Nhân dịp GS.TSKH. Nguyễn Phú Thùy và GS.TS. Nguyễn Hữu Đức - hai nhà Vật lý của Đại học Quốc gia Hà Nội - được trao giải thưởng Elsevier Scopus (Elsevier Scopus Awards) ghi nhận chỉ số H-index cao, chúng tôi đã trao đổi với GS.TS. Nguyễn Hữu Đức - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ về một số nội dung liên quan.
Phóng viên (PV) Thưa GS, GS có thể cho biết cảm nhận của mình khi được trao giải thưởng của Elsevier Scopus?
GS.TS. Nguyễn Hữu Đức (GS.TS. NHĐ): Elsevier Scopus Awards là một sáng kiến mới của Nhà xuất bản Elsevier - một nhà xuất bản các ấn phẩm khoa học hàng đầu của thế giới- dựa trên chỉ số H-index. Tôi đón nhận giải thưởng này và coi đó như là một sự ghi nhận mức độ ảnh hưởng khiêm tốn của các công trình nghiên cứu của mình trong cộng đồng các nhà khoa học thế giới. Tôi cũng đón nhận nó như là một cách tiếp cận mới, một thước đo mới để đánh giá năng suất và chất lượng của các hoạt động nghiên cứu khoa học - công nghệ cơ bản. Thời gian gần đây, các nhà khoa học Việt Nam trao đổi nhiều về cách thức đánh giá khách quan thành tựu của một nhà khoa học. Theo tôi, H-index cũng là một phương pháp có thể tham khảo được.
PV: Xin GS giới thiệu về chỉ số H-index?
GS.TS. NHĐ: Năng lực và chất lượng hoạt động khoa học của các nhà khoa học thường được đánh giá trước hết dựa vào tổng số các bài báo khoa học đã được xuất bản trong các tạp chí khoa học quốc tế, đến chỉ số ảnh hưởng của các tạp chí xuất bản bài báo đó, sau cùng là tổng số lần các bài báo khoa học được trích dẫn.
Năm 2005, nhà vật lý người Mỹ - Jorge Hirsch của Đại học California ở San Diego đã đưa thêm chỉ số H (H-index) để đánh giá thành tựu khoa học và làm cơ sở so sánh đóng góp khoa học của các nhà khoa học khác nhau (trong cùng lĩnh vực) (xem http://en.wikipedia.org/wiki/H-index).
Theo Jorge Hirsch thì một nhà khoa học có chỉ số H nếu trong số N công trình của ông ta có H công trình khoa học (H < N) có số lần trích dẫn của mỗi bài đạt được từ H trở lên. Như vậy, chỉ số H chứa đựng được cả hai thông tin: số lượng (số các bài báo được công bố) và chất lượng, tầm ảnh hưởng (số lần được các nhà khoa học khác trích dẫn) của hoạt động khoa học.
Jorge Hirsch cũng đã xem xét chỉ số H cho một số nhà khoa học và đưa ra nhận xét rằng, trong lĩnh vực vật lý lý thuyết, các nhà khoa học Mỹ thành công (successful) sẽ có chỉ số H = 20 sau 20 năm; một nhà khoa học nổi tiếng (outstanding) sẽ có chỉ số H = 40 sau 20 năm; thiên tài khoa học (truly unique individual) sẽ có chỉ số H = 60 sau 20 năm.
Jorge Hirsch cũng đã đề nghị rằng ở Mỹ một nhà khoa học có thể bổ nhiệm phó giáo sư (associate professor) nếu có chỉ số H khoảng 12 và giáo sư (full professor) nếu H vào khoảng 18. Các nhà khoa học được giải thưởng Nobel thường có chỉ số H trong khoảng từ 35 đến 100. Chỉ số H cao nhất của một số lĩnh vực khác như hoá - lý: 100, sinh học: 160, khoa học máy tính: 70, trong khi đó lĩnh vực kinh tế học có chỉ số H vào khoảng 40.
PV: GS có thể cho biết một số thông tin về chỉ số H của các nhà khoa học Việt Nam?
GS.TS. NHĐ: Ở Việt Nam ta, dù điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng cũng đã có nhiều đơn vị đào tạo và nghiên cứu công bố nhiều bài báo trên các tạp chí quốc tế có uy tín. Chỉ tính riêng ĐHQGHN, năm 2007 đã xuất bản 127 bài báo quốc tế. Một số bài báo khoa học của các nhà khoa học Việt Nam cũng được các nhà khoa học thế giới trích dẫn nhiều.
Có những công trình đã có số trích dẫn hơn 50 lần và có một số nhà khoa học như GS. Đào Tiến Khoa (Viện Khoa học kỹ thuật Hạt nhân), GS. Nguyễn Xuân Phúc (Viện Khoa học Vật liệu)..., có chỉ số H vào khoảng 10-12, hoàn toàn tương đương với chỉ số của các nhà khoa học ở một số phòng thí nghiệm (PTN) hiện đại ở Singapore và Hàn Quốc.
Đây là một trong những điển hình cần được nhân rộng ở nước ta. Bạn có thể tham khảo thông tin liên quan tại www.igroupnet.com hoặc www.info.scopus.com để tìm hiểu thêm về chỉ số H-index.
PV: Thưa GS, giải thưởng Elsevier Scopus có có ý nghĩa thế nào đối với một nhà khoa học?
GS.TS. NHĐ: Bằng nhận biết của mình qua các lần trao đổi với các đối tác và đồng nghiệp nước ngoài, tôi thấy chỉ số H đã bắt đầu được sử dụng trong quản lý khoa học của họ. Đối với các nước như Việt Nam ta, giải thưởng Elsevier Scopus (thực chất là thông tin về chỉ số H), ngoài sự ghi nhận thành quả hoạt động khoa học, cũng nên ghi nhận đó như là khả năng hội nhập với khoa học thế giới.
“Tầm ảnh hưởng của các giải thưởng không nằm trong tấm huy chương, mà nằm trong chính chất lượng công trình nghiên cứu và con đường đưa các kết quả sáng tạo ấy vào cuộc sống.”
GS.TS. Nguyễn Hữu Đức |
PV: Riêng đối với GS, đó cũng là lý do mà GS vừa được mời tham gia Hội đồng biên tập quốc tế của tạp chí Journal of Magnetism and Magnetic Materials - một tạp chí có truyền thống và uy tín của thế giới do Elsevier xuất bản?
GS.TS. NHĐ: Đây là tạp chí lần đầu tiên (năm 1980) tôi được biết trong cuộc đời làm khoa học của mình, lần đầu tiên (năm 1982) chúng tôi gửi đăng bài tại đó và tôi vẫn thường xuyên cộng tác trong suốt 30 năm qua. Tham gia Hội đồng biên tập của tạp chí này là các nhà vật lý hàng đầu của thế giới, có cả GS người Pháp – A. Fert - người được giải thưởng Noble Vật lý năm 2007.
PV: Chúng ta có thể làm gì để khoa học Việt Nam có các giải thưởng lớn hơn, thưa GS?
GS.TS. NHĐ: Tiến tới các công trình khoa học đỉnh cao, các giải thương quốc tế lớn, ngoài việc đầu tư trang thiết bị nghiên cứu, chúng ta cần kết hợp triển khai đồng bộ một số giải pháp sau:
- Quan tâm đúng mức đến nghiên cứu khoa học cơ bản và công nghệ nguồn, coi đó là một sự đầu tư cho sự phát triển, tạo ra các tri thức mới để góp phần tăng cường năng lực cạnh tranh cho đất nước.
- Các trường đại học có thế mạnh trong việc tổ chức thực hiện các nghiên cứu cơ bản và công nghệ nguồn. Mô hình tổ chức nghiên cứu cơ bản hiện đại, khả thi hiện nay cho các trường đại học Việt Nam là tổ chức các trung tâm nghiên cứu xuất sắc kết hợp chặt chẽ với việc thành lập các trường sau đại học để thực hiện đồng thời cả hai nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu đạt trình độ quốc tế.
- Có cơ chế và đủ sức giao các nhiệm vụ khoa học – công nghệ, chỉ ra các phương hướng nghiên cứu đủ tầm, đón bắt được các phát minh mới. Giao đúng nhiệm vụ cho các nhà khoa học đẳng cấp quốc tế, trước mắt nếu một số lĩnh vực của Việt Nam chưa đáp ứng được có thể có thể thuê nước ngoài.
- Áp dụng chính sách mới đối với đào tạo tiến sĩ, đảm bảo cho thầy và trò yên tâm, tập trung cho các hoạt động sáng tạo. Tạo cơ chế và điều kiện để mời các post-doc người nước ngoài đến làm việc tại các PTN của Việt Nam.
- Kết quả khoa học cần phải được đánh giá theo các chuẩn quốc tế theo lộ trình: tăng đáng kể số lượng bài báo xuất bản trên các tạp chí quốc tế có uy tín; đầu tư công bố các công trình khoa học trên các tạp chí có chí số ảnh hưởng (impact factor) lớn nhất của các chuyên ngành; tăng số lần trích dẫn (citation number), phấn đấu có các nhà khoa học thành công (successful); nhà khoa học nổi tiếng (outstanding); thiên tài khoa học (truly unique individual) tương ứng với chỉ số H theo chuẩn quốc tế. Thực hiện lộ trình đó, chúng ta hoàn toàn có thể mơ ước có các công trình khoa học đỉnh cao, các giải thưởng khoa học lớn trong vài chục năm tới.
PV: Nhưng để đạt được những thành công trong khoa học không chỉ đơn giản là được tạo điều kiện về cơ sở vật chất, là năng lực nghiên cứu mà là cả nghị lực?
GS.TS. NHĐ: Năng lực, nghị lực và thành công luôn có quan hệ rất chặt chẽ. Con đường nghiên cứu khoa học gian nan lắm. Để thành công trong khoa học không những chỉ cần nâng cao năng lực sáng tạo mà còn phải rèn luyện nghị lực. Đặc biệt cần phải có sự đam mê, luôn phải tự vượt qua chính mình. Tôi cũng muốn nói thêm rằng: Tầm ảnh hưởng của giải thưởng đó không nằm trong tấm huy chương mà nằm trong chính chất lượng công trình nghiên cứu và con đường đưa các kết quả sáng tạo ấy vào cuộc sống.
Xin cảm ơn GS!
|