Khoa học và Công nghệ
Trang chủ   >  Tin tức  >   Khoa học và Công nghệ  >  
"Trần Đức Thảo: con người và di sản"
Đây là chủ đề của hội thảo do Trường ĐHKHXH&NV - ĐHQGHN đã tổ chức ngày 26/7/2007 nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh của Trần Đức Thảo - nhà triết học xuất sắc của Việt Nam thế kỷ XX.

Hội thảo tập trung vào các nội dung chính:

- Tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của giáo sư Trần Đức Thảo dưới góc nhìn của các học giả Việt Nam và nước ngoài;

- Phân tích những tiền đề lý luận cho tư tưởng triết học của Trần Đức Thảo, quan hệ của ông đối với Hiện tượng luận, chủ nghĩa hiện sinh, phân tâm học của Freud.. và con đường đưa Trần Đức Thảo đến với chủ nghĩa Mác;

Bà Nguyễn Thị Nhất

- Làm rõ các nội dung tư tưởng và di sản triết học của Trần Đức Thảo, đánh giá những đóng góp của ông đối với sự phát triển quan niệm macxit về con người, về tư duy, ngôn ngữ, ý thức, nguồn gốc con người... cũng như tư tưởng triết học Việt Nam thế kỷ XX nói chung.

Trần Đức Thảo sinh ngày 26 tháng 9 năm 1917 tại xã Song Tháp, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Hồi nhỏ ông theo học luật ở Đại học Đông Dương. Năm 1939, ông thi đậu vào Trường Cao đẳng Sư phạm phố Ulm ở Pari vốn nổi tiếng có truyền thống về các tư tưởng tiến bộ, văn hoá nhân văn và khoa học hiện đại. Ba năm sau ông nhận bằng thạc sỹ triết học, sau đó đăng ký làm luận án tiến sĩ ở đại học Sorbonne. Vừa lo hoàn thành luận án tiến sĩ, vừa phải bươn trải làm nhiều nghề để kiếm sống như dạy học, viết báo, viết sách, Trần Đức Thảo vừa tích cực tham gia các phong trào xã hội phản chiến, các hoạt động xã hội của Việt kiều ở Pháp đòi chấm dứt cuộc chiến tranh phi nghĩa của thực dân Pháp ở Việt Nam, ủng hộ hoà bình vì sự phồn vinh của hai dân tộc Pháp và Việt Nam. Cũng thời gian đó, vào cuối những năm 1940, mới trên 30 tuổi đời, tên tuổi của Trần Đức Thảo đã xuất hiện trong làng triết học Pháp.

PGS.TS Lâm Bá Nam - Phó hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN

Năm 1951, Trần Đức Thảo bí mật về nước và lên Việt Bắc tham gia kháng chiến. Năm 1953, ông là thư ký cho Văn phòng Tổng bí thư. Hoà bình lập lại là giảng viên tại Trường Đại học Sư phạm Văn khoa Hà Nội. Khi trường Đại học Tổng hợp được thành lập, ông được giao phụ trách bộ phận Văn - Sử và là Chủ nhiệm đầu tiên của Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Đánh giá về tầm vóc của triết gia Trần Đức Thảo, trong báo cáo đề dẫn của hội thảo, TS. Nguyễn Vũ Hảo - Phó chủ nhiệm khoa Triết học, Trường ĐHKHXH&NV đã nhận định: "Trần Đức Thảo là nhà mác xít đích thực, một chuyên gia nghiên cứu triết học Mác uyên thâm ở tầm cỡ quốc tế... Nếu như triết học Xô viết sau Lênin có những gương mặt tiêu biểu như Rozenta, Illencop, Axmut, nếu như giới triết học Lucas, thì giới triết học Việt Nam của chúng ta cũng có thể tự hào rằng chúng ta có Trần Đức Thảo".

Ông Trần Đức Thụy - đại diện của Quỹ học bổng Trần Đức Thảo

Là người đi tiên phong trong việc nghiên cứu một cách cơ bản di sản của các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác, những suy tư có tính chất phê phán của Trần Đức Thảo đối với việc tiếp thu chủ nghĩa Mác một cách siêu hình, máy móc và giáo điều trong bối cảnh quốc tế thời kỳ chiến tranh lạnh là bài học quý giá cho các nhà khoa học xã hội, các nhà hoạt động chính trị nói chung, đặc biệt có ý nghĩa đối với sự phát triển của cách mạng Việt Nam trong thời kỳ đổi mới.

Bên cạnh việc nghiên cứu và truyền bá chủ nghĩa Mác, các công trình nghiên cứu của Trần Đức Thảo về triết học phương Tây không chỉ được bạn bè và đồng nghiệp quốc tế thừa nhận mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy sự tiếp nhận các giá trị triết học phương Tây ở Việt Nam sau chiến tranh.

Không chỉ là một huyền thoại trong làng khoa học xã hội nhân văn Việt Nam về tài năng và những đóng góp giá trị, vượt thời gian cho nền khoa học nước nhà, Trần Đức Thảo còn là tấm gương lớn về đạo đức trong lối sống, về tinh thần nghiên cứu khoa học chân chính, nhiệt thành, về lý tưởng sống cao đẹp, nhân văn...

 Tin và ảnh: Lê Thanh Hà - News.vnu.edu.vn
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :