tinh thần chung là chúng tôi sẽ tổ chức cho các em nhập học sớm, không lâu sau khi thí sinh dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia.

Sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐHQGHN thực tập tại Phòng thí nghiêm Ngôn ngữ (Ảnh: Bùi Tuấn)

Được biết năm nay nhà trường sẽ tuyển thẳng một số học sinh thuộc các trường THPT chuyên ngoài ĐHQGHN. Ông có thể nói rõ hơn về chủ trương này?

Nhà trường đã làm công văn đề nghị ĐHQGHN chấp nhận cho trường dành 3% tổng số chỉ tiêu (36 em) để dành cho việc tuyển thẳng các em là học sinh ở các trường THPT chuyên ngoài 2 trường chuyên của ĐHQGHN. Con số trên tuy còn hạn chế, nhưng đã nhận được sự quan tâm rất lớn của các em học sinh.

Chúng tôi sẽ lựa chọn các trường THPT chuyên chất lượng dựa trên thống kê của Bộ Giáo dục – Đào tạo qua các năm. 3% này sẽ dành cho top 16/20 trường có điểm trung bình thi tuyển vào đại học cao.

Xin cảm ơn ông!

Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐHQGHN hiện có 579 giảng viên cơ hữu, bao gồm các giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ và thạc sỹ được đào tạo tại các nước bản ngữ.

Bằng nhiều hình thức đào tạo như chính quy dài hạn tập trung, tại chức, bồi dưỡng dài hạn, ngắn hạn, Trường đã cung cấp nguồn nhân lực chủ yếu cho việc giảng dạy ngoại ngữ ở các cấp bậc học từ giáo dục phổ thông, giáo dục trung học, cao đẳng, đại học, giáo dục chuyên nghiệp dạy nghề, cho các trường thuộc các lực lượng vũ trang (Quân đội, Công an), đáp ứng nhu cầu cán bộ ngoại ngữ cho các ngành ngoại giao, kinh tế, chính trị-xã hội, quốc phòng v.v Tính từ năm 1955 đến nay, Trường Đại học Ngoại ngữ - ĐHQGHN đã đào tạo được hàng vạn giáo viên, cán bộ ngoại ngữ tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc, tiếng Đức, tiếng Nhật, tiếng Hàn Quốc, tiếng Ả-Rập, tiếng Thái Lan ở các trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học. Hàng trăm sinh viên tốt nghiệp đã có các học vị Tiến sỹ khoa học, Tiến sỹ, trở thành các GS, PGS đầu ngành ngoại ngữ của cả nước. Nhiều cựu sinh viên của trường đang giữ những cương vị lãnh đạo cao trong Đảng, trong Chính phủ, trong các cơ quan Nhà nước, các doanh nghiệp Nhà nước, trong các liên doanh với nước ngoài.

 

 Minh Quân (thực hiện) - Bản tin ĐHQGHN
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ