Tới dự hội nghị có đ/c Huỳnh Thành Đạt- Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Giám đốc ĐHQG Thành phố Hồ Chí Minh; đ/c Triệu Văn Cường - Thứ trưởng Bộ Nội vụ cùng các đồng chí đại diện lãnh đạo Văn phòng TW Đảng, Văn phòng Chính phủ; đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành trung ương, thành phố Hà Nội, các đơn vị liên kết, hợp tác với ĐHQGHN. Về phía ĐHQGHN có Ban Giám đốc, lãnh đạo Văn phòng và các ban chức năng của ĐHQGHN, lãnh đạo các đơn vị thành viên và trực thuộc ĐHQGHN cùng đông đảo cán bộ công chức, viên chức đang công tác tại ĐHQGHN. Phát biểu khai mạc hội nghị, Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn cho biết: “Trên cơ sở các đánh giá các kết quả đã đạt được, phân tích những mặt còn hạn chế của năm 2016 trên các mặt công tác, hội nghị sẽ thảo luận, đề xuất các giải pháp phù hợp nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu, các nhiệm vụ trọng tâm đề ra trong năm 2017”. Tại hội nghị, Phó Giám đốc Lê Quân đã trình bày Báo cáo tổng kết công tác năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017 của ĐHQGHN. Trong đó, Phó Giám đốc đã điểm lại kết quả hoạt động nổi bật các mảng công tác trong năm 2016 và thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới. Với quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, đồng thời bám sát các Nghị quyết của Trung ương, Chương trình hành động của Chính phủ về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục & đào tạo, phát triển khoa học & công nghệ, năm 2016, ĐHQGHN đã cụ thể hóa bằng những việc làm thiết thực và hiệu quả, qua đó đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các mặt hoạt động, tiếp tục khẳng định vị thế của ĐHQGHN ở trong và ngoài nước. Các đại biểu tham dự hội nghĩ đã tán thành và thống nhất cao các nội dung của báo cáo tổng kết năm 2016 và đóng góp nhiều ý kiến cho kế hoạch nhiệm vụ năm 2017. Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên Phan Tuấn Nghĩa đề xuất các giải pháp thúc đẩy nghiên cứu khoa học và các hoạt động sáng tạo trong ĐHQGHN. Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Nguyễn Văn Kim điểm lại những điểm sáng của Nhà trường trong năm qua và thể hiện quyết tâm giữ vững vị thế hàng đầu Việt Nam về nghiên cứu Khoa học Xã hội và Nhân văn. Thể hiện sự đồng thuận, nhất trí cao với báo cáo tổng kết của ĐHQGHN, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ Đỗ Tuấn Minh mong muốn, các đơn vị thành viên và trực thuộc của ĐHQGHN cần tiếp tục cụ thể hóa phương châm của một đơn vị giáo dục hàng đầu cả nước: Kiến tạo – Sáng tạo – Khởi nghiệp. Cùng quan điểm nêu trên, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Nguyễn Hồng Sơn cho rằng, ĐHQGHN cần rà soát các điều kiện hỗ trợ để đảm bảo nhiệm vụ kiến tạo về mặt thể chế nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ đặt ra. Bên cạnh đó, ĐHQGHN cần hướng đến những dự án mang tầm quốc tế để mở rộng mối quan hệ hợp tác cũng như có cơ chế hỗ trợ kinh phí cho các nghiên cứu khoa học. Tại hội nghị, Phó Trưởng ban Đào tạo ĐHQGHN Nguyễn Thế Thảo trình bày đề xuất phát triển chương trình đào tạo chất lượng cao thu học phí đủ theo chi phí đào tạo, cân đối hài hòa giữa ngân sách với các ngành khoa học thuần túy. Trưởng ban Khoa học và Công nghệ ĐHQGHN Vũ Văn Tích trình bày các giải pháp nhằm khai thác có hiệu quả hệ thống trang thiết bị và phòng thí nghiệm phục vụ nghiên cứu và đào tạo. Kết luận hội nghị, đánh giá cao những thành tích trong các mảng công tác năm 2016, Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn chỉ đạo, các đơn vị cần phát huy những lợi thế, khắc phục những điểm hạn chế để thực hiện tốt chỉ tiêu kế hoạch nhiệm vụ năm 2017, cũng như phát huy tối đa thế mạnh của ĐHQGHN. Thời gian tới, bên cạnh các khó khăn, thách thức về điều kiện cơ sở vật chất và về nguồn lực, ĐHQGHN còn phải đối mặt với thách thức về xu hướng tự chủ đại học và cách mạng công nghiệp 4.0. Giám đốc Nguyễn Kim Sơn cho rằng, đây là một thách thức lớn nhưng cũng là cơ hội để ĐHQGHN phát huy vai trò và bứt phá phát triển. Trên tinh thần đó, Giám đốc ĐHQGHN đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm cho năm 2017 như sau: Một là, đẩy mạnh đổi mới quản trị đại học, hướng tới mô hình đại học 4.0. Trọng tâm là xây dựng và phát triển môi trường tự do học thuật để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo; tiếp tục duy trì và đầu tư cho sự phát triển của các ngành khoa học cơ bản. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, trên cơ sở xây dựng mới cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại, đồng bộ. Hai là, đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học, trong đó có xây dựng và triển khai thực hiện đề án đổi mới tổ chức đào tạo tiến sĩ theo hướng hội nhập, thông lệ quốc tế. Tăng cường phân tầng chất lượng các chương trình đào tạo và triển khai hiệu quả mô hình đào tạo chất lượng cao thu học phí tương ứng với chi phí đào tạo; đồng thời, triển khai đề án đổi mới công tác hỗ trợ sinh viên. Ba là, thực hiện đổi mới cơ chế quản lý khoa học và công nghệ. Nâng cao chất lượng hoạt động khoa học và công nghệ phục vụ đào tạo và nhu cầu thực tiễn: đầu tư phát triển các ấn phẩm khoa học xuất bản trên tạp chí quốc tế có tầm ảnh hưởng cao; triển khai các dự án quy mô lớn và các chương trình trọng điểm để tạo ra các sản phẩm khoa học và công nghệ có tầm ảnh hưởng lớn; tăng cường năng lực nghiên cứu và phát triển sản phẩm khoa học và công nghệ gắn với thương mại hóa và khởi nghiệp. Bốn là, đẩy mạnh công tác kiểm định các chương trình đào tạo theo chuẩn quốc gia và quốc tế; triển khai xếp hạng theo tiêu chuẩn QS-star đối với một số trường đại học thành viên. Năm là, đẩy mạnh việc điều chỉnh, sắp xếp lại tổ chức tại các đơn vị thành viên, đơn vị trực thuộc, trong đó tập trung hoàn thành việc thành lập Trường ĐH Luật trên cơ sở Khoa Luật và ưu tiên đầu tư phát triển cơ cấu tổ chức và hoạt động Trường ĐH Việt Nhật; ổn định tổ chức và hoạt động của các đơn vị mới: Viện Trần Nhân Tông, Viện Tài nguyên và Môi trường, cũng như các đơn vị được sắp xếp lại; kiện toàn hệ thống công nghệ thông tin và đẩy mạnh tin học hóa trong mọi hoạt động. Sáu là, đẩy mạnh công tác điều tra khả năng có việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp và hỗ trợ khởi nghiệp; có kết nối với doanh nghiệp nhằm đánh giá khả năng thích nghi với công việc của sinh viên. Đây là một trong những tiêu chuẩn đánh giá theo chuẩn khu vực và quốc tế mà ĐHQGHN đang hướng tới. Bảy là, tập trung triển khai các giải pháp thu hút nguồn lực cho việc xây dựng ĐHQGHN tại Hòa Lạc. Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn yêu cầu trong thời gian tới, các đơn vị trong ĐHQGHN cần tăng cường sự kết nối, hỗ trợ lẫn nhau, tạo sức mạnh tổng hợp để cùng chung tay góp sức thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu đặt ra với phương châm: Hành động nhiều hơn; Tốc độ nhanh hơn; Mạnh dạn dấn thân và Hiệu quả lớn hơn. Tại hội nghị, Giám đốc ĐHQGHN đã trao tặng Cờ thi đua của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Cờ thi đua của ĐHQGHN và Bằng khen của Giám đốc ĐHQGHN nhằm ghi nhận những thành tích và đóng góp của các tập thể và cá nhân của ĐHQGHN trong năm học vừa qua. Năm 2016, ĐHQGHN tiếp tục tổ chức 2 kỳ thi ĐGNL phục vụ tuyển sinh đại học chính quy. Theo thống kê, tỷ lệ thí sinh dự thi đạt 90,3%. Công tác xét tuyển được triển khai đồng bộ, sử dụng chung một phần mềm xét tuyển cho tất cả các đơn vị đào tạo. Công tác tuyển sinh được tổ chức an toàn, nghiêm túc, đúng Quy chế đảm bảo đáp ứng được mục tiêu đề ra. Việc tuyển sinh theo phương thức thi ĐGNL cũng được áp dụng và mở rộng cho 60 chuyên ngành đào tạo sau đại học. Công tác tổ chức thi được thực hiện bài bản, nghiêm túc, có sự phối hợp của các đơn vị trong ĐHQGHN. Đây là tiền đề quan trọng cho việc mở rộng phương thức tuyển sinh SĐH này trong các năm tiếp theo. Năm 2016, ĐHQGHN triển khai 131 Chương trình đào tạo (CTĐT) của 91 ngành học bậc đại học và 58 CTĐT bằng kép, trong đó có 03 ngành mở mới; triển khai 139 CTĐT bậc Thạc sĩ và 109 CTĐT bậc Tiến sĩ, trong đó có 03 chuyên ngành mới bậc Thạc sĩ và 04 ngành/chuyên ngành mới bậc Tiến sĩ. Các ngành mới đều tuyển sinh rất thành công, thu hút được sự quan tâm của người học và của xã hội. Cũng trong năm nay, học sinh và sinh viên ĐHQGHN đã giành nhiều giải thưởng trên trường quốc tế như: Hội thi khoa học Kỹ thuật quốc tế Intel ISEF 2016 tại Hoa Kỳ, cuộc thi phát minh sáng chế ở Đài Loan và sáng chế trẻ quốc tế tổ chức tại Hàn Quốc đã xuất sắc giành 07 HCV, 01 HCB, 02 HCĐ; đạt 01 HCV, 02 HCB và 03 HCĐ tại Olympic Tin học Châu Á – Thái Bình Dương (APIO 2016); 01 HCV tại Olympic Sinh học quốc tế (IBO 27); 01 HCV Olympic Hóa học quốc tế (IchO 48); 02 HCV, 01 HCB, 01 HCĐ tại Olympic Tin học quốc tế (IOI 28). ĐHQGHN đã hoàn thành việc quy hoạch hệ thống phòng thí nghiệm (PTN), trên cơ sở đó đã thành lập 07 PTN trọng điểm cấp ĐHQGHN, 03 PTN hợp tác với doanh nghiệp, 04 PTN hợp tác quốc tế và triển khai mô hình đồng giám đốc quốc tế cho 03 PTN trọng điểm; ban hành Quyết định công nhận 02 nhóm nghiên cứu tiềm năng và 02 nhóm nghiên cứu mạnh cấp ĐHQGHN, nâng tổng số nhóm nghiên cứu mạnh cấp ĐHQGHN lên 23 nhóm. Các nhà khoa học của ĐHQGHN đã công bố 315 bài báo khoa học trong hệ thống Scopus/ISI với chỉ số trích dẫn trung bình đạt 3.89, chỉ số h-index đạt 27; xuất bản 41 sách chuyên khảo. Đặc biệt, ĐHQGHN có thêm 1 công trình khoa học về khoa học xã hội được đăng trên tạp chí Nature – tạp chí khoa học hàng đầu thế giới; nhiều sản phẩm khoa học đầy tâm huyết của các nhà khoa học, cựu sinh viên ĐHQGHN đã và đang chuyển giao, ứng dụng và giành nhiều giải thưởng KH&CN uy tín như Giải thưởng Tạ Quang Bửu, Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2016, Giải thưởng Sao Khuê 2016 , đóng góp vào sự phát triển kinh tế- xã hội của đất nước, Năm 2016 đã chứng kiến nhiều hoạt động đối ngoại quan trọng của ĐHQGHN, nhiều nhà khoa học, chính khách quốc tế nổi tiếng như Tổng thống Cộng hòa Pháp, Tổng thống Ai-len đã đến thăm và giao lưu với cán bộ, sinh viên ĐHQGHN. Nhiều chương trình, dự án quốc tế trọng điểm của ĐHQGHN được triển khai như Chương trình nghiên cứu Trung Quốc, Dự án khu giáo dục Quốc tế. Bên cạnh đó, ĐHQGHN cũng đã thực hiện tốt nghĩa vụ và cam kết với các tổ chức/hiệp hội quốc tế trong vai trò là thành viên tích cự của AUF, AUN, SATU, UMAP…đặc biệt trong năm 2016, ĐHQGHN đã tham gia vào Mạng lưới các trường đại học ASEAN-EU- Fukuoka. Ngoài ra, hoạt động hợp tác với các địa phương và doanh nghiệp trong nước như Tập đoàn Vingroup, tỉnh Hòa Bình, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc… cũng được đẩy mạnh thông qua hoạt động phối hợp triển khai các đề án nghiên cứu cơ bản và ứng dụng, hỗ trợ học bổng sinh viên, tổ chức các lớp đào tạo bồi dưỡng nâng cao năng lực lãnh đạo quản lý cho cán bộ các cấp ở các địa phương. Năm 2016, có 36 cán bộ khoa học được công nhận đạt chuẩn chức danh GS, PGS (08 GS và 28 PGS), nâng tỷ lệ cán bộ khoa học có học hàm PGS, GS của ĐHQGHN lên 20% (cao gấp 3 lần tỷ lệ trung bình của cả nước); tỷ lệ cán bộ khoa học có trình độ TS và TSKH đạt 49,5%; tỷ lệ cán bộ khoa học có bài báo, công trình khoa học được đăng hoặc công bố trong các TCKH, kỷ yếu và hội thảo quốc tế đạt 34,3%. Cũng trong năm 2016 ĐHQGHN được Chính phủ ký Quyết định thành lập mới 02 Viện: Viện Trần Nhân Tông, Viện Tài nguyên và Môi trường (nâng cấp trên cơ sở Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường); đồng thời Chính phủ đồng ý chủ trương thành lập Trường ĐH Luật trên cơ sở Khoa Luật thuộc ĐHQGHN. Cùng với đó, UBND TP.Hà Nội đã ban hành Quyết định thành lập Trường THPT Khoa học Giáo dục, thuộc Trường ĐH Giáo dục. 03 CTĐT của ĐHQGHN đã được kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn AUN, nâng tổng số CTĐT được kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn AUN của ĐHQGHN lên 18 chương trình. Đặc biệt, tháng 1/2017, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên sẽ là đơn vị đầu tiên của khu vực Đông Nam Á được đánh giá theo tiêu chuẩn AUN. Năm 2016, ĐHQGHN được Tổ chức QS xếp thứ 139 trong nhóm 150 trường đại học hàng đầu Châu Á. | >>> Các tin tức liên quan: - Sự kiện và thành tựu tiêu biểu của ĐHQGHN năm 2016 - Thông điệp của Giám đốc ĐHQGHN nhân dịp năm mới 2017 |