Hội thảo thu hút sự tham gia của nhiều nhà khoa học, nhà quản lý đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu, cơ quan quản lý TW như: ĐHQGHN, Học viện Hành chính Quốc gia, Đại học Kinh tế Quốc dân, Học viện Ngoại giao, Viện Văn hóa và Phát triển, Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển, Ban Tổ chức TW… Từ nhiều góc độ phân tích khác nhau, với những nghiên cứu chuyên sâu, các đại biểu đã nêu ra những quan điểm, đánh giá những giải pháp đổi mới văn hóa lãnh đạo, quản lý (VHLĐQL) đã triển khai ở Việt Nam thời gian qua; đề xuất các mô hình và giải pháp mới cho việc tiếp tục đổi mới VHLĐQL thời gian tới.
|
PGS. TS. Phạm Ngọc Thanh - chủ nhiệm đề tài trình bày báo cáo đề dẫn tại Hội thảo |
Đại biểu Nguyễn Duy Bắc (Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia HCM) cho rằng việc tăng cường xây dựng dân chủ tại các địa phương có ảnh hưởng tích cực và mạnh mẽ tới việc hình thành văn hóa quản lý cấp cơ sở. Sau khi phân tích những hạn chế còn tồn tại trong cơ chế quản lý địa phương hiện nay, tác giả đề xuất: cần đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở; nâng cao dân trí và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội cơ sở làm nền tảng cho việc nâng cao VHLĐQL ở địa phương hiện nay.
|
|
Từ góc nhìn lịch sử, GS. TS. Đặng Cảnh Khanh (Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển) lại chứng minh rằng trong truyền thống điều hành, quản lý xã hội của ông cha ta bao đời nay chứa đựng những giá trị kiến thức phong phú, sâu sắc đáng khâm phục, thể hiện rất rõ qua những bộ luật xưa. Đó chính là những tinh hoa của dân tộc trong việc tổ chức và điều hòa những mối quan hệ xã hội, trong việc xử lý về quyền lợi và nghĩa vụ cá nhân - cộng đồng cũng như vấn đề quyền và trách nhiệm của con người trong xã hội. Quản lý xã hội chủ yếu bằng pháp luật hay bằng các giá trị, quy phạm đạo đức ? Sự phối hợp hai yếu tố trên ở mức độ nào thì phù hợp và có hiệu quả trong việc quản lý và điều hành xã hội ? Những quan niệm của người xưa không chỉ có ý nghĩa như là di sản của lịch sử mà còn là bằng chứng nói lên sự phát triển của văn hóa dân tộc, là bài học bổ ích cho việc xây dựng và phát triển đất nước hiện nay.
TSKH. Trần Hiệp (Ban Đối ngoại TW) lại mang đến Hội thảo một tham luận khái quát về xây dựng VHLĐQL trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở một số nước Đông Nam Á, những xu hướng phát triển mới và kinh nghiệm cho Việt Nam. Tác giả cho biết: việc xây dựng VHLĐQL ở các nước đang phát triển cần kế thừa những ưu điểm từ văn hóa quản lý truyền thống của dân tộc và tiếp thu tinh hoa VHLĐQL của các nước phát triển trên thế giới. Bên cạnh đó, phát triển văn hóa phải gắn chặt với dân chủ, để xây dựng VNLĐQL cần mở rộng dân chủ, cần minh bạch, công khai, chống tham nhũng, quan liêu, phát triển giáo dục, trọng người tài… Văn hóa cũng liên quan và chịu sự tác động của các tôn giáo, do đó cần cân nhắc, tính toán hợp lý yếu tố tôn giáo trong xây dựng VHLĐQL hiện nay.
|
|
Là chuyên gia về khoa học quản lý, TS. Trần Văn Hải (ĐHQGHN) khẳng định: không thể có đổi mới VHLĐQL nếu không có đổi mới trong xây dựng hệ thống pháp luật. Hệ thống pháp luật và VHLĐQL có quan hệ chặt chẽ với nhau, văn hóa tác động không nhỏ tới pháp luật và hệ thống pháp luật cũng tác động trở lại VHLĐQL. Việc xây dựng hệ thống pháp luật phải dựa trên những yếu tố quy định của văn hóa, hay nói cách khác, pháp luật phải có khả năng trở thành văn hóa để điều chỉnh các quan hệ xã hội. TS. Trần Văn Hải cũng phê phán một số quan niệm hiện nay cho rằng: quản lý xã hội chỉ cần dựa trên luật pháp và các điều luật ban hành chủ yếu dựa trên các tiêu chí định tính chứ không phải định lượng. Mặt khác ông cho rằng, khi biên soạn luật không nên quá vọng ngoại mà đặt uy tín quốc tế lên trên lợi ích của dân tộc.
|