TIN TỨC & SỰ KIỆN
Tin tức   Tin tức chung 00:00:00 Ngày 04/05/2015 GMT+7
Ký ức của một Sinh viên - Cựu chiến binh: tất cả những người xung quanh đều như anh em chung một mẹ, một nhà
Bốn mươi năm qua rồi nhưng những ngày tháng Tư năm 1975 vẫn sống lại trong tôi như một giấc mơ - Ký ức của PGS.TS Phạm Thành Hưng (*)

 

PGS.TS Phạm Thành Hưng

Trước hết phải nói rằng: Người lính hạnh phúc nhất là người được đánh đến trận cuối cùng, góp phần kết thúc chiến tranh, tận hưởng niềm vui giải phóng và giờ hòa bình đầu tiên. Số người lính may mắn đó không phải là nhiều. Phần lớn đều là những người đang đi dang dở cuộc chiến tranh, phải trở về, hoặc vì nhiệm vụ khác, không được cầm súng trong trận đánh cuối. Tôi thuộc số những người không may mắn đó.

Năm 1971, tôi thuộc số những sinh viên được động viên lên đường, bổ sung cho các đơn vị trong chiến trường Quảng Trị năm 1972. Trong buổi lễ xuất quân, lá cờ xuất quân trên khán đài trường tôi không may đổ rập. Mọi người nghĩ ngay đến điềm gở, giống như chuyện cờ súy đổ được nhắc nhiều trong các tiểu thuyết chương hồi đời Thanh , Trung Quốc. Là sinh viên học văn nên chúng tôi khi đó hay nảy ra trong đầu những ý nghĩ khác người thường, mà lần này là có phần lãng mạn cách mạng: Lá cờ đỏ từ trên cao rơi xuống đám lính áo xanh chúng tôi, nghĩa là Tổ quốc trao cờ cho chúng tôi vào chiến trường cắm lên bốt đồn thù(!). Trên đường vào chiến dịch, tôi nghĩ chuyến đi này mình sẽ chết hoặc sẽ thành một anh hùng. Nhưng rồi cuộc chiến cam go, khốc liệt đó không cho tôi cơ hội lập một chiến công lừng lẫy nào đó để thành anh hùng. Sau một số thành tích, chiến công lẻ tẻ, giống như nhiều đồng đội khác, cuối tháng 8 năm 1972, tôi đang sốt ruột chờ cơ hội lập công thì bị thương thêm lần nữa. Trước đó tôi đã hai lần bị thương nhẹ. Lần này thì thủng đầu, thủng cánh tay và thủng màng nhĩ. Ba lỗ thủng buộc tôi phải rời chiến trường đang nóng bỏng bom đạn và dầm dề máu người, cả ta lẫn Ngụy.

Ra Bắc, điều trị xong, tôi đã cố giấu vết thương để trở lại chiến trường hoặc để được đi học sỹ quan như nhiều bạn bè sinh viên khác. Nhưng cách trả lời quanh co, giấu diếm của tôi không qua mắt các bác sỹ quân y thuộc Hội đồng xác định thương tật Sư đoàn 308. Dù động cơ của tôi là trong sáng, chính đáng, nhưng lương tâm nghề nghiệp và trách nhiệm chuyên môn không cho các bác sỹ bỏ qua trường hợp phức tạp của tôi. Tôi vẫn phải nhận sổ thương binh, bị xếp vào danh sách những người yếu sức, không đủ sức chiến đấu. Có điều tỷ lệ thương tật của tôi bị hạ bớt đi một nửa. Không được đi học sỹ quan, tôi ngán ngẩm trở về đơn vị chờ quyết định mới.

Ngày tôi ra quân, nhận quyết định trở về trường học tiếp, là một ngày buồn thê lương. Vì sợ ảnh hưởng tư tưởng các chiến sỹ còn lại trong đại đội, chỉ huy đơn vị đã không tổ chức chia tay tôi. Tôi đeo ba lô đi bộ, ra bến xe khách với tâm trạng tủi hổ như một kẻ bị ruồng bỏ. Về học, tôi học kém hẳn so với mấy năm trước, vì không lấy lại được thăng bằng. Những điều thầy giảng trên giảng đường đối với tôi đều như giả tạo, vô nghĩa trước những điều đất nước đang cần, chiến trường đang cần.

Ngày nhập ngũ của sinh viên (ảnh tư liệu)

Thế rồi chiến dịch Hồ Chí Minh đến nhanh như cơn lốc. Tôi muốn trở về đơn vị, nhưng đại đoàn quân kiêu hãnh – Sư đoàn Quân tiên phong của tôi đã bỏ doanh trại, di chuyển từ lâu. Tôi chờ lệnh động viên nhưng đấy là lúc thế trận ta như chẻ tre, thừa quân, thừa súng mất rồi. Ngồi trên giảng đường, không bài giảng nào của các thầy lọt được vào tai chúng tôi. Tôi không nghe thầy, tôi nghe gió thổi ngoài cửa sổ. Từ phương trời nam xa xôi kia biết đâu vọng về tiếng súng của đồng đội sư đoàn tôi. Tôi không chép bài mà chép tên bạn: Nguyễn Chí Thành, Lê Đỗ Khanh, Phùng Huy Thịnh, Hoàng Nhuận Cầm... Tôi thầm kêu lên: chúng mày đang ở đâu, sao chúng mày sướng thế... Tôi ghen tị với những người đang dự trận đánh cuối cùng.

Ngày 30-4 năm 1975 đến với tôi vẫn như một giấc mơ. Mặc dù chiến dịch kéo dài gần một tháng, ta đánh giải phóng cuốn chiếu từng tỉnh miền Nam, nhưng tôi vẫn không hình dung nổi chiến tranh có thể kết thúc năm này. Ngửa mặt lên trời, nhìn trời xanh, mây trắng, tôi đã reo lên, ôm hôn nhiều người lạ. Tôi biết mình đang chứng kiến thời khắc lịch sử  hiếm hoi của dân tộc, đang hưởng hạnh phúc chung nên thấy tất cả những người xung quanh đều như anh em chung một mẹ, một nhà.

(*) PGS.TS Phạm Thành Hưng, hiện nay giảng dạy tại Khoa Văn học – Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐHQGHN, nguyên: Phó chủ nhiệm Khoa Báo chí, Tổng biên tập Bản tin Đại học Quốc gia Hà Nội, Tổng Biên tập – Phó Giám đốc Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội,

 

 Phạm Thành Hưng - VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ