VNU Logo

Hội nghị triển khai Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo năm 2025

Ngày 3/7/2025, tại Hòa Lạc, ĐHQGHN đã tổ chức Hội nghị hướng dẫn nội dung về tài chính theo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (KH, CN&ĐMST) năm 2025.

Hội nghị có sự tham dự của Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn, cùng gần 150 đại biểu là đại diện lãnh đạo, cán bộ chuyên trách từ các đơn vị chức năng và đơn vị đào tạo – nghiên cứu của ĐHQGHN.

Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn phát biểu tại hội nghị 

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn khẳng định việc triển khai hiệu quả Luật KH, CN&ĐMST năm 2025 không chỉ là yêu cầu pháp lý, mà còn là bước đi tất yếu để nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo trong hệ thống đại học – nghiên cứu. Với vai trò là một trong hai đại học quốc gia, ĐHQGHN cần tiên phong trong việc thể chế hóa các quy định mới, tạo lập hành lang pháp lý thông thoáng, hiện đại, phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn hoạt động nghiên cứu – chuyển giao tại Việt Nam.

Luật KH, CN&ĐMST năm 2025 là bước tiến mới trong tư duy và chính sách quản lý khoa học và công nghệ. Luật đã được Quốc hội thông qua trong kỳ họp đầu năm 2025 với nhiều nội dung cải cách, trong đó nổi bật là việc đổi mới cơ chế tài chính, nâng cao quyền tự chủ cho các tổ chức khoa học và công nghệ công lập, tăng cường quản trị theo hiệu quả đầu ra, thúc đẩy thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu và hợp tác công – tư trong đổi mới sáng tạo.

Ngay từ tháng 7/2025, một số nội dung về cơ chế tài chính của Luật đã bắt đầu có hiệu lực, trong khi các phần còn lại sẽ chính thức được áp dụng từ tháng 10/2025. Hội nghị được tổ chức đúng thời điểm, nhằm giúp các đơn vị trực thuộc ĐHQGHN kịp thời nắm bắt, triển khai và áp dụng thống nhất, hiệu quả các quy định mới.

Phó Giám đốc Phạm Bảo Sơn bày tỏ, Luật KH, CN&ĐMST 2025 sẽ mở ra cơ hội lớn để ĐHQGHN đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, phát triển công nghệ và các sản phẩm có tính thực tiễn cao, góp phần trực tiếp vào phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng để làm được điều đó, cần sự phối hợp đồng bộ giữa các nhà quản lý, các nhà khoa học và các đơn vị tài chính – kế hoạch.

ĐHQGHN tiên phong trong nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và chuyển giao tri thức. Đến nay, ĐHQGHN đang triển khai Chiến lược phát triển đến năm 2035, trong đó xác định rõ nghiên cứu – đổi mới sáng tạo – chuyển giao tri thức là một trong ba trụ cột chiến lược, song hành với đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và quốc tế hóa giáo dục đại học. Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của ĐHQGHN đang từng bước được hoàn thiện với sự ra đời và phát triển của Công viên Công nghệ cao và Đổi mới sáng tạo tại Hòa Lạc, hệ thống phòng thí nghiệm trọng điểm, Trung tâm đổi mới sáng tạo giáo dục và các nhóm nghiên cứu mạnh.

Việc triển khai hiệu quả Luật KH, CN&ĐMST 2025 sẽ là bước đệm quan trọng giúp ĐHQGHN phát huy tiềm lực trí tuệ, kết nối liên ngành – liên vùng, đẩy mạnh nghiên cứu chuyển giao phục vụ cộng đồng, doanh nghiệp và quốc gia.

Trưởng Ban Khoa học và Đổi mới sáng tạo Trần Thị Thanh Tú chia sẻ về các chính sách mới trong Luật KH,CN &ĐMST năm 2025 

Tại Hội nghị, Trưởng Ban Khoa học và Đổi mới sáng tạo ĐHQGHN Trần Thị Thanh Tú đã trình bày nội dung chính của Luật KH, CN & ĐMST năm 2025 và các điểm mới trong cơ chế tài chính áp dụng cho các nhiệm vụ khoa học – công nghệ. Theo đó, Luật năm 2025 hướng đến việc đơn giản hóa các thủ tục tài chính, mở rộng phạm vi được khoán chi, nâng mức tự chủ trong phân bổ và sử dụng kinh phí nghiên cứu, đồng thời siết chặt các tiêu chí về kết quả đầu ra và hiệu quả sử dụng ngân sách nhằm triển khai thống nhất, hướng đến hệ sinh thái đổi mới sáng tạo hoàn chỉnh trong toàn ĐHQGHN.

Một trong những điểm nổi bật là quy định mới về quản lý và khai thác tài sản hình thành từ nhiệm vụ KH&CN. Luật cũng cho phép các tổ chức nghiên cứu công lập có thể hợp tác đầu tư, góp vốn với doanh nghiệp để thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu – điều vốn gặp nhiều rào cản trước đây. Đây là tín hiệu tích cực để thúc đẩy chuyển giao công nghệ, hình thành các mô hình đại học đổi mới sáng tạo, thúc đẩy khởi nghiệp và kết nối với doanh nghiệp.

Trao đổi về các điểm mới trong cơ chế tài chính đặc biệt trong lĩnh vực khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo năm 2025, Phó Trưởng Ban Tài chính và Đầu tư ĐHQGHN Nguyễn Thị Oanh chia sẻ cụ thể về những nội dung đổi mới trong cơ chế tài chính áp dụng cho các nhiệm vụ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Phó Trưởng ban Nguyễn Thị Oanh nhấn mạnh, một trong những điểm đột phá là việc mở rộng khoán chi theo sản phẩm đầu ra, thay cho phương pháp kiểm soát chi tiết từng danh mục chi như trước đây. Điều này giúp các nhóm nghiên cứu chủ động hơn trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ, đồng thời nâng cao tính trách nhiệm và hiệu quả trong sử dụng ngân sách nhà nước.

Cùng với đó, cơ chế quản lý và khai thác tài sản hình thành từ nhiệm vụ KH&CN đã được làm rõ, tạo điều kiện để các đơn vị khai thác hiệu quả kết quả nghiên cứu, hoặc chuyển giao cho các đối tác doanh nghiệp theo nguyên tắc chia sẻ lợi ích. Luật cũng quy định cụ thể hơn về phân cấp trách nhiệm trong phê duyệt, điều chỉnh dự toán, tạm ứng và quyết toán kinh phí, giúp đơn giản hóa thủ tục và tiết kiệm thời gian.

Bà Nguyễn Thị Oanh nhấn mạnh: Ban Tài chính và Đầu tư sẽ tiếp tục đồng hành cùng các đơn vị trong quá trình chuyển đổi, xây dựng hướng dẫn cụ thể cho từng loại nhiệm vụ và mở rộng hỗ trợ kỹ thuật để đảm bảo tính nhất quán và đúng quy định pháp luật trong thực hiện Luật mới.

Trong phần thảo luận, các đại biểu đã đặt nhiều câu hỏi cụ thể về triển khai Luật trong điều kiện đặc thù của từng đơn vị – từ việc xác định định mức khoán chi, thủ tục thanh quyết toán, đến cách thức đánh giá hiệu quả đầu ra. Ban tổ chức đã tiếp nhận, trao đổi, hướng dẫn chi tiết và cam kết sẽ tiếp tục tổ chức các buổi tập huấn chuyên sâu trong thời gian tới.

Tại hội nghị Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn, Trưởng Ban Khoa học và Đổi mới sáng tạo Trần Thị Thanh Tú, Phó Ban Tài chính và Đầu tư Nguyễn Thị Oanh cũng đã giải đáp các vướng mắc về chính sách, chuyên môn trong việc thực hiện cụ thể các hạng mục liên quan tại đơn vị.

Tại hội nghị, Ban Khoa học và Đổi mới sáng tạo ĐHQGHN đã công bố kế hoạch tiếp theo về triển khai Luật tại ĐHQGHN, bao gồm: xây dựng hướng dẫn chi tiết theo từng nhóm đối tượng, tổ chức đối thoại chuyên đề với các nhóm nghiên cứu, mở kênh tiếp nhận phản hồi để tổng hợp các vướng mắc, kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi các quy định chưa phù hợp.

ĐHQGHN cam kết sẽ đồng hành cùng các đơn vị trong suốt quá trình thực hiện, đảm bảo các quy định mới không chỉ được triển khai đầy đủ, mà còn phát huy được hiệu quả thực chất. Đây là thời điểm để cả hệ thống chuyển từ tư duy quản lý nhiệm vụ sang tư duy quản trị đổi mới sáng tạo – lấy kết quả đầu ra làm trung tâm.

Thùy Dương - VNU Media