>>> Tin liên quan:
Đây là sự kiện quan trọng được tổ chức 4 năm một lần, là cơ hội cho các nhà Việt Nam học trên toàn thế giới công bố những kết quả nghiên cứu của mình, giao lưu và trao đổi học thuật với các đồng nghiệp, qua đó góp phần nâng cao nhận thức khoa học từ việc tập hợp các ý tưởng hội nhập và phát triển bền vững Việt Nam trong giai đoạn mới. Hiện đã có hơn 1500 đại biểu đăng ký tham dự hội thảo (cao gần gấp đôi so với dự kiến), trong đó có gần 280 đại biểu nước ngoài đến từ 35 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong số 1.200 tham luận gửi tới Ban tổ chức Hội thảo, khoảng 800 tham luận được lựa chọn, với khoảng 200 tham luận của các học giả nước ngoài.
Tại buổi họp báo, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Trưởng Ban chỉ đạo Hội thảo cho biết, Hội thảo lần này sẽ tập trung thảo luận tất cả các lĩnh vực trong hội nhập và phát triển bền vững như: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, quan hệ quốc tế… Thông qua Hội thảo, các học giả trong và ngoài nước sẽ tham gia đề xuất các ý kiến về quan điểm và chính sách phát triển, hội nhập của Việt Nam theo tinh thần: “Việt Nam là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì một thế giới hòa bình và phát triển bền vững”.
Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ IV chia ra 15 tiểu ban chuyên môn với những nội dung cụ thể như: Lịch sử Việt Nam: truyền thống và hiện đại; Văn hóa và giao lưu văn hóa trong hội nhập và phát triển bền vững; Kinh tế Việt Nam trong hội nhập và phát triển bền vững;… Hội thảo sẽ diễn ra trong 3 ngày từ 26 đến 28/11 tại Trung Tâm Hội nghị Quốc gia, Mỹ Đình, Hà Nội.
Kết thúc buổi họp báo, GS.TS Mai Trọng Nhuận, Giám đốc ĐHQGHN, đồng Trưởng Ban chỉ đạo Hội thảo nhấn mạnh, 15 chủ đề của Hội thảo hết sức đa dạng, phong phú, phản ánh khá toàn diện những nội dung cốt lõi của Việt Nam học, nhưng tất cả đều hội tụ về một hướng đó là hội nhập và phát triển bền vững. Ngoài ra, Hội thảo cần chú trọng đến 3 sản phẩm là: Hệ thống các báo cáo khoa học, các thảo luận, đề xuất cho Việt Nam hội nhập và phát triển bền vững; Những đề xuất kiến nghị triết xuất từ hội thảo trình lên Đảng và Nhà nước; Mạng lưới nghiên cứu Việt Nam học trên thế giới được củng cố, phát triển để Việt Nam được hiểu đủ hơn, nhiều hơn, sâu hơn và có sự lan tỏa, đóng góp cho phát triển bền vững không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới.
|