Kính thưa các Giáo sư, các Nhà giáo Nhân dân !
Thưa các đồng chí !
Thực hiện đường lối đổi mới giáo dục đại học của Đảng và Nhà nước, Chính phủ đã thành lập các Đại học Quốc gia (ĐHQG) ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh với tư cách là các trung tâm đào tạo đại học, sau đại học và nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao.
Mô hình ĐHQG được tổ chức và hoạt động theo quy chế đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ ban hành, được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao, được ưu tiên đầu tư về cơ sở vật chất - kỹ thuật và đội ngũ cán bộ, đã từng bước được hoàn chỉnh, khẳng định sự đúng đắn và sáng suốt của chủ trương đổi mới và hoàn thiện hệ thống GD ĐH theo hướng hiện đại, hiệu quả và chất lượng cao phù hợp với xu thế phát triển của mô hình GDĐH trong khu vực và trên thế giới.
Tại buổi gặp mặt thân mật hôm nay nhân kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, thay mặt lãnh đạo ĐHQGHN, tôi xin báo cáo với các Giáo sư, các Nhà giáo Nhân dân, đại diện các nhà giáo đã và đang công tác tại ĐHQGHN về một số thành tựu cơ bản và định hướng phát triển ĐHQGHN trong giai đoạn mới và xin ý kiến đóng góp đầy tâm huyết của các Giáo sư và Nhà giáo Nhân dân, đại diện cho các nhà khoa học, nhà giáo đã và đang công tác tại ĐHQGHN:
I. MỘT SỐ THÀNH TỰU CƠ BẢN
1. Từng bước hoàn chỉnh cơ cấu đa ngành, đa lĩnh vực, kết hợp chặt chẽ đào tạo và nghiên cứu khoa học, phát triển đội ngũ cán bộ khoa học có trình độ cao
1.1 Đến nay, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) về cơ bản đã có cơ cấu đa ngành, đa lĩnh vực với 12 cơ sở đào tạo (5 trường đại học và 7 khoa, trung tâm đào tạo trực thuộc), 9 cơ sở khoa học-công nghệ (3 viện và 4 trung tâm nghiên cứu) thuộc các lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội - nhân văn, kinh tế, công nghệ, ngoại ngữ, giáo dục, luật và 10 đơn vị phục vụ, sản xuất và dịch vụ. Các đơn vị trực thuộc ĐHQGHN được tổ chức và hoạt động theo cơ chế mở và liên thông trong khuôn khổ quản lý và điều phối thống nhất của ĐHQGHN, kết hợp chặt chẽ đào tạo và NCKH, phối hợp hiệu quả giữa các ngành, lĩnh vực, sử dụng chung đội ngũ cán bộ khoa học và cơ sở vật chất - kỹ thuật của toàn ĐHQGHN.
1.2. Hiện nay, tổng số cán bộ, viên chức trong biên chế của ĐHQGHN là 2.354 người, trong đó có 1.627 cán bộ khoa học (1.434 CBGD và 193 cán bộ nghiên cứu). 266 người có học hàm GS, PGS (41 GS, 225 PGS, chiếm tỉ lệ 18,54%), 546 người có học vị TSKH, TS (27 TSKH, 519 TS, chiếm tỉ lệ 38,07%). Tuy nhiên, thực hiện chủ trương thu hút và sử dụng đội ngũ cán bộ khoa học đã từng làm việc trong biên chế cơ hữu của ĐHQGHN và một số cơ quan NCKH khác tham gia công tác đào tạo bằng các hình thức hợp đồng, kiêm nhiệm, lực lượng cán bộ khoa học trực tiếp tham gia công tác giảng dạy được bổ sung đáng kể. Theo đó, số cán bộ làm việc là 2886 người, trong đó CBGD là 2215 người với 127 GS, 419 PGS (chiếm 24,65%), tỉ lệ cán bộ có học vị TSKH, TS là 49,80%. Nhiều cán bộ khoa học đầu đàn, đầu ngành của ĐHQGHN có uy tín trong giới khoa học không chỉ ở trong nước mà cả quốc tế. Tuy chưa thể so sánh với các đại học tiên tiến trên thế giới, nhưng đội ngũ cán bộ giảng dạy của ĐHQGHN được đánh giá là một trong những tập thể khoa học mạnh nhất trong các cơ sở giáo dục đào tạo và NCKH của cả nước.
Cơ cấu tổ chức tiên tiến, đội ngũ cán bộ khoa học mạnh cùng với cơ chế tự chủ cao và ưu tiên đầu tư các nguồn lực là những yếu tố then chốt đảm bảo chất lượng, hiệu quả đào tạo và NCKH của ĐHQGHN.
2. Bước đầu khẳng định uy tín về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao
2.1. ĐHQGHN đã tạo được chuyển biến khá rõ nét về mặt bằng chất lượng đào tạo chung nhờ thực hiện các giải pháp chủ yếu sau:
- Đổi mới chương trình và nội dung đào tạo theo hướng hiện đại hoá, từng bước tiếp cận chuẩn mực khu vực và quốc tế. Từ năm 2004 đến nay, ĐHQGHN đã đảm bảo đủ giáo trình, bài giảng, tài liệu tham khảo phủ kín tất cả các môn học. Nói chung các tài liệu này đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế và có tính cập nhật cao.
- Đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng lấy người học làm trung tâm, phương pháp kiểm tra - đánh giá, quản lý đào tạo theo hướng tiên tiến, hiện đại, tăng cường tích hợp đào tạo, nhất là đào tạo sau đại học với NCKH. ĐHQGHN là đơn vị tiên phong trong việc nghiên cứu xây dựng và triển khai áp dụng bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng đào tạo theo các mức chuẩn quốc gia, chuẩn khu vực và chuẩn quốc tế; hoàn chỉnh hệ thống văn bản pháp quy (quy chế, quy định, hướng dẫn) về đào tạo đại học và sau đại học.
- Áp dụng các công nghệ mới, tiên tiến vào phục vụ đào tạo như triển khai xây dựng các bài giảng, giáo trình điện tử (e-learning), từng bước tin học hóa công tác quản lý đào tạo, quản lý sinh viên và tuyển sinh.
2.2. ĐHQGHN là nơi đầu tiên đưa ra sáng kiến và tổ chức thí điểm thành công chương trình đào tạo tài năng, chất lượng cao ở Việt Nam nhằm tiếp cận ngay trình độ khu vực, quốc tế. Hiện nay, chương trình này đã trở thành một hệ đào tạo chính thức đối với các ngành khoa học cơ bản, công nghệ cao và một số ngành kinh tế - xã hội mũi nhọn khác ở ĐHQGHN và đang được nhân rộng ra ở nhiều trường đại học lớn. Chất lượng của hệ đào tạo này được nhiều trường đại học uy tín trên thế giới, như Đại học Bách khoa Paris, Đại học Paris 6, Đại học Ohio, Đại học Illinois... công nhận. Tuy nhiên, quy mô đào tạo tài năng, chất lượng cao hiện còn nhỏ, chiếm khoảng 7 % tổng số sinh viên đại học chính quy.
2.3. Liên kết với các trường đại học nước ngoài có uy tín để tổ chức các chương trình đào tạo chất lượng quốc tế.
ĐHQGHN đã và đang triển khai hơn 20 chương trình liên kết đào tạo quốc tế các bậc đại học và sau đại học với nhiều trường đại học có uy tín như Đại học Hawaii ở Hoa kỳ, Viện khoa học công nghệ tiên tiến Nhật Bản, Đại học Northingham ở Anh, Đại học kỹ thuật Dresden ở Đức, Đại học Toulus, Đại học Paris Sud ở Pháp... về các ngành quản trị kinh doanh, khoa học công nghệ Nano, luật quốc tế, tâm lý học lâm sàng.... Đặc biệt năm 2006, ĐHQGHN đã hợp tác với một số trường đại học hàng đầu của Pháp thành lập Trung tâm đại học Pháp thuộc ĐHQGHN theo Hiệp định giữa các chính phủ Việt Nam và Cộng hoà Pháp nhằm thực hiện các chương trình đào tạo đại học, sau đại học đạt tiêu chuẩn chất lượng châu Âu và từng bước chuyển giao công nghệ đào tạo (chương trình, giáo trình, tài liệu tham khảo, phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá và quản lý đào tạo...) cho phía ĐHQGHN. Đây có thể xem là một phương án khả thi cho việc xây dựng một trường đại học đẳng cấp quốc tế ở Việt Nam.
2.4. Giữ ổn định quy mô đào tạo đại học chính quy, giảm quy mô đào tạo không chính quy và phát triển mạnh quy mô đào tạo sau đại học trên cơ sở đảm bảo chất lượng để từng bước phát triển ĐHQGHN theo định hướng đại học nghiên cứu. Trong những năm qua, quy mô đào tạo đại học chính quy giữ ổn định ở mức tuyển sinh từ 5000-5500 sinh viên/năm, trong khi đó quy mô đào tạo không chính quy giảm hàng năm 20%, riêng năm học 2007 giảm tới 36% so với năm 2006; quy mô đào tạo sau đại học tăng hàng năm khoảng 22%, chiếm gần 20% tổng quy mô đào tạo chung. ĐHQGHN đã ban hành quy định riêng về điều kiện xét chuyển tiếp cao học, NCS với những yêu cầu cao về thành tích học tập, nghiên cứu khoa học của người học.
2.5. Ngoài ra, hệ trung học phổ thông chuyên về khoa học tự nhiên và ngoại ngữ đã góp phần quan trọng phát hiện, bồi dưõng học sinh năng khiếu, tạo nguồn sinh viên giỏi cho các trường đại học và luôn đạt thành tích rất cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và các cuộc thi Olympic quốc tế hàng năm. Từ năm 1974 đến nay, ĐHQGHN đã đào tạo được 10.400 học sinh PTTH chuyên, trong đó 182 lượt em đã đạt được huy chương các loại trong các kỳ thi Olympic quốc tế về các môn Toán, Tin, Vật lý, Hoá, Sinh (37 huy chương vàng, 69 huy chương bạc và 72 huy chương đồng), hàng nghìn em được giải thưỏng quốc gia.
3. Hoạt động khoa học công nghệ phát triển mạnh về quy mô và đạt được một số kết quả tầm cỡ quốc tế
3.1 Khi mới thành lập, hoạt động KHCN của ĐHQGHN rất nhỏ bé với tổng kinh phí đề tài, dự án các cấp chỉ có trên 1 tỷ đồng. Giai đoạn 1996-2000 ĐHQGHN được giao chủ trì chương trình nghên cứu cơ bản trong khoa học tự nhiên và 11 đề tài cấp Nhà nước, 5 đề tài trọng điểm, 63 đề tài đặc biệt cấp ĐHQGHN và 283 đề tài KHCN cấp bộ, ngành. Đến giai đoạn 2001-2006, ĐHQGHN đã được giao chủ trì theo hình thức đấu thầu 2 chương trình khoa học trọng điểm cấp Nhà nước, 31 đề tài KHCN cấp Nhà nước về các lĩnh vực khoa học tự nhiên, công nghệ, khoa học xã hội và 808 nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản trong khoa học tự nhiên với tổng kinh phí trên 150 tỷ đồng, đồng thời tổ chức thực hiện 53 đề tài trọng điểm, 184 đề tài đặc biệt cấp ĐHQG và 691 đề tài cấp bộ, ngành khác với tổng kinh phí hơn 44 tỷ đồng.
Chỉ riêng năm 2007, kinh phí hoạt động KHCN của ĐHQGHN đạt 55,6 tỷ đồng. Quy mô thực hiện các nhiệm vụ KHCN các cấp năm 2007 tăng gấp hơn 3 lần so với năm 2000 và gấp 50 lần so với năm đầu hoạt động ĐHQGHN.
3.2 Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KHCN của ĐHQGHN đã góp phần giải quyết những nhiệm vụ KHCN quan trọng của đất nước. Các cán bộ khoa học ĐHQGHN đã công bố hàng ngàn bài báo khoa học trên các tạp chí khoa học chuyên ngành trong và ngoài nước, trong đó riêng trong các năm 2001-2006 có gần 450 bài báo khoa học được đăng trên các tạp chí quốc tế có uy tín, nhất là trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và công nghệ. Nhiều công trình khoa học công nghệ được tặng những giải thưởng lớn, trong đó có 13 giải thưởng Hồ Chí Minh, 16 giải thưởng Nhà nước và hàng chục giải thưởng khoa học có uy tín trên thế giới. Một số sản phẩm KHCN đã tiếp cận trình độ khu vực và quốc tế, có giá trị thực tiễn cao. Đến nay, gần 100 sản phẩm khoa học công nghệ của ĐHQGHN đã có mặt trên thị trường, tham gia các hội chợ thiết bị KHCN toàn quốc, trong đó có nhiều sản phẩm được tặng huy chương vàng hoặc giải thưởng các loại. Các đề tài KHCN cũng góp phần quan trọng trong việc đào tạo hàng trăm tiến sĩ, hàng ngàn thạc sĩ và cử nhân khoa học tài năng.
Tuy vậy, so với các đại học tiên tiến trên thế giới, tỉ lệ các kết quả đạt trình độ quốc tế còn thấp.
4. Vị thế, uy tín quốc tế của ĐHQGHN được nâng cao
Với chủ trương phát triển hợp tác với các trường đại học và tổ chức khoa học quốc tế nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, tiếp cận các hướng KHCN hiện đại, tiên tiến, bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ khoa học, góp phần tăng cường trang thiết bị hiện đại, mở rộng trao đổi sinh viên và thu hút các nguồn tài trợ cho sinh viên, trong những năm qua, hoạt động liên kết, hợp tác quốc tế của ĐHQGHN ngày càng phong phú, đa dạng và hiệu quả, thiết thực.
ĐHQGHN đã thiết lập quan hệ hợp tác với 132 trường đại học và tổ chức KHCN quốc tế, trong đó có những trường đại học hàng đầu thế giới như ĐH Công nghệ Massachusseett, ĐH Hawaii, ĐH Oregan (Mỹ); ĐH East London, ĐH East Anglia (Anh); ĐH Bách khoa Paris, ĐH Paris Sud (Pháp); ĐH Tokyo, ĐH Osaka (Nhật Bản), ĐH quốc gia Seoul (Hàn Quốc), ĐH Bắc Kinh, ĐH Thanh Hoa (Trung quốc), ĐH quốc gia Singapore... Trình độ học thuật của ĐHQGHN đã được cộng đồng giáo dục đại học khu vực và quốc tế đánh giá cao. Nhiều trường đại học lớn trong khu vực và trên thế giới công nhận chất lượng đào tạo và hợp tác bình đẳng với ĐHQGHN trong một số ngành, chuyên ngành. Trong giai đoạn 1996 - 2006, ĐHQGHN cũng đã liên kết hợp tác với các tổ chức khoa học nước ngoài, thực hiện 76 chương trình, dự án, đề tài KHCN với tổng kinh phí gần 20 triệu USD (tương đương 300 tỷ đồng).
ĐHQGHN đã thu hút nhiều nhà khoa học nước ngoài và Việt kiều có uy tín tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học, trong đó có cả một số nhà khoa học đoạt giải Nobel. Nhiều hội nghị, hội thảo khoa học do ĐHQGHN đăng cai tổ chức hoặc đồng tổ chức đã có tiếng vang lớn, thu hút hàng trăm nhà khoa học danh tiếng trong và ngoài nước tham gia như Hội thảo quốc tế về Việt Nam học lần thứ I và II, Diễn đàn quốc tế về Khoa học cơ bản mũi nhọn, Diễn đàn giáo dục đại học thế kỷ 21, Hội thảo ‘Điện Biên Phủ – 50 năm nhìn lại’...
Với vị thế của một đại học hàng đầu ở Việt Nam, ĐHQGHN được mời làm thành viên nòng cốt và tham gia cơ cấu lãnh đạo của nhiều tổ chức, hiệp hội, mạng lưới giáo dục đại học khu vực và quốc tế. Đặc biệt, ĐHQGHN được tham gia nhóm 4 đại học chủ chốt Đông Á cùng với các đại học nổi tiếng của châu lục: ĐH quốc gia Tokyo, ĐH Bắc kinh, ĐH quốc gia Seoul.
Các kết quả trên góp phần khẳng định vị thế và vai trò của ĐHQGHN trong công đồng giáo dục đại học khu vực và quốc tế.
5. Từng bước hiện đại hoá trang thiết bị phục vụ đào tạo và NCKH, trong đó có một số PTN đạt tiêu chuẩn quốc tế
5.1 Hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết của ĐHQGHN được đầu tư theo hướng từng bước hiện đại hóa, đáp ứng yêu cầu của đào tạo và NCKH chất lượng cao.
Hệ thống giảng đường về cơ bản đã được nâng cấp và hiện đại hóa. Nhiều phòng học được trang bị hiện đại, đầy đủ tiện nghi đạt mức phòng học chuẩn phục vụ các chương trình đạo tạo quốc tế, đào tạo tiên tiến. Trung tâm Thông tin - Thư viện không ngừng được ưu tiên đầu tư, nâng cấp, xây dựng được kho sách với tổng số 120.000 đầu sách, 2145 tạp chí, 1.075.658 cơ sở dữ liệu thông tin. Chỉ trong giai đoạn 2001-2006, ĐHQGHN đã xuất bản hơn 1600 đầu giáo trình và sách tham khảo.
Đến nay ĐHQGHN có 17 phòng thí nghiệm trọng điểm hiện đại, trong đó có phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia về enzym-protein, góp phần thực hiện nhiều kết quả khoa học và sản phẩm công nghệ đạt trình độ quốc tế trong các lĩnh vực công nghệ sinh học, hoá học, vật lý, công nghệ môi trường. Bên cạnh đó, ĐHQGHN đã đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin, nối mạng cáp quang với tất cả các đơn vị trực thuộc. Năm 2006, ĐHQGHN đã thi công kết nối với mạng VINAREN (mạng nghiên cứu Á-Âu TEIN2 tại Việt Nam), mở ra khả năng mới trong việc khai thác thông tin trên toàn cầu phục vụ đào tạo và NCKH. Tháng 2/2007 vừa qua, phòng thí nghiệm Multimedia của trường đại hoc Công nghệ thuộc ĐHQGHN đã thực hiện thành công xemina trực tuyến trên mạng giữa ĐHQGHN, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Viện KHCN Việt Nam và Viện Khoa học Công nghệ tiên tiến Nhật Bản.
5.2 ĐHQGHN là cơ quan sự nghiệp được giao thí điểm thực hiện Nghị định 10 và triển khai Nghị định 43 của Chính phủ về tự chủ tài chính. Cơ chế tự chủ tài chính đã được phát huy rất có hiệu quả tại ĐHQGHN. Các đơn vị đã phát huy quyền tự chủ, mở rộng các nguồn thu bổ sung, sử dụng kinh phí có hiệu quả và tiết kiệm, góp phần thực hiện các nhiệm vụ phát triển.
Tuy nhiên, định mức đầu tư ngân sách Nhà nước mới chỉ tăng 1,2 lần so với các trường công lập khác đối đào tạo đại học, còn đối với đào tạo sau đại học, hoạt động khoa học - công nghệ hàng năm chưa gia tăng đủ đáp ứng chi phí đào tạo chất lượng cao và nghiên cứu khoa học đỉnh cao. Nguồn kinh phí KH-CN tăng chủ yếu do các nhà khoa học của ĐHQGHN thắng thầu các đề tài, dự án, chứ không phải do sự ưu tiên của Nhà nước.
6. Cơ sở đi đầu thực hiện Kiểm định chất lượng
ĐHQGHN chủ động tổ chức thực hiện công tác kiểm định chất lượng. Đầu mối chuyên trách tổ chức thực hiện công tác này được giao cho một đơn vị trực thuộc ĐHQGHN, đó là Trung tâm Đảm bảo Chất lượng Đào tạo và Nghiên cứu Phát triển Giáo dục.
Trên cơ sở Bộ Tiêu chuẩn kiểm định chất lượng của Bộ Giáo dục và Đào tạo và tham khảo các Bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng của các đại học tiên tiến trong khu vực và thế giới, ĐHQGHN đã ban hành Bộ Tiêu chuẩn kiểm định chất lượng riêng, phù hợp với mục tiêu phát triển, sứ mệnh của một trung tâm đào tạo, NCKH đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao.
Đến nay, ĐHQGHN đã tổ chức kiểm định chất lượng 4 đơn vị, hiện đang triển khai kiểm định chất lượng tiếp 4 đơn vị khác thuộc ĐHQGHN, đồng thời đã và đang tham gia tích cực, có hiệu quả trong công tác kiểm định chất lượng trong hệ thống giáo dục đại học của cả nước do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì.
ĐHQGHN cũng là đơn vị đầu tiên xây dựng Bộ Tiêu chuẩn kiểm định chất lượng các chương trình đào tạo, nay chuẩn bị ban hành và triển khai thực hiện trong toàn ĐHQGHN.
Tóm lại, mặc dù mức đầu tư của Nhà nước còn hạn chế, nhưng nhờ mô hình tổ chức hợp lý, cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao, tiềm lực đội ngũ khoa học tương đối mạnh, trang thiết bị tương đối hiện đại, ĐHQGHN đã đạt được những bước đột phá quan trọng với những kết quả khả quan về chất lượng, hiệu quả đào tạo và NCKH, tạo tiền đề vững chắc để nhanh chóng vươn lên ngang tầm các đại học tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.
II. CÁC CHỈ TIÊU VÀ GIẢI PHÁP CƠ BẢN PHÁT TRIỂN ĐHQGHN NHANH CHÓNG TIẾP CẬN TRÌNH ĐỘ QUỐC TẾ
Thực hiện nghị quyết của Đại hội Đảng bộ ĐHQGHN lần thứ III, ĐHQGHN đã công bố Kế hoạch chiến lược phát triển ĐHQGHN đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020, trong đó xác định mục tiêu chiến lược đến năm 2020 là: " Phấn đấu trở thành đại học định hướng nghiên cứu, đa ngành, đa lĩnh vực ngang tầm các đại học tiên tiến trong khu vực Châu Á, trong đó một số lĩnh vực và nhiều ngành, chuyên ngành đạt trình độ quốc tế, góp phần phát triển nền kinh tế trí thức và đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghệp theo hướng hiện đại". Trước mắt, đến năm 2010 thực hiện những giải pháp cơ bản, phấn đấu đạt một số chỉ tiêu chủ yếu nhằm hướng tới thực hiện mục tiêu:"Phát triển ĐHQGHN ngang tầm các đại học tiên tiến trong khu vực Đông Nam Á, trong đó một số ngành, chuyên ngành khoa học cơ bản, công nghệ cao và kinh tế - xã hội mũi nhọn đạt trình độ quốc tế; góp phần tạo dựng tiền đề của nền kinh tế tri thức và đưa Việt Nam ra khỏi tình trạng nước đang phát triển có thu nhập thấp, nâng cao vị thế và uy tín trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam và trên thế giới".
|
|
Thực hiện kế hoạch chiến lược phát triển nêu trên, ĐHQGHN thực sự xứng đáng là trung tâm đại học tiêu biểu cho trí tuệ Việt Nam và văn hoá Việt Nam, là nơi hội tụ những nhân tài khoa học xuất sắc, sinh viên tài năng, giáo dục hoàn thiện, công nghệ phát triển; là đầu mối hợp tác hiệu quả với toàn xã hội; là địa chỉ tin cậy cho tất cả những ai muốn có năng lực, kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp để có thể làm việc ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Đây không chỉ là mục tiêu mà còn là niềm mong đợi, hy vọng, tin tưởng của tất cả các giáo sư, các nhà giáo, cán bộ, sinh viên ĐHQGHN và toàn xã hội đối với chúng ta.
Để đạt được những mục tiêu nêu trên, Kế hoạch chiến lược phát triển ĐHQGHN đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020 đã nêu cụ thể các giải pháp, chỉ tiêu kế hoạch và lộ trình thực hiện. Mong các giáo sư, các nhà giáo tham gia tích cực và có hiệu quả lộ trình thực hiện Kế hoạch.
Nhân kỷ niệm ngày giáo Việt Nam 20 - 11, tại buổi gặp mặt thân mật hôm nay, thay mặt lãnh đạo ĐHQGHN, tôi xin nhấn mạnh một số định hướng công tác sau đây làm đòn bẩy toàn hệ thống để tạo ra các sản phẩm cụ thể, có tầm cỡ cả về quy mô và chất lượng xứng đáng với danh tiếng, vị thế và sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội đối với ĐHQGHN:
Một là, xây dựng và phát triển một số ngành, chuyên ngành khoa học cơ bản, mũi nhọn, kính tế xã hội chọn lọc và công nghệ cao tiếp cận trình độ quốc tế, làm tiền đề để xây dựng các nhóm ngành, trường đạt chuẩn quốc tế với 3 sản phẩm chính là: Nguồn nhân lực chất lượng quốc tế có thể làm việc ở bất cứ quốc gia nào; Các công trình khoa học xuất sắc được quốc tế thừa nhận; Các dịch vụ có hàm lượng chất xám cao đáp ứng yêu cầu đa dạng của thị trường trong nước và ngoài nước.
Hai là, triệt để áp dụng các yếu tố tích cực của phương thức đào tạo theo tín chỉ để thực hiện toàn diện công tác tổ chức đào tạo theo tín chỉ trong toàn ĐHQGHN vào năm 2010.
Ba là, đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở mới ĐHQGHN tại Hoà Lạc bằng phương thức tổ chức quản lý tiên tiến, phù hợp với đặc thù của ĐHQGHN để đến năm 2010 một số bộ phận có thể chuyển đến cơ sở mới.
Để thực hiện các ý tưởng đổi mới, các định hướng nêu trên, cần tạo ra môi trường, điều kiện phát triển, đó là:
- Xây dựng và triển khai các mô hình đào tạo (a+b) liên kết giữa các đơn vị trong ĐHQGHN và các trường đại học nước ngoài
- Xây dựng mô hình trường đại học có tính mở, có tính liên thông, liên kết cao trong đại học đa ngành, đa lĩnh vực
- Mô hình huy động nguồn lực từ bên ngoài để triển khai đào tạo, nghiên cứu khoa học
- Mô hình về đa dạng hóa hệ thống tổ chức đào tạo: trường đại học, khoa trực thuộc, trung tâm và viện nghiên cứu
Về một số nhiệm vụ trọng tâm, chỉ tiêu và giải pháp chủ yếu là:
1. Mở rộng quy mô đào tạo chất lượng quốc tế
* Chỉ tiêu
- Phát triển 16 ngành đào tạo đại học và 23 chuyên ngành đào tạo sau đại học đạt trình độ quốc tế;
- Tăng quy mô đào tạo tài năng, chất lượng cao và đào tạo quốc tế đạt tỷ lệ 15%, đào tạo SĐH đạt tỷ lệ 25% tổng quy mô đào tạo chính quy.
- Đảm bảo đến năm 2010, 100% các môn học có ít nhất 1 giáo trình bài giảng và 2 tài liệu tham khảo đạt chuẩn khu vực, quốc tế.
* Giải pháp
- Thực hiện các giải pháp đi tắt, đón đầu, tiếp cận ngay trình độ quốc tế theo các hướng: Mở rộng quy mô và quốc tế hoá các chương trình đào tạo tài năng, chất lượng cao; Mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng đầu vào của các chương trình liên kết đào tạo quốc tế, từng bước nâng cao vai trò và tỉ lệ tham gia của phía Việt Nam (tỉ lệ nội địa hoá) tiến tới làm chủ toàn bộ quy trình đào tạo.
- Xây dựng và thực hiện Đề án "Xây dựng và phát triển một số ngành, chuyên ngành khoa học cơ bản, công nghệ cao và kinh tế-xã hội mũi nhọn đạt trình độ quốc tế vào năm 2010";
- Áp dụng rộng rãi phương pháp đào tạo tiên tiến (phương pháp dạy - học, kiểm tra đánh giá, tích hợp đào tạo, đặc biệt là đào tạo sau đại học với NCKH). Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong đào tạo, trong đó có dạy học điện tử (E-learning).
- Mở rộng trao đổi sinh viên quốc tế, thu hút sinh viên nước ngoài vào học tập ở ĐHQGHN.
- Hiện đại hoá giáo trình bài giảng, cơ sở học liệu tiếp cận tiêu chuẩn các đại học tiên tiến trong khu vực, xây dựng thư viện điện tử nối kết với các trường đại học, các viện nghiên cứu ở Hà Nội, tiến tới nối kết với các thư viện trong phạm vi quốc gia, khu vực, quốc tế.
2. Tiếp tục phát triển quy mô nhưng ưu tiên tập trung nâng cao chất lượng khoa học, giá trị thực tiễn của các hoạt động KHCN
* Chỉ tiêu
- Kinh phí NCKH/giảng viên tăng hàng năm 10-20%; 80% CBGD chủ trì hoặc tham gia các đề tài, dự án KHCN. Chỉ số số lượng đề tài, dự án NCKH/cán bộ/năm, chỉ số số lượng bài báo đạt trình độ cấp quốc tế/cán bộ/năm, chỉ số trích dẫn khoa học đối với đội ngũ CBGD có trình độ từ TS trở lên (đạt chuẩn trình độ chuyên môn) đạt mức khá trong khu vực Đông Nam Á.
- Có 20 phòng thí nghiệm trọng điểm hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế.
- Nâng tỷ lệ hoạt động NCKH và dịch vụ so với đào tạo trong hoạt động chuyên môn (giảng dạy/NCKH/dịch vụ) từ khoảng 7/2/1 hiện nay lên 5/3/2.
* Giải pháp
- Đầu tư mạnh mẽ cho các nghiên cứu khoa học đỉnh cao, ươm tạo công nghệ mới, sản xuất chế thử trên cơ sở các công nghệ cao để có nhiều kết quả khoa học và sản phẩm công nghệ tầm cỡ khu vực, quốc tế.
- Ưu tiên đầu tư phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, tiến tới hình thành một số trường phái học thuật có uy tín trong các lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học công nghệ, khoa học xã hội và nhân văn. Tăng số lượng và chất lượng các đề tài trọng điểm, đặc biệt cấp ĐHQGHN, các đề tài, dự án cấp Nhà nước và các dự án, đề tài quốc tế.
- Áp dụng các giải pháp tích cực, hữu hiệu để tăng cường tích hợp đào tạo SĐH với NCKH nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và NCKH, gắn kết các hoạt động này ngay từ các khâu xây dựng đề tài NCKH, đề cương luận án, luận văn, cấp phát kinh phí.
3. Phát triển đội ngũ CBKH theo hướng chuẩn hoá và hội nhập quốc tế
* Chỉ tiêu
Tổng cán bộ công chức cơ hữu (trong biên chế) của ĐHQGHN lên hơn 3.000 người, trong đó khoảng 1.700 cán bộ giảng dạy, nghiên cứu (GD&NC); 85% CBGD có trình độ trên đại học, trong đó trên 60% là TSKH, TS, 20% có chức danh GS, PGS; hầu hết CBGD có khả năng áp dụng phương pháp dạy-học tiên tiến và có thể sử dụng tin học, ngoại ngữ trong hoạt động chuyên môn, trong đó 15% có thể giảng dạy chuyên môn bằng ngoại ngữ.
* Giải pháp
- Thực hiện nghiêm túc Quy định về tiêu chuẩn và tuyển dụng giảng viên đại học do ĐHQGHN ban hành từ tháng 11/2006, trong đó quy định trình độ chuyên môn của giảng viên ĐHQGHN là tiến sĩ.
- Tiến hành quy hoạch và đầu tư, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ đầu ngành, đầu đàn theo các tiêu chí đã ban hành.
- Xây dựng cơ chế, chính sách thu hút cán bộ khoa học giỏi trong và ngoài nước làm cán bộ cơ hữu hoặc công tác viên nhằm tăng cường năng lực đào tạo và NCKH chất lượng cao, trình độ cao và hội nhập quốc tế. Xây dựng quy định về điều kiện làm việc và chế độ chính sách đối với cán bộ khoa học, phấn đấu mỗi giáo sư, phó giáo sư có phòng làm việc riêng.
4. Xã hội hoá nguồn lực tài chính, từng bước hiện đại hoá cơ sở vật chất theo chuẩn khu vực, quốc tế
* Chỉ tiêu
- Phấn đấu hoàn thành 70% kế hoạch xây dựng cơ sở mới tại Hoà Lạc.
- Cơ sở vật chất được hiện đại hoá ngang tầm các đại học tiên tiến trong khu vực Đông Nam Á, trong đó có 32 phòng thí nghiệm trọng điểm hiện đại và nhiều trang thiết bị thuộc các ngành khoa học cơ bản, KHCN cao và kinh tế - xã hội mũi nhọn đạt tiêu chuẩn quốc tế.
- Tăng tỷ trọng nguồn thu bổ sung đạt 50% tổng kinh phí hoạt động thường xuyên.
* Giải pháp
- Tiếp tục hiện đại hoá hệ thống các phòng thí nghiệm một cách đồng bộ, có trọng tâm. Bên cạnh 17 phòng thí nghiệm trọng điểm đã có, phấn đấu đầu tư mới 15 phòng thí nghiệm hiện đại phục vụ đào tạo chất lượng cao trong các ngành như công nghệ Nano, công nghệ sinh học, công nghệ môi trường, công nghệ vật liệu mới, công nghệ thông tin và cơ điện tử, công nghệ hạt nhân,...
- Tăng cường công tác lập kế hoạch và dự toán ngân sách, đổi mới phương phức quản lý và phân bổ ngân sách, đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, trong đó đặc biệt chú trọng những nhiệm vụ theo đặc thù ngành nghề, những mục tiêu ưu tiên và các giải pháp tạo bước đột phá về chất lượng đào tạo và NCKH.
- Triển khai mạnh mẽ các giải pháp tăng nguồn thu bổ sung. Xây dựng chế độ học phí, học bổng theo đặc thù và chất lượng của các chương trình đào tạo. Đẩy mạnh liên kết đào tạo quốc tế, huy động các nguồn tài trợ của các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước. Nghiên cứu thành lập các quỹ hỗ trợ đào tạo, nghiên cứu dành cho cán bộ, sinh viên.
Kính thưa các Giáo sư, các Nhà giáo Nhân dân !
Thưa các đồng chí!
Những thành tựu cơ bản ĐHQGHN đã đạt là niềm tự hào không chỉ riêng ĐHQGHN, là những bằng chứng sinh động khẳng định vị thế hàng đầu ĐHQGHN trong hệ thống giáo dục đại học nước nhà, khẳng định uy tín và vị thế của ĐHQGHN trong khu vực và thế giới. Những thành tựu đó có nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, trong đó có một nguyên nhân đặc biệt quan trọng, nguyên nhân cốt lõi - đó là công lao đóng góp đầy trí tuệ, đầy tâm huyết, đầy trách nhiệm của các thế hệ các nhà giáo, cán bộ, học sinh, sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh ĐHQGHN, tiêu biểu cho các thế hệ là các Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân đã và đang công tác tại ĐHQGHN.
Kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, thay mặt lãnh đạo ĐHQGHN, với tình cảm đặc biệt của mình tôi xin gửi tới các Giáo sư, các Nhà giáo Nhân dân đã và đang công tác tại ĐHQGHN lời cảm ơn trân trọng nhất về những đóng góp to lớn, vô giá của các Giáo sư, các Nhà giáo Nhân dân đã và đang dành cho ĐHQGHN.
Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo ĐHQGHN, tôi cũng xin gửi tới các đồng chí lãnh đạo các đơn vị, và qua các đồng chí xin gửi tới toàn thể các nhà giáo, các nhà khoa học, cán bộ, công nhân viên, học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh ĐHQGHN lời chúc mừng tốt đẹp nhất và lời cảm ơn chân thành.
Kính chúc các Giáo sư, các Nhà giáo Nhân dân và các đồng chí có mặt tại buổi gặp mặt hôm nay dồi dào sức khoẻ, tiếp tục tham gia và hỗ trợ ĐHQGHN có hiệu quả hơn nữa trong các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, góp phần tích cực cho sự nghiệp phát triển ĐHQGHN, nâng cao vị thế ĐHQGHN trên trường quốc tế trong giai đoạn mới, xứng đáng là trung tâm đại học, sau đại học hàng đầu của đất nước, sánh vai với các đại học tiên tiến khu vực và thế giới trên con đường hội nhập và phát triển.
Xin trân trọng cảm ơn.
|