TIN TỨC & SỰ KIỆN
Tin tức   Tin tức chung 10:37:46 Ngày 15/12/2016 GMT+7
Việt Nam phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi toàn cầu
Cổng Thông tin điện tử ĐHQGHN trân trọng giới thiệu Diễn văn khai mạc của Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn tại Hội thảo Quốc tế Việt Nam học lần thứ 5 với chủ đề “Phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi toàn cầu”. Hội thảo diễn ra trong 2 ngày, 15/12 và 16/12/2016.

Kính thưa ông Vũ Đức Đam - Ủy viên BCH TƯ Đảng Cộng sản Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ

Kính thưa ông Phùng Xuân Nhạ - Ủy viên BCH TƯ Đảng Cộng sản Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo

Kính thưa các vị lãnh đạo các bộ, ngành, các cơ quan Việt Nam và nước ngoài, lãnh đạo các cơ quan phối hợp tổ chức Hội thảo

Kính thưa các nhà khoa học tham dự Hội thảo!

Trước hết, thay mặt cho lãnh đạo Đại học Quốc gia Hà Nội và các cơ quan tổ chức Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ 5, tôi trân trọng gửi tới toàn thể quý vị khách quý, các nhà khoa học quốc tế và Việt Nam lời chào mừng nồng nhiệt.

Kính thưa các quý vị

Năm 1998, Hội thảo quốc tế về Việt Nam học lần đầu được tổ chức với quy mô lớn. Tiếp sau đó, Hội thảo được tổ chức khá đều đặn theo chu kỳ 4 năm. Đây là diễn đàn học thuật của các nhà nghiên cứu Việt Nam trên toàn thế giới, là điểm hội tụ giao lưu và trao đổi thành quả nghiên cứu, trao đổi phương pháp nghiên cứu cùng các vấn đề cùng quan tâm. Mỗi một kỳ hội thảo là một mốc làm gia tăng sự hiểu biết của các học giả về Việt Nam và là dịp mà Việt Nam tự ý thức, tự khám phá sâu hơn về chính mình. Điều đó có ý nghĩa quan trọng cho các vấn đề khoa học và thực tiễn ở Việt Nam.

Tại thời điểm này, Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức của sự phát triển và hội nhập, của những thách thức riêng mang tính quốc gia, tính khu vực và những thách thức có tính toàn cầu như: tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, bài toán về phát triển bền vững và tốc độ tăng trưởng, sự hòa hợp của quốc tế và khu vực trong giải quyết khủng bố, đói nghèo, các vấn đề văn hóa, tôn giáo và các dịch bệnh hay sự ra đời của cuộc các mạng công nghiệp lần thứ 4… Việc có được quyết sách phù hợp, trên cơ sở các luận cứ, luận chứng khoa học và thuyết phục, để tận dụng thời cơ và biến các thách thức trở thành lợi thế phát triển là vấn đề đang được đặt ra một cách cấp bách. Trong bối cảnh đó, việc tổ chức Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ 5, một mặt, thể hiện nguyện vọng của các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế về cơ hội trình bày và trao đổi về những kết quả nghiên cứu với các đồng nghiệp về các vấn đề liên quan đến sự phát triển của Việt Nam, và mặt khác, thảo luận về nhiều vấn đề thực tiễn cấp bách đang đặt ra đối Việt Nam trong quá trình phát triển và hội nhập quốc tế.

Chủ đề chính của Hội thảo lần này là Phát triển bền vững trong bối cảnh của biến đổi toàn cầu”, thể hiện sự nắm bắt nhu cầu học thuật và nhu cầu thực tiễn phát triển Việt nam của những người tổ chức hội thảo. Chủ đề của Hội thảo như vậy đã nhấn mạnh tới việc nghiên cứu Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu, đặt nghiên cứu Việt Nam trong các tương quan và bối cành rộng lớn của thế giới. Với quan điểm xem khoa học và công nghệ là động lực, đóng vai trò khơi nguồn cho sự phát triển của mỗi quốc gia, chúng tôi nhận thấy trong bối cảnh thế giới đa cực hóa, kinh tế toàn cầu hóa, văn hóa đa nguyên hóa, vận mệnh của mỗi quốc gia không chỉ có liên quan tới quốc gia đó, mà liên quan mật thiết với toàn thế giới, các nhà khoa học đem trí tuệ và tình cảm của mình đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam cũng chính là đóng góp cho sự thịnh vượng chung của khu vực và trên toàn thế giới.

Đó cũng chính là tinh thần đổi mới của Hội thảo lần này. Nếu các hội thảo trước đây chủ yếu tập trung vào lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn thì hội thảo lần này tập trung vào các lĩnh vực rộng lớn hơn, hướng tới việc tư vấn cho các cơ quan hoạch định chính sách của Việt Nam giải quyết tốt nhất các vấn đề thuộc phạm vi rộng lớn hơn, gồm cả các vấn đề khoa học và chuyển giao công nghệ. Với tinh thần đó, Hội thảo lần này tập trung thảo luận 06 chủ đề lớn, bao gồm: Ngoại giao, hợp tác và hội nhập quốc tế; Nguồn lực văn hóa; Giáo dục và phát triển nguồn nhân lực; Chuyển giao tri thức và công nghệ; Kinh tế và sinh kế; Ứng phó biến đổi khí hậu. Các chủ đề ấy cụ thể là:

Trong lĩnh vực Ngoại giao, hợp tác và hội nhập quốc tế, Hội thảo tập trung vào các vấn đề liên quan đến mối quan hệ chiến lược giữa Việt Nam và các nước trong trật tự khu vực; vấn đề chủ quyền ở Biển Đông và an ninh biên giới, hải đảo; vấn đề ngoại giao văn hóa và vai trò của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ...

Trong lĩnh vực văn hóa, Hội thảo hướng đến những nghiên cứu, phát hiện nhằm cung cấp những luận cứ khoa học giúp cho việc hoạch định chiến lược đưa văn hóa trở thành một nguồn lực của sự phát triển, trở thành mỏ neo giữ vững tinh thần dân tộc và bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống. Theo đó, các vấn đề sau đây được các nhà khoa học đặc biệt quan tâm, thảo luận: cấu trúc, dạng thức và phương thức phát huy nguồn lực văn hóa; giao lưu và tiếp biến văn hóa; sự phát triển của hệ giá trị Việt Nam; phát triển công nghiệp văn hoá ở Việt Nam; nhân cách, lối sống người Việt và các xu hướng phát triển; Bản sắc văn hóa và hội nhập quốc tế; Phát triển văn hóa gắn với phát triển du lịch và kinh tế vùng.

Trong lĩnh vực giáo dục và phát triển nguồn nhân lực, hơn lúc nào hết, Chính phủ và các bộ ngành đang đặc biệt quan tâm đến các vấn đề như: Chính sách và nguồn lực giáo dục; Giáo dục sáng tạo và khởi nghiệp; Phân tầng và tự chủ đại học; Hội nhập quốc tế trong giáo dục đại học; xây dựng xã hội học tập ...

Về nội dung chuyển giao tri thức và công nghệ, những vấn đề mà Việt Nam đang phải ưu tiên giải quyết bao gồm: Chuyển giao và nhập khẩu công nghệ; Phát triển khoa học và công nghệ như là động lực của sự phát triển; Vấn đề sở hữu trí tuệ và các rào cản trong phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ; Chính sách và nguồn lực phát triển thị trường khoa học và công nghệ; các công nghệ chiến lược của Việt Nam; hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp.

Trong số các vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế và sinh kế, vấn đề đổi mới mô hình tăng trưởng đang được Đảng, Chính phủ đặc biệt quan tâm và cần đến sự tham vấn của các nhà khoa học, các chuyên gia tư vấn chính sách. Các vấn đề quan trọng khác như: Khai thác lợi thế cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh hội nhập Kinh tế vĩ mô Việt Nam; Kinh tế ngành và lĩnh vực ở Việt Nam; …

Cuối cùng là vấn đề mang tính chất toàn cầu và có ảnh hưởng lớn tới mọi mặt của đời sống xã hội: Biến đổi khí hậu. Đối với vấn đề này, nhữngđánh giá, dự báo khả năng và giải pháp thích ứng, chống chịu với biến đổi khí hậu; các định hướng kinh tế và mô hình sinh kế thích ứng biến đổi khí hậu được đặc biệt quan tâm và đưa vào chương trình thảo luận của Hội thảo.

So với 4 lần Hội thảo trước, Hội thảo lần này lớn hơn về quy mô và phong phú hơn về nội dung khoa học. Trong quá trình chuẩn bị Hội thảo, Ban Tổ chức đó nhận được 834 bản tóm tắt báo cáo và gần 500 báo cáo toàn văn, trong đó có gần 150 báo cáo của các học giả nước ngoài đến từ trên 30 quốc gia và vùng lãnh thổ. Sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học, sự phong phú về nội dung khoa học thể hiện sự quan tâm của các nhà Việt Nam học trong nước và quốc tế đối với sự phát triển của Việt Nam. Đây là dấu hiệu tốt, hứa hẹn Hội thảo sẽ diễn ra thật sự sôi động và tràn đầy không khí khoa học.

Kính thưa quý vị!

Chúng tôi hy vọng rằng Hội thảo lần này sẽ tiếp nối sự thành công của 4 lần Hội thảo trước trên tất cả các phương diện. Chúng tôi cũng kỳ vọng rằng hội thảo đem lại cho các học giả những ấn tượng mới, thông tin mới về Việt Nam. Chúng tôi cũng mong rằng hội thảo tăng cường quan hệ giao lưu giữa cộng đồng, mạng lưới các nhà nghiên cứu Việt Nam trên toàn thế giới, thúc đẩy lĩnh vực Việt Nam học phát triển trên phạm vi toàn cầu. ĐHQGHN một trung tâm nghiên cứu và đào tạo đa ngành, có Viện Nghiên cứu Việt Nam học & Khoa học Phát triển và Khoa Việt Nam học vào loại lớn nhất cả nước mong muốn làm trung tâm kết nối và hỗ trợ và phát triển hoạt động nghiên cứu của mạng lưới các nhà Việt Nam học. Chúng tôi cho rằng, không chỉ đợi tới các kỳ Hội thảo Việt Nam học lớn định kỳ 4 năm, các hội thảo quy mô nhỏ, chuyên ngành sâu, tọa đàm nhóm, trao đổi học giả thường xuyên cho các lĩnh vực của nghiên cứu Việt Nam học cũng là hết sức cần thiết. Hiện nay, ĐHQGHN đang xúc tiến xây dựng Trung tâm tư liệu nghiên cứu Việt Nam học lớn của Việt Nam, đặt tại Hòa Lạc, chúng tôi rất mong các học giả trên toàn thế giới bằng hiểu biết, kinh nghiệm của mình hãy hỗ trợ thông tin, chỉ nguồn và trợ giúp cho chúng tôi trong việc khai thác, tập hợp. Mong một ngày gần nhất Trung tâm đi vào hoạt động và sẽ thành nơi hội tụ thường xuyên của các nhà Việt Nam học trên toàn thế giới.

Kính thưa các quý vị,

Trong quá trình chuẩn bị Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ 5, Đại học Quốc gia Hà Nội đã nhận được sự quan tâm, giúp đỡ nhiều mặt của các cơ quan Bộ ban ngành trung ương và các địa phương, các trường đại học và viện nghiên cứu khoa học trong nước và quốc tế. Thay mặt cơ quan chủ trì Hội thảo, tôi xin trân trọng cảm ơn Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các cơ quan Trung ương và địa phương. Tôi cũng xin cảm ơn các vị đại sứ, đại diện các tổ chức quốc tế, đại diện các cơ quan tài trợ. Lời cảm ơn chân thành cũng xin được gửi tới các nhà khoa học trong nước và quốc tế đã gửi báo cáo khoa học đến tham dự Hội thảo. Cảm ơn các cơ quan truyền thông, các hãng thông tấn báo chí trong nước và quốc tế đã đến tham dự, đưa tin về Hội thảo.

Kính chúc các đồng chí Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các quý vị đại biểu, các nhà khoa học dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và thành công.

Tôi xin tuyên bố khai mạc Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ 5.

Trân trọng cảm ơn!

 Ảnh: Bùi Tuấn - VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ