Chiếc máy bay Bô-ing 737 cất cánh từ Thủ đô Paris lúc 4 giờ chiều đã đáp xuống sân bay Xêrêmêchiêvô của Thủ đô Matxcơva lúc 9h30 phút tối, sau ba giờ rưỡi bay. Giờ Paris chậm hơn giờ Matxcơva 2 tiếng. Matxcơva đã thay đổi nhiều lắm so với thời chúng tôi làm nghiên cứu sinh ở đây và về sự lộng lẫy ở đường phố chính có thể so được với Paris. Về đến Matxcơva tôi cảm thấy như trở về nhà mình. Đặc biệt là sau những ngày làm việc và sinh hoạt căng thẳng ở phương Tây và lần này tôi lại được bạn bố trí cho ở nhà khách ngay trong toà nhà chính của trường MGU. Biết bao kỷ niệm thời nghiên cứu sinh ập đến. Tôi tỉnh giấc từ 5 giờ sáng và không tài nào ngủ tiếp được nữa (ở đây mọi người có thói quen dậy muộn, vào lúc 7 - 8 giờ sáng). Tôi dạo bước quanh trường, tận hưởng những âm thanh của buổi sáng rất quen thuộc và xúc động nhớ lại gần 40 năm về trước…
GS. Nguyễn Văn Đạo tại khuôn viên Đại học Quốc gia Matxcơva, năm 1999
Thời đó, mỗi năm hàng ngàn học sinh, cán bộ được Nhà nước ta gửi đi học tập, nghiên cứu tại các nước Liên Xô và Đông Âu. Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo cấp cao của ta đã có tầm nhìn rất xa và chính xác rằng cuộc kháng chiến chống đế quốc Mĩ rồi sẽ kết thúc thắng lợi và để kiến thiết đất nước sau chiến tranh “mười lần đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, nước ta phải có một đội ngũ trí thức hùng mạnh. Mặc dầu bề bộn công việc chiến tranh và vô cùng khó khăn về kinh tế, Nhà nước ta đã kiên quyết dành khoản ngân sách khá lớn từ nguồn viện trợ của các nước bạn cho việc đào tạo nguồn nhân lực cao cấp cho đất nước. Riêng tại Đại học Quốc gia Matxcơva - Trung tâm đào tạo nhân tài lớn nhất với chất lượng cao nhất của Liên Xô vào những năm đầu của thập niên 60 - thường xuyên có khoảng 300 học sinh và nghiên cứu sinh Việt Nam. Hiện nay, nhiều người trong số này đã trở thành những nhà khoa học đầu ngành của các ngành khoa học ở nước ta và có những người đã được giới khoa học quốc tế biết đến và đánh giá cao.
Tôi đến thăm khu nhà B, nơi dành cho sinh viên và nghiên cứu sinh ngành Toán - Cơ. Vẫn bốn chiếc thang máy màu gụ nâu bền bỉ làm việc suốt ngày đêm, đưa khoảng 5 ngàn con người lên xuống tại hơn một ngàn buồng ở. Vẫn chiếc bàn trực nhật đặt giữa mỗi tầng và từ đây người ta bấm chuông điện thoại đến từng buồng ở. Vẫn sàn gỗ lát chéo đánh véc-ni màu nâu. Vẫn ba chiếc bếp tập thể ở ba cánh gà để sinh viên, nghiên cứu sinh có thể tự nấu nướng. Tất cả hầu như vẫn còn nguyên vẹn. Trường MGU còn một khu V (B) như thế nhưng dành cho nữ sinh viên, nghiên cứu sinh, nằm đối xứng với khu B dành cho nam, qua toà nhà chính. Tính đối xứng của toà nhà này làm cho những ai mới đến đây đều rất khó định hướng, thường nhầm giữa hai khu B và V với nhau. Điều làm cho tôi đến ngày hôm nay vẫn chưa hết ngạc nhiên và khâm phục các nhà lãnh đạo Liên Xô thời đó là lâu đài khoa học và giáo dục lớn nhất thế giới này, cao 32 tầng với gần một chục ngàn buồng ở, giảng đường, phòng làm việc, lại được xây dựng ngay sau khi chiến tranh vệ quốc vĩ đại kết thúc thắng lợi với những hy sinh to lớn về người và của của Liên Xô và việc xây dựng được hoàn thành chỉ trong 4 năm (1949 - 1953). Người ta nói rằng, nếu không có sự chỉ đạo trực tiếp và kiên quyết của Sta-lin thì chắc chắn việc này sẽ không thể thực hiện được. Và đương nhiên, trường MGU đã trở thành một biểu tượng của sức mạnh của Liên Xô. ở nhiều nước, những người đứng đầu Nhà nước thường để lại cho hậu thế không chỉ sự nghiệp chính trị của mình mà còn những công trình văn hoá, khoa học lớn.
GS. Nguyễn Văn Đạo trong ngày khai giảng của ĐHQG Matxcơva, phía trước là Thủ tướng Puchin, 1/9/1999
Hôm nay là ngày 1/9, ngày khai trường của toàn nước Nga. Từ sáng sớm, các em học sinh trong những bộ quần áo đẹp với vẻ mặt hân hoan, náo nức ôm hoa đến trường. Hôm nay cũng là ngày chào đón và trang trọng khai giảng năm học mới của sinh viên năm thứ nhất trường MGU với sự có mặt của Thủ tướng Nga Puchin, các quan chức cao cấp của Chính phủ. Tôi và Giám đốc Đại học New York, Mĩ, cũng được mời tham gia Đoàn chủ tịch và phát biểu ý kiến. Các em sinh viên đã vỗ tay nhiệt liệt khi được biết tôi đã từng là nghiên cứu sinh của trường này và trong lời phát biểu, tôi cũng nói rằng mình lấy làm tự hào là học trò của trường phái khoa học Nga, tự hào là người đã được đào tạo từ trường MGU.
GS. Nguyễn Văn Đạo và Giám đốc ĐHQG Matxcơva GS. V.A. Sađôpvichi, 1/9/1999 (GS.V.A. Sađôpvichi đã nhận Bằng Tiến sĩ danh dự của ĐHQGHN)
Trường MGU mang tên Lômônôxốp được thành lập cách đây 244 năm. Hiện nay, trường MGU có trên 30 ngàn sinh viên, nghiên cứu sinh, trong đó có hơn 3 ngàn đến từ 97 nước trên thế giới; hơn 8,5 ngàn cán bộ giảng dạy, trong số đó có 6,9 ngàn người có học vị tiến sĩ, phó tiến sĩ; hơn 200 viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Nga đang giảng dạy và làm việc tại các ngành chuyên môn của MGU, lãnh đạo các trường phái khoa học nổi tiếng của Nga. Trường có quan hệ hợp tác với hơn 190 trường đại học lớn của các nước, trong đó có Đại học Quốc gia Hà Nội. Ký túc xá của MGU có chỗ ở đầy đủ tiện nghi cho 15 ngàn người với những buồng ở khép kín cho một người, hai người hoặc ba người. Có 11 nhà ăn tập thể và 16 quầy bán thức ăn, uống làm việc liên tục từ 8 giờ sáng đến 10 giờ tối.
Trước kia dưới thời Xôviết, việc học tập được hoàn toàn miễn phí. Ngày nay, học phí một năm cho việc học đại học từ khoảng 2.000 đến 4.500; cho cao học từ 2.500 đến 5.500 và nghiên cứu sinh từ 2.500 đến 6.500 đô la Mĩ. Tiền ở trong ký túc xá tuỳ theo tiện nghi, từ 40 - 120 đô la Mĩ một tháng. Ăn sáng và ăn tối ở nhà ăn khoảng 1 đô la và ăn trưa khoảng 1 - 2 đô la cho một bữa.
Cuộc viếng thăm ngắn hai ngày kết thúc. Trước khi ra sân bay, Giám đốc MGU, Viện sĩ Sađôpvichi đã tiếp tôi và bày tỏ lòng mong muốn tiếp tục hợp tác, giúp đỡ Việt Nam đào tạo sinh viên, nghiên cứu sinh và Viện sĩ cho biết, rất tiếc rằng lúc này vẻn vẹn chỉ có 15 sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam ở trường MGU. Tôi cứ băn khoăn mãi về con số này. Vì sao ở một Trung tâm đào tạo nhân tài tốt nhất thế giới lại chỉ có 15 người Việt Nam? Chẳng lẽ về kinh tế lúc này ta lại khó khăn hơn 40 năm về trước? Chúng ta cần phải thực sự đi theo tư tưởng chiến lược về con người của Bác Hồ !
Một số hình ảnh GS. Nguyễn Văn Đạo thời là sinh viên tại ĐHQG Matxcơva:
|