TIN TỨC & SỰ KIỆN
Tin tức   Tin tức chung 00:00:00 Ngày 12/04/2019 GMT+7
Truyền thông mới trong kỷ nguyên chuyển đổi số
Ngày 11/4/2019 tại Trung tâm Văn hóa Pháp (L’Espace) Hà Nội, Viện Quốc tế Pháp ngữ (IFI), ĐHQGHN đã tổ chức hội thảo “Truyền thông mới trong kỷ nguyên chuyển đổi số”. Trong khuôn khổ hội thảo nhiều diễn giả trong và ngoài nước tham dự đã đề cập đến nhiều tác động khác nhau của lĩnh vực truyền thông mới trong kỷ nguyên chuyển đổi số.

Truyền thông qua internet đã trở thành phổ biến và gần như chiếm lĩnh các hình thức của phương thức truyền thống

Môi trường trước tác động của truyền thông số

GS. Dominique Carré - Đại học Paris 13 đề cập đến một vấn đề thường bị bỏ qua đó là tác động tiêu cực của truyền thông số và tính siêu kết nối đối với môi trường.

Theo GS. Dominique Carré, Giám đốc Trường Khoa học truyền thông, Đại học Paris 13, truyền thông số hiện nay tác động tiêu cực đến môi trường thông qua việc sử dụng tài nguyên internet.

Hiện nay, công nghệ truyền thông trong thời kỳ số được cộng đồng cho rằng là truyền thông “sạch”, không gây ô nhiễm môi trường, do tất cả đều diễn ra trong môi trường số. Tuy nhiên, GS Dominique Carré cho rằng nhận định này không hoàn toàn là đúng.

Lấy ví dụ về quy trình chuyển một bức thư điện tử (email), GS Dominique chỉ ra quá trình chuyển một email sẽ phải trải qua rất nhiều trạm xử lý thông tin, qua các router, server và với khoảng cách càng xa thì lượng khí thải ra môi trường từ các thiết bị trung gian sẽ càng lớn. Đặc biệt các thiết bị làm mát các máy chủ, các server tiêu tốn rất nhiều điện năng.

 

GS. Dominique Carré, Giám đốc Trường Khoa học truyền thông, Đại học Paris 13 chia sẻ tại hội nghị

Nguồn điện năng hiện nay chủ yếu là từ nguồn nhiên liệu hóa thạch như than đá, như vậy với nguồn điện năng sử dụng càng nhiều thì đồng nghĩa với lượng khí thải từ các nhà máy đốt than cũng tăng lên, dẫn đến tăng lượng khí thải nhà kính.

Như vậy, để vận hành mạng lưới khổng lồ các server có nghĩa là những trung tâm dữ liệu này đang cần rất nhiều năng lượng và đồng thời chúng cũng tạo ra khối lượng khí thải nóng khổng lồ. Theo US Census, 75% dân số Mỹ có kết nối internet, trong khi đó theo Pew Research một nửa số người trưởng thành ở Mỹ sử dụng điện thoại di động của họ để lên mạng. Trong hi đó Trung Quốc trung bình có 200 triệu người dùng internet mới trong năm, trong khi 1.5% đến 3% năng lượng sản xuất ra được sử dụng để cấp điện cho mạng internet.

Đơn cử như mỗi chiếc điện thoại smartphone, tablet, laptop chúng ta đang sử dụng, cũng đang phát thải khí thải nhà kính ra môi trường. Công nghệ phát triển giúp chúng ta cải thiện hiệu suất sử dụng năng lượng tuy nhiên, nhưng mặt trái của công nghệ cũng tiêu tốn một lượng năng lượng khổng lồ gây ô nhiễm môi trường”

Trước xu hướng ô nhiễm môi trường từ các thiết bị công nghệ, nhiều hãng lớn công nghệ đã đưa ra giải pháp thân thiện hơn với môi trường khi xây dựng các khu máy chủ, server. 

Chuyển đổi số trong Chính phủ điện tử: Mô hình nào phù hợp với Việt Nam?

Mô hình ngang hàng được chuyên gia đề xuất là cách tiếp cận phù hợp để xây dựng nền tảng của chính phủ số bắt kịp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tại Việt Nam.

Theo TS.Tạ Tuấn Anh, Công ty cổ phần Phát triển nguồn mở và Dịch vụ FDS, Việt Nam đang có thời cơ nhưng cũng là thách thức để xây dựng được một chính phủ số hiện đại bắt kịp thời đại công nghiệp 4.0.

Quá trình chuyển đổi số đòi hỏi phải có sự đổi mới toàn diện về tư duy so với cách làm truyền thống của chính phủ điện tử. Ngoài ra bằng nội lực, chúng ta cũng phải có khả năng sáng tạo công nghệ, tự làm chủ việc thiết kế và xây dựng các nền tảng dùng riêng cho Việt Nam. 

TS.Tạ Tuấn Anh, Công ty cổ phần Phát triển nguồn mở và Dịch vụ FDS, Việt Nam trình bày tham luận tại hội thảo

Để hướng tới xã hội thông minh, theo hướng tiếp cận là xây dựng chính phủ số với 3 yếu tố: chính sách, nghiệp vụ và công nghệ, ông Tuấn Anh cho biết cần xây dựng Chính phủ số ứng dụng cho doanh nghiệp, công dân, cơ quan nhà nước... “Công nghệ là cái không còn đi sau cùng mà đi ngay thời điểm xác định chiến lược ban đầu”.

 Mạng xã hội và con người phi xã hội hóa

Tại hội thảo, TS.Ngô Tự Lập, Viện trưởng Viện Quốc tế Pháp Ngữ, ĐHQGHN chia sẻ, với yếu tố ẩn danh, mạng xã hội gần như mọi người ứng xử mà không cần phải tuân thủ các ràng buộc bởi các nguyên tắc giao tiếp truyền thống.

TS. Ngô Tự Lập, Viện trưởng Viện Quốc tế Pháp ngữ, ĐHQGHN chia sẻ thông tin về rác thông tin bất tử trong thời đại số

Nhưng xin hãy bắt đầu với sự hình thành ý thức của con người. Hãy hình dung, vào một thời điểm lịch sử nào đó, khi một con vượn dạng người phát hiện thấy những trái cây chín rụng, nó bèn nhặt ăn - đó là một hành động kiếm mồi thuần túy bản năng.

Nhưng ngày nay, dưới tác động của các công nghệ truyền thông mới, đặc biệt là internet, loài người đang chứng kiến một xu hướng chưa từng có, đang thúc đẩy con người ngày càng trở nên biệt lập với nhau và với các khuôn khổ tinh thần chung. Trong quá khứ, mọi hành vi ứng xử, mọi suy nghĩ của con người đều phải dựa trên những thước đo chung, những nguyên tắc chung mà nền tảng là những đại tự sự, thì bây giờ, với sự xuất hiện của mạng xã hội, điều đó đã chấm dứt. Với tính phổ cập, khả năng phát tán thông tin vô hạn và gần như tức thời, cùng với yếu tố ẩn danh, mạng xã hội cho phép gần như mọi người hành xử theo một phương thức hoàn toàn mới. Mỗi cá nhân đều có thể đưa ra những thông tin và phát ngôn nặc danh vô trách nhiệm, dần dần bị tách rời các hệ giá trị chung để hành xử không định hướng - một kiểu chuyển động Brown, ngẫu nhiên và hỗn loạn về mặt tinh thần – và không ngừng phát tán rác thông tin.

Sự suy giảm tính xã hội của các cá nhân – theo tôi, đó chính là hiểm họa lớn nhất mà mạng xã hội nói riêng và công nghệ thông tin nói chung đối với xã hội loài người.

TS.Ngô Tự Lập cho rằng, hiện nay chúng ta đang đối mặt với lượng rác thông tin bất tử trong thời đại số. Rác là một sản phẩm nhân tạo, có thể nói rằng lịch sử văn minh của nhân loại cũng là lịch sử của rác – từ rác vật thể đến rác phi vật thể, từ rác khả tử đến rác bất tử.

Trường đại học và mạng xã hội

Một trong những lĩnh vực nhạy cảm nhất hiện nay trong xã hội là giáo dục trong trường đại học. Mạng xã hội facebook đã và đang góp phần tạo ra những thay đổi trong xã hội, đồng thời cũng làm thay đổi cả quan hệ thầy – trò. Nhà trường hoàn toàn không còn quyền lực tuyệt đối, sinh viên qua mạng xã hội bình đẳng hơn với nhà trường, có quyền suy xét, đánh giá phê bình nhà trường. Trong tương tác trên trang facebook, liệu quan hệ thầy trò có thể theo khuynh hướng người bán – khách hàng trong thời đại số hóa không?

Hội thảo thu hút đông đảo độc giả tham gia

Tại hội thảo TS. Đặng Thị Việt Hòa, Trường Đại học Hà Nội đã chia sẻ, một trường hợp khủng hoảng truyền thông nhỏ, qua đó đặt ra vấn đề quản trị hình ảnh nhà trường trong thời bùng nổ mạng xã hội. TS. Việt Hòa cho rằng, cái căn nguyên của khủng hoảng là từ xuất phát điểm bùng nổ thông tin rác, không chính thống. Để giải quyết được khủng hoảng cần có sự gắn kết giữa cán bộ phụ trách truyền thông và lãnh đạo nhà trường, hơn nữa cần có phần mềm để quản trị thông tin mạng xã hội để theo dõi mọi lúc, mọi nơi.

Hội thảo nằm trong chuỗi seminar học thuật Diderot (DAAS), đồng thời phục vụ chiến lược phát triển ngành khoa học Thông tin và truyền thông của Viện Quốc tế Pháp ngữ (IFI), ĐHQGHN. Song song với hội thảo, IFI cũng khởi động tuyển sinh chương trình Thạc sĩ Thông tin –truyền thông số, khóa đào tạo Điện ảnh 4.0 và cuộc thi Phim ngắn màn ảnh dọc cùng điện thoại thông minh. Tất cả các chương trình này đều có sự hợp tác của đối tác Pháp và sự tham gia của các chuyên gia nước ngoài.

Webiste: http://www.ifi.edu.vn/

 

 Thùy Dương - VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ