TIN TỨC & SỰ KIỆN
Tin tức   Tin tức chung 00:00:00 Ngày 27/09/2017 GMT+7
Ứng dụng trong môi trường nghiên cứu cơ bản
Bỏ ngạch cán bộ nghiên cứu trong trường Đại học bởi vì mỗi cán bộ giảng dạy trong trường đều phải là một cán bộ nghiên cứu; Khuyến khích một cách thích đáng các công trình thành công trong nghiên cứu ứng dụng, ít nhất cũng bằng hoặc mạnh hơn các bài báo quốc tế (ISI/SCOPUS); Thành lập Quỹ phát triển nghiên cứu ứng dụng là những kiến nghị nhằm thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu ứng dụng cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Cổng thông tin điện tử ĐHQGHN trân trọng giới thiệu bài viết của PGS.TS Trần Hồng Côn công tác tại Trường ĐHKHTN – ĐHQGHN.

PGS.TS Trần Hồng Côn với thiết bị lọc nước tinh khiết từ nước thải đô thị

Trường Đại học tổng hợp và nay là Trường Đại học Khoa học Tự nhiên được xác định là đào tạo theo hướng khoa học cơ bản. Trong thực tế các thế hệ cán bộ khoa học, cán bộ giảng dạy của trường hầu hết đều được đào tạo từ các trường đại học cơ bản trên thế giới cũng như trong nước. Số các cán bộ được đào tạo từ các trường kỹ thuật, các trường công nghệ là rất ít. Chúng ta tự hào là đã đào tạo rà được hàng vạn cán bộ khoa học cho các trường, các viện nghiên cứu. Đội ngũ cán bộ này đã có đóng góp lớn vào sự phát triển khoa học và công nghệ của đất nước như ngày nay. Nhưng trong điều kiện đặc thù của nước ta, việc nghiên cứu ứng dụng trực tiếp phục vụ cho sự phát triển kinh tế của một nước nghèo và đang phát triển cũng là một yêu cầu rất cần thiết. Về việc này, các thế hệ cán bộ chúng ta cũng đã nỗ lực nhiều nhưng thực sự kết quả thu được còn rất khiêm tốn. Để ngày càng có nhiều các công trình nghiên cứu được ứng dụng và thực tế, chúng ta cần phải có những đổi mới về nhiều mặt để có thể vượt qua các khó khăn và cản trở, nắm bắt được các cơ hội mang tính chủ quan và khách quan.

Ngay từ đầu và trong nhiều năm, mô hình đào tạo, nghiên cứu cơ bản của chúng ta là theo mô hình của Liên Xô cũ. Nhưng Việt Nam là một nước nghèo, trong hàng chục năm, hầu như chúng ta chỉ dựa vào sự viện trợ của nước ngoài (khối các nước XHCN), việc đầu tư lớn cho nghiên cứu cơ bản không có cho nên làm nghiên cứu cơ bản không thể có các công trình lớn. bên cạnh đó, nền công nghiệp của nước ta trước đây hầu như không có gì và hiện nay cũng đã có song phần lớn và là nhập công nghệ từ nước ngoài vào sản xuất hay thuần túy là gia công. Từ đó các vấn đề đòi hỏi từ thực tế cần phải nghiên cứu giải quyết là rất ít;

Từ khi thực hiện chủ trương đổi mới, nền kinh tế được phát triển theo hướng thị trường định hướng XHCN và gần đây là sự hội nhập sâu rộng khu vực và quốc tế; cùng với sự phát triển cởi mở hơn nền kinh tế, đã xuất hiện nhiều nhu cầu của xã hội như những đơn đặt hàng đối với nghiên cứu khoa học ứng dụng; cho nên chúng ta có cơ hội để làm khoa học ứng dụng nhiều hơn.

Ngoài vấn đề trên, bản thân cán bộ trong trường xuất phát từ khoa học cơ bản lại làm việc trong môi trường đào tạo cơ bản nên nhu cầu về nghiên cứu ứng dụng lúc đầu có thể có, song bị mai một dần. Chúng ta trở nên trì trệ và ngại nghiên cứu ứng dụng.

Không hiểu từ đâu, chúng ta đều có một quan niệm, trong trường, cán bộ giảng dạy là “công dân số 1” còn cán bộ nghiên cứu là “công dân số 2”. Tôi nghĩ đây không phải chỉ do các chính sách ưu đãi đối với cán bộ giảng dạy tốt hơn cán bộ nghiên cứu. Đã là cán bộ nghiên cứu trong trường gần như đồng nghĩa với không có việc gì làm. Nguyên nhân ở đây không phải là do một tổ chức hay cá nhân, nó bao hảm cả các yếu tố khách quan. Nhưng điều đáng nói ở đây là trong nhiều năm chúng ta biết vậy, nhưng chúng ta chưa làm gì nhiều để cải thiện vấn đề này;

Lâu nay chúng ta quá coi trọng các bài báo khoa học được công bố hơn một công trình được ứng dụng trong thực thế, mặc dù đề viết một bài báo dễ hơn nhiều so với việc tìm ra công thức pha chế nước rửa bát. Điều này đôi khi làm cho cán bộ, chúng ta ỷ lại và không muốn đi vào nghiên cứu ứng dụng. Nhân đây chúng ta cũng thử kiểm tra lại xem có bao nhiêu bài báo ISI không có yếu tố nước ngoài. Có bao nhiêu bài báo công bố quốc tế chỉ do người Việt Nam làm tại Việt Nam? Công bằng ra thì ta nên ủng hộ nhiều hơn đối với những nỗ lực thực sự không dựa vào nước ngoài. Ở đây không có ý là không coi trọng hợp tác quốc tế, tôi chỉ mong muốn có sự công nhận và khuyến khích hơn đối với các công trình “made in Vietnam” cũng như các công trình được ứng dụng thực tế;

Đối với một kết quả nghiên cứu ứng dụng, khi đánh giá, nghiệm thu hay thông qua, chúng ta đỏi hỏi quá nhiều về mặt lý thuyết, về cơ chế…mà coi nhẹ ứng dụng thực tế của nó. Điều này chúng ta đã tự làm khó mình vì nếu vừa nghiên cứu ứng dụng lại vừa phải giải quyết các vấn đề lý thuyết thì không đủ thời gian và kinh phí. Tôi lấy ví dụ, nghiên cứu khử một oxit kinh loại bằng than và một số chất phụ gia ở nhiệt độ cao, kín khí (nhiều cán bộ trong trường đã từng làm), thu được quy trình công nghệ đạt hiệu suất cao có thể ứng dụng ngay vào thực tế. Nhưng đòi hỏi giải thích cơ chế khử xảy ra như thế nào thì phải mất rất nhiều thời gian và kinh phí mới làm được.

Tôi nhớ, từ những năm 90 của thế kỷ trước, trường ta đã có chủ trương phát triển nghiên cứu ứng dụng, có ý đồ thành lập một đội ngũ các bộ nghiên cứu trong trường để giải quyết vấn đề này. Và đến nay, chúng ta càng nhận thấy vấn đề phát triển nghiên cứu ứng dụng trở nên cấp bách hơn. Bằng chứng cụ thể là cuộc hội thảo khoa học. Chúng ta đã mở được các ngành đào tạo kỹ thuật và công nghệ, đã có các trung tâm nghiên cứu ứng dụng, có Công ty TNHH Khoa học Tự nhên, có các nhóm nghiên cứu mạnh và nhiều cán bộ có tâm huyết và đã từng làm nghiên cứu ứng dụng thành công… Nhưng về lĩnh vực này, chúng ta vẫn chưa có một sách lược cụ thể, đúng và trúng.

Làm nghiên cứu ứng dụng là sử dụng một cách chọn lọc và hệ thống các kiến thức sâu rộng về lý thuyết cơ bản để giải quyết một vấn đề thực tế. Do đó nghiên cứu ứng dụng không thể tách rời tri thức và sự chuyên sâu về nghiên cứu cơ bản. Nếu không sẽ gặp những khó khăn hoặc thất bại trong tính hoàn thiện và chất lượng của sản phẩm khi đưa vào thực tế (như các bác nông dân làm máy bay trực thăng…).

Để có thể phát triển nghiên cứu ứng dụng mạnh trong ngôi trường có truyền thống và mạnh về nghiên cứu cơ bản, theo thiển nghĩ của tôi, nên có sự thay đổi sau đây:

Nên bỏ ngạch cán bộ nghiên cứu trong trường Đại học bởi vì mỗi cán bộ giảng dạy trong trường đều phải là một cán bộ nghiên cứu để hai nhiệm vụ này thúc đẩy lẫn nhau và bổ trợ cho nhau dần nâng cao trình độ của cán bộ; và cũng vì thế mà việc quản lý và khuyến khích giảng dạy và nghiên cứu, đặc biệt là nghiên cứu ứng dụng sẽ đơn giản hơn và hiệu quả hơn;

Khuyến khích một cách thích đáng các công trình thành công trong nghiên cứu ứng dụng, ít nhất cũng bằng hoặc mạnh hơn các bài báo quốc tế (ISI/SCOPUS). Điều này rất quan trọng vì sự công nhận và tôn vinh kịp thời luôn là danh dự của các nhà khoa học và là động lực tiếp sức cho các nghiên cứu tiếp theo. Nếu chỉ tôn vinh các bài báo ISI có impact factor cao, còn các công trình phục vụ dân sinh, phục vụ sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước được coi như “một thứ hàng nội địa” thì không thể phát triển nghiên cứu ứng dụng được.

Cần thành lập Quỹ phát triển nghiên cứu ứng dụng để thúc đẩy các đề tài nghiên cứu mang tính thương mại

Tạo điều kiện cho các nghiên cứu ứng dụng. Trong hầu hết các nghiên cứu ứng dụng hay theo đơn đặt hàng, bên thực hiện phải có kinh phí đối ứng một phần hoặc phải bỏ vốn tất cả. Vì vậy, cán bộ chúng ta thường thiếu vôn. Nên Nhà trường hay Đại học Quốc gia Hà Nội thành lập một quỹ gọi là Quỹ phát triển nghiên cứu ứng dụng để cho các cán bộ vay thực hiện đề tài. Sau khi hoàn thành sẽ hoàn trả và có thưởng tùy theo mức độ thành công của đề tài.

Từ trước đến nay, làm nghiên cứu thì không ngại, nhưng quyết toán kinh phí thì luôn là nỗi ám ảnh của các cán bộ. Vì cán bộ là công tác giảng dạy và nghiên cứu không hiểu hết các nguyên tác và thủ tục về tài chính. Vì thế, nếu được, trường có thể tổ chức một đội ngũ từ phòng Kế hoạch – Tài chính chuyên lo việc này cho các đề tài, họ là thành viên của các đề tài, có quyền lợi và nghĩa vụ như các thành viên khác;

Hiện nay từ Trung ương đến các địa phương, các tập đoàn và các công ty họ có các quỹ nghiên cứu phát triển và cũng đã có các đơn đặt hàng nghiên cứu. Từ trước tới nay, chúng ta vẫn quen làm theo cách các cá nhân tự “chạy” lấy đề tài và nhà trường là ngưởi ủng hộ và hoàn chỉnh các thủ tục. Việc này mang tính tự phát và kèm hiệu quả. Nếu được, nhà trường có thể tổ chức một Ban phát triển nghiên cứu khoa học và ứng dụng để đi tìm các đề tài và các đơn dặt hàng (kể cả ngay trong ĐHQGHN). Mỗi vấn đề cần nghiên cứu hay một đề tài nghiên cứu theo yêu cầu của khách hàng, Ban này sẽ tìm và thảo luận với cán bộ hay nhóm nghiên cứu đúng chuyên ngành và có khả năng làm tốt nhất để bàn giao thực hiện. Nhà trường sẽ xác minh và ký hợp đồng hay ủy quyền cho cán bộ ký. Ban này sẽ hoạt động bằng phần trăm kinh phí từ mỗi đề tài mang về và đóng góp lợi nhuận cho nhà trường. Tất nhiên nhà trường phải lo kinh phí hoạt động ban đầu và có giải pháp về quản lý.

 PGS.TS. Trần Hồng Côn - Bản tin ĐHQGHN số 318 năm 2017
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ