Để có thêm thông tin, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Bùi Thanh Tùng: - Các nguy cơ khi cơ thể bị rối loạn lipid máu và đái tháo đường là gì thưa PGS.TS? Rối loạn lipid máu là nguyên nhân gây ra các bệnh nguy hiểm như: nhồi máu cơ tim, huyết áp cao, đột quỵ, đau tim. Bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) xảy ra khi cơ thể bị thiếu hụt insulin hoặc do không đáp ứng với insulin, dẫn đến tăng glucose huyết. Bệnh ĐTĐ gây ra các biến chứng về tim mạch, mắt, thận, thần kinh. Bệnh ĐTĐ type 2 là dạng ĐTĐ thường gặp nhất, chiếm khoảng 80-90% số bệnh nhân bị ĐTĐ. - Tác dụng cụ thể của từng loại cây là như thế nào, thưa PGS? Theo tài liệu nghiên cứu, Cây Xấu hổ có vị ngọt, tính hơi hàn, có ít độc. Cây có tác dụng tốt trong việc điều trị các bệnh như giảm đau, chống ho, long đờm, tiêu viêm, hạ huyết áp, lợi tiểu, an thần, điều trị mất ngủ, sưng tấy, mưng mủ. Tác dụng dược lý bao gồm tác dụng chống oxi hóa, khả năng chữa lành vết thương, khả năng kháng khuẩn, tác dụng ức chế virus, tác dụng chống co giật và tác dụng hạ đường huyết. Giảo cổ lam có tác dụng chống viêm, chống oxy hóa, chống ung thư, điều hòa miễn dịch, giảm cholesterol máu, bảo vệ thần kinh, gan và tim mạch, có tác dụng điều trị viêm phế quản mạn tính, viêm gan virus, viêm thận, viêm dạ dày cấp, bệnh tiểu đường, tăng mỡ máu. Lá Sen vị đắng, tính mát vào 3 kinh can, tỳ, vị; có tác dụng thanh thử, lợi thấp, tán ứ, chỉ huyết. Lá sen chữa chảy máu như đại tiểu tiện ra máu, chảy máu chân răng, xuất huyết dưới da. Công dụng của Sen trong y học cổ truyền và tác dụng dược lý chính là chống oxy hóa, chống viêm, chống tiểu đường, chống béo phì và chống ung thư. - Nội dung sáng chế mà nhóm nghiên cứu được công nhận đơn là gi? Chúng tôi đã sáng chế quy trình sản xuất chế phẩm cao chiết dùng để điều trị rối loạn lipid máu và bệnh đái tháo đường bao gồm việc tìm hiểu và thu hái nguyên liệu cây thuốc, sau đó phơi khô, thái nhỏ thu được nguyên liệu, chiết từng nguyên liệu bằng cồn 50%, chưng cất tạo từng bột cao chiết; và trộn các bột cao chiết theo tỷ lệ khối lượng 1:2:1 có hiệu quả điều trị cao hơn nhiều so với việc sử dụng từng dược liệu riêng rẽ. - Lí do nào để PGS.TS và nhóm nghiên cứu đã lựa chọn cây Xấu hổ, Giảo cổ lam và Sen để phối hợp và tạo ra vị thuốc chữa bệnh ĐTD? Hiện nay, dược liệu được sử dụng nhiều trong việc phòng ngừa và điều trị bệnh ĐTĐ. Tuy nhiên việc kết hợp các dược liệu trong một hỗn hợp để phát huy được nhiều hơn tác dụng so với việc sử dụng từng thành phần dược liệu riêng biệt hiện nay còn chưa phổ biến. Trong y văn đã đề cập nhiều đến tác dụng chữa bệnh của từng loại cây xấu hổ, giảo cổ lam, sen cùng nhiều loại cây khác. Đây là những cây thuốc có sẵn trong tự nhiên, dễ trồng trọt khi ứng dụng với công nghệ sản xuất thuốc sẽ cho ra những sản phẩm dễ sử dụng và phát huy được tối đa công dụng của chúng đồng thời làm giảm chi phí điều trị cho các bệnh nhân. - Thí nghiệm cho thấy tác dụng cụ thể của cao ra sao, thưa ông? Nghiên cứu trong cơ thể sống trên chuột cho thấy, nhóm chuột bị tiểu đường do streptozotocin gây ra khi được điều trị bằng hỗn hợp cao chiết thu được có biểu hiện giảm nồng độ glucose và các thành phần lipid máu như cholesterol toàn phần, triglyceridsLDL cholesterol có hại và tăng HDL cholesterol có lợi so với trước khi điều trị và giảm đáng kể so với nhóm chứng bệnh tiểu đường. Liều sử dụng cho người bị bệnh đái tháo đường type 2 và/hoặc rối loạn lipid máu là 50mg hỗn hợp cao chiết/kg trọng lượng cơ thể. - Bên cạnh mục tiêu chữa bệnh thì nghiên cứu này có tác dụng gì đối với công tác đào tạo, thưa PGS? Nghiên cứu này mang đến cơ hội điều trị cho mọi bệnh nhân bị ĐTĐ vì giá thành của cao chiết xuất từ cây xấu hổ, giảo cổ lam và sen khá rẻ, ít tác dụng phụ. Các nguyên liệu thực hiện nghiên cứu này khá phổ biến và giá thành rẻ nên thu hút sự cùng tham gia của nhiều sinh viên, gợi mở các hướng nghiên cứu mới cho họ. - Định hướng của nhóm sau khi được công nhận sáng chế? Sau khi điều chế cao chiết thành công phát huy được tính hiệp đồng của các thành phần dược liệu, nhóm chúng tôi khá vui mừng khi được công nhận sáng chế về kết quả này. Chúng tôi sẵn sàng chuyển giao công nghệ này đến với các doanh nghiệp có nhu cầu, để đưa các giải pháp hữu ích đóng góp cho đời sống. >>>>> Các tin bài liên quan: - VNU - SMP: Chủ nhiệm Khoa Lê Ngọc Thành và Phó Chủ nhiệm khoa Trần Bình Giang nhận giải Nhất Nhân tài Đất Việt 2019 lĩnh vực y dược - VNU – SMP: Sôi nổi Ngày hội Khoa học và Công nghệ 2019 - VNU-SMP: Giữ vững ngọn lửa nhiệt huyết - VNU – SMP: Sẵn sàng tham gia các hoạt động nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng các sản phẩm từ thiên nhiên |