>>> Chất lượng làm nên thương hiệu
Với sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực ngoại ngữ chất lượng cao từ bậc cử nhân cho đến tiến sĩ, xây dựng chương trình và tổ chức các khoá bồi dưỡng cán bộ ngoại ngữ chủ chốt và giáo viên ngoại ngữ phổ thông trong toàn quốc, nâng cao trình độ ngoại ngữ của xã hội, Trường đã tham gia tư vấn hoạch định chiến lược về giảng dạy ngoại ngữ, biên soạn chương trình đào tạo các ngành ngoại ngữ, tham gia biên soạn các bộ sách giáo khoa ngoại ngữ phổ thông, biên soạn hàng trăm bộ giáo trình ĐH và SĐH. Với việc tham gia và đóng góp vai trò nòng cột trong việc thực hiện Đề án ngoại ngữ 2020, Trường ĐH Ngoại ngữ đã thực hiện đúng trách nhiệm của một trường đầu ngành ngoại ngữ đối với công cuộc nâng cao năng lực ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân, là đơn vị tiên phong trong việc thực hiện sứ mệnh nâng cao năng lực ngoại ngữ quốc gia.
Tính từ năm 1955 đến nay, Trường ĐH Ngoại ngữ đã đào tạo được hàng vạn giáo viên, cán bộ ngoại ngữ tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc, tiếng Đức, tiếng Nhật, tiếng Hàn Quốc, tiếng Ả-rập, tiếng Thái Lan ở các trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học. Trường có đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhà khoa học đầu đàn, góp phần đặt nền tảng về nghiên cứu giáo dục ngoại ngữ, nghiên cứu ngôn ngữ học và quốc tế học ở Việt Nam. Nhiều cựu sinh viên của Trường đã trưởng thành và đang giữ những cương vị quan trọng trong xã hội.
Luôn đề cao văn hóa chất lượng, Trường ĐH Ngoại ngữ đã và đang thực hiện đổi mới mạnh mẽ nội dung, chương trình, phương pháp dạy - học, kiểm tra - đánh giá theo chuẩn quốc tế, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác đào tạo, đáp ứng nhu cầu cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự nghiệp giáo dục - đào tạo, cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Kiểm định chất lượng giáo dục theo tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế cũng được đặc biệt chú trọng.
Trường đang đi đầu trong việc triển khai thực hiện các chương trình đào tạo ngành kép, bằng kép với các đơn vị thành viên trong ĐHQGHN, mang lại nhiều cơ hội học tập cho người học, đáp ứng nhu cầu xã hội trong thời kỳ hội nhập, thực hiện chủ trương hợp tác, chia sẻ các nguồn lực, đảm bảo tính liên thông, liên kết trong toàn ĐHQGHN, đồng thời, cùng các đơn vị thành viên xây dựng một cộng đồng văn hóa ĐHQGHN.
Phát huy thế mạnh hợp tác nghiên cứu và liên kết đào tạo với gần 50 trường đại học, viện nghiên cứu và nhiều tổ chức phi chính phủ của nhiều nước trên thế giới, Trường đã và đang thực hiện các chương trình đào tạo liên kết quốc tế 2+ 2 ở bậc ĐH và 1 + 1 ở bậc SĐH với các trường ĐH: Picardie (Pháp), Southern Newhampshire (Mỹ), Sư phạm Thiểm Tây (Trung Quốc), Kookmin (Hàn Quốc) theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hoá, liên thông, phù hợp với thực tiễn Việt Nam trong tiến trình hội nhập với khu vực và quốc tế.
Hệ đào tạo THPT Chuyên Ngoại ngữ cũng là một điểm sáng của Trường. Học sinh chuyên ngoại ngữ đã đạt hơn 300 giải, huy chương các loại trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc tế, quốc gia về ngoại ngữ, trong đó có nhiều giải Nhất và huy chương Vàng. Hàng năm, tỉ lệ thi đỗ tốt nghiệp THPT đều đạt 100%, trúng tuyển vào đại học gần 100%. Nhiều học sinh đạt điểm tối đa, là thủ khoa kỳ thi tốt nghiệp THPT toàn quốc, kỳ thi tuyển sinh đại học.
Trong nghiên cứu khoa học, với 3 hướng nghiên cứu chính là giáo dục ngoại ngữ, ngôn ngữ học ứng dụng và quốc tế học, Trường đặt ra mục tiêu kiến tạo tri thức mới để giải quyết, đáp ứng nhu cầu của xã hội qua việc cung cấp các sản phẩm dịch vụ và xã hội. Trường đã tổ chức thành công nhiều hội thảo, hội nghị khoa học quốc gia và quốc tế, thu hút sự tham gia số lượng lớn các học giả, tạo uy tin cao cho Nhà trường. Số lượng công trình, đề tài nghiên cứu khoa học luôn tăng và phát triển cả về số lượng và chất lượng. Hàng năm, cán bộ, giáo viên nhà trường thực hiện nhiều đề tài NCKH. Hoạt động NCKH sinh viên phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều giải thưởng các cấp.
Trong những năm gần đây, Trường có nhiều công trình, sản phẩm khoa học công nghệ được ứng dụng chuyển giao, đáp ứng nhu cầu xã hội, tiêu biểu như chương trình Bồi dưỡng phương pháp giảng dạy tiếng Anh (Shaping the way we teach English) được phát trên truyền hình và mạng internet, mô hình đào tạo giáo viên tiếng Anh hiệu quả (chương trình cử nhân sư phạm tiếng Anh chất lượng cao), và bộ công cụ kiểm tra và đánh giá năng lực tiếng Anh VSTEP bậc 3 đến bậc 5 theo khung năng lực ngoại ngữ dành cho người Việt Nam – bước đột phá trong năng lực khảo thí ở Việt Nam. Những kết quả và đóng góp này khẳng định vị thế của Trường ĐH Ngoại ngữ, đóng góp quan trọng vào thành tích chung, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của ĐHQGHN trong nước và quốc tế.
Hoạt động hợp tác phát triển đã được triển khai rộng rãi và đi vào chiều sâu. Nhiều đơn vị trong Trường đã tích cực và chủ động tìm kiếm và thực hiện hợp tác với các đối tác trong nước và nước ngoài. Năm 2015, Trường đã tiếp nhận nguồn viện trợ nghiên cứu khoa học, phục vụ đào tạo của các trường ĐH và tổ chức quốc tế: quỹ Giao lưu quốc tế Nhật Bản, tổ chức JICA, Công ty Mitsui Bussan và các trường Đại học có ký kết hợp tác như ĐH Saga, ĐH Kumamoto Gakuen, ĐH Nara Joshi..., đặc biệt, Trường đã tiếp nhận và đưa vào sử dụng Trung tâm Văn hóa ULIS – Jonathan KS Choi do tập đoàn Sunwah (Hongkong) tài trợ. Trung tâm này sẽ tạo không gian học tập, nghiên cứu quốc tế hiện đại cho các cán bộ và sinh viên, giúp phát triển và nuôi dưỡng khả năng sáng tạo thông qua các hoạt động trao đổi văn hóa - học thuật, giao lưu thanh niên - sinh viên, góp phần thúc đẩy bồi dưỡng nguồn nhân lực và tăng cường hiểu biết văn hóa giữa các quốc gia.
Với những thành tích nổi bật đạt được trong 60 năm qua, Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐHQGHN vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất (2014), Huân chương Độc lập hạng Nhì (2005), Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen và Cờ thi đua của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Bằng khen của Giám đốc ĐHQGHN, nhiều Bằng khen của các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hà Giang, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Sơn La, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hòa Bình, Lào Cai, Quảng Ninh, Hải Phòng...và nhiều phần thưởng cao quí khác.
Phát huy truyền thống 60 năm xây dựng và phát triển, trong những năm tới, Trường ĐH Ngoại ngữ sẽ tiếp tục mở rộng, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu, tạo ra các giải pháp đột phá, vững bước là đơn vị đầu tàu trong nâng cao năng lực ngoại ngữ, góp phần vào sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo Việt Nam.
Trường ĐH Ngoại ngữ được thành lập năm 1955 với tên Trường Ngoại ngữ do Thứ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Khánh Toàn trực tiếp làm Hiệu trưởng. Năm 1958, Trường được sáp nhập vào Trường ĐH Sư phạm Hà Nội và trở thành Khoa Ngoại ngữ, sau đó phát triển thành 4 khoa ngoại ngữ (Nga văn, Trung văn, Anh văn và Pháp văn). Ngày 14/8/1967, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 128/CP thành lập Trường ĐH Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội trên cơ sở 4 khoa ngoại ngữ này. Ngày 10/12/1993, Chính phủ ban hành Nghị định số 97/CP thành lập ĐHQGHN trên cơ sở sáp nhập ba trường đại học: Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội và Trường ĐH Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội. Trường ĐH Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội có tên “Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐHQGHN” bắt đầu từ đây.
Trường có đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhà khoa học đầu đàn, góp phần đặt nền tảng về nghiên cứu giáo dục ngoại ngữ, nghiên cứu ngôn ngữ học và quốc tế học ở Việt Nam với gần 580 giảng viên; trong đó có 03 Giáo sư, 25 Phó Giáo sư, 93 Tiến sĩ và 404 Thạc sĩ. Trong số cán bộ của Trường có 4 nhà giáo Nhân dân, 7 nhà giáo Ưu tú. Hiện nay, số cán bộ trẻ dưới 40 tuổi chiếm đa số (gần 60% tổng số cán bộ viên chức). Ngoài ra, hàng năm, Trường thu hút khoảng 25 đến 30 giảng viên, chuyên gia nước ngoài đến công tác lâu dài hay thỉnh giảng tại Trường.
Trường ĐH Ngoại ngữ có 11 khoa đào tạo, 02 bộ môn trực thuộc, 05 trung tâm nghiên cứu khoa học và đào tạo, và Trường THPT chuyên Ngoại ngữ. Cùng với việc duy trì và phát triển 4 ngành đào tạo truyền thống (tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc), Nhà trường đã mở một số ngành mới (tiếng Đức, tiếng Nhật, tiếng Hàn Quốc, tiếng Ả Rập), triển khai dạy tiếng Thái Lan (như ngoại ngữ 2) và phát triển dạy tiếng Việt cho người nước ngoài.
Trường có 22 ngành đào tạo đại học, 10 ngành đào tạo sau đại học thạc sĩ và 8 ngành đào tạo tiến sĩ. Hiện nay, trường đang đào tạo 600 nghiên cứu sinh, học viên sau đại học, 4.700 sinh viên hệ chính quy, 1.400 học sinh THPT Chuyên Ngoại ngữ, gần 100 lưu học sinh nước ngoài.
|
|