TIN TỨC & SỰ KIỆN
Tin tức   Tin tức chung 00:00:00 Ngày 06/04/2021 GMT+7
Các bài thi đánh giá năng lực học sinh THPT năm 2021 của 3 cơ sở đại học
Năm 2021, ĐHQGHN, ĐHQG Tp. Hồ Chí Minh và Trường Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức thi đánh giá năng lực (ĐGNL) và bài thi tổ hợp đối với đối tượng học sinh trung học phổ thông (THPT).

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm Khảo thí ĐHQGHN

Chia sẻ về mục đích các bài thi ĐGNL năm 2021 ở Việt Nam, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo – Giám đốc Trung tâm Khảo thí, ĐHQGHN cho rằng, trong khi bài thi ĐGNL của ĐHQGHN hướng tới nhiều mục đích thì các bài thi của ĐHQG Tp. Hồ Chí Minh và Trường ĐH Bách khoa Hà Nội chủ yếu phục vụ tuyển sinh đại học.

Thực vậy, khác với những năm trước, bài thi ĐGNL của ĐHQGHN năm 2021 tiếp cận theo hướng đánh giá năng lực học sinh trung học phổ thông một cách toàn diện hơn. Các mục tiêu hướng tới như phân loại sau khi tốt nghiệp THPT, tư vấn cho hoạt động dạy và học, đảm bảo chất lượng giáo dục, dự báo chất lượng nhân lực phổ thông, phục vụ công tác tuyển sinh và dự báo kết quả học tập bậc đại học, hướng nghiệp cho học sinh…

Trong khi đó, bài thi ĐGNL của ĐHQG Tp. Hồ Chí Minh dùng để tuyển chọn được những thí sinh có đủ năng lực và phù hợp với đặc thù các chương trình đào tạo các đơn vị thành viên trong hệ thống của mình; định hướng học tập cho học sinh THPT, thực hiện tự chủ trong công tác tuyển sinh. Tương tự, bài thi đánh giá tư duy của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội hướng tới nâng cao chất lượng tuyển sinh đại học, từng bước hoàn thiện để tiến tới hoàn toàn tự chủ trong công tác tuyển sinh.

Về cấu trúc, bài thi ĐGNL của ĐHQGHN gồm 3 phần.

- Phần 1: Tư duy định lượng (50 câu hỏi, 75 phút) về lĩnh vực Toán học; đánh giá năng lực giải quyết vấn đề tư duy toán học, suy luận, lập luận, tư duy logic, tư duy tính toán, khái quát hóa, mô hình hóa toán học, sử dụng ngôn ngữ và biểu diễn toán học, tư duy trừu tượng không gian.

- Phần 2: Tư duy định tính (50 câu hỏi, 60 phút) có các câu hỏi về Văn học - Ngôn ngữ; đánh giá năng lực giải quyết vấn đề tư duy logic, tuy duy ngôn ngữ tiếng Việt.

- Phần 3: Khoa học (50 câu hỏi, 60 phút) gồm cả phần tự nhiên và xã hội; đánh giá năng lực giải quyết vấn đề sáng tạo, tư duy, lập luận và tổng hợp, ứng dụng, am hiểu đời sống kinh tế xã hội.

Bên cạnh đó còn đánh giá các năng lực đặc thù như: năng lực tái hiện sự kiện, hiện tượng, nhân vật lịch sử thông qua lĩnh vực Lịch sử; năng lực nhận thức thế giới theo quan điểm không gian thông qua lĩnh vực Địa lý; năng lực nghiên cứu và thực nghiệm thông qua lĩnh vực Vật lý, Hóa học và Sinh học.

Các câu hỏi dưới hình thức trắc nghiệm khách quan (lựa chọn 1 trong 4 đáp án) và câu hỏi điền đáp án.

Năm 2021, Trung tâm Khảo thí ĐHQGHN mở các đợt thi từ tháng 5 đến tháng 7; thí sinh làm bài trên máy tính với mã đề riêng.

Bài thi ĐGNL của ĐHQG Tp. Hồ Chí Minh gồm 3 phần.

- Phần 1: Sử dụng ngôn ngữ gồm 40 câu hỏi, trong đó có 20 câu hỏi tích hợp kiến thức về Ngữ văn đòi hỏi thí sinh nắm vững những kỹ năng thực hành tiếng Việt để áp dụng vào giải quyết các vấn đề liên quan. 20 câu hỏi tiếp theo kiểm tra khả năng sử dụng tiếng Anh ở cấp độ A2-B1 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc, gồm các câu hỏi về cấu trúc câu, nhận diện lỗi sai, đọc hiểu câu, đọc hiểu đoạn văn.

- Phần 2: gồm 30 câu hỏi Toán học, tư duy logic và phân tích số liệu nhằm đánh giá khả năng áp dụng các kiến thức toán học; khả năng tư duy logic; khả năng diễn giải, so sánh phân tích số liệu.

- Phần 3: gồm 50 câu hỏi đánh giá khả năng hiểu các kiến thức giáo khoa cơ bản và áp dụng để giải quyết các vấn đề cụ thể thuộc năm lĩnh vực, gồm ba lĩnh vực Khoa học tự nhiên (Hóa học, Vật lý, Sinh học) và hai lĩnh vực Khoa học xã hội (Địa lí, Lịch sử).

Bài thi được thiết kế dưới dạng câu hỏi trắc nghiệm lựa chọn, thang điểm của bài thi là 1.200 điểm.

Năm 2021, ĐHQG Tp. Hồ Chí Minh tổ chức 2 đợt thi vào các ngày 28/3 và 4/7.

Đối với Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, bài thi ĐGNL gồm 2 phần: Phần Bắt buộc gồm các kiến thức về Toán và Đọc hiểu; Phần Tự chọn trong đó thí sinh được lựa chọn 1 trong 3 phần: Lý – Hóa/Hóa – Sinh/Tiếng Anh.

- Phần Bắt buộc được thực hiện trong 120 phút:

+ Phần Toán gồm các câu hỏi trắc nghiệm và tự luận đánh giá 4 kỹ năng: Mô hình hóa Toán học; Giải quyết vấn đề, Tư duy và Lập luận Toán học; Kỹ năng giao tiếp Toán học.

+ Phần Đọc hiểu với nội dung chủ yếu liên quan tới Khoa học tự nhiên, kỹ thuật và công nghệ sẽ đánh giá kỹ năng đọc và năng lực phân tích, lý giải văn bản, khái quát, tổng hợp, biện luận về logic và suy luận từ văn bản.

- Phần tự chọn được thực hiện trong 60 phút với nội dung kiểm tra nằm trong chương trình THPT, ở mức thông hiểu và vận dụng.

Câu hỏi của bài thi tổ hợp được thiết kế dưới dạng trắc nghiệm lựa chọn và tự luận chấm theo thang điểm 30.

>>> Các tin tức liên quan:

- Thông tin tuyển sinh đại học chính quy năm 2021 của ĐHQGHN

- [Infographic] Các bài thi đánh giá năng lực năm 2021 của 03 cơ sở đại học

 Đức Thắng - VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ