Báo cáo năm nay với chủ đề “Hiểu thị trường lao động để tăng năng suất” tập trung vào chủ đề năng suất lao động của Việt Nam trong bối cảnh quốc tế với quan điểm cho rằng cần phải hiểu rõ hơn thị trường lao động để lý giải chất lượng nguồn nhân lực và tiến trình năng suất tại Việt Nam.
Bên cạnh việc xem xét, nhận định tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam, Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2018 đi sâu đánh giá đặc điểm của quá trình thay đổi năng suất lao động trong hai thập kỷ hội nhập kinh tế và chọn lọc phân tích một số khía cạnh trên thị trường lao động của Việt Nam, đồng thời đưa ra các khuyến nghị chính sách ngắn hạn và dài hạn cho nền kinh tế.
Phát biểu tại hội thảo, Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn đánh giá cao nhóm tác giả, bằng trí tuệ, tâm huyết của mình đã không ngừng đóng góp cho các vấn đề của đất nước, góp phần nâng cao vị thế, danh tiếng của Trường ĐH Kinh tế nói riêng và ĐHQGHN nói chung. Đặc biệt, chủ đề của Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2018 tập trung vào chủ đề thị trường lao động, đó không chỉ là vấn đề thuộc lĩnh vực kinh tế mà còn là vấn đề ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực của quốc gia, trong đó có giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học.
Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Nguyễn Trúc Lê cho biết, Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2018 được thực hiện trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế đang trên đà phục hồi, cùng với xu hướng chung của nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, chất lượng tăng trưởng của Việt Nam vẫn còn thấp so với các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới, thông qua các chỉ số về hiệu quả sử dụng vốn và năng suất lao động xã hội. Vì thế, báo cáo năm 2018 tập trung xem xét các vấn đề liên quan đến thị trường lao động nhằm tăng trưởng năng suất lao động.
Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2018 bao gồm 7 chương và 2 phụ lục. Ngoài các phần về tổng quan kinh tế thế giới và Việt Nam, nhóm tác giả đã đưa ra các nhận định về đặc điểm của năng suất lao động Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế; mối quan hệ giữa lương tối thiểu và năng suất lao động tại Việt Nam.
Báo cáo cũng rà soát thực trạng và tìm hiểu động lực của các bên tham gia trong các chương trình đưa lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc. Báo cáo cung cấp hai kịch bản dự báo về viễn cảnh kinh tế vĩ mô ngắn hạn của Việt Nam trong năm 2018 và một số thảo luận chi tiết về các chính sách ngắn hạn đang được áp dụng hiện nay. Dự báo tăng trưởng của nền kinh tế nhiều khả năng đạt 6,83% năm 2018, với mức lạm phát cả năm 4,21%.
Tại buổi lễ công bố, Báo cáo nhận được nhiều ý kiến nhận xét, góp ý của các chuyên gia, nhà nghiên cứu chính sách kinh tế: PGS.TS Vũ Minh Khương, PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương, TS. Nguyễn Anh Tuấn, PGS.TS Đinh Quang Ty… Các ý kiến đều đánh giá cao nỗ lực của nhóm tác giả - là các nhà khoa học trẻ với bản báo cáo quy mô và chất lượng. Tuy nhiên, các chuyên gia gợi ý nhóm tác giả cần làm rõ thêm một số vấn đề như: cơ sở dạy nghề, sự chuyển dịch cơ cấu lao động, tiền lương tối thiểu và chính sách tiền lương cho thị trường lao động, các yếu tố ảnh hưởng đến tốc độ tăng năng suất lao động…
Tổng kết hội thảo, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Nguyễn Trúc Lê, nhấn mạnh: “Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam luôn nắm bắt những xu thế lớn của nền kinh tế Việt Nam, khu vực và thế giới trong suốt 10 năm qua phản ánh nỗ lực khoa học bền bỉ và nghiêm túc của nhóm chuyên gia trong mạng lưới nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thuộc Trường ĐH Kinh tế, ĐHQGHN”.
Từ năm 2009 đến nay, các kết quả nghiên cứu của báo cáo đều được chuyển giao cho Hội đồng Lý luận Trung ương.
Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam là chuỗi các báo cáo được xuất bản hàng năm nhằm tổng kết các vấn đề kinh tế lớn trong năm, đồng thời thảo luận về viễn cảnh kinh tế năm tới và đề xuất các chính sách liên quan. Đây là sản phẩm khoa học công nghệ chính trong chương trình nghiên cứu chiến lược của ĐHQGHN về “Lý thuyết và chính sách kinh tế vĩ mô trong điều kiện hội nhập kinh tế của Việt Nam”.
Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2018 do PGS.TS Nguyễn Đức Thành và GS.TS Ohno Kenechi (Nhật Bản) đồng chủ biên, là tài liệu tham khảo hữu ích cho các nhà quản lý, hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu cũng như công chúng quan tâm đến các vấn đề kinh tế vĩ mô tại Việt Nam.
Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2018 bao gồm 7 Chương và 2 Phụ lục. Kết cấu cụ thể:
Chương 1: Tổng quan kinh tế thế giới 2017
Chương 2: Tổng quan kinh tế Việt Nam 2017
Chương 3: Đặc điểm của năng suất lao động Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế
Chương 4: Mức độ tăng lương và năng suất lao động tại Việt Nam
Chương 5: Quyết định tham gia thị trường lao động và lựa chọn nghề của lao động trẻ
Chương 6: Thúc đẩy năng suất thông qua hội nhập thị trường lao động quốc tế
Chương 7: Viễn cảnh kinh tế Việt Nam 2018 và khuyến nghị chính sách
Báo cáo được cập nhật thông tin số liệu đến hết tháng 12/2017 và một số vấn đề thời sự được cập nhật hết Quý 1 năm 2018. Dự kiến báo cáo tiếng Việt đầy đủ sẽ được xuất bản trong tháng 9/2018, báo cáo tiếng Anh dự kiến xuất bản trong tháng 12/2018. Để biết thêm thông tin về Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam hoặc các sự kiện có liên quan, vui lòng truy cập website của VEPR tại địa chỉ www.vepr.org.vn.
|
>>> Các tin tức liên quan trên báo chí:
- VTV.vn: Hai kịch bản tăng trưởng cho kinh tế Việt Nam năm 2018
- Dân trí: Năng suất lao động Việt Nam thua Campuchia ở cả "niềm tự hào xuất khẩu"
- Người lao động: Năng suất lao động của Việt Nam đội sổ trong khu vực
- VnEconomy: Lương tăng nhanh hơn năng suất lao động: "Đáng lo ngại"
- VOV.vn: Năng suất lao động nhóm ngành nông nghiệp thấp nhất nền kinh tế
>>> Các tin tức liên quan trên website ĐHQGHN:
- Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam 2017: Đẩy nhanh cải cách vì một Nhà nước phát triển
- Hội thảo công bố Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2016: Thiết lập nền tảng mới cho tăng trưởng
- Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2015: Tiềm năng hội nhập, thách thức hòa nhập
- Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2014: Thúc đẩy cải cách để gỡ bỏ các ràng buộc tăng trưởng |