Diễn đàn AUF lần thứ 4: Thảo luận về tăng trưởng xanh hướng tới phát triển bền vững, hài hòa
Ngày 22/5/2015, tại TP. Hạ Long (Quảng Ninh), ĐHQGHN phối hợp với Đại học Quốc gia Seoul tổ chức Diễn đàn các trường đại học Châu Á (Asian Universities Forum - AUF) lần thứ 4.
Với chủ đề “Tăng trưởng xanh hướng tới phát triển bền vững và hài hòa” (Green Growth for Sustainable and Equitable Development), Diễn đàn AUF năm nay tập trung thảo luận về hai vấn đề chính: Xây dựng xã hội cacbon thấp theo hướng bền vững và Tăng trưởng xanh dựa vào Đại học.
Diễn đàn đã nhận được sự quan tâm và tham gia của đại diện các Bộ, ngành trung ương và địa phương và gần 100 đại biểu đến từ 15 trường đại học thuộc 12 quốc gia trong khu vực châu Á.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Giám đốc ĐHQGHN Phùng Xuân Nhạ khẳng định vai trò và tầm quan trọng của Tăng trưởng xanh trong việc giải quyết những thách thức mang tính toàn cầu, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vừa bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, bảo tồn đa dạng sinh học và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Giám đốc ĐHQGHN Phùng Xuân Nhạ cũng đã đề xuất 3 nội dung để các đại biểu dự Diễn đàn cùng trao đổi nhằm thúc đẩy hơn nữa hoạt động hợp tác trong nghiên cứu, đào tạo về Tăng trưởng xanh giữa các đại học trong khu vực.
Giám đốc ĐHQGHN Phùng Xuân Nhạ phát biểu khai mạc diễn đàn
Thứ nhất, xây dựng các chương trình hợp tác nghiên cứu chung về Tăng trưởng Xanh và phát triển bền vững; hình thành các nhóm nghiên cứu chung với sự tham gia của các chuyên gia và các nhà khoa học của các trường đại học tham gia Diễn đàn AUF để giải quyết các vấn đề khoa học và tư vấn chính sách, giải pháp cho chính phủ và doanh nghiệp.
Thứ hai, trên cơ sở thành công của các hoạt động nghiên cứu, các nhà khoa học tại các trường đại học AUF cùng xây dựng các chương trình đào tạo đại học và sau đại học về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững; chia sẻ nguồn lực, tăng cường trao đổi giảng viên và học viên giữa các đại học thành viên.
Thứ ba, thiết lập một diễn đàn về Tăng trưởng Xanh và phát triển bền vững với sự tham gia của các cơ quan hoạch định chính sách, các tổ chức quốc tế và cộng đồng doanh nghiệp dưới sự đồng chủ trì của các trường đại học thành viên.
Giám đốc Đại học Quốc gia Seoul, Hàn Quốc, ông Nak-in SUNG cho biết, tăng trưởng xanh được xem là vấn đề không chỉ của khu vực châu Á mà còn của cả thế giới và đang trở thành vấn đề cực kỳ quan trọng đối với những nước có nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn có nhu cầu phát triển bền vững. Đây là câu chuyện đã được nhắc đến ở rất nhiều diễn đàn, hội nghị và được xem là vấn đề mang tính chính trị, kinh tế.
Theo báo cáo mới đây của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, biến đổi khí hậu, nạn thất nghiệp, các hiện tượng thời tiết cực đoan, bất bình đẳng thu nhập đang là 4 vấn đề nổi cộm nhất mà nhân loại sẽ phải đối mặt trong vòng 10 năm tới. Điều này cho thấy tăng trưởng xanh đang ở mức báo động.
“Chúng ta đều biết rằng các vấn đề về môi trường và kinh tế không phải là chuyện của riêng ai. Chúng ta phải chung lưng đấu cật để giải quyết. Điều cốt lõi của chiến lược Tăng trưởng xanh là giảm nghèo thông qua việc phát triển kinh tế bền vững và bảo vệ môi trường bằng việc tăng cường các hệ sinh thái.
Muốn vậy, phải có kiến thức, công nghệ, nền khoa học và triết lý tăng trưởng mới. Bối cảnh hiện tại đòi hỏi chúng ta phải cùng nhau xây dựng một chiến lược hài hòa, có sự kết hợp giữa các yếu tố môi trường, xã hội và kinh tế. Muốn nền kinh tế phát triển, cũng cần tới những chính sách về môi trường”, ông Nak-in SUNG nhận định.
Giám đốc Đại học Quốc gia Seoul khẳng định, Chính phủ Hàn Quốc cũng rất quan tâm tới vấn đề này.
“Đã đến lúc chúng ta nên ngồi lại với nhau và thảo luận một cách hết sức nghiêm túc về chuyện này. Diễn đàn là cơ hội tuyệt vời để chúng ta cùng thảo luận các vấn đề nổi cộm liên quan tới Tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Nếu không có những nỗ lực đáng ghi nhận và sự phối hợp nhiệt tình của ĐHQGHN và UBND tỉnh Quảng Ninh, sự kiện trọng đại này sẽ không thể diễn ra như mong đợi”, Giám đốc Đại học Quốc gia Seoul nhấn mạnh.
Là địa phương đi đầu cả nước trong xây dựng và triển khai các kế hoạch hành động trong chiến lược tăng trưởng xanh của Chính phủ, trong những năm gần đây, dù phát triển kinh tế - xã hội đã đạt được những kết quả khá khích lệ, nhưng Quảng Ninh cũng đang phải đối mặt với rất nhiều mâu thuẫn và thách thức như mâu thuẫn giữa việc khai thác than, phát triển công nghiệp nặng và cảng biển với phát triển du lịch, dịch vụ trên cùng một địa bàn; thách thức giữa phát triển công nghiệp hóa và đô thị hóa nhanh, nhất là tại các khu vực cửa sông ven biển với giải quyết vấn đề môi trường sống; Thách thức giữa yêu cầu phát triển bền vững trước những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và nước biển dâng cao.
Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Quảng Ninh Vũ Thị Thu Thủy cho biết, với mục tiêu đến năm 2020 trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, trung tâm du lịch quốc tế và giữ vai trò là một trong những đầu tàu trong phát triển kinh tế của miền Bắc Việt Nam, hiện Quảng Ninh đang triển khai Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh nhằm: Giảm cường độ phát thải khí nhà kính, giảm việc khai thác và sử dụng quá mức các nguồn tài nguyên thiên nhiên và năng lượng, từng bước tăng dần tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo; Xanh hóa sản xuất; Xanh hóa đời sống và tiêu dùng bền vững.
Phó Chủ tịch Vũ Thị Thu Thủy đánh giá: “Diễn đàn này thực sự là cơ hội tốt cho các trường đại học gặp nhau cùng trao đổi giao lưu văn hóa, khoa học công nghệ, cũng như tìm kiếm các cơ hội hợp tác đầu tư trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng hiện nay.
Về phía Tỉnh Quảng Ninh, chúng tôi coi đây là cơ hội tốt để trình bày thực trạng, tồn tại và nhu cầu trong công tác giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực của địa phương; đồng thời cũng mong muốn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ và hợp tác của các trường đại học trong nước và quốc tế về các lĩnh vực có tiềm năng phục vụ phát triển bền vững như: tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường, phát triển các loại hình dịch vụ, phát triển du lịch; nghiên cứu khoa học ứng dụng và chuyển giao công nghệ, nhất là trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp và phát triển đô thị …”
Tại Diễn đàn, GS. Mai Trọng Nhuận- Chủ tịch Hội đồng Đảm bảo Chất lượng ĐHQGHN và GS. Mooyoung HAN, Đại học Quốc gia Seoul - đã có báo cáo với chủ đề “Tăng trưởng xanh để phát triển bền vững và hài hòa”.
Theo GS. Mai Trọng Nhuận, tăng trưởng xanh và việc xây dựng một xã hội phát thải ít carbon là một trong những cách tốt nhất để phát triển bền vững và đối mặt với biển đổi khí hậu. Chính phủ các nước cần coi đây là một trách nhiệm của toàn xã hội và phải đặc biệt chú trọng điều này.
Đáng nói, quốc gia nào cũng đang phát thải nhiều carbon trong khi sự nóng lên toàn cầu đang dần trở thành thảm họa lớn với nhân loại, thời tiết cực đoan đe dọa sự phát triển bền vững. Việt Nam lại là 1 trong những quốc gia thuộc top 10 các nước dễ bị tổn thương nhiều nhất khi nước biển dâng cao.
Trước thực tế này, GS. Mai Trọng Nhuận đề xuất 8 giải pháp như áp dụng tiếp cận 4I (cân bằng giữa năng lượng, môi trường, kinh tế và sinh thái); xây dựng xã hội carbon thấp bền vững; xây dựng hệ thống thể chế chính sách về tăng trưởng xanh và biến đổi khí hậu; khơi dậy sự sáng tạo của người dân trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu; phát triển nguồn nhân lực phát triển xanh; tăng trưởng xanh dựa vào đại học…
Trong khi đó, GS. Mooyoung đề cập nhiều tới tầm quan trọng của công nghệ mái nhà xanh và trách nhiệm của xã hội trong việc xây dựng công nghệ này.
Đồng tình với các giải pháp mà GS. Mai Trọng Nhuận đưa ra, Phó Giám đốc Đại học Thammasat Nitinant Wisaweisuan (Thái Lan) đề xuất thêm giải pháp 3C để giải quyết thực trạng này tức là cần tuyên truyền, kết nối cộng đồng và tiếp tục các hoạt động trên từ thế hệ này sang thế hệ khác: “Hãy thử tưởng tượng nếu thế giới của chúng ta sạch sẽ, thu nhập của mọi người được cải thiện, chúng ta sẽ cảm thấy hạnh phúc biết bao. Một xã hội phát thải ít carbon và không phải đối mặt với nhiều vấn đề do biến đổi khí hậu gây ra chắc chắn sẽ phát triển bền vững. Muốn vậy, mọi tổ chức, cá nhân trong xã hội đều phải cùng có trách nhiệm với tăng trưởng xanh”.
TS. Từ Thúy Anh – Chủ nhiệm Khoa Kinh tế Quốc tế của Trường ĐH Ngoại thương (Việt Nam) lại cho rằng, trong bối cảnh hiện tại, chúng ta không chỉ cần nghĩ tới tăng trưởng xanh mà còn phải quan tâm tới nền kinh tế xanh. TS. Từ Thúy Anh nêu quan điểm, các trường đại học có 2 nhiệm vụ chính là thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu và đào tạo. Về nghiên cứu, cần phát triển các chương trình nghiên cứu chung về kinh tế xanh, biến đổi khí hậu cũng như tổ chức các hội thảo quốc tế để cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức. Về đào tạo, các trường đại học cần mở rộng các ngành đào tạo với nhiều môn học mới sao cho phù hợp với bối cảnh hiện tại.
Chiều cùng ngày, ông Bùi Văn Tân – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Hạ Long, đại diện Tỉnh Quảng Ninh; TS. Nguyễn Anh Thu, Phó Hiệu trưởng, Đại học Kinh tế, ĐHQGHN; PGS. Dương Anh Đức, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TP. HCM; TS. Nguyễn Thi Kim Anh, Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN và PGS. Lê Thanh Hải – Phó viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên ĐHQG TP. HCM đã có tham luận về việc xây dựng xã hội cacbon thấp theo hướng bền vững và Tăng trưởng xanh dựa vào Đại học.
Tham luận của các diễn giả còn lại cũng tập trung vào vai trò của đại học với tăng trưởng xanh, kịch bản tăng trưởng xanh ở Việt Nam, các hoạt động của trường góp phần vào chiến dịch tăng trưởng xanh đồng thời đề xuất việc hợp tác giữa các trường đại học nhằm thúc đẩy tăng trưởng xanh.
Trong khuôn khổ của Diễn đàn, đại diện 3 bên: ĐHQGHN, ĐHQG Seoul và Tỉnh Quảng Ninh đã có phiên thảo luận việc thành lập một trung tâm nghiên cứu và đào tạo chung về Tăng trưởng Xanh. Tại buổi tọa đàm, chủ đề được tập trung thảo luận là phát triển bền vững quỹ đất, các nguồn lực du lịch mang tính lợi thế của tỉnh Quảng Ninh gắn với tăng trưởng xanh.
Diễn đàn AUF là mạng lưới các trường đại học châu Á do Đại học Quốc gia Seoul khởi xướng vào năm 2011 và được tổ chức luân phiên ở các quốc gia trong khu vực nhằm mục đích tăng cường sự hiểu biết và hợp tác giữa các đại học.
Diễn đàn là cơ hội trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ và hỗ trợ các đại học nâng cao năng lực đào tạo và nghiên cứu. Đặc biệt, Diễn đàn các trường đại học Châu Á cũng là nơi đề xuất các ý tưởng, tư vấn chính sách, thể hiện vai trò của đại học trong phát triển kinh tế, xã hội của từng quốc gia và của toàn châu lục.