Tham dự buổi nghiệm thu có 8/9 uỷ viên hội đồng; đại diện ban giám đốc, đại diện lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc cùng các chủ nhiệm của 13 đề tài nhánh thuộc đề tài ĐTĐL – 2004/21.
Hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở đề tài ĐTĐL - 2004/21 gồm 9 thành viên do GS.TSKH Vũ Minh Giang – Phó giám đốc ĐHQGHN làm Chủ tịch; GS.TSKH Đặng Ứng Vận, giảng viên Trường ĐHKHTN làm uỷ viên phản biện 1; PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ - Phó ban Tuyên giáo Trung ương làm uỷ viên phản biện 2.
|
Ủy viên phản biện 1 GS.TSKH Đặng Ứng Vận |
Để tăng cường cơ sở khoa học cho việc xây dựng Dự án "Thí điểm phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng nguồn nhân lực tài năng phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước" - một dự án lớn được lãnh đạo Đảng và Nhà nước trực tiếp giao nhiệm vụ cho ĐHQGHN chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học Công nghệ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam xây dựng (năm 2003), năm 2004 Bộ Khoa học Công nghệ đã phê duyệt thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học độc lập cấp Nhà nước về “Xây dựng cơ sở khoa học cho việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng nguồn nhân lực tài năng của đất nước” do GS.TSKH Đào Trọng Thi – UVTW Đảng, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc ĐHQGHN làm Chủ nhiệm; GS.TS Mai Trọng Nhuận – Phó giám đốc ĐHQGHN làm Phó chủ nhiệm. Thời gian thực hiện đề tài từ tháng 1/2004 đến tháng 6/2006. Mục tiêu của đề tài là xây dựng luận cứ và cơ sở khoa học cho quy trình phát triển nguồn nhân lực tài năng trong khoa học - công nghệ, lãnh đạo, quản lý và kinh doanh phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đồng thời kiến nghị về định hướng chiến lược nhân tài quốc gia.
|
Ủy viên phản biện 2 PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ |
Tại buổi nghiệm thu cấp cơ sở, chủ nhiệm đề tài GS.TSKH Đào Trọng Thi đã trình bày tóm tắt những kết quả nghiên cứu của đề tài trước hội đồng. Cấu trúc nội dung của đề tài mang mã số ĐTĐL – 2004/21 gồm 5 chương: Nhân tài và sự phát triển của văn minh nhân loại; Tổng quan lịch sử về phát triển nhân tài ở các nước trên thế giới và Việt Nam; Đặc trưng của nhân tài và điều kiện phát triển nhân tài; Các quy trình phát triển nhân tài; Định hướng chiến lược nhân tài quốc gia. Với những kết quả nghiên cứu chi tiết của 13 đề tài nhánh, đề tài đã tập trung làm rõ các nội dung cơ bản:
- Thực tiễn và phương pháp luận về đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng nguồn nhân lực tài năng.
- Cơ sở khoa học của các phương pháp tạo nguồn cho quy trình đào tạo và phát triển tài năng trong khoa học – công nghệ, lãnh đạo, quản lý và kinh doanh.
- Cơ sở khoa học của xây dựng các tiêu chí phát hiện, tuyển chọn cho quy trình đào tạo và phát triển tài năng trong khoa học - công nghệ, lãnh đạo, quản lý và kinh doanh.
- Cơ sở khoa học của xây dựng các tiêu chí trong khoa học - công nghệ, lãnh đạo, quản lý và kinh doanh ở nước ta.
- Cơ sở khoa học của xây dựng các chương trình đào tạo, bồi dưỡng tài năng trong khoa học - công nghệ, lãnh đạo, quản lý và kinh doanh.
- Cơ sở khoa học của xây dựng các cơ chế chính sách thử thách, sử dụng, đãi ngộ tài năng trong khoa học - công nghệ, lãnh đạo, quản lý và kinh doanh.
- Phác thảo các qui trình đào tạo và phát triển tài năng trong khoa học – công nghệ, lãnh đạo, quản lý và kinh doanh.
|
GS.TSKH Vũ Minh Giang - Chủ tịch hội đồng |
Hội đồng đã nghe bản nhận xét của 2 uỷ viên phản biện GS.TSKH Đặng Ứng Vận và PGS.TS Nghiêm đình Vỳ. Cả hai uỷ viên phản biện cùng đánh giá cao những kết quả nghiên cứu trong khuôn khổ một đề tài độc lập và đề nghị cho nghiệm thu đề tài ở cấp nhà nước. Hai ông cùng cho rằng đây là một công trình nghiên cứu công phu, nghiêm túc và có nội dung phong phú. Đề tài đã tập hợp được đội ngũ những nhà khoa học am hiểu sâu sắc cả về nội dung lý luận và thực tiễn có liên quan đến nội dung nghiên cứu của đề tài. Trong quá trình triển khai đề tài, chủ nhiệm đề tài cũng đã tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp của nhiều nhà khoa học, quản lý ở các cơ quan, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp và trường học. Với phương pháp tiếp cận hệ thống, cụ thể, liên ngành và mục tiêu ứng dụng cao, đề tài đã xác lập cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc xây dựng các quy trình có tính khoa học, hệ thống để đào tạo và phát triển tài năng trong khoa học công nghệ, lãnh đạo, quản lý và kinh doanh, bao gồm tất cả các khâu: từ tạo nguồn, phát hiện, tuyển chọn đến đào tạo, bồi dưỡng, thử thách, cọ xát thực tiễn, sử dụng, đãi ngộ tài năng. Đây là những đóng góp quan trọng của đề tài. Về cơ bản, hai ủy viên phản biện cùng nhất trí với các quan điểm cơ bản của đề tài: quy trình không thay thế cho hệ thống các chương trình đào tạo bồi dưỡng cán bộ hiện hành; phải có tính liên hoàn, xen kẽ hữu cơ giữa phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng trong cả vòng đời phát triển của nhân tài,... Hai uỷ viên phản biện cùng nhất trí với việc kiến nghị của đề tài rằng cần có một Nghị quyết riêng của Đảng về nhân tài, có chiến lược nhân tài quốc gia, cần tạo ra những điều kiện về mặt tổ chức và tập trung nguồn lực và trọng dụng nhân tài.
|
Uỷ viên thư ký TSKH. Nguyễn Đình Đức |
Các uỷ viên hội đồng và các đại biểu đã đóng góp một số ý kiến bổ sung và hoàn thiện đề tài. Các ý kiến tập trung vào một số nội dung mang tính kỹ thuật trong đó đề nghị nhóm nghiên cứu đề tài cần nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc sử dụng, đãi ngộ nhân tài. Chủ nhiệm đề tài đã trả lời, trao đổi và tiếp thu một số ý kiến của hội đồng.
100% uỷ viên hội đồng có mặt tại buổi nghiệm thu cấp cơ sở nhất trí đề nghị nghiệm thu cấp nhà nước đề tài độc lập cấp nhà nước ĐTĐL – 2004/21 sau khi chỉnh sửa và hoàn thiện nội dung theo những góp ý của hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở.
|