Ở tất cả mọi nước, nếu như giáo dục phổ thông chủ yếu có sứ mệnh tạo nền dân trí, giáo dục cốt cách công dân, thì giáo dục sau phổ thông (postsecondary education), trong đó có giáo dục đại học, lại chủ yếu thực hiện trực tiếp sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực. Với sự phân công tương đối đó, cách thức tổ chức hệ thống và phương thức hoạt động của hai tầng giáo dục này không giống nhau. Giáo dục phổ thông có thể và cần phải tạo ra mặt bằng, còn giáo dục đại học thì không nên và không thể. Yêu cầu căn bản của giáo dục phổ thông là đạt chuẩn, còn đối với giáo dục đại học là phân loại, tuyển chọn. Do sự khác biệt đó hiện tượng ở một quốc gia có những trường đại học rất chênh lệch về đẳng cấp được coi là hợp quy luật. Có gắng để tạo ra một mặt bằng nào đó giữa các các trường đại học theo kiểu “đánh đồng” hay “cào bằng” chẳng những là không tưởng mà còn phản quy luật.
|
GS.TSKH Vũ Minh Giang - Phó giám đốc ĐHQGHN |
Xuất phát từ đặc điểm ấy, những nước coi trọng giáo dục thường tạo điều kiện để xây dựng và phát triển một hoặc một số trường đại học đỉnh cao làm đầu tầu, nòng cột và là biểu tượng, diện mạo trí tuệ của quốc gia. Những trường đại học như vậy thường mang danh hiệu Đại học quốc gia. Khác các trường đại học công lập khác, ĐHQG thường có địa vị pháp lý cao và được ưu tiên đầu tư. Người đứng đầu ĐHQG thường do nguyên thủ quốc gia bổ nhiệm (Giám đốc 2 ĐHQG Matxcova và Saint Peterbourg của Nga do Tổng thống bổ nhiệm, ở Phillipin và Singapore Giám đốc Đại học Quốc gia cũng do Tổng thống bổ nhiệm, ở Trung Quốc Thủ tướng Quốc vụ viện bổ nhiệm Giám đốc hai Đại học Bắc Kinh và Thanh Hoa, ở Thái Lan, Nhà vua bổ nhiệm Giám đốc 2 Đại học Chulalongkorn và Mahidol, ở Brunei Quốc vương bổ nhiệm Giám đốc Đại học Bandar Seribegawan.…). Nga còn ban hành một bộ luật riêng về Đại học Quốc gia. Điều đó, một mặt thể hiện thái độ trọng thị của Chính phủ với diện mạo quốc gia, mặt khác đó là cách tạo vị thế và điều kiện cho ĐHQG có thể thực hiện được sứ mệnh của mình. Đó là chính sách nhất quán của các nước coi trọng giáo dục theo triết lý phát triển dựa vào đại học, dựa vào tri thức.
|
ĐHQG Matxcova mang tên Lomonosov - Tượng đài của giáo dục đại học Liên bang Nga |
Là một nước có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam về chính trị, xã hội và truyền thống văn hóa, cách thức đầu tư cho đại học đỉnh cao của Trung Quốc là những kinh nghiệm rất tốt cho chúng ta suy ngẫm trong việc lựa chọn con đường phát triển riêng của mình. Trong những năm gần đây, nền giáo dục Trung Quốc đã có những chuyển biết rất tích cực. Nếu như các nước đang phát triển thường chfi ú trọng đầu tư cho giáo dục cấp tiểu học và cơ sở thì Trung Quốc lại đầu tư mạnh mẽ cho giáo dục bậc cao. Đây là điểm khác biệt cơ bản của giáo dục Trung Quốc với các nước cùng trình độ phát triển. Với quyết tâm trở thành cường quốc hàng đầu thế giới, Đảng CSTQ đã có những chính sách đặcc biệt đối với khoa học và giáo dục. Tại Đại hội khoa học kỹ thuật toàn quốc diễn ra vào giữa tháng 5 năm 1995, Chủ tịch Giang Trạch Dân đã đưa ra ý tưởng “Khoa giáo hưng quốc” (chấn hưng quốc gia nhờ khoa học và giáo dục). Từ ý tưởng này, Quốc vụ viện Trung Quốc đã thông qua Đề án 211 nhằm tập trung đầu tư cho một số trường đại học hàng đầu của mình với mục tiêu vào những thập niên đầu thế kỷ 21 có trường lọt vào top 100 đại học hàng đầu thế giới. Tiếp tục chủ trương ấy, năm 1998 Trung Quốc cho triển khai Đề án 985, tập trung đầu tư cho hai đại lớn và có truyền thống là Bắc Kinh và Thanh Hoa. Theo đề án này, ngoài những chính sách ưu tiên khác, riêng kinh phí mỗi năm mỗi trường được nhận thêm khoảng 1,8 tỷ NDT (tương đương gần 300 triệu USD) phục vụ cho các chương trình đạo tạo, nghiên cứu đỉnh cao và hợp tác quốc tế.
|
Đại học Quốc gia Saint Peterbourg (Liên bang Nga), nơi có Khoa Đông phương học nổi tiếng |
Bằng chính sách quyết liệt như vậy, hai trường Bắc Kinh và Thanh Hoa đã nâng cao đáng kể vị thế của mình trong khu vực và thế giới. Phát triển các trường đại học tinh hoa, đặc biệt là hai trường đỉnh này, Trung Quốc rất chủ động trong việc đào tạo phần lớn nguồn nhân lực chất lượng cao của chính mình và cũng nhờ có các trường đại học tinh hoa nên khi mở cửa giáo dục, Trung Quốc và có ngay được những đối tác hàng đầu thế giới và trong một thời gian ngắn các trường này lại có cơ hội phát triển nhanh và mạnh. Sinh viên quốc tế đến hai trường này ngày càng đông. Từ chỗ hầu như không được biết đến ở Âu - Mỹ, năm 2007 Đại học Bắc Kinh và Đại học Thanh Hoa đã được xếp hạng 36 và 40 trong danh sách những trường đại học tốt nhất thế giới và liên tục duy trì được thứ hạng đó.
|
Trong khuôn viên của Đại học Bắc Kinh |
Singapore lại là một thí dụ sinh động khác. Sau khi tách ra khỏi Liên bang Malaysia vào năm 1965, Singapore được ví như như “một làng chài nghèo đói” (lời nguyên Thủ tướng Lý Quang Diệu). Trong bối cảnh vô vàn khó khăn đó, Chính phủ Singapore đã quyết tâm đưa đất nước đi lên từ giáo dục. Mặc dù là một quốc gia non trẻ, hoàn toàn có thể du nhập mô hình tiên tiến từ bên ngoài nhưng lãnh đạo đất nước này đã không làm như vậy. Họ đã bắt đầu từ xây dựng nội lực. Nhiều người không nắm vững lịch sử Singapore thường không lý giải nổi vì sao năm 2005 một đất nước mới 40 tuổi mà lại kỷ niệm 100 năm thành lập Đại học Quốc gia (NUS). Đó là cả một triết lý phát triển mà chỉ có đi sâu nghiên cứu mới hiểu được.
|
Cổ Môn - biểu tượng của Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc) vừa kỷ niệm 100 năm ngày thành lập (1911 - 2011) |
Chính phủ Singapore đã bắt đầu sự nghiệp xây dựng đại học của mình với một truyền thống vốn có từ thời còn nằm trong Liên bang Malaysia. Họ tiếp thu công nghệ đào tạo của trường đại học Malayu được xây dựng từ năm 1905 bằng cách mời về Singapore các giáo sư người Hoa từng giảng dạy ở đại học Malayu và chuyển giao chương trình đào tạo của trường này vốn rất phù hợp với văn hoá của các cộng đồng người Hoa, người Mã và người Ấn (cả ba cộng đồng này đều có ở Singapore). Sau đó tập trung đầu tư để nâng cấp. Trong một thời gian ngắn Singapore đó đầu tư rất lớn vào việc phát triển Đại học Quốc gia. Ngân sách trung bình dành cho giáo dục lên đến 25% tổng chi tiêu quốc gia, trong đó 14% dành cho giáo dục đại học. Sự đầu tư mạnh mẽ này đó đặt những nền tảng vững chắc đầu tiên cho Đại học Quốc Gia Singapore để rồi sau đó tiếp tục phát triển thêm trường đại học khác là Đại học Công nghệ Nanyang (NTU).Sau khi phát triển thành công hai trung tâm nghiên cứu lớn mạnh làm trụ cột cho nền giáo dục, Singapore hiện đã chuyển chiến lược của mình sang kêu gọi những trường đại học lớn trên thế giới mở những cơ sở liên kế nghiên cứu và đào tạo với các trường đại học của mình. Điển hình của sự hợp tác này là Liên minh Singpore - MIT giữa hai trường đại học nghiên cứu của Singapore (NTU và NUS) với Viện Công nghệ Massachussetts của Hoa Kỳ, là nơi cung cấp những chương trình nghiên cứu cấp thạc sỹ và tiến sỹ với chất lượng rất cao nhờ dựa vào những thế mạnh về học thuật, tài chính, và cơ sở nghiên cứu của cả ba trường đại học lớn trên thế giới này. Trên cơ sở phát triển các liên minh nghiên cứu này, năm 1997 Singapore có đủ nội lực xây dựng một Học viện về quản lý tầm cỡ thế giới mang tên Lý Quang Diệu. Đây là kết quả hợp tác của Đại học Quốc gia Singapore với đại học Harvarrd và Viện Quản lý Wharton của Mỹ. Từ kinh nghiệm của Trung Quốc và Singapore có thể thấy chiến lược phát triển giáo dục đại học của những nước này đều là củng cố, đẩy mạnh các trường đại học nghiên cứu lớn của mình nhằm giữ vị trí trụ cột trong hệ thống giáo dục. Những trường này, sau khi đó có vị thế vững mạnh, tiến hành liên kết, hợp tác với các trường đại học danh tiếng lớn trên thế giới để thành lập các cơ sở nghiên cứu và đào tạo nhằm nhân rộng các chương trình chất lượng cao của mình.
|
Đại học Quốc gia Singapore, luôn đứng vị trí top 20 của thế giới theo sự bình chọn của báo The Times Higher Education Supplement - Anh |
Ở Việt Nam, Đảng CSVN từ lâu đã coi giáo dục cùng với khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu. Theo phương châm đó, ngày 14 tháng 1 năm 1993, Hội nghị nghị lần thứ tư BCH Trung ương Đảng (Khóa VII) đã ra nghị quyết, trong đó chỉ rõ: “xây dựng một số trường đại học trọng điểm quốc gia”. Cụ thể thể hóa chủ trương đó, ngày 10/12/12993 Thủ tướng Chính phủ đã ký Nghị định số 07/CP thành lập Đại học Quốc gia Hà Nội và sau đó ký phê chuẩn Quy chế hoạt động của ĐHQGHN. Hai năm sau, Thủ tướng tiếp tục ký Nghị định thành lập Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh. Từ thực tế trên đây, có thể thấy lãnh đạo Việt Nam đã sớm có tầm nhìn chiến lược. Trong bối cảnh mới ra khỏi khủng hoảng mà Đảng và Chính phủ đã quyết tâm xây dựng hai Đại học Quốc gia ở hai đầu đất nước với sứ mệnh làm đầu tầu và nòng cột cho giáo dục đại học nước nhà.
|
Giảng đường lớn của Đại học Chulalongkorn, nơi những sinh viên ưu tú nhất Thái Lan theo học |
Trong một thời gian dài nước ta vận hành một nền kinh tế kế hoạch hóa cao độ nên hệ thống các trường đại học cũng được xây dựng theo mô hình chuyên ngành. Trong thời kỳ phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, chúng ta cần những đại học đa ngành, đa lĩnh vực có thể liên thông và liên ngành tham gia giải quyết các bài toán lớn của đất nước. Đại học Quốc gia cùng với hai Viện Quốc gia về khoa học có trách nhiệm lớn trong sứ mệnh này.
Tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo Đảng và Nhà nước khi quyết định thành lập ĐHQG còn ở chỗ, trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu, mở cửa ngày càng rộng, nhất là nước ta đã gia nhập tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và kèm theo đó là cam kết mở cửa thị trường dịch vụ (GATS), trong đó có giáo dục đại học thì củng cố và phát triển Đại học Quốc gia còn là giải pháp có tính chiến lược để giữ vững độc lập chủ quyền và tăng cường nội lực để có thể chủ động và vững vàng hội nhập, tránh khỏi lệ thuộc nước ngoài.
|
Đại học Quốc gia Hà Nội đã đón tuổi 100 vào năm 2006 |
Với truyền thống hơn 100 năm xây dựng và phát triển, ĐHQGHN mà tiền thân là Đại học Đông Dương, với đội ngũ giáo sư và các nhà khoa học hàng đầu Việt Nam, đã có vị thế và danh tiếng rất lớn trong nền giáo dục nước ta, xứng đáng là trường đại học đầu tàu trong cả nước. Không chỉ là nới nghiên cứu và đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học cơ bản chất lượng cao nhất cả nước, ĐHQGHN còn đưa ra nhiều sáng kiến và phát triển thành công mô hình đào tạo tài năng, chất lượng cao trên các lĩnh vực khác. Uy tín quốc tế của ĐHQG ngày càng được nâng cao. Cho đến nay ĐHQGHN cũng có hợp tác và quan hệ quốc tế sâu rộng với hàng trăm trường đại học nước ngoài có uy tín, trong đó có những trường đại học danh tiếng của Hoa Kỳ, Nhật Bản, Anh, Pháp... Hiện nay ĐHQGHN là đại diện của Việt Nam trong nhiều tổ chức quốc tế về giáo dục đại học, trong đó phải kể đến việc là thành viên của mạng lưới 4 đại học hàng đầu của Đông Á (Tokyo, Bắc Kinh, Seoul và ĐHQGHN). ĐHQGHN cũng được tin cậy giáo và hòan thành xuất sắc việc đón tiếp nguyên thủ nhiều quốc gia.
Cùng với những kết quả trong công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, ĐHQGHN đã thực sự có những đóng góp xứng đáng trong hoạt động KH và CN. Cơ chế được tự chủ cao đã phát huy được tinh thần sáng tạo của các nhà khoa học thuộc nhiều thế hệ. Trong những năm gần đây, ĐHQGHN luôn là đơn vị dẫn đầu cả nước về số lượng bài báo được công bố trên các tạp chí có uy tín của quốc tế. Đặc biệt đã phát huy tốt vai trò chủ công của mình trong các sự kiện học thuật quốc tế lớn (Hội thảo Quốc tế về Việt Nam học, Hội nghị của tổ chức Liên chính phủ về biến đổi khí hâu – IPCC, Hội nghị Phát triển bền vững thủ đô Hà Nội nhân đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội...). Các nhà khoa học của ĐHQGHN đã đóng vai trò chủ công trong nhiều chương trình KHCN cấp nhà nước, xây dựng luận chứng khoa học cho nhiều nhiều quyết sách của Đảng và Nhà nước...
Để có thể vươn lên hoàn thành sứ mệnh của mình, hơn bao giờ hết ĐHQG đang cần được sự ủng hộ của xã hội và các cấp quản lý. Một trong những nguyên tắc xây dựng Luật Giáo dục đại học lần này là thể chế hóa đường lối của Đảng thì việc đưa ĐHQG vào luật chính là thực hiện nghiêm túc nguyên tắc ấy.
>>> Xem thêm:
|