Năm nay, Trường Đại học Giáo dục tuyển sinh 80 chỉ tiêu Sư phạm Khoa học Tự nhiên. Thí sinh muốn theo học ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên cần đăng ký nhóm ngành GD1, sau khi học 1 năm thí sinh có thể đăng ký nguyện vọng và được xét theo điểm và chỉ tiêu. Theo đó, tổ hợp xét tuyển của nhóm ngành GD1 là: Toán, Vật lý, Hóa học (A00) Toán, KHTN, Ngữ văn (A16); Toán, Hóa học, Sinh học (B00); Toán, KHTN, Tiếng Anh (D90). Đã đến lúc ngành sư phạm chấm dứt đào tạo ra không sử dụng Lãnh đạo Khoa Sư phạm, Trường ĐH Giáo dục, PGS.TS Nguyễn Chí Thành cho rằng, đã đến lúc ngành Sư phạm chấm dứt đào tạo ra không sử dụng, đào tạo gắn với nhu cầu sử dụng và yêu cầu chất lượng vừa là trách nhiệm chính trị vừa là trách nhiệm xã hội của ngành sư phạm. Trường ĐH Giáo dục, ĐHQGHN trước khi mở ngành Sư phạm KHTN đã xây dựng đề án tuyển sinh cho ngành đào tạo giáo viên trên cơ sở đề xuất của địa phương và năng lực của cơ sở, đảm bảo các điều kiện đảm bảo chất lượng theo quy định hiện hành. Ông Nguyễn Chí Thành chia sẻ, Trường ĐH Giáo dục đã tiên phong trong việc đào tạo ngành sư phạm KHTN theo hướng ứng dụng công nghệ hiện đại như thực tại ảo (VR), thực tại ảo tăng cường (AR), thực hành tại các phòng thí nghiệm Lý-Hóa-Sinh hiện đại cũng như Kiến tập - Thực tập Sư phạm tại hệ thống các trường phổ thông chất lượng cao, trường quốc tế tại Hà Nội, mở rộng nghề nghiệp, liên ngành giúp sinh viên sau khi tốt nghiệp không chỉ làm giáo viên mà còn có thể nhanh chóng bắt kịp theo xu thế thị trường lao động. Linh hoạt trong đào tạo ngành Sư phạm Khoa học Tự nhiên Theo khảo sát của Trường ĐH Giáo dục, hiện nay, lực cản lớn nhất cho sự đổi mới cách dạy học các môn KHTN hiện nay chính là sức ì do thói quen cũ trong hoạt động dạy học. Hơn nữa với tiếp cận hướng tới phát triển năng lực của người học, Chương trình giáo dục phổ thông được xây dựng theo hướng tích hợp ở các cấp học dưới, phân hóa ở cácTHPT nên Chương trình phổ thông mới (12/2018) có nhiều môn học mới như Hoạt động trải nghiệm, Khoa học tự nhiên. Do vậy cần nhanh chóng xây dựng một Chương trình đào tạo liên ngành mới để đáp ứng nhu cầu đào tạo cũng như bồi dưỡng giáo viên hiện nay, đó chính là chương trình Sư phạm KHTN cho giáo viên dạy môn KHTN cấp Trung học cơ sở. Sự liên thông của môn KHTN với các ngành học khác liên quan thông qua các nội dung môn học gắn liền với các khoa Vật lý, Hóa học, Sinh học của Trường ĐH KHTN như là một hệ thống liên kết ngang theo mô hình đào tạo A + B. Tiền thân mô hình A+B là mô hình đào tạo giáo viên THPT theo mô hình 3+1, có nghĩa là trong 3 năm đầu sinh viên học tại Trường Đại học KHTN và năm thứ 4 học tại Trường ĐH Giáo dục. Vì thế sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể tiếp tục học lên các bậc Thạc sỹ và Tiến sỹ với tư cách là ngành đúng (Thạc sỹ KHTN) và ngành gần (Thạc sỹ và Tiến sỹ các ngành Vật lý, Hóa học, Sinh học) được xem như mối liên kết dọc. Bên cạnh đó sinh viên tốt nghiệp ngành Cử nhân SP KHTN có thể được bồi dưỡng, nâng cao trình độ ở các ngành liên quan trong hệ thống đào tạo bằng kép của ĐHQGHN. Với các sinh viên tốt nghiệp đơn ngành hoặc song ngành Vật lý, Hóa học, Sinh học có thể được bồi dưỡng kiến thức về KHTN để dạy môn KHTN cấp THCS. Sinh viên được tuyển vào học chương trình Cử nhân SP KHTN học cùng với sinh viên các chuyên ngành Cử nhân SP Vật lý, Hóa học, Sinh học để đảm bảo các kiến thức chuyên sâu của mỗi chuyên ngành liên quan. Các học phần dạy học theo phương pháp tích hợp và các học phần về Khoa học giáo dục sẽ do các giảng viên Trường ĐH Giáo dục chủ trì và giảng dạy trực tiếp. Chương trình Cử nhân Sư phạm KHTN tại ĐHGD chú trọng đào tạo đội ngũ GV có khả năng dạy chuyên sâu môn Vật lý, Hoá học, Sinh học và dạy môn KHTN ở bậc THCS. Bên cạnh đó chương trình được xây dựng bao gồm khối kiến thức chuyên ngành và khối kiến thức rèn luyện Nghiệp vụ Sư phạm kết hợp với việc tăng cường thực hành, thực tế, thảo luận và hoạt động nhóm để người học tự chủ hơn, hình thành năng lực tự học, tự nghiên cứu, tăng cường năng lực thực hành và làm việc nhóm từ đó giúp sinh viên tốt nghiệp ra trường có năng lực dạy học tích hợp và năng lực thiết kế các hoạt động trải nghiệm cho HS. Ngoài ra, chương trình đào tạo còn giúp người học hình thành và phát triển năng lực nghiên cứu khoa học để có thể hướng dẫn và tổ chức cho HS nghiên cứu khoa học ở trường phổ thông để qua đó phân luồng HS sau cấp Trung học cơ sở, chuẩn bị hành trang tri thức cho HS theo đuổi tiếp con đường học thuật hoặc rẽ nhánh học nghề phù hợp với năng lực bản thân.
|