Bên lề hội thảo khoa học “Quy hoạch Thủ đô Hà Nội: Thực tiễn lịch sử và một số vấn đề đương đại”, Cổng Thông tin điện tử ĐHQGHN đã có cuộc trao đổi với TS.KTS Vũ Hoài Đức xoay quanh vấn đề quy hoạch Thủ đô cũng như vai trò của Khoa Các khoa học liên ngành trong việc giải quyết các vấn đề quy hoạch đô thị. - Định hướng phát triển đô thị vệ tinh đã có hơn 2 thập kỷ nhưng chưa phát triển được. Theo ông nguyên nhân của vấn đề này là gì? Đô thị vệ tinh được đề xuất ở Hà Nội trong quy hoạch năm 1998, trong phạm vi địa giới hành chính Thành phố lúc bấy giờ là tại Sóc Sơn. Tại đây có tiềm năng tạo động lực bởi đã có sân bay quốc tế Nội Bài, Khu chế xuất Nội Bài, quốc lộ 18, quốc lộ 2, quốc lộ 3 và hệ thống cảnh quan tự nhiên của khu vực đồi núi của dãy Tam Đảo… tuy nhiên lại không phát triển được. Trong khi ở khu vực lân cận, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc lại tận dụng được lợi thế để phát triển. Chưa có nghiên cứu nào chỉ ra được nguyên nhân thực sự cho vấn đề này. Theo tôi, có thể có 2 lý do: Thứ nhất, Hà Nội chưa chú trọng đặc biệt cho phát triển đô thị vệ tinh Sóc Sơn mà còn tập trung vào khu vực đô thị phía nam sông Hồng. Thứ hai, chưa có kịch bản và giải pháp tối ưu nhằm tạo lợi thế cạnh tranh cân bằng với các địa phương lân cận, thông qua các tham số đầu vào cho việc đầu tư vào đô thị vệ tinh. - Vậy theo ông, các tham số nào cho kịch bản phát triển để lựa chọn giải pháp tối ưu cho việc tạo động lực hình thành các đô thị vệ tinh, đô thị mới? Điều này có lẽ cần được nghiên cứu kỹ lưỡng hơn, nhưng theo tôi, đầu tiên là các chỉ số lao động trong ba lĩnh vực: nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ để có kịch bản chuyển dịch cơ cấu lao động. Thứ hai là các tham số về sử dụng đất, hạ tầng và hoạt động kinh tế xã hội tại khu vực dự kiến phát triển. Thứ ba là đầu tư phát triển gồm nhiều chỉ số: về khung giá đất, thuế, định mức đầu tư xây dựng, dự kiến lợi nhuận và khả năng thu hồi vốn… tức là các tham số về kinh tế - tài chính. Cuối cùng, cần tính đến nguồn lực con người, xã hội và khả năng thu hút, tạo môi trường định cư cho một khối lượng dân cư mới phù hợp với tập quán văn hóa khu vực và năng lực kết nối trong phạm vi tích tụ dân cư tạo lập đô thị. - Ông đánh giá như thế nào về tình hình quy hoạch đô thị tại Hà Nội hiện nay? Việc quy hoạch hạ tầng đô thị có vai trò như thế nào trong việc hình thành các đô thị vệ tinh, đô thị mới? Công tác lập quy hoạch với vai trò như các dự án thiết kế nên công cụ quản lý không gian đang được lập khá tốt, thậm chí là thừa dẫn đến chồng chéo, đan xen và khó sử dụng. Tuy nhiên, nhìn nhận tình hình quy hoạch đô thị dưới góc nhìn liên ngành – hiện đại hơn cho thấy sự phối hợp phát triển giữa các ngành – lĩnh vực còn nhiều điểm chưa thống nhất. Việc thực thi quy hoạch ra thực tế còn nhiều bất cập cho thấy các quy hoạch mới chú trọng đến viễn cảnh mà chưa đề cập thực chất đến quá trình. Quy hoạch hạ tầng đô thị có vai trò rất quan trọng trong phát triển đô thị vệ tinh và đô thị mới, bởi hạ tầng luôn phải đi trước một bước… một cấu thành quan trọng của “việc lót ổ đón đại bàng” như cách nói ví von, trong việc kêu gọi đầu tư phát triển, tạo sự hấp dẫn cho đô thị. Nhà đầu tư nào, đầu tiên, cũng nhìn vào hệ thống hạ tầng quy hoạch ra sao bên cạnh hành lang pháp lý khi lựa chọn đầu tư vào một khu vực đô thị. Đô thị vệ tinh càng phải đặc biệt quan tâm đến quy hoạch hạ tầng bởi khoảng cách so với đô thị trung tâm và quy mô diện tích không lớn, nhưng tính chất lại đòi hỏi sự đồng bộ, không phụ thuộc vào các đô thị khác. - Theo ông, yếu tố nào có vai trò quan trọng nhất trong quá trình phát triển của Thủ đô? Yếu tố có vai trò quan trọng nhất trong quá trình phát triển của Thủ đô là thể chế - được hiểu theo nghĩa rộng với 3 nội dung cấu thành gồm: Hệ thống văn bản pháp quy về quy hoạch và quản lý phát triển đô thị; Hệ thống cơ quan chính quyền hoạch định, giám sát thi hành, thưởng phạt đối với việc thực thi chính sách phát triển đô thị; Tập quán, truyền thống văn hoá xã hội của Thăng Long – Hà Nội. - Những yếu tố nào đang cản trở sự phát triển bền vững của Thủ đô Hà Nội, thưa ông? Có nhiều yếu tố đang cản trở sự phát triển bền vững đô thị của Thủ đô Hà Nội. Theo tôi, yếu tố đầu tiên là yếu tố kinh tế từ các khu đô thị hiện đại. Có thể thấy Hà Nội quá chú trọng phát triển các đô thị mới có chất lượng cao, đem lại nhiều lợi nhuận cho các chủ đầu tư, những đô thị nhà ở xã hội ít lợi nhuận nhưng có vai trò đảm bảo an sinh chưa được coi trọng. Các lĩnh vực kinh tế khác có tiềm năng như công nghệ cao, dịch vụ đào tạo chất lượng cao, logistic… lại chưa được chú trọng. Thứ hai là yếu tố hạ tầng mà đặc biệt là hạ tầng giao thông phát triển không tương xứng và đồng bộ với quy mô đô thị. Điều này gây lãng phí khi việc sử dụng nhiều năng lượng đồng thời với tỷ lệ phương tiện giao thông cá nhân quá lớn và tình trạng ách tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng. Hạ tầng xã hội của Hà Nội cũng gần ở trong tình trạng tương tự, khi mà sự quá tải về quy mô học sinh, giường bệnh hay các tiện ích xã hội đang âm thầm diễn ra. Yếu tố hạ tầng xã hội không đảm bảo còn gây nên sự bất bình đẳng xã hội, bất bình đẳng giữa đô thị và nông thôn. Yếu tố chính yếu thứ ba là môi trường Hà Nội ngày càng ô nhiễm, tình trạng nước sông Tô Lịch là ví dụ rất điển hình cho thấy tác động của quá trình đô thị hóa đến môi trường và tự nhiên. Chất lượng không khí của Hà Nội cũng ít khi đạt được chỉ số tối ưu – một trong những hệ quả của quá trình đô thị hóa. - Có thể thấy, những vấn đề đương đại của đô thị Hà Nội là những vấn đề mang tính liên ngành phức tạp. Với vai trò là nhà nghiên cứu các vấn đề về không gian và quy hoạch đô thị, đồng thời là giảng viên Khoa Các khoa học liên ngành – một đơn vị đào tạo liên ngành, xin ông cho biết vai trò của Khoa trong việc giải quyết các vấn đề về quy hoạch Thủ đô nói riêng và quy hoạch đô thị nói chung? Các giảng viên của Khoa Các khoa học liên ngành đã và đang lấy các vấn đề của Thủ đô và các đô thị ở các địa phương cả nước làm các ví dụ, bài tập làm chủ đề để học viên các chuyên ngành thảo luận. Đồng thời, qua thực tiễn nghiên cứu các quy hoạch, đề tài khoa học và qua chính học viên với thực tế sinh động mà họ đưa ra, chúng tôi phải nghiên cứu, cập nhật và đề xuất các giải pháp khoa học đóng góp cho công tác quy hoạch của Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung. - Khoa Các Khoa học liên ngành hiện nay đang triển khai các chương trình đào tạo nào nhằm mục tiêu đóng góp nguồn nhân lực chất lượng cao về quy hoạch đô thị? Khoa Các khoa học liên ngành đã và đang triển khai chương trình đào tạo bậc Thạc sĩ Quản lý phát triển đô thị. Chương trình này tiếp cận theo xu hướng mới – liên ngành, mở và động, nhằm phát huy tối đa thế mạnh của ĐHQGHN và đội ngũ giảng viên ở nhiều lĩnh vực. Cụ thể hơn, đào tạo liên ngành tạo nên sư khác biệt ở đây không chỉ có ý nghĩa khi mang đến cho học viên góc nhìn đa chiều về đô thị - đối tượng vốn đã mang tính liên ngành trên thực tiễn. Với quản lý và phát triển đô thị, định hướng liên ngành còn là chìa khóa vạn năng thúc đẩy học viên tiếp cận và vận dụng các kiến thức liên lĩnh vực: từ dân cư, văn hóa, kinh tế, môi trường và xã hội đô thị; vấn đề hoạch định chính sách; quy hoạch chiến lược và quy hoạch không gian đô thị. Học viên của chương trình có thể vận dụng kiến thức để phân tích vai trò của bảo tồn di sản đô thị trong tiến trình xây dựng và phát triển đô thị hướng tới sự phát triển bền vững. Tính liên ngành, mở và động đó đòi hỏi đội ngũ giảng viên phải thay đổi mạnh mẽ, không chỉ nắm bắt thực tiễn mà phải vượt qua những lối mòn, lồng ghép những phương thức quản lý phát triển đô thị hiện đại đang thành công vào công tác giảng dạy. Đây cũng là điểm khác biệt lớn và có thể nói là duy nhất ở Việt Nam. >>> Các tin tức liên quan: - Hội thảo khoa học “Quy hoạch Thủ đô Hà Nội: Thực tiễn lịch sử và một số vấn đề đương đại” - Hội thảo: Định hướng đào tạo Thạc sĩ liên ngành về Phát triển đô thị ở ĐHQGHN - Đô thị Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc: Sớm gỡ vướng để đẩy nhanh tiến độ xây dựng - Thủ tướng gỡ vướng việc xây dựng 3 đô thị đại học tầm cỡ - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Tập trung xây dựng khu đô thị ĐHQGHN tại Hòa Lạc hiện đại, ngang tầm quốc tế - [+Video] VNU - SIS: Tiên phong đào tạo nhân lực quản lý phát triển đô thị |