Đông đảo thành viên của câu lạc bộ và sinh viên đã tham gia trao đổi tại buổi nói chuyện này.
Bằng kinh nghiệm và những nghiên cứu riêng, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã có những so sánh về tính chất và ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng năm 2008 với khủng hoảng thế giới năm 1929 - 1933. Ông khẳng định khủng hoảng là thuộc tính của kinh tế thị trường nhưng khủng hoảng lần này bắt đầu từ thị trường tài chính và mức độ ảnh hưởng thì không bằng khủng hoảng 1929-1933.
Khủng hoảng kinh tế lần này sẽ đem đến nhiều thay đổi sâu sắc cho thế giới, từ việc các nước sẽ buộc phải điều chỉnh là lý thuyết phát triển kinh tế cho đến thể chế kinh tế toàn cầu sẽ thay đổi, sẽ có những chuyển dịch về cơ cấu kinh tế cũng như sự thay đổi vai trò của các nền kinh tế trên thế giới.
Khủng hoảng cũng đang tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế Việt Nam và theo ông: “lúc này là lúc nên nghĩ lại nhiều chính sách kinh tế chứ không chỉ đơn giản là tìm cách che chắn những tác động của khủng hoảng”. Ông cũng nhấn mạnh đến một số vấn đề mà kinh tế Việt Nam hiện đang gặp phải như: cần điều chỉnh lại mối quan hệ giữa tốc độ phát triển và chất lượng phát triển, điều chỉnh lại cơ cấu kinh tế còn lạc hậu, tìm cách phát huy sức mạnh nội lực và giảm bớt sự phụ thuộc vào các nền kinh tế lớn, định vị rõ hơn mối quan hệ giữa thị trường và nhà nước...
Trên phương diện quan hệ quốc tế, ông Vũ Khoan cho rằng các nước đang ngày càng sử dụng hiệu quả “sức mạnh mềm”, tức là qua con đường ngoại giao văn hoá hơn là chú trọng sử dụng “sức mạnh cứng” bằng quân sự và những áp lực chính trị như trước đây. Bên cạnh các quan hệ song phương thì các diễn đàn quan hệ đa phương sẽ ngày càng trở nên quan trọng cũng như các tổ chức, các quan hệ dân sự sẽ ngày càng khẳng định được tiếng nói của mình trong các hoạt động chung.
Bài nói chuyện của nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã thu hút được sự quan tâm của các đại biểu bởi tính thời sự của vấn đề và những nhận định khách quan trên cơ sở những dẫn chứng và phân tích sâu sắc.
|