Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn cùng đại diện lãnh đạo Ban Khoa học Công nghệ, Ban Tổ chức Cán bộ, Ban Kế hoạch Tài chính đã trực tiếp giải đáp các ý kiến trao đổi của các nhà khoa học tham dự hội thảo. Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo các đơn vị thành viên và trực thuộc ĐHQGHN, lãnh đạo phòng/bộ phận KHCN, đại diện nhóm nghiên cứu mạnh, phòng thí nghiệm/trung tâm nghiên cứu trọng điểm cấp ĐHQGHN. Phát biểu tại hội thảo, Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn cho biết, tiềm lực khoa học công nghệ ở ĐHQGHN được quan tâm đầu tư phát triển với hơn 100 nhóm nghiên cứu, trong đó có 30 nhóm nghiên cứu mạnh. Tỉ lệ cán bộ khoa học trình độ cao tiếp cận tiêu chí của đại học nghiên cứu, trong đó có nhiều chuyên gia đầu ngành, nhà khoa học đạt trình độ quốc tế có khả năng triển khai các nghiên cứu đột phá, các chương trình, nhiệm vụ nghiên cứu lớn. Với định hướng phát triển KHCN tạo động lực gia tăng các chỉ số phát triển bền vững, ĐHQGHN đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách trọng dụng, đãi ngộ các nhà khoa học, tạo động lực thúc đẩy phát triển các tiềm lực KHCN và đổi mới sáng tạo. Các chính sách của ĐHQGHN đưa ra theo hướng đầu tư tập trung “vun cao”, ưu tiên nguồn lực đầu tư cho các nhóm nghiên cứu có công bố tốt và các chương trình/đề tài KHCN trọng điểm quốc gia. Phó Giám đốc Phạm Bảo Sơn cho biết thêm, thời gian qua, ĐHQGHN đã ban hành nhiều chính sách KHCN lớn, tạo động lực và nguồn lực cho cán bộ khoa học. Tuy nhiên, nhiều chính sách chưa được lan tỏa và triển khai hiệu quả tới các đơn vị và các nhà khoa học. Phó Giám đốc hi vọng, thông qua các buổi đối thoại, lãnh đạo ĐHQGHN được nghe ý kiến trực tiếp từ các đơn vị, các nhà khoa học, đặc biệt là hội đồng chuyên môn đề xuất thí điểm các chính sách để chính sách của ĐHQGHN sẽ thực sự đi vào cuộc sống và thúc đẩy hoạt động KHCN phát triển. Tại hội thảo, Trưởng ban Khoa học Công nghệ Trần Thị Thanh Tú đã điểm lại một số chính sách hỗ trợ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ở ĐHQGHN. Một số chính sách KHCN mà ĐHQGHN đã ban hành và đang triển khai tốt, đó là: Chính sách hỗ trợ tài chính cho công bố quốc tế; ưu tiên đầu tư các đề tài khoa học có tính ứng dụng nhóm nghiên cứu mạnh, phòng thí nghiệm trọng điểm; thu hút nhà khoa học xuất sắc có mong muốn tham gia nghiên cứu khoa học, đảm nhận vị trí trưởng nhóm nghiên cứu mạnh ở các lĩnh vực KHCN mà ĐHQGHN định hướng nghiên cứu ưu tiên. Ngoài ra, ĐHQGHN đã ban hành Đề án nâng cao năng lực giảng dạy và nghiên cứu khoa học trong môi trường quốc tế đối với giảng viên, nghiên cứu viên của ĐHQGHN đến năm 2030. Theo đó, giai đoạn 2024-2025, ĐHQGHN đặt mục tiêu cử được 100 giảng viên, nghiên cứu viên tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật ở nước ngoài; giai đoạn 2026-2030, con số này là 300 người. Từ đó hình thành đội ngũ nhà khoa học, nhóm nghiên cứu mạnh, đạt trình độ tiên tiến, hiện đại của khu vực và thế giới. Về kế hoạch triển khai các hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ở ĐHQGHN năm 2024, Trưởng ban Khoa học Công nghệ Trần Thị Thanh Tú cho biết, ĐHQGHN tiếp tục triển khai các nhiệm vụ KHCN thuộc chương trình mở mới được phê duyệt và cấp kinh phí; các hạng mục phi xây dựng thuộc lĩnh vực KHCN của Dự án World Bank; xây dựng các chương trình KHCN mới, đặc biệt là khối khoa học xã hội nhân văn và kinh tế… Tại hội thảo, các nhà khoa học tập trung trao đổi về các vấn đề xoay quanh tính đồng bộ, liên thông, liên kết trong hệ thống quản lý giữa các đơn vị của ĐHQGHN; đơn giản hóa thủ tục hành chính trong việc giao đề tài và thanh quyết toán nhiệm vụ KHCN; cơ chế phối hợp với địa phương để giải quyết các bài toán KHCN… Các nhà khoa học tham dự hội thảo đánh giá cao môi trường học thuật của ĐHQGHN, đồng thời bày tỏ quan điểm đồng tình với những chính sách KHCN trọng điểm mà ĐHQGHN đã và đang triển khai trong thời gian qua. Chính thương hiệu và uy tín học thuật của ĐHQGHN là lý do giữ chân các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành của nhiều lĩnh vực. >>> Các tin tức liên quan: - Đề án Phát triển ĐHQGHN tới năm 2030: Hướng tới xây dựng đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước - Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam đến năm 2030 - Chính sách và thực tiễn - Giải pháp thúc đẩy phát triển sản phẩm khoa học công nghệ tại ĐHQGHN cần gắn với thực tiễn xã hội - Xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh về công nghệ thông tin trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo - Tập trung đầu tư các nhóm nghiên cứu mạnh để giải quyết các mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia |