Tại cuộc họp của Uỷ ban Chiến lược quốc tế lần thứ 7 thuộc Bộ Giáo dục - Văn hoá - Thể thao - Khoa học Công nghệ (MEXT) của Nhật Bản đã thống nhất, khu vực Đông Nam Á (ASEAN) được chỉ định là khu vực được ưu tiên cho Khoa học và Công nghệ.
Buổi họp khởi động diễn đàn Kyoto-ASEAN 2015 được chủ trì bởi Trung tâm ASEAN trực thuộc Đại học Kyoto, tổ chức vào ngày 1/3/2015, tại Thái Lan với mục tiêu nhằm trao đổi ý kiến về hình thức hợp tác giữa Đại học Kyoto và các trường đại học Đông Nam Á để thực hiện các cuộc đối thoại chính sách, học thuật.
Tham gia hội nghị có gần 60 đại biểu đến từ ĐH Kyoto, Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (ASEAN University Network), Quỹ Đông Nam Á (ASEAN Foundation), Đại sứ quán, Trường đại học, Bộ giáo dục, Bộ khoa học… từ các quốc gia trong khu vực ASEAN. Trưởng Ban Quản lý Trường Đại học Việt Nhật Vũ Anh Dũng đã tham dự và phát biểu tại diễn đàn.
Vai trò của nghiên cứu, đào tạo năng lực con người, và trách nhiệm đóng góp cho xã hội của giáo dục đại học (các trường đại học) là các nội dung chính được các đại biểu tập trung thảo luận. Trong lĩnh vực nghiên cứu, từ các vấn đề hiện trạng của các hợp tác (như tính bền vững của các hợp tác nghiên cứu trước đây về nguồn tài trợ, mạng lưới các nhà khoa học và việc phát triển nhân lực tham gia các chương trình nghiên cứu), các đề xuất hợp tác nghiên cứu trong thời gian tới giữa ASEAN và Nhật Bản đều hướng tới các nghiên cứu liên ngành như biến đổi khí hậu, quản lý môi trường, đa dạng sinh học, quản trị nguồn nước…
Trong lĩnh vực đào tạo, các hợp tác thường phát sinh vấn đề do khác biệt về việc công nhận tín chỉ/môn học, ngôn ngữ, đội ngũ và dịch vụ hỗ trợ, thời khoá biểu, quản trị rủi ro trong quá trình triển khai chương trình đào tạo, sự thay đổi về môi trường đối với sinh việc/ học viên khi sống ở nước ngoài…
Do vậy, việc thảo luận tập trung vào giải quyết các vấn đề trên. Đối với trách nhiệm đóng góp cho xã hội của trường đại học, các chuyên gia nêu ra nhiều vấn đề trong đó có vấn đề xuất phát từ mối liên kết giữa trường đại học, các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp và việc định vị lại vai trò của giáo dục đại học trong bối cảnh toàn cầu hoá.
Phát biểu tại phiên thảo luận, ông Vũ Anh Dũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của giáo dục đại học đối với việc đào tạo đội ngũ quản lý, lãnh đạo tương lai của một quốc gia cũng như đội ngũ các cử nhân tài năng (đặc biệt đến từ các vùng khó khăn ít có cơ hội theo đuổi môi trường học tập tiên tiến). Các hợp tác tiềm năng về phát triển chương trình đào tạo, trao đổi học thuật… giữa Trường Đại học Việt Nhật với Trường Đại học Kyoto và các trường đại học Đông Nam Á trong lĩnh vực Biến đổi khí hậu, Công nghệ Nano, Công nghệ môi trường, Chính sách công, Khu vực học, Quản trị kinh doanh… cũng được giới thiệu.
Trong lĩnh vực nghiên cứu cần hướng đến giải quyết các vấn đề về: nghèo đói, chống lại tác động của biến đổi khí hậu đối với con người và sinh kế; bình đẳng giới và an ninh phi truyền thống… Đây là các vấn đề chung của khu vực ASEAN và tiểu vùng sông Mekong (GMS) cũng như thể hiện được trách nhiệm của giáo dục đại học đối với xã hội.
Diễn đàn Kyoto-ASEAN là cầu nối quan trọng đối với Trường Đại học Việt Nhật trong việc kết nối với ASEAN và Nhật Bản để triển khai các hợp tác về giáo dục, nghiên cứu và đóng góp cho xã hội trong thời gian tới, đặc biệt trong bối cảnh vai trò và tầm ảnh hưởng của ASEAN trong cộng đồng quốc tế ngày càng tăng cường và mối quan hệ đối tác giữa Trường ĐH Việt Nhật với ASEAN và Nhật Bản ngày càng được nâng cao.
Trong năm 2016, Trường Đại học Việt Nhật kết hợp với các trường đại học hàng đầu Nhật Bản như Tokyo, Kyoto, Osaka…bắt đầu tuyển sinh và triển khai 6 chương trình đào tạo thạc sĩ gồm:
1) Công nghệ Nano;
2) Công nghệ môi trường;
3) Kỹ thuật hạ tầng xã hội;
4) Khu vực học;
5) Chính sách công;
6) Quản trị kinh doanh.
|
|