Tin tức chung
Trang chủ   >  Tin tức  >   Tin tức chung  >  
Lễ gắn biển phố Ngụy Như Kon Tum và phố Lê Văn Thiêm
Ngày 9/2/2007, UBND Thành phố Hà Nội đã đồng thời tổ chức Lễ gắn biển phố Ngụy Như Kontum và phố Lê Văn Thiêm.

 

 

Tại lễ gắn biển phố Ngụy Như Kontum có GS.VS Đào Trọng Thi - Giám đốc ĐHQGHN; GS.TS Phan Hữu Dật - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức ĐHQGHN; bà Ngô Thị Thanh Hằng - Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội; bà Nguyễn Thị Dơn - Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội, đại diện UBND quận Thanh Xuân. Về phía gia đình cố GS. Ngụy Như Kontum có phu nhân Nguyễn Thị Đỗ và con gái Ngụy Tuyết Nhung.

Tới dự lễ gắn biển phố Lê Văn Thiêm, về phía TP. Hà Nội có Phó chủ tịch UBND Đỗ Hoàng Ân; về phía Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam có GS.TSKH Hà Huy Khoái - Viện trưởng Viện Toán học; về phía ĐHQGHN có PGS.TS Phạm Trọng Quát - Phó giám đốc cùng đại diện lãnh đạo một số cơ quan Trung ương, Hà Nội và đại diện gia đình GS. Lê Văn Thiêm.

Đại diện gia đình GS. Lê Văn Thiêm, ông Đỗ Hoàng Ân - Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội và Phó giám đốc ĐHQGHN - PGS.TS Phạm Trọng Quát

Phố Ngụy Như Kontum và phố Lê Văn Thiêm đều thuộc địa phận quận Thanh Xuân, là 2 trong 32 đường, phố mới được đặt tên ở Thủ đô sau khi các đề nghị đặt tên đường, phố mới được Hội đồng Nhân dân TP. Hà Nội thông qua tại kỳ họp thứ 8 và được UBND TP. Hà Nội ra Quyết định hồi tháng 1/2007. Phố Ngụy Như KonTum là đoạn đường từ số 160 đường Khuất Duy Tiến cắt qua đường Nguyễn Tuân, đường Vũ Trọng Phụng đến số 116 phố Nhân Hòa, có chiều dài 1.100m, rộng 7-10m. Phố Lê Văn Thiêm dài 700m, rộng 8m, kéo dài từ đường Lê Văn Lương đến số nhà 27 đường Nguyễn Huy Tưởng. Tuyến phố này có cơ sở hạ tầng tốt, mặt đường bê tông, đi qua làng sinh viên Hacinco và Xí nghiệp Lắp máy Điện lực - Bộ Xây dựng.

GS. Ngụy Như Kontum (1913 - 1991)

GS. Nguỵ Như Kontumm sinh ngày 3/5/1913 tại Kontum (Tây Nguyên), quê tại xã Minh Lương, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên. Ông xuất thân trong một gia đình viên chức nhỏ. Học xong bậc cao đẳng tiểu học ở Huế, rồi trung học ở Hà Nội, năm 1933 ông sang Pháp du học, đỗ thạc sĩ Lý - Hóa, được nhà vật lý hạt nhân nổi tiếng Pháp là Giôliô Quyri (Jolio Curie) nhận làm nghiên cứu sinh. Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ (1939), ông trở về nước dạy học tại các trường trung học ở Sài Gòn, rồi Hà Nội.

Kết hợp chặt chẽ giảng dạy trong nhà trường với nghiên cứu khoa học và phổ biến kiến thức ngoài nhà trường, ông đã cùng một số tri thức tiến bộ viết bài cho tạp chí khoa học nổi tiếng thời đó.

Cách mạng tháng Tám thành công (1945), ông tham gia mọi công tác với tất cả nhiệt tình yêu nước của một tri thức chân chính.

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ (12/1946), ông theo chính phủ kháng chiến lên căn cứ địa Việt Bắc, đảm nhiệm nhiều trọng trách trong ngành giáo dục: làm Tổng giám đốc Trung học vụ kiêm Đổng lý sự Bộ Quốc gia Giáo dục. Từ năm 1951 để chuẩn bị cán bộ khoa học cho đất nước sau ngày thắng lợi, Trung ương đã cử ông làm Giám đốc Trường Sư phạm cao cấp ở Khu học xá Trung ương (Nam Ninh, Trung Quốc).

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, hòa bình được lập lại, GS. Ngụy Như Kontum trở về thủ đô Hà Nội, giảng dạy Vật lý tại Trường Sư phạm Khoa học. Năm 1956, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội được thành lập, ông được cử làm Hiệu trưởng đầu tiên và giữ chức vụ đó cho tới khi về hưu.

Sau khi đã nghỉ hưu, giáo sư vẫn tiếp tục giảng dạy và tham gia Hội đồng Khoa học Nhà trường, làm ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam kiêm Chủ tịch Hội Vật lý Việt Nam.

Với những đóng góp to lớn đó, GS. Ngụy Như Kontum đã được Nhà nước tặng danh hiệu cao quý Nhà giáo Nhân dân. Giáo sư còn là một nhà hoạt động xã hội nổi tiếng trong và ngoài nước. Ông còn là đại biểu Quốc hội khóa II, III và IV, Uỷ viên ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam, Chánh thư ký Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Uỷ viên Ban chấp hành Công đoàn Giáo dục thế giới, Uỷ viên Ban chấp hành Hội hữu nghị Việt - Pháp.

Giáo sư đã được Nhà nước tặng nhiều huân chương cao quý như: Huân chương kháng chiến hạng Nhì (1/5/1955) và hạng Nhất; Huân chương Lao động hạng Ba và hạng Nhì; Huân chương Độc lập hạng Nhất; Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất.

GS. Lê Văn Thiêm (1918 - 1991)

GS. Lê Văn Thiêm sinh ngày 29/3/1918, quê ở xã Trung Lễ, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Năm 1938, ông theo học lớp Lý - Hóa - Sinh tại Đại học Đông Dương - tiền thân của ĐHQGHN ngày nay. Năm 1939 với thành tích học tập xuất sắc đỗ thứ nhì kỳ thi phân chuyên ban, ông được nhận học bổng sang Pháp du học. Năm 1941, ông là người Việt Nam đầu tiên thi đỗ vào trường Ecole Normale Supérieure de Paris - trường hàng đầu của nước Pháp trong việc đào tạo các nhà khoa học. Ông cũng là người Việt Nam đầu tiên nhận được học vị tiến sĩ quốc gia về Toán, học vị cao nhất của nước Pháp (năm 1948). Ông cũng là người Việt Nam đầu tiên trở thành giáo sư Toán học tại một trường đại học Châu Âu (Đại học Bách khoa Zurich, Thụy Sĩ, năm 1949).

Theo lời khuyên của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tháng 12/1949, ông về nước tham gia kháng chiến và công tác tại Sở Giáo dục Nam Bộ. Tháng 4/1950, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Sau đó, ông được Chính phủ điều động ra Việt Bắc nhận trọng trách thành lập Trường Khoa học Cơ bản, Trường Sư phạm Cao cấp và là Hiệu trưởng của hai trường này.

Từ năm 1957 đến 1970, GS. Lê Văn Thiêm giữ chức Hiệu phó Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, nhiều năm kiêm giữ chức Chủ nhiệm Khoa Toán. Ông đã có đóng góp lớn trong việc thành lập Viện Toán học và là Viện trưởng đầu tiên (từ năm 1970 đến năm 1980). GS. Lê Văn Thiêm đã có công tạo dựng một trung tâm nghiên cứu Toán học đầu ngành của nước ta và có uy tín hàng đầu trong lĩnh vực Toán học ở khu vực.

Từ năm 1980 đến 1991, ông công tác tại Phân viện Khoa học Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh.

Trong những công trình nghiên cứu của ông về Toán học, việc phát triển lý thuyết phân phối giá trị của các hàm phân hình đã được công nhận trong nước và quốc tế. Ông còn là tác giả của trên 30 công trình nghiên cứu Toán - Lý, đăng trên tạp chí khoa học nhiều nước như: Liên Xô, Mỹ, Pháp, Anh, Canada, Thụy Điển, Đức, Ba Lan,… Nhiều công trình của ông đã phục vụ cho giao thông thời chiến, các công trình thủy điện và quy hoạch đồng bằng sông Cửu Long.

GS. Lê Văn Thiêm là đại biểu Quốc hội khóa II và III, đại diện toàn quyền của Việt Nam tại Viện Liên hiệp Nghiên cứu Nguyên tử tại Đupna, Liên Xô (năm 1956 - 1980), Uỷ viên Uỷ ban Khoa học Nhà nước, Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam. Ông mất ngày 3/7/1991.

Do những công hiến to lớn của ông cho khoa học và sự nghiệp giáo dục, GS. Lê Văn Thiêm được Quốc hội và Chính phủ tặng Huân chương Lao động hạng Nhì, Huân chương chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng. Ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Huân chương Độc lập hạng Nhất năm 1996.

 Oanh - Diệp - Tuấn - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 192, ra tháng 2/2007
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :