Tham dự hội thảo, về phía Ban Tuyên giáo Trung ương có ông Vũ Thanh Mai, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cùng lãnh đạo, đại diện các đơn vị chức năng, trực thuộc. Cùng dự có đại diện lãnh đạo Bộ Giáo dục & Đào tạo, Bộ Khoa học & Công nghệ, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.
Về phía hai ĐHQG có Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hoàng Hải và Phó Giám đốc ĐHQG Tp. Hồ Chí Minh Nguyễn Minh Tâm.
Về phía đơn vị đăng cai tổ chức hội thảo có GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Công nghệ, Trưởng ban tổ chức hội thảo; Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ Chử Đức Trình.
Tham dự hội thảo còn có lãnh đạo của các đại học vùng; các trường đại học đào tạo các ngành kỹ thuật – công nghệ, kinh tế và các lĩnh vực khoa học cơ bản; đại diện một số sở giáo dục đào tạo của một số địa phương trong cả nước và các trường trung học phổ thông chuyên, các doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
Hội thảo được tổ chức nhằm đánh giá nhu cầu, thực trạng về nguồn nhân lực trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học tại Việt Nam, đề xuất quan điểm, mục tiêu, các nhiệm vụ, giải pháp tạo đột phá trong đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực STEM, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tiềm năng phát triển các ngành khoa học công nghệ
Phát biểu khai mạc hội thảo, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ Chử Đức Trình cho biết, kể từ năm 1986, sau gần 40 năm, Việt Nam được xem là hình mẫu thành công trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhờ môi trường đầu tư hấp dẫn, nền tảng chính trị ổn định và tiềm năng tăng trưởng kinh tế khá cao. Việt Nam được xem là điểm đến hấp dẫn với những lợi thế về địa lý, thể chế và môi trường đầu tư ngày càng được hoàn thiện. Việt Nam ngày càng trở nên là một mắt xích quan trọng trong chuỗi công nghiệp, công nghệ toàn cầu và từng bước trở thành trung tâm sản xuất mới của thế giới.
Hiệu trưởng Chử Đức Trình nhận định, công nghệ thông tin - truyền thông, điện tử, công nghệ cao, công nghiệp chế tạo và đặc biệt công nghiệp bán dẫn và vi mạch là những lĩnh vực đang phát triển rất nhanh của Việt Nam và có tiềm năng phát triển rất lớn trong thời gian tới. Nền tảng của sự phát triển này chính là nguồn nhân lực kỹ thuật cao, lành nghề đồng hành với thái độ trách nhiệm, kỷ luật và sức khỏe tốt.
Đại hội XIII của Đảng tiếp tục xác định phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một đột phá chiến lược, là yếu tố quyết định đẩy mạnh phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và là lợi thế cạnh tranh quan trọng nhất, bảo đảm cho phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững.
Giáo dục STEM với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức cho biết, từ đầu những năm 90 đã hình thành xu hướng giáo dục mới - giáo dục STEM tại Mỹ. Khái niệm STEM là viết tắt của cụm từ Khoa học - Công nghệ - Kỹ thuật - Toán học (Science - Technology - Engineering - Math) và lần đầu tiên được Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ở Mỹ đưa ra vào năm 2001.
Trong chương trình giáo dục STEM, các môn học về khoa học công nghệ được tích hợp lại với nhau thành một môn học thông qua phương pháp giảng dạy bằng dự án, trải nghiệm, thực hành…
GS. Nguyễn Đình Đức cho biết thêm, tốc độ tăng trưởng nhân công STEM ở Mỹ là 7,9% trong giai đoạn 2000 - 2010 và tăng rất nhanh, khoảng 26% trong giai đoạn 2010 - 2020. Nhân công STEM đóng một vai trò then chốt cho sự tăng trưởng bền vững và ổn định của nền kinh tế Mỹ, là một thành phần quyết định để giúp nước Mỹ giành chiến thắng trong tương lai. Nhận thức được vấn đề này, nước Mỹ và các nước phát triển đặc biệt quan tâm tới đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh vực STEM. Hiện tại, giáo dục STEM đã được triển khai tại nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các nước công nghiệp phát triển như Mỹ, Úc, Phần Lan, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Tại Việt Nam, Chính phủ đã có hàng loạt giải pháp thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát triển nguồn nhân lực khoa học & công nghệ thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Theo thống kê của Bộ Khoa học & Công nghệ, từ dữ liệu Scimago, từ 1996 đến 2022, Việt Nam công bố 119.308 bài báo quốc tế. Việt Nam từ vị trí thứ 76 năm 1996, lên vị trí 59 (số bài báo là 4.017) năm 2014 và vươn lên thứ 46 (số lượng bài báo là 18.466) năm 2022. Giai đoạn, 2014-2022, tổng số lượng bài báo là 97.520 bài. Trong số này, chiếm phần lớn là các công bố trong các lĩnh vực liên quan đến STEM.
Năm 2018, lần đầu tiên hai ĐHQG được xếp vào nhóm 1.000 trường đại học hàng đầu thế giới theo bảng xếp hạng QS. Kể từ đó đến nay, hai ĐHQG và nhiều trường đại học khác liên tiếp vào nhóm 1.000 theo tiêu chí của các bảng xếp hạng đại học uy tín.
“Đây đều là các cơ sở giáo dục lớn, có uy tín về STEM của Việt Nam” - GS.TSKH Nguyễn Đình Đức nhấn mạnh.
Năm 2022, ĐHQGHN có 6 lĩnh vực được xếp hạng thế giới trong bảng xếp hạng QS ranking by subjects. Trong đó có 5/6 lĩnh vực thuộc nhóm 500 thế giới, đặc biệt có 3 lĩnh vực (Toán học, Vật lý & Thiên văn học, Kinh doanh & Khoa học quản lý) được xếp hạng số 1 Việt Nam.
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức cho biết thêm, các nhà khoa học Việt Nam thuộc 6 lĩnh vực được tổ chức Research.com ghi nhận và xếp hạng về công bố quốc tế thế giới. Đó là kỹ thuật công nghệ, khoa học máy tính, khoa học môi trường, khoa học vật liệu, cơ khí - hàng không và y tế cộng đồng - đều là các lĩnh vực liên quan đến STEM.
Theo GS. Nguyễn Đình Đức, điều này cho thấy giáo dục đại học Việt Nam đã có những bước tiến liên quan đến STEM nhưng bên cạnh những thành tựu, còn có nhiều bất cập.
“Chúng ta nói nhiều đến giáo dục STEM nhưng đa phần dư luận xã hội hiểu STEM như môn học tích hợp các môn khoa học và toán ở bậc phổ thông, chưa chú trọng đến giáo dục STEM ở bậc đại học” - GS. Nguyễn Đình Đức chia sẻ.
Nguồn nhân lực của Việt Nam còn nhiều hạn chế. Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, chất lượng nhân lực Việt Nam còn thấp và có khoảng cách khá xa so với các nước trong khu vực.
Để không bị tụt hậu, GS. Nguyễn Đình Đức đề xuất, cần đẩy mạnh hơn nữa giáo dục STEM và tiếng Anh kể cả trong bậc THPT, cũng như ở giáo dục bậc đại học.
Đào tạo nguồn nhân lực STEM là nhiệm vụ trọng tâm để phát triển kinh tế - xã hội
Tại hội thảo, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Vũ Thanh Mai nêu rõ, nguồn nhân lực chất lượng cao thuộc các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học (STEM) là chìa khóa để các quốc gia phát triển các sản phẩm và dịch vụ mới, nâng cao năng suất lao động và cạnh tranh quốc gia; giải quyết các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, nghèo đói, bệnh tật,... Cùng với đó, tạo ra các cơ hội việc làm trong nhiều ngành nghề khác nhau với mức thu nhập cao. Do vậy, việc đào tạo nguồn nhân lực STEM có vai trò hết sức quan trọng.
“Kết quả của Hội thảo khoa học ngày hôm nay là cơ sở khoa học quan trọng để Ban Tuyên giáo Trung ương tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho Trung ương Đảng về chủ trương, đường lối trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực Khoa học, Công nghệ, Kĩ thuật và Toán học, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển đất nước “đến năm 2030, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao” đã nêu trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng”- Đ/c Vũ Thanh Mai khẳng định.
Nhiều tham luận của đại diện cơ sở đào tạo đánh giá giáo dục STEM ở bậc đại học chưa được quan tâm và đầu tư thỏa đáng. Theo số liệu của Bộ giáo dục và đào tạo, quy mô đào tạo bậc đại học năm học 2022-2023 trên toàn quốc là 1.777.106 sinh viên, thì chỉ có 103.707 sinh viên khối các ngành kỹ thuật và 150.300 sinh viên các ngành kỹ thuật công nghệ. Tổng quy mô hai lĩnh vực này là 254.007 sinh viên, chỉ chiếm có 14,29% tổng quy mô đào tạo đại học.
Trong những năm qua, ở Việt Nam đã nói nhiều đến giáo dục STEM, nhưng đa phần dư luận xã hội lại hiểu STEM như môn học tích hợp các môn khoa học và toán ở bậc phổ thông mà chưa chú trọng đến giáo dục STEM ở bậc đại học.
Về chất lượng, bên cạnh những thành tích đã đạt được, nguồn nhân lực của Việt Nam còn nhiều hạn chế. Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết chất lượng nhân lực Việt Nam còn thấp và có khoảng cách khá xa so với các nước trong khu vực. Chẳng hạn như, tại thời điểm xây dựng chiến lược nhân lực (năm 2010), Việt Nam có chỉ số xếp hạng về giáo dục đại học – đào tạo nhân lực là 93 trong số 131 quốc gia trong danh sách xếp hạng.
Một số mô hình và giải pháp đào tạo nhân lực chất lượng cao thuộc lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật tại ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐHQG Tp. Hồ Chí Minh, Trường ĐH Giao thông Vận tải cũng được giới thiệu tại hội thảo.
Các đại biểu kiến nghị Đảng, Nhà nước cần có chiến lược đầu tư trọng tâm, trọng điểm tại một số cơ sở giáo dục đại học uy tín, đặc biệt là đào tạo sau đại học đối với các ngành thuộc các lĩnh vực khoa học, công nghệ, toán học. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ các trường đại học trong đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao cho các lĩnh vực khoa học tự nhiên, toán học và thống kê để làm nền tảng cho sự phát triển khoa học công nghệ của đất nước.
Cần giải pháp đồng bộ để thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực STEM
Tổng kết hội thảo, Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hoàng Hải đánh giá cao những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu trên nhiều khía cạnh về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực STEM.
“Khoa học & công nghệ và giáo dục & đào tạo là hai khâu đột phá quan trọng để đạt được các mục tiêu của Đại hội XIII. Bối cảnh thế giới luôn thay đổi, đòi hỏi con người phải giải quyết các bài toán mang tính liên ngành cao. Xu hướng khoa học và công nghệ đã chuyển từ chuyên ngành sang liên ngành và hiện nay là xuyên ngành. Gần đây, khoa học công nghệ hội tụ tiếp tục phát triển để phục vụ nhu cầu của con người trong tương lai dài hạn, tích hợp với trí tuệ nhân tạo” - Phó Giám đốc Nguyễn Hoàng Hải nhận định.
Phó Giám đốc ĐHQGHN cho rằng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực STEM là xu thế tất yếu cho sự vận động, chuyển mình của thế giới với các công nghệ lõi. Trong hơn 10 năm qua, Việt Nam đã thay đổi bước tiến quan trọng về chất lượng trình độ và hội nhập quốc tế nhất định, lĩnh vực STEM cũng được đưa vào chương trình giảng dạy ở bậc phổ thông, trong khi chưa được chú trọng ở bậc đại học và sau đại học. Tuy nhiên, sự phát triển đó chưa tương xứng với các nước trên thế giới.
Theo Phó Giám đốc Nguyễn Hoàng Hải, cần đẩy mạnh hơn nữa giáo dục STEM tại bậc phổ thông, giáo dục định hướng, tư vấn nghề nghiệp cho học sinh phổ thông về các lĩnh vực STEM và có cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút học sinh theo học các ngành đào tạo thuộc các lĩnh vực. Cùng với đó, cần nghiên cứu các kinh nghiệm và chuẩn mực quốc tế về đào tạo nhân lực cao trong lĩnh vực STEM để xâyd ựng các chương trình đào tạo và đầu tư, phát triển công nghệ giáo dục STEM tại Việt Nam ở các bậc học. Đồng thời, cần có các giải pháp đẩy mạnh hợp tác quốc tế về đào tạo, nghiên cứu khoa học với các trường đại học, các cơ sở đào tạo uy tín trên thế giới và với doanh nghiệp. Đặc biệt, cần xây dựng đội ngũ giảng viên có năng lực quản lý, chuyên môn; thường xuyên cập nhật, bổ sung học liệu các môn học STEM…
>>> Các tin tức liên quan:
- Vai trò của nhà khoa học nữ trong lĩnh vực STEM tại Việt Nam
- Dạy học STEM có hiệu quả, có tốn kém?
- Dạy học, thực hành STEM+ đơn giản tại trường và tại nhà cấp Tiểu học |