Là con trai của một gia đình nông dân, tuy không giàu có nhưng đã quyết tâm cho con ăn học. Nhờ trí thông minh, sự cần cù, chàng thiếu niên Nguyễn Văn Chiển đã vượt qua các bậc học một cách xuất sắc. Với thành tích học giỏi nhất lớp, đầu những năm 40 của thế kỷ trước, tú tài Nguyễn Văn Chiển đã vững vàng bước vào học Đại học, nơi mà không mấy người con nhà nông dám mơ ước.
Năm 1944 với bằng cử nhân Khoa học, Nguyễn Văn Chiển đã được tuyển vào Phòng thí nghiệm Địa chất thuộc Đại học Khoa học Hà Nội. Vào thời điểm này, đây là một sự kiện đặc biệt vì toàn bộ công việc Địa chất ở Đông Dương vốn đều do người Pháp độc quyền. Quyết định lựa chọn ngành Địa chất chứ không chọn ngành toán – lý vốn là thế mạnh của thầy Chiển có vai trò quan trọng của GS Hoàng Xuân Hãn – người mà thầy Chiển luôn quý trọng và biết ơn. Có thể coi đây sự khởi đầu cho việc hình thành đội ngũ các nhà địa chất Việt Nam sau này.
Cách mạng Tháng Tám thành công, người thanh niên, nhà giáo, nhà địa chất trẻ Nguyễn Văn Chiển hăng hái tham gia công tác phong trào bên cạnh việc giảng dạy địa chất ở các Trường Đại học Khoa học, Nông Lâm, Công Chính.. Đồng thời, thầy Chiển cũng được bổ nhiệm là “Đổng lý Văn phòng (tức Chánh Văn phòng) Bộ Quốc gia Giáo dục.
|
GS. Nguyễn Văn Chiển trong một buổi hội thảo khoa học |
Đặc trưng nổi bật trong cuộc đời lao động sáng tạo của GS Nguyễn Văn Chiển là những đóng góp to lớn của Giáo sư trong sự nghiệp trồng người. Là nhà giáo mẫu mực, nhà tổ chức tài năng về công tác đào tạo, Giáo sư đã đóng góp xuất sắc cho sự hình thành đội ngũ đông đảo các nhà khoa học địa chất – một ngành khoa học mà thầy Chiển là người đầu tiên tiếp cận.
Trong điều kiện khó khăn, gian khổ ở núi rừng Việt Bắc, nhà giáo Nguyễn Văn Chiển vẫn kiên trì với công việc đào tạo. Thầy biên soạn giáo trình, giảng dạy và tổ chức giảng dạy ở nhiều trường sở khác nhau. Thầy là nhà giáo chủ chốt của Trường Trung học kháng chiến đầu tiên ở Phú Thọ (1947-50), Hiệu trưởng Trường Sư phạm TW ở Việt Bắc (1951) và ở Khu học xá Nam Ninh (Trung Quốc – 1951-53). Cũng vào thời gian này một cống hiến rất quan trọng của thầy Chiển là với chức năng Thư ký Ban Cải cách giáo dục, thầy đã đóng góp phần xứng đáng cho sự hình thành hệ thống giáo dục Việt Nam mà trước đó vẫn học theo cách thức của Pháp. Chính thầy Chiển là người được cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng giao nhiệm vụ mang thư của Bác Hồ sang Trung Quốc để cùng nước bạn tổ chức Khu học xá Nam Ninh, nơi Đảng và Nhà nước Việt Nam dù trong muôn vàn khó khăn của cuộc kháng chiến vẫn không quên việc đào tạo đội ngũ trí thức cho tương lai. Từ những lứa học sinh ngày ấy, nhiều người trở thành những nhà khoa học lớn, những giáo sư đầu ngành về khoa học cơ bản, về y học, những cán bộ lãnh đạo lớn ở các Bộ, Ngành Trung ương, như nhiều vị Bộ trưởng, Thứ trưởng, Giám đốc các Sở Giáo dục v.v…
Sau kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, ở độ tuổi ngoài 30 thầy Chiển về giảng dạy Địa chất ở Trường Đại học Sư phạm Khoa học do GS Lê Văn Thiêm làm Hiệu trưởng.
Năm 1956 Nhà nước mở nhiều Trường Đại học mới, thầy Chiển đã cùng toàn bộ Phòng Thí nghiệm Địa chất rời Đại học Sư phạm về Đại học Bách khoa Hà Nội. Với một Phòng thí nghiệm nghèo nàn thiết bị, mà nhân lực chỉ có thầy và một hai cộng sự, nhiệm vụ đào tạo lứa Kỹ sư Địa chất đầu tiên của đất nước là một thách thức lớn. Trong điều kiện chưa có chương trình đào tạo, không có giáo trình, thầy Chiển đã vừa học thêm vừa dạy đuổi theo sinh viên từ môn học này sang môn học khác. Một khó khăn lớn nữa là sao cho có đủ thuật ngữ tiếng Việt để giảng dạy một khoa học có quá nhiều khái niệm, quá nhiều tên gọi bằng tiếng Pháp hoặc Hán Việt. Công việc biên soạn thuật ngữ Địa chất thực sự là một sáng tạo lớn của thầy Chiển với sự cộng tác của những cán bộ địa chất trẻ. Phần lớn hệ thống thuật ngữ cơ bản về địa chất nay đang thông dụng gắn liền với công sức của thầy Chiển.
Ngày nay việc hợp tác quốc tế trong đào tạo và nghiên cứu địa chất đã trở thành một công việc bình thường và đương nhiên của chúng ta. Nhưng trong những năm 50-60 của thế kỷ trước thì đây là một công việc không đơn giản. Thầy Chiển là người sớm đánh giá đúng đắn vai trò của hợp tác quốc tế và đi đầu trong công việc quan trọng này. Nhờ vậy ở Khoa Mỏ - Địa chất lúc đó mới có được những bộ sưu tập mẫu quý giá do Viện Hàn Lâm Khoa học Liên Xô cũng như của Viện Địa chất Bắc Kinh gửi tặng. Trong những năm đầu đào tạo khóa kỹ sư địa chất đầu tiên, thầy Chiển cũng được sự hỗ trợ quan trọng của các GS Liên Xô như các GS Nhemkov, Severin v.v… Nhờ sự nỗ lực của thầy và các cộng sự mà Miền Bắc có được những kỹ sư Địa chất đầu tiên để phục vụ kịp thời cho nhu cầu điều tra địa chất và tìm kiếm khoáng sản của đất nước. Nhiều trong số kỹ sư khóa đầu đó về sau đã trở thành những nhà khoa học địa chất hàng đầu như các GS Phan Trường Thị, Nguyễn Thanh, Nguyễn Thượng Hùng, Phạm Xuân, Vũ Khúc và nhiều người khác. Cũng từ khóa những kỹ sư địa chất đầu tiên ấy, có nhiều người đã trở thành những nhà quản lý cấp cao như Bộ trưởng, Thứ trưởng, Hiệu trưởng Đại học,Viện trưởng các Viện NCKH.
|
|
Giữa những năm tháng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trước mắt thầy Chiển lại có hai nhiệm vụ hệ trọng. Một là xây dựng Trường Đại học-Mỏ Địa chất trên cơ sở của Khoa cùng tên của Đại học Bách khoa. Hai là xây dựng một Khoa mới về Khoa học Trái đất tại ĐHTH HN. Một lần nữa vai trò của kiến trúc sư cho một cơ sở đào tạo mới về khoa học lại được giao cho thầy Chiển. Nhờ quan hệ rộng rãi và cách thức trọng thị trí thức mà thầy đã tập hợp được những chuyên gia hàng đầu góp sức đào tạo những cử nhân đầu tiên của các lĩnh vực của Khoa Địa lý-Địa chất. Từ những người trẻ tuổi góp sức cùng thầy Chiển thuở đó và từ những sinh viên lứa đầu của Khoa Địa lý-Địa chất, ngày nay nhiều người đã trở thành những Giáo sư có uy tín cao trong các ngành Khoa học Trái đất. Đội ngũ các nhà Địa chất, Địa lý, Khí tượng, Thủy văn, Hải dương đã đảm nhiệm những nhiệm vụ lớn trong các lĩnh vực khoa học KHTĐ. Niềm tự hào của thầy Chiển – và có lẽ đó cũng là niềm vui lớn của thầy – là đi khắp nơi trong Nam ngoài Bắc, ở đâu cũng có thể gặp những học trò trực tiếp hoặc gián tiếp của thầy – từ những giáo sư đầu ngành đến những kỹ sư đang mải mê làm giàu cho tổ quốc.
Trong công tác đào tạo, thầy Chiển luôn luôn chú ý nêu tính chủ động của người học, tạo điều kiện cho họ tự học để vươn lên. Một câu chuyện thú vị – thầy từng nói với một học trò gần gũi của thầy là “anh hãy cứ nhảy xuống nước đi, tôi không để anh chết đuối mà sẽ chỉ cho anh cách bơi. Chắc chắn rồi sẽ biết bơi”. Theo cách như vậy, người học trò đó đã cần mẫn tự học với sự chỉ bảo của thầy, để rồi không nhiều năm sau đó từ chỗ chưa có kiến thức về Địa chất đã trở thành một trong vài Tiến sĩ Khoa học Địa chất đầu tiên, trở thành chuyên gia được nhiều đồng nghiệp trong nước và quốc tế biết đến để cùng hợp tác thực hiện những đề tài có ý nghĩa khoa học lớn.
Song song với công việc đào tạo cán bộ khoa học, thầy Chiển luôn luôn hăng say với công việc nghiên cứu khoa học. Ngay trong hoàn cảnh vô cùng gian khổ của cuộc kháng chiến chống Pháp, ngọn lửa yêu địa chất vẫn không một phút giây tắt trong lòng thầy. Chiếc kính hiển vi phân cực đã theo thầy suốt trong cuộc kháng chiến chống Pháp 9 năm, dù lúc đó nó không dùng làm gì được. Rồi khi kháng chiến thắng lợi chiếc kính hiển vi đó lại theo thầy về phục vụ cho việc dạy và học. Ngày nay chiếc kính đó trở thành một kỷ vật vô giá của Khoa Địa chất ở ĐHQG Hà Nội.
|
GS. Nguyễn Văn Chiển |
Đầu những năm 60 của thế kỷ trước, thầy Chiển đã dành nhiều thời gian hơn cho công việc nghiên cứu. Thầy đã đóng góp sức mình cho việc lập Bản đồ Địa chất Miền Bắc Việt Nam, cũng từ đó thầy trở thành Tiến sĩ Địa chất đầu tiên (1963) của Việt Nam. Công tác nghiên cứu khoa học trở thành nhiệm vụ trọng tâm khi thầy được giao trách nhiệm phụ trách Khoa học Trái Đất ở Viện Khoa học Việt Nam với chức năng Phó Viện trưởng từ năm 1977 cho đến ngày thầy về nghỉ hưu.
Từ năm 1981-1985, thầy Chiển chỉ đạo thực hiện chương trình “Xây dựng tập bản đồ quốc gia CHXHCN Việt Nam”. Nhà khoa học Nguyễn Văn Chiển lại được dịp thể hiện trí tuệ và khả năng tập hợp các nhà nghiên cứu tài năng thuộc rất nhiều ngành khoa học khác nhau để thực hiện một nhiệm vụ khó khăn phức tạp. Chương trình đã huy động một tập thể đông đảo các nhà nghiên cứu từ khoa học thiên nhiên như Địa chất, Địa lý, Khí tượng, Thủy văn, Nông nghiệp, Lâm nghiệp v.v… đến những nhà khoa học xã hội như lịch sử, kinh tế, văn hóa, giáo dục, dân tộc học v.v… Chương trình nghiên cứu hoàn thành với Tập bản đồ được xuất bản là một cơ sở quan trọng cho việc định hướng cho chiến lược phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước. Công trình đã được đánh giá rất cao và được ghi nhận bằng Giả thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học Công nghệ do Nhà nước trao tặng.
Song song với công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học, thầy Chiển còn có nhiều đóng góp cho các công tác tổ chức, xã hội và hoạt động đối ngoại. GS NGND Nguyễn Văn Chiển là người sáng lập Hội Địa chất Việt Nam và là Chủ tịch đầu tiên của Hội, là Ủy viên lãnh đạo của Liên hiệp của Hội Khoa học Việt Nam, Ủy viên chấp hành Hội Khoa học quốc tế Thái Bình Dương, thầy cũng là Thư ký (nay gọi là Chủ tịch) đầu tiên của Công đoàn Giáo dục Việt Nam.
Thầy đã kinh qua nhiều trọng trách mà ở mọi nhiệm vụ thầy đều hoàn thành một cách xuất sắc, như Hiệu trưởng Trường Sư phạm TW, Trưởng ban Tu thư sách giáo khoa phổ thông và Thư ký Công đoàn Giáo dục toàn quốc. Ở các giai đoạn sau, thầy là Chủ nhiệm Khoa ở Đại học Tổng hợp Hà Nội, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam, Chủ tịch đầu tiên của Hội đồng học hàm Liên ngành Khoa học trái đất và Mỏ.
|
GS.Nguyễn Văn Chiển (người ngồi đầu tiên bên trái) và GS. Lê Văn Thiêm (người đứng giữa) |
Cuộc đời lao động cần mẫn và sáng tạo của thầy Chiển có một đặc điểm mà có lẽ không nhiều người đã trải qua. Đối với thầy dường như luôn luôn có một chu kỳ định mệnh mười năm. Cứ mỗi chu kỳ từ hai bàn tay trắng thầy lại đứng mũi chịu sào gây dựng nên cơ đồ. Đến khi cơ đồ xây xong thì thầy lại được giao một nhiệm vụ mới và vui vẻ, không chút bận lòng để bàn giao cơ đồ cho người kế nhiệm.
Đánh giá cao những đóng góp của GS Nguyễn Văn Chiển cho sự nghiệp giáo dục và khoa học, Nhà nước đã trao những phần thưởng cao quý cho thầy như danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Huân Chương Lao động hạng nhất, Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học & Kỹ thuật và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Tài năng và trí tuệ uyên bác của thầy mọi người đều kính phục, nhất là đối với những ai hoạt động trong mảng Khoa học trái đất, nhưng hơn hết, đó là đức tính cần cù, khiêm tốn, giản dị. Thầy từng nói “nhiều học trò của thầy nay đã giỏi hơn thầy, đó là điều rất đáng mừng vì Con hơn cha là nhà có phúc”. Nhưng tất cả những ai là học trò của thầy chung một niềm tự hào vì mình đã có một người thầy vĩ đại và đáng kính!
Là người tâm huyết với đất nước, tuy ở tuổi 90 thầy vẫn kiên trì lao động và cũng có nhiều ưu tư về giáo dục và những bước đi của công tác khoa học hiện nay. Nhưng xin thầy hãy yên tâm, những thế hệ học trò của thầy sẽ noi gương và cố gắng tiếp nối những bước đi rạng rỡ của thầy, góp phần xứng đáng cho sự phát triển đội ngũ trí thức nước nhà trong công cuộc xây dựng đất nước “đàng hoàng hơn, tươi đẹp hơn”.
|