Tham dự hội thảo có hơn 150 đại biểu đến từ các tỉnh thành trong cả nước, các bộ, ngành, các trường đại học, viện nghiên cứu, Hội Chữ thập đỏ, Khu Bảo tồn Thiên nhiên, Vườn Quốc gia, các tổ chức phi chính phủ và các nhà khoa học của Thái Lan, Philippines, Malaysia, Srilanka, Nhật Bản.
Hội thảo đã nghe 22 báo cáo khoa học đề cập đến các nội dung chính như: Tác hại của sóng thần cuối năm 2004; Vai trò to lớn của rừng ngập mặn, rạn san hô trong việc giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ bờ biển, bảo vệ đê; Vai trò của rừng ngập mặn đối với các loại sóng lớn ven bờ; Những vấn đề môi trường ven biển nổi bật cần phải quan tâm để có định hướng bảo vệ; Một số kinh nghiệm phòng chống thiên tai; Kế hoạch hành động và các giải pháp bảo vệ, phát triển các hệ sinh thái rừng ngập mặn và rạn san hô gắn kết với phát triển kinh tế - xã hội; Phương thức quản lý tổng hợp các rừng ngập mặn; Kết quả xây dựng mô hình khu bảo tồn biển Rạn Trào do địa phương quản lý; Mối liên quan giữa cấu trúc rừng ngập mặn, năng suất sinh học với tần suất ngập triều…
Hội thảo đã dành 1 ngày đi tham quan và trao đổi kinh nghiệm về hiện trạng đê biển và rừng ngập mặn ở xã Thái Đô (Thái Thụy, Thái Bình), nơi có rừng ngập mặn - đê còn nguyên vẹn và nơi không có rừng ngập mặn - đê bị sạt lở nghiêm trọng sau cơn bão số 7 cũng như sự cải thiện cuộc sống của nhân dân địa phương sau khi tham gia trồng rừng ngập mặn.
Hội thảo đề xuất một số kiến nghị với Nhà nước, lãnh đạo cấp cao cần quan tâm hơn đến việc quản lý các hệ sinh thái đất ngập nước ven biển, cần có chương trình nghiên cứu về: vai trò của các hệ sinh thái rừng ngập mặn và rạn san hô trong việc phòng chống thiên tai; lượng giá giá trị của các hệ sinh thái rừng ngập mặn và rạn san hô so với việc sử dụng đất rừng ngập mặn vào các mục đích kinh tế khác; cần bảo vệ các rừng ngập mặn phòng hộ và các rạn san hô còn lại; cần quy định vành đai cây xanh - một thành phần quan trọng trong hệ thống đê biển; sử dụng một phần kinh phí tu bổ đê để phục hồi và trồng mới rừng ngập mặn.
|