Tuy nhiên, một số chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, Tây Bắc là địa bàn còn chậm phát triển trên nhiều lĩnh vực; tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Muốn phát triển kinh tế - xã hội cần đẩy mạnh ứng dụng KH và CN, tạo “cú huých” quan trọng cho toàn vùng vươn lên. Vì vậy, quá trình triển khai các kết quả nghiên cứu KH và CN cần gắn với việc huy động các doanh nghiệp cùng tham gia để nâng cao hiệu quả.
Xuất phát từ thực tế đó, đề tài khoa học công nghệ “Nghiên cứu, đánh giá tổng thể tiềm năng các bồn địa nhiệt vùng Tây Bắc” (đề tài cấp Nhà nước Mã số: KHCN-TB.01T/13-18) của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên – ĐHQGHN do PGS.TS Vũ Văn Tích làm chủ nhiệm đề tài đã thực hiện nghiên cứu, khảo sát đi sâu, gắn với thực tế nhằm giúp các địa phương ứng dụng vào thực tiễn. Với những kết quả nghiên cứu đã được nghiệm thu, chuyển giao áp dụng cần linh hoạt vì 14 tỉnh trong vùng có những đặc điểm khác nhau nhằm nâng cao hiệu quả chuyển giao KH và CN, giúp Tây Bắc phát triển bền vững, …
Tính hiệu quả của đề tài
Xét về hiệu quả về khoa học và công nghệ, đề tài đã đưa một loại năng lượng mới chưa được sử dụng ở Việt Nam vào khai thác sản xuất điện năng. Kết quả nghiên cứu sẽ hoàn thiện được hệ phương pháp điều tra, đánh giá tiềm năng địa nhiệt, một nguồn tài nguyên năng lượng tái tạo rất có triển vọng của đất nước. Kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ là lần đầu tiên làm sáng tỏ điều kiện và bản chất của các bồn địa nhiệt được nghiên cứu và đánh giá. Kết quả nghiên cứu sẽ lựa chọn được bồn địa nhiệt, khu vực phù hợp để áp dụng thử nghiệm mô hình công nghệ khai thác sử dụng năng lượng địa nhiệt một cách hợp lý. Kết quả nghiên cứu sẽ đưa việc sử dụng một dạng tài nguyên thiên nhiên mới, sạch vào khai thác sử dụng, góp phần bổ sung một nguồn năng lượng đáng kể phục vụ các mục tiêu kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc. Định hướng công tác quy hoạch quản lý và khai thác nguồn năng lượng tái tạo chưa được khai thác của nước ta.
Xét về hiệu quả về kinh tế xã hội, thì các kết quả nghiên cứu, đặc biệt là các sản phẩm của đề tài sẽ có khả năng chuyển giao ứng dụng vào thực tế sản xuất và đời sống cộng đồng. Kết quả nghiên cứu khả thí sẽ có nhiều doanh nghiệp có thể tham gia, đầu tư để tiếp tục phát triển nguồn tài nguyên địa nhiệt cho mục đích phát điện và các mục đích khác như mục tiêu của đề tài đặt ra.
Về mặt xã hội, đây sẽ có được cơ sở khoa học, định hướng cho quy hoạch phát triển tiềm năng sử dụng nguồn năng lượng địa nhiệt trong giai đoạn hiện nay và các giai đoạn sau này của đất nước. Qua kết quả đánh giá tiềm năng của các mỏ địa nhiệt, các địa phương sẽ nhìn nhận nguồn tài nguyên thiên nhiên này với quan điểm tích cực hơn, từ đó có kế hoạch quản lý, kêu gọi đầu tư khai thác theo điều kiện của mỗi mỏ địa nhiệt: như có thể sử dụng để phát triển điện năng, ngâm tắm chữa bệnh, nuôi trồng thủy sản, đóng chai làm nước giải khát… Đây sẽ là nguồn thu đáng kể, mang lại lợi ích kinh tế cho các địa phương.
Ngoài việc thỏa mãn cho lĩnh vực sử dụng năng lượng địa nhiệt một cách trực tiếp, có thể phát triển các trạm, nhà máy điện địa nhiệt cung cấp năng lượng cho xã hội. Đây là nguồn năng lượng ngoài việc đem lại hiệu quả kinh tế cao, còn có lợi ích từ việc giảm thiểu sự phát khí thải vào bầu khí quyển, gây hiệu ứng nhà kính - hiện nay việc này cũng mang lại một nguồn lợi kinh tế được quốc tế mua bán trao đổi. Như vậy có thể đánh giá tính hiệu quả về mặt kinh tế - tài chính của việc đầu tư nghiên cứu cho đề tài.
Trên cơ sở tiềm năng của các mỏ địa nhiệt, các địa phương sẽ có kế hoạch khai thác sử dụng chúng. Khi các mỏ này được khai thác, cơ sở hạ tầng sẽ được cải thiện tạo điều kiện cho phát triển kinh tế địa phương, tác động tích cực đến cuộc sống của người dân địa phương. Người dân sẽ được hưởng lợi từ nguồn tài nguyên tự nhiên này; có thêm thu nhập từ các loại hình dịch vụ phục vụ khách thăm quan, du lịch, an dưỡng, chữa bệnh, công nhân trực tiếp làm việc tại các khu mỏ... Một số người sẽ có đời sống ổn định khi được đào tạo và tham gia trực tiếp vào các hoạt động của khu mỏ.
Năng lượng địa nhiệt là năng lượng sạch, do đó các tác động tiêu cực đến môi trường trong các công nghệ khai thác sử dụng đều ở mức độ thấp, so với công nghệ khai thác sử dụng các dạng năng lượng hóa thạch truyền thống như: than đá, dầu mỏ hoặc năng lượng nguyên tử. Lượng khí phát thải hầu như không đáng kể, do vậy sử dụng năng lượng địa nhiệt cũng là một biện pháp chống lại sự biến đổi khí hậu toàn cầu. Trong khai thác năng lượng địa nhiệt, không có bụi do đó không làm bẩn bầu không khí của địa phương, đảm bảo cho sức khỏe của người dân. Đối với một công trình địa nhiệt, diện tích để xây dựng không lớn nên việc san ủi, phá hỏng cảnh quan môi trường ở mức rất thấp so với các công trình khác như nhà máy nhiệt điện chẳng hạn, nó không đòi hỏi bãi chứa nhiên liệu, bãi thải.
Tóm lại, về mặt môi trường, các công nghệ khai thác sử dụng năng lượng địa nhiệt có tác động tiêu cực đến môi trường không đáng kể và mang lại những ảnh hưởng tích cực cho kinh tế xã hội và môi trường. Việc tiềm năng Tây Bắc được khai phá, phát huy, giúp cải thiện đới sống xã hội, đem sinh kế cho người dân. Vì vậy, vùng Tây Bắc cần có đề tài khoa học công nghệ này là cấp thiết.
Tiềm năng lớn cần được “đánh thức”
Sau 3 năm tiến hành nghiên cứu, tập thể tác giả đã đưa ra những đánh giá tiềm năng các bồn địa nhiệt tại khu vực Tây Bắc, như sau: Tổng năng lượng tích lưu tự nhiên của các nguồn địa nhiệt trong vùng Tây Bắc được ước tính là 8.960,93 tấn/năm, tương ứng với công suất phát điện là 168,1 MWe. Tuy nhiên, ở đây là tính cho hai loại hình khai thác, khai thác trực tiếp từ điểm xuất lộ tự nhiên và khai thác năng lượng trong bồn chứa. Trong đó khai thác trong bồn chứa thì hiệu năng cao hơn, đặc biệt trong việc khai thác năng lượng cho phát điện ở điều kiện công nghệ và đặc thù địa chất của vùng Tây Bắc như hiện nay.
Trong khu vực Tây Bắc đã xác định định 5 bồn địa nhiệt, trong đó có 3 bồn địa nhiệt tiềm năng đó là bồn địa nhiệt Quảng Ngần (Hà Giang), Mỹ Lâm (Tuyên Quang) và Điện Biên (Điện Biên). Trong số các bồn tiềm năng thì bồn Điện Biên có tiềm năng cao nhất cho khai thác năng lượng với mục tiêu đa lợi ích, cụ thể vừa có thể phát điện vừa có thể làm du lịch.
Xét về mô hình sử dụng bền vững các bồn địa nhiệt vùng Tây Bắc, căn cứ vào kết quả phân tích chất lượng nước khoáng nóng và các yếu tố vật lý của các dung dịch địa nhiệt của các bồn, tập thể tác giả đề xuất để sử dụng bền vững bồn địa nhiệt tiềm năng theo ba tiêu chí kinh tế - môi trường - xã hội. Trước tiên cần áp dụng đồng thời các công nghệ mới cho khai thác năng lượng xuất lộ tự nhiên để sưởi ấm cho người dân và gia súc môi khi có rét đậm, rét hại ở tất cả các điểm xuất lộ địa nhiệt bằng công nghệ bơm nhiệt.
Tiếp đến phát triển mô hình khai thác nước khoáng đóng chai để thương mại hóa nguồn tài nguyên vô tận này các các bồn như Kim Bôi, Điện Biên, Mỹ Lâm. Tăng cường phát triển du lịch gắn với quy hoạch và đầu tư các khu nghỉ dưỡng cao cấp, thu hút khách du lịch vùng Tây Bắc, một đặc sản vào mùa đông đối với du khách trong và ngoài nước. Mô hình này tập trung cho khu vực Quảng Ngần (Hà Giang), Văn Chấn (Yên Bái), Thanh Thủy (Phú Thọ), Kim Bôi (Hòa Bình)…
Xét về thiết kế mô hình thí điểm khai thác và sử dụng bền vững nguồn địa nhiệt phù hợp đặc điểm vùng Tây Bắc, tập thể tác giả phân tích và lựa chọn các yếu tố đi đến đề xuất thí điểm khai thác tại bồn địa nhiệt Điện Biên, khu vực Uva, tại đây có thể phát triển nhà máy điện địa nhiệt công suất 6,6 MWe ở độ sâu 200m. Đi cùng với đó là khai thác nước khoáng đóng chai quy mô 10m3/giờ. Ngoài ra, phát triển dịch vụ du lịch đi với ngâm tắm kết hợp.
Những kiến nghị xuất phát từ thực tiễn
Sau một quá trình nghiên cứu nghiêm túc, tập thể tác giả đã đưa ra đề xuất các chính sách quản lý, thu hút đầu tư khai thác năng lượng địa nhiệt vùng Tây Bắc theo hướng phát triển bền vững: Về mặt cơ chế chính sách, vùng Tây Bắc cần ưu tiên các thủ tục thăm dò, khai thác. Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 10 năm cho doanh nghiệp đầu tư vào khai thác năng lượng cho phát triển điện địa nhiệt ở vùng Tây Bắc. Nhà nước đưa ra phương án mua điện với giá ưu đãi như mua điện mặt trời hiện nay. Về mặt nhân lực, vùng Tây Bắc cần có chính sách đào tạo người dân trong khai thác, sử dụng và đào tạo cán bộ quản lý tài nguyên địa nhiệt. Sau 5 năm sẽ hình thành cộng đồng địa nhiệt, từng bước đưa năng lượng địa nhiệt đi vào thị trường năng lượng của Việt Nam. Về mặt hạ tầng, các địa phương cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng và khai thác các hạ tầng đã đầu tư cho doanh nghiệp quản lý và khai thác theo hình thức hợp tác công tư (PPP). Hỗ trợ phát triển hạ tầng giao thông đến các khu vực có tiềm năng phát triển du lịch đặc hữu.
Đây là công trình nghiên cứu có ý nghĩa thực tiễn cao, tập thể tác giả thực hiện đề tài kiến nghị: Trong giai đoạn hiện nay, các bồn địa nhiệt vùng Tây Bắc nên được tập trung khai thác năng lượng địa nhiệt trực tiếp gần bề mặt cho các dịch vụ du lịch, sản xuất nước khoáng, hay sấy khô nông sản. Trong giai đoạn tiếp theo tập trung khai thác năng lượng dưới sâu phục vụ cho mục tiêu phát điện. Nhà nước nên triển khai thí điểm cho mục tiêu phát điện, trên cơ sở đó xã hội từ các nhà đầu tư tư nhân cho các bồn khác trong toàn vùng Tây Bắc.
Đối với Chương trình Tây Bắc, cho phép chuyển giao toàn bộ kết quả nghiên cứu tới các địa phương để khai thác sử dụng. Đồng ý để chủ trì đề tài làm công tác chuyển giao kết quả tới doanh nghiệp và địa phương.
Đối với cơ quan chủ trì: hỗ trợ chủ trì tiếp tục nghiên cứu gắn với đào tạo nghiên cứu sinh cho lĩnh vực địa nhiệt. Đây là lĩnh vực mới, gắn với thế mạnh nghiên cứu cơ bản của địa chất, địa hóa, vật lý… qua đó chuyển giao tri thức ra cộng đồng thông qua người học.
|