Hội thảo đã thu hút sự có mặt của 150 nhà khoa học, nhà nghiên cứu của các cơ quan trung ương và các tỉnh khu vực Tây Bắc (Thanh Hóa, Nghệ An, Sơn La, Cao Bằng, Lai Châu, Điện Biên, Lạng Sơn…). 28 trong tổng số 74 tham luận khoa học đã được trình bầy tại 04 tiểu ban Hội thảo. Đây là Hội thảo Thái học lần thứ 6 được tổ chức từ năm 1991 tới nay, trong đó những năm gần đây phối hợp với các tỉnh Cao Bằng (năm 2006), Điện Biên (năm 2009), Thanh Hóa (năm 2012) tổ chức.
Điểm nhấn của Hội thảo lần 6 là Cộng đồng các tộc người Thái - Ka Đai với văn hóa Đông Sơn, trong đó tập trung vào đóng góp của cộng đồng Thái - Ka Đai nói chung và của các nhóm Thái Thanh Hóa nói riêng vào quá trình hình thành và phát triển của Văn hóa Đông Sơn nói chung ở Việt Nam và Đông Nam Á. Bên cạnh đó, một số vấn đề cơ bản liên quan đến không gian văn hóa khu vực sinh sống của người Tày – Thái cũng được nhiều tham luận tập trung đề cập tới, như: Người Thái xứ Thanh: Nguồn gốc, quá trình tộc người, mối liên hệ văn hóa tộc người, không gian văn hóa và các mối quan hệ trong khu vực Tây Bắc Việt Nam; Văn hóa Thái trong bức tranh văn hóa các tộc người ở Tây Bắc Việt Nam; Vấn đề tộc danh, địa danh trong nghiên cứu lịch sử; khảo cứu lịch sử qua sử thi Thái…

Các đại biểu Hội thảo thống nhất nhân kỷ niệm 25 năm chương trình Thái học Việt Nam, Hội thảo Thái học lần thứ 7 sẽ được tổ chức vào năm 2014 tại thành phố Sơn La với chủ đề “Xây dựng nguồn lực phục vụ phát triển bền vững vùng Thái Tây Bắc” dưới sự phối hợp chủ trì của Viện VNH&KHPT (ĐHQGHN) và UBND tỉnh Sơn La.