Tin tức chung
Trang chủ   >  Tin tức  >   Tin tức chung  >  
Một số sự kiện tiêu biểu của ĐHQGHN năm 2006
Năm 2006 là một năm đất nước ta có nhiều sự kiện đặc biệt. Đối với Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN), năm 2006 được coi là một mốc son quan trọng trong chặng đường phát triển của một đại học có truyền thống xây dựng và phát triển tròn 100 năm. Sau đây là một số sự kiện tiêu biểu nhất năm 2006 của ĐHQGHN do Bản tin ĐHQGHN bình chọn:

1. ĐHQGHN KỶ NIỆM 100 NĂM NGÀY THÀNH LẬP

Ngày 15/5/2006, ĐHQGHN đã trang trọng tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập (16/5/1906 - 16/5/2006), đồng thời cũng là sự kiện trọng đại đánh dấu sự khởi đầu của nền giáo dục đại học hiện đại Việt Nam. Đây cũng là dịp toàn thể cán bộ, viên chức, giảng viên, học sinh, sinh viên ĐHQGHN ôn lại truyền thống lịch sử trong một thế kỷ xây dựng và phát triển của một trung tâm đào tạo đại học và nghiên cứu khoa học hàng đầu Việt Nam với những thành tích rất đáng tự hào, đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Tới dự lễ kỷ niệm có các vị lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước, đại diện của các bộ, ngành trung ương và Hà Nội, đại diện các nhà khoa học đã và đang công tác tại ĐHQGHN cùng hơn 150 vị khách đại diện cho các trường đại học, các tổ chức quốc tế danh tiếng trên thế giới. Cũng trong lễ kỷ niệm, ĐHQGHN vinh dự được trao tặng Huân chương Sao vàng - phần thưởng cao quý nhất của Đảng và Nhà nước để ghi nhận những cống hiến to lớn của ĐHQGHN trong suốt một thế kỷ đối với sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời thể hiện sự kỳ vọng và trách nhiệm mà Đảng, Nhà nước và xã hội tin tưởng gửi gắm, giao phó cho thầy và trò ĐHQGHN.

Cũng nhân dịp này, nhiều hội nghị khoa học, nhiều hoạt động, sinh hoạt của các tổ chức Công đoàn, Đoàn thanh niên, nhiều phong trào thi đua đã được tổ chức ở nhiều quy mô, tạo nên một không khí sôi nổi, phấn khởi trong toàn ĐHQGHN.

2. DIỄN ĐÀN HÀ NỘI VỀ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC THẾ KỶ XXI (HANOI FORUM)

Diễn đàn là một hoạt động khoa học quan trọng được tổ chức trong hai ngày 15 và 16/5/2006, nhân dịp ĐHQGHN tổ chức kỷ niệm 100 năm ngày thành lập, với sự tham gia của gần 300 nhà quản lý và chuyên gia giáo dục, trong đó có hơn 100 đại biểu quốc tế đến từ 38 trường đại học của nhiều nước trên thế giới và các tổ chức quốc tế… Việc ĐHQGHN tổ chức Diễn đàn quốc tế về giáo dục đại học trong thế kỷ XXI lần này mang một ý nghĩa khoa học đặc biệt. Sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo các nhà quản lý, nhà khoa học từ các trường đại học trong nước và quốc tế không chỉ chứng tỏ tầm quan trọng của chủ đề diễn đàn mà còn thể hiện vị thế của ĐHQGHN trong hệ thống giáo dục đại học trong nước và cộng đồng đại học quốc tế.

Diễn đàn cũng đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm đã đến dự và có bài phát biểu quan trọng. Trong gần 2 ngày làm việc, diễn đàn đã tập trung vào các chủ đề: Thách thức của giáo dục đại học trong nền kinh tế tri thức ở thế kỷ XXI; Hệ thống quản trị đại học với yêu cầu hiện đại hóa, tối ưu hóa, trách nhiệm xã hội và phát triển bền vững; Các chuẩn mực quốc tế tập trung vào đảm bảo chất lượng và đổi mới phương thức tổ chức dạy và học. Với 34 báo cáo khoa học được trình bày tại diễn đàn, các nhà lãnh đạo của các trường đại học và các chuyên gia giáo dục hàng đầu đã có dịp trao đổi kinh nghiệm quản lý, những vấn đề nóng bỏng của đào tạo đại học hiện nay, các kết quả nghiên cứu khoa học cũng như thảo luận những xu hướng phát triển mới trên thế giới để từ đó cùng tìm ra định hướng xây dựng mô hình giáo dục đại học phù hợp, hiệu quả cao thông qua hợp tác quốc tế.

3. HỘI NGHỊ TỔNG KẾT HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC CÔNG NGHỆ CỦA ĐHQGHN GIAI ĐOẠN 2001-2005

Ngày 22/6/2006, ĐHQGHN đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động khoa học công nghệ giai đoạn 2001-2005 và thảo luận chiến lược phát triển trong giai đoạn 2006-2010.

Hội nghị là dịp để nhìn lại chặng đường phát triển về khoa học công nghệ của ĐHQGHN 5 năm qua nhằm thấy được vai trò của khoa học công nghệ trong sự phát triển chung của ĐHQGHN, đồng thời là diễn đàn để thảo luận chiến lược phát triển trong giai đoạn 2006-2010 với mục tiêu xây dựng ĐHQGHN ngang tầm các đại học tiên tiến ở khu vực. Hội nghị đã tập trung nhiều báo cáo về các vấn đề quan trọng quyết định sự phát triển của hoạt động KHCN trong ĐHQGHN như tình hình phân bổ kinh phí KHCN, triển khai các đề tài, dự án KHCN, tăng cường trang thiết bị phục vụ KHCN; vai trò và hoạt động của các viện, trung tâm nghiên cứu, công tác nghiên cứu khoa học của cán bộ và sinh viên hàng năm. Nhân dịp này, ĐHQGHN trao Giải thưởng KHCN ĐHQGHN lần thứ I cho 10 công trình khoa học tiêu biểu, mỗi giải thưởng trị giá 20 triệu đồng.

4. ĐHQGHN TỔ CHỨC HỘI THẢO KHOA HỌC LIÊN ĐẠI HỌC ASEAN LẦN THỨ VII

Từ ngày 19 đến 21/7/2006, tại 19 Lê Thánh Tông (Hà Nội), ĐHQGHN đã phối hợp với Đại học Quốc gia Singapore tổ chức hội thảo khoa học liên đại học ASEAN lần thứ VII với chủ đề: “Phúc lợi dân sinh, hòa bình và phát triển bền vững” của khu vực Đông Nam Á và Châu Á.

Qua hội thảo này, các nhà khoa học đã tiếp thu được những kết quả nghiên cứu mới, trao đổi những kinh nghiệm có giá trị, làm sáng tỏ thêm lý luận và phong phú thêm thực tiễn giải quyết các vấn đề vì mục tiêu phúc lợi dân sinh, hòa bình, phát triển bền vững của Việt Nam nói riêng, của các nước trong khu vực và trên toàn thế giới nói chung; củng cố quan hệ hợp tác giữa ĐHQGHN với các cơ quan giáo dục đào tạo, nghiên cứu của Việt Nam và quốc tế, góp phần phát triển ĐHQGHN, phát triển nền khoa học của Việt Nam, của các nước trong khu vực và trên thế giới.

5. KHỞI ĐỘNG CÔNG TÁC ĐÀO TẠO THEO TÍN CHỈ Ở ĐHQGHN

Triển khai đào tạo theo tín chỉ là một chủ trương lớn của Chính phủ và của ĐHQGHN. Từ tháng 6/2006 đến cuối năm 2006, ĐHQGHN đã tập trung triển khai một số nội dung chính: xây dựng kế hoạch chi tiết tổ chức đào tạo theo tín chỉ, xây dựng các văn bản hướng dẫn tổ chức đào tạo theo tín chỉ, tuyên truyền - nâng cao nhận thức cho toàn thể cán bộ, sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh về phương thức đào tạo theo tín chỉ. ĐHQGHN quyết tâm triển khai thực hiện phương thức đào tạo theo tín chỉ theo một lộ trình khả thi và khẩn trương. Mục tiêu trước mắt ĐHQGHN là: thực hiện chương trình đào tạo đã được chuyển đổi theo tín chỉ cho các năm thứ nhất và thứ hai bắt đầu từ năm học 2007-2008 và cho tất cả các khóa học từ năm học 2008-2009. Từ năm học 2010 - 2011, ĐHQGHN sẽ áp dụng toàn diện, đầy đủ phương thức đào tạo theo tín chỉ.

6. ĐHQGHN TRIỂN KHAI KIỂM ĐỊNH CHẤT LƯỢNG ĐƠN VỊ ĐÀO TẠO

Kiểm định chất lượng đơn vị đào tạo là một chủ trương lớn của ĐHQGHN. Mục đích của kiểm định chất lượng là giúp các đơn vị đào tạo phát hiện những tồn tại để khắc phục và đồng thời phát huy những điểm mạnh để nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học của từng đơn vị đào tạo thuộc ĐHQGHN nói riêng và của ĐHQGHN nói chung trong tiến trình hội nhập với khu vực và quốc tế.

Từ tháng 1/2006, 3 đơn vị thuộc ĐHQGHN gồm: Trường ĐHKHXH&NV, Trường ĐHNN và Khoa Kinh tế đã đồng loạt triển khai tự đánh giá theo bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng đơn vị đào tạo của ĐHQGHN. Ngày 19/12/2006, Hội đồng Kiểm định Chất lượng ĐHQGHN đã tổ chức thẩm định cáo cáo đánh giá ngoài đối với 3 đơn vị nói trên. Hội đồng Kiểm định Chất lượng ĐHQGHN sẽ thông qua kết luận về kết quả kiểm định chất lượng để trình Giám đốc ĐHQGHN trong thời gian gần nhất... Đây là giai đoạn cuối cùng trong quy trình kiểm định chất lượng đơn vị đào tạo được triển khai tại 3 đơn vị nói trên.

Trên cơ sở kết quả, kinh nghiệm thực hiện kiểm định chất lượng thí điểm tại 3 đơn vị đào tạo trên, công tác này sẽ được mở rộng, triển khai ở tất cả các đơn vị đào tạo của ĐHQGHN trong năm 2007.

7. THÀNH LẬP TRUNG TÂM ĐẠI HỌC PHÁP TẠI HÀ NỘI

Trung tâm Đại học Pháp (PUF) là kết quả của sự hợp tác lâu đời giữa Pháp và Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục đại học. Xu hướng phát triển của Các Trung tâm Đại học Pháp là trở thành một trường đại học Pháp - Việt đầu tiên và thực sự trong một thế kỷ đào tạo đại học tại Việt Nam. Các Trung tâm Đại học Pháp cho phép triển khai tại Việt Nam một chương trình đào tạo đại học chất lượng cao của Pháp. Có trụ sở tại Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, các Trung tâm Đại học Pháp là những trung tâm đào tạo của Pháp đặt Khoa Quốc tế thuộc ĐHQG Hà Nội và Trường Đại học Quốc tế thuộc ĐHQG TP. Hồ Chí Minh.

Trung tâm Đại học Pháp tại Hà Nội được thành lập theo Quyết định số 494/QĐ-TCCB ngày 10/7/2006 của Giám đốc ĐHQGHN nhằm triển khai các chương trình đào tạo đại học và sau đại học đạt chuẩn Châu Âu do các cơ sở đào tạo của ĐHQGHN và các trường đại học Pháp thực hiện, theo các điều khoản của Thoả thuận khung ký ngày 6/10/2004 và Thoả thuận tài chính ký ngày 15/5/2006 giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Pháp.

Ngày 10/10/2006, lễ khai giảng Trung tâm Đại học Pháp tại Hà Nội đã được tổ chức. Hiện nay, PUF liên kết với các đơn vị thuộc ĐHQGHN đã và đang triển khai một số chương trình đào tạo như: Khoa học, Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Thẩm định kinh tế, Cơ học kỹ thuật, Công nghệ Thông tin, Luật…

8. ĐHQGHN ĐĂNG CAI TỔ CHỨC DIỄN ĐÀN GIÁM ĐỐC 4 ĐẠI HỌC CHỦ CHỐT ĐÔNG Á LẦN THỨ VIII

Ngày 3-4/11/2006, Diễn đàn Giám đốc 4 đại học chủ chốt Đông Á (Đại học Tokyo, Đại học Bắc Kinh, Đại học Seoul và ĐHQGHN, gọi tắt là BESETOHA) lần thứ VIII với chủ đề: “Đa dạng văn hóa, phát triển bền vững và vai trò của giáo dục đại học” đã được tổ chức dưới sự đăng cai của ĐHQGHN.

Với hình thức tổ chức thường niên lần lượt tại từng đại học thành viên, đây là lần thứ hai Diễn đàn được tổ chức tại Hà Nội. Diễn đàn có một ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của mỗi đại học nói riêng và mạng lưới 4 đại học nói chung. Với tinh thần khoa học và ý thức trách nhiệm cao, tại Diễn đàn, các nhà lãnh đạo và nhà khoa học của 4 đại học thảo luận về một số vấn đề học thuật chung mà các bên cùng quan tâm, đồng thời tiếp tục cùng nhau tìm kiếm những giải pháp tích cực góp phần tăng cường hơn nữa mối quan hệ tin cậy, hợp tác giữa các dân tộc trong khu vực. Cũng tại đây, các đại học có điều kiện thông tin trao đổi, thiết lập những chương trình hợp tác hiệu quả không chỉ có giá trị đối với sự phát triển của riêng mình mà còn có ý nghĩa tích cực trong việc nâng cao hơn nữa nền giáo dục đại học ở Đông Á.

Trong khuôn khổ của Diễn đàn năm nay, lần đầu tiên ĐHQGHN chủ trì tổ chức Festival hợp xướng với sự tham gia của hơn 200 sinh viên tới từ 4 đại học thành viên trên của mạng lưới BESETOHA. Buổi công diễn tối ngày 4/11/2006 tại Nhà hát lớn đã được các nhà chuyên môn và những người tham dự đánh giá cao bởi ý nghĩa quốc tế và tính nghệ thuật của chương trình.

9. MỘT SỐ SỰ KIỆN LỚN VỀ TỔ CHỨC

- GS.VS Đào Trọng Thi được Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm tiếp tục giữ chức vụ Giám đốc ĐHQGHN nhiệm kỳ 2006-2011.

- Thành lập Hội đồng ĐHQGHN nhiệm kỳ 2006-2011, gồm 16 thành viên do GS.VS Đào Trọng Thi làm Chủ tịch Hội đồng.

- Thành lập Hội đồng Thi đua khen thưởng nhiệm kỳ 2006-2011 gồm 18 thành viên do GS.VS Đào Trọng Thi làm Chủ tịch Hội đồng.

- Thành lập Hội đồng Khoa học và Đào tạo ĐHQGHN nhiệm kỳ 2006-2011 gồm 24 thành viên do GS.TS Mai Trọng Nhuận làm Chủ tịch Hội đồng.

- Thành lập 12 hội đồng ngành, liên ngành ĐHQGHN nhiệm kỳ 2006-2011, gồm: Hội đồng liên ngành Toán - Cơ - Tin học, Hội đồng liên ngành Vật lý - Điện tử - Viễn thông, Hội đồng ngành Hóa học, Hội đồng ngành Sinh học, Hội đồng liên ngành các khoa học Trái đất - Môi trường, Hội đồng liên ngành Văn học - Báo chí, Hội đồng liên ngành Ngôn ngữ - Ngoại ngữ, Hội đồng liên ngành các khoa học Lịch sử, Hội đồng liên ngành các khoa học về chính trị và quản lý, Hội đồng liên ngành Luật - Kinh tế, Hội đồng liên ngành Tâm lý - Giáo dục, Hội đồng liên ngành Khu vực học và Quốc tế học.

10. TRƯỜNG ĐHKHTN KỶ NIỆM 50 NĂM TRUYỀN THỐNG (1956-2006)

Ngày 15/10/2006, Trường ĐHKHTN thuộc ĐHQGHN đã trang trọng kỷ niệm 50 năm truyền thống (1956-2006), tổng kết chặng đường nửa thế kỷ hình thành và phát triển của một trong những đơn vị giàu truyền thống trong ĐHQGHN nói riêng và cả nước nói chung. Nguyên Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Trần Đức Lương đã tham dự buổi lễ.

Trước yêu cầu phát triển giáo dục đại học nước nhà, ngày 4/6/1956 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2183/TC thành lập 5 trường đại học và 15 trường trung học chuyên nghiệp, trong đó có Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Năm 1993, Đại học Quốc gia Hà Nội ra đời trên cơ sở một số trường đại học lớn của Việt Nam, trong đó nòng cốt là Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Trường ĐHKHTN là đơn vị kế thừa trực tiếp truyền thống xây dựng và phát triển của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Trong quá trình xây dựng và phát triển, đặc biệt trong thời kỳ đổi mới, Trường ĐHKHTN đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị, có uy tín trong khu vực và quốc tế, được xã hội tín nhiệm và đánh giá cao. Với những thành tựu đã đạt được, Trường ĐHKHTN đã được tặng Huân chương Lao động hạng III (1961), Huân chương Lao động hạng II (1977), Huân chương Lao động hạng I (1981), Huân chương Độc lập hạng III (1986), Huân chương Độc lập hạng II (1995), Danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới (2000), Huân chương Hồ Chí Minh (2001). Nhà trường có 6 cán bộ được phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân và 33 cán bộ được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú.

Cũng trong dịp này, nhiều hội thảo khoa học, nhiều hoạt động của Đoàn thanh niên, Hội sinh viên và phong trào thi đua lập thành tích kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống của nhà trường đã được tổ chức và thu hút được sự hưởng ứng đông đảo cán bộ, sinh viên nhà trường.

11. NHIỀU ĐƠN VỊ THUỘC ĐHQGHN KỶ NIỆM NGÀY THÀNH LẬP

+ Khoa Toán - Cơ - Tin học, Trường ĐHKHTN kỷ niệm 50 năm ngày thành lập.

+ Khoa Vật lý, Trường ĐHKHTN kỷ niệm 50 năm ngày thành lập.

+ Khoa Sinh học, Trường ĐHKHTN kỷ niệm 50 năm ngày thành lập.

+ Khoa Lịch sử, Trường ĐHKHXH&NV kỷ niệm 50 năm ngày thành lập.

+ Khoa Văn học, Trường ĐHKHXH&NV kỷ niệm 50 năm ngày thành lập.

+ Khoa Triết học, Trường ĐHKHXH&NV kỷ niệm 30 năm ngày thành lập.

+ Khoa Luật - ĐHQGHN kỷ niệm 30 năm ngày truyền thống (1976 - 2006).

+ Khoa Xã hội học, Trường ĐHKHXH&NV kỷ niệm 15 năm ngày thành lập.

+ Khoa Lưu trữ và quản trị Văn phòng kỷ niệm 10 năm thành lập.

......

12. HỘI CỰU GIÁO CHỨC ĐHQGHN ĐƯỢC THÀNH LẬP VÀ BẮT ĐẦU ĐI VÀO HOẠT ĐỘNG

Ngày 20/3/2006, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam GS.VS Phạm Minh Hạc đã ký quyết định số 20/2006-QĐ-CGC thành lập Hội Cựu giáo chức ĐHQGHN. Theo đó, Hội Cựu giáo chức ĐHQGHN trực thuộc Trung ương Hội Cựu giáo chức Việt Nam đã được thành lập dưới sự bảo trợ của Công đoàn ĐHQGHN.

Trước đó, ngày 23/2/2006, Giám đốc ĐHQGHN GS.TSKH Đào Trọng Thi đã ký Quyết định số 313/QĐ - TCCB công nhận Ban vận động thành lập Chi hội Cựu giáo chức ĐHQGHN gồm 21 người, trong đó GS.TS Phan Hữu Dật - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội làm Trưởng ban.

Ngày 29/4/2006, Đại hội lần thứ I Hội cựu giáo chức ĐHQGHN đã được tổ chức. Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành Hội cựu giáo chức ĐHQGHN gồm 21 thành viên do GS.TS Phan Hữu Dật làm Chủ tịch. Sau khi Hội cựu giáo chức ĐHQGHN được thành lập, nhiều đơn vị trực thuộc đã thành lập Phân hội Cựu giáo chức của đơn vị mình.

 Bản tin ĐHQGHN - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :