TIN TỨC & SỰ KIỆN
Tin tức   Tin tức chung 00:00:00 Ngày 24/11/2017 GMT+7
Hội thảo khoa học quốc tế: “Ảnh hướng của Cách mạng tháng Mười Nga đến Cách mạng Việt Nam”
Trong hai ngày 23 và 24/11/2017, tại Hội trường Nguyễn Văn Đạo, ĐHQGHN phối hợp với Đại sứ quán Liên bang Nga, Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội, Cơ quan Lưu trữ Liên bang Nga, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước (Bộ Nội vụ), Khu Di tích Phủ Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học Quốc tế: “Ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười Nga đến Cách mạng Việt Nam”.

Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn phát biểu khai mạc Hội thảo.

Tham dự Hội thảo, về phía Nga có Ông Konstantin Vasilievich Vnukov – Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Liên bang Nga tại Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Ông Andrey Nikolaevich Artizov – Giám đốc Cơ quan Lưu trữ Liên bang Nga – Rosarchive; Bà Natalia Valerievna Shafinskaya – Giám đốc Trung tâm Khoa học và Văn hoá Nga tại Hà Nội.

Về phía Việt Nam có Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước (Bộ Nội vụ Việt Nam) Đặng Thanh Tùng, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn – ĐHQGHN Phạm Quang Minh.

Cùng tham dự có đại diện lãnh đạo Hội hữu nghị Việt Nam – Liên bang Nga, Hội hữu nghị Liên bang Nga – Việt Nam, các trường Đại học của Liên bang Nga, đông đảo các nhà khoa học, nhà nghiên cứu hai nước Việt Nam và Nga…

Phát biểu khai mạc Hội thảo, nhấn mạnh ý nghĩa của dịp kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên bang Nga tại Việt Nam Konstantin Vasilievich Vnukov cho biết, Ngày kỷ niệm lớn – 100 năm Cách mạng năm 1917 tại Nga đã tạo sự quan tâm chú ý to lớn trên thế giới. Nhiều hoạt động chào mừng như các hội nghị khoa học, triển lãm, xuất bản các tác phẩm khoa học, công bố các tài liệu, sản xuất phim… trên khắp nước Nga và các nước trên thế giới.

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên bang Nga tại Việt Nam Konstantin Vasilievich Vnukov

Đại sứ Konstantin Vasilievich Vnukov bày tỏ vui mừng khi Việt Nam đã tổ chức nhiều hoạt động với quy mô lớn như mít-tinh, triển lãm, giao lưu văn hóa văn nghệ, hội thảo… chào mừng kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga, trong đó có Hội thảo khoa học với chủ đề “Ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười Nga đến Cách mạng Việt Nam”. Ông bày tỏ tin tưởng, với sự tham gia của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu và các đại biểu có uy tín của các giới hàn lâm, các đại biểu sẽ được nghe các tham luận nêu bật được ý nghĩa của Cách mạng Tháng Mười Nga – một cuộc cách mạng có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển lịch sử của nước Nga và toàn thể cộng đồng thế giới. Hội thảo sẽ mở ra những trang mới trong nền lịch sử chung giữa hai nước, và sự khác biệt trong cách nhìn nhận và quan điểm của các đại biểu là nền tảng cho sự đối thoại khoa học.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn nhấn mạnh, Cách mạng Tháng Mười Nga đã mở ra một chương mới trong lịch sử nhân loại. Chủ nghĩa xã hội là nguồn cổ vũ mạnh mẽ phong trào cách mạng thế giới… Đối với Việt Nam, Cách mạng Tháng Mười Nga có ảnh hưởng sâu sắc, là kim chỉ nam cho đường lối cách mạng của đất nước, giải phóng ách áp bức bóc lột của thực dân, mang lại độc lập tự do cho dân tộc.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn, Hội thảo là một trong những hoạt động thiết thực và có ý nghĩa, thông qua các buổi thảo luận, trao đổi ý kiến và các Hội thảo chuyên đề, chúng ta một lần nữa nhận thức được những giá trị thực tiễn của Cách mạng Tháng Mười Nga với sự phát triển của đất nước Việt Nam hiện nay. Phó Chủ tịch Lê Hồng Sơn tin tưởng, thông qua sự kiện này, mối quan hệ hữu nghị truyền thống, sự hiểu biết lẫn nhau giữa đất nước, con người Nga với đất nước Việt Nam nói chung và với thành phố Hà Nội nói riêng sẽ ngày càng gắn bó, phát triển sâu sắc và toàn diện hơn nữa trong tương lai.

Nhấn mạnh Cách mạng tháng Mười Nga đã đặt nền tảng thiết yếu cho việc xây đắp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga, Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn cho biết, trong suốt 70 năm qua, những thành tựu bước đầu về công nghiệp hóa, hiện đại hóa và bảo vệ Tổ quốc của Việt Nam luôn có đóng góp quý báu của Liên Xô trước đây và nhân dân Nga ngày nay. Về phần mình, nước Nga cũng đẩy mạnh Chính sách hướng đông, coi Việt Nam là cầu nối, điểm tựa để triển khai chính sách này. Cùng với quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, Việt Nam và Liên bang Nga ngày càng phối hợp chặt chẽ, tham vấn, ủng hộ lẫn nhau trong các diễn đàn đa phương ở Liên Hợp Quốc, APEC, ASEM, ARF...  

Đặc biệt, sự đóng góp của nền giáo dục và khoa học Liên Xô trước đây và nước Nga ngày nay đối với Việt Nam có ý nghĩa to lớn  và giá trị cơ bản sâu sắc. Từ những năm 1950 đến nay, Liên Xô và nước Nga, đã đào tạo hàng trăm ngàn cán bộ giảng dạy và nghiên cứu khoa học cho Việt Nam. Trong số đó, có hàng trăm cán bộ giảng dạy, giáo chức lão thành của ĐHQGHN đã được đào tạo cơ bản và chuyên sâu, có đóng góp không nhỏ cho nền khoa học và giáo dục đại học Việt Nam như: GS. Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu, GS. Viện sĩ Nguyễn Văn Đạo – nguyên Giám đốc đầu tiên ĐHQGHN, GS. Viện sĩ – Đào Trọng Thi, GS. Nguyễn Tài Cẩn – người đầu tiên đã đem ngôn ngữ Việt Nam tới Liên Xô như một chuyên ngành khoa học, và còn rất nhiều các chuyên gia và các nhà khoa học đã và đang làm rạng danh nền khoa học Xô Viết ngay tại Việt Nam. Gần đây, ĐHQGHN đã vinh dự và chúc mừng TSKH Nguyễn Tuyết Minh – nguyên Phó chủ nhiệm khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Nga, người vừa được Tổng thống LB  Nga, Vladimir Putin tặng thưởng Huy chương Pushkin vì những đóng góp cho sự phát triển Văn hóa và ngôn ngữ Nga tại Việt Nam. 

Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Hội thảo

Giám đốc ĐHQGHN cũng cho biết, năm 2017 đánh dấu sự hợp tác trong liên kết đào tạo với các đại học Liên bang Nga khi lần đầu tiên chương trình Cử nhân tin học và kỹ thuật máy tính hợp tác với Đại học Năng lượng Mátxcơva được triển khai. Đây sẽ là nền tảng cho mô hình hợp tác mới, góp phần làm phong phú và sâu sắc thêm các chương trình hợp tác về giáo dục đại học, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam.

Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng rằng, với ý nghĩa to lớn của Cách mạng Tháng Mười, mối quan hệ tốt đẹp hiện có giữa Việt Nam và LB. Nga, với sự tham gia của đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học ngày hôm nay, Hội thảo khoa học quốc tế “Ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười Nga đến Cách mạng Việt Nam” sẽ không chỉ có những báo cáo khoa học làm gia tăng những hiểu biết sâu sắc, toàn diện hơn về Cách mạng Tháng Mười Nga, mà còn nghiên cứu quan hệ hữu nghị Việt - Nga qua các chặng đường lịch sử; các chủ đề Việt Nam học cũng như Đông phương học ở Nga và Nga ngữ học ở Việt Nam với nhiều cách nhìn nhận, phân tích kết hợp giữa chuyên ngành và tiếp cận liên ngành, đa ngành”, Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn cho hay.

Trong hai ngày diễn ra (23 và 24/11), các diễn giả hai nước Việt Nam và Liên bang Nga trình bày hàng chục tham luận nêu bật ý nghĩa của Cách mạng Tháng Mười Nga – một cuộc cách mạng có ảnh hưởng to lớn đến sự phát triển lịch sử của nước Nga và toàn thể cộng đồng thế giới, trong đó nổi bật là một số tham luận như: “Cuộc cách mạng năm 1917 và ảnh hưởng của nó tới các sự kiện lịch sử tại khu vực Đông Nam Á”, “Nguyễn Ái Quốc đến với Cách mạng Tháng Mười và Lênin trong những năm ở nước Nga 1923 – 1924”, “Việt Nam học Nga – hôm qua và hôm nay”, “Cách mạng Tháng Mười vĩ đại và Việt Nam”, “Cách mạng Tháng Mười và chế độ Xô Viết – Những điều không thể phủ nhận”…

Hàng năm, bên cạnh việc đón tiếp nhiều đoàn đại biểu các đại học Liên bang Nga sang thăm và triển khai hợp tác, ĐHQGHN đã tiếp nhận nhiều cán bộ, học viên Liên bang Nga sang học tập và nghiên cứu về Việt Nam học và tiếng Việt. ĐHQGHN cũng là đơn vị duy nhất tại Việt Nam, được Quỹ Thế giới Nga hỗ trợ xây dựng Phòng đọc Thế giới Nga – nơi cung cấp kiến thức, thông tin về mọi lĩnh vực đời sống kinh tế, văn hóa, giáo dục, nghệ thuật, khoa học, … của LB Nga cho các nhà khoa học, giảng viên, sinh viên. Nhằm tăng cường hợp tác song phương và ghi nhận sự đóng góp của các nhà khoa học LB Nga trong nghiên cứu khoa học, đào tạo nguồn nhân lực và thúc đẩy quan hệ hợp tác với Việt Nam, ĐHQGHN đã trao bằng Tiến sĩ danh dự cho Viện sĩ Sadovnichii, Giám đốc Đại học Tổng hợp Quốc gia Matxcơva mang tên Lômônôxốp, Liên bang Nga; GS. Nikolay Mikhaylovich Kropachev, Giám đốc Đại học Saint Peterburg, Liên bang Nga và GS. Yevgeny Ilyich Zelenev - Chủ nhiệm Khoa Phương đông học, Đại học Saint Peterburg.

 

 

 

 

 

Đại biểu hai nước Việt Nam và Liên bang Nga tham dự Hội thảo

>>> Tin bài liên quan:

- Chủ tịch Đuma Quốc gia Nga thăm ĐHQGHN

- Kỉ niệm Ngày Chiến thắng: “Không có gì bị lãng quên! Không có ai bị lãng quên!”

- PGS.TSKH Nguyễn Tuyết Minh với “bùa” Nga và Huy chương Pushkin

- Giám đốc ĐHQGHN tiếp Đại sứ Liên bang Nga tại Việt Nam

- Khai trương phòng đọc thế giới Nga

- ĐHQGHN đẩy mạnh hợp tác với các Đại học Liên bang Nga

- ĐHQGHN và ĐHQG Mátxcơva ký Thoả thuận về hợp tác Khoa học và Giáo dục dưới sự chứng kiến của Thủ tướng hai nước Việt Nam - Liên bang Nga

- ĐHQGHN và MPEI: Chuyển giao tri thức, cùng tạo ra nguồn nhân lực nòng cốt

- VNU và MPEI: Hợp tác đào tạo nhân lực CLC ngành năng lượng

 

 Minh Khuê - Ảnh: Ngọc Tùng - VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ