Giám đốc ĐHQGHN Phùng Xuân Nhạ trình bày diễn văn khai mạc hội thảo
Tham dự hội thảo có các chuyên gia quốc tế đến từ CHLB Đức, Hoa Kỳ, Indonesia, Nhật Bản, Philippines và đông đảo các chuyên gia Việt Nam đến từ Đại học Quốc gia Hà Nội, Học viện ngoại giao, Viện Nghiên cứu Trung Quốc, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và các viện nghiên cứu, các trường đại học trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Tại Hội thảo, các đại biểu nghe và thảo luận các chủ đề: Biển Đông trong chiến lược ngoại giao của các nước lớn; tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông nhìn từ góc độ luật pháp quốc tế; kinh nghiệm quốc tế và khu vực trong giải quyết hòa bình tranh chấp chủ quyền biển đảo; vai trò của ASEAN trong ngăn ngừa xung đột leo thang ở biển Đông.
Trong diễn văn khai mạc, Giám đốc ĐHQGHN Phùng Xuân Nhạ đã nêu thực tế tình hình khu vực Châu Á – Thái Bình Dương trước những thách thức và đe doạ nghiêm trọng về hoà bình, ổn định và hợp tác của khu vực. Tình hình ngày càng nguy hiểm hơn khi những tranh chấp lãnh thổ ở đây không đơn giản chỉ là vấn đề giữa các nước trực tiếp có đòi hỏi về lãnh thổ. Do vị trí và tầm quan trọng địa chính trị, địa kinh tế của Biển Đông, đồng thời do sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng gia tăng giữa các quốc gia, tranh chấp Biển Đông đã trở thành vấn đề của cả khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và thế giới. Những hành động gây hấn đơn phương của Trung Quốc ở Biển Đông thời gian gần đây đã, đang và sẽ làm ảnh hưởng đến cả khu vực và thế giới trên nhiều phương diện khác nhau như an ninh, hợp tác, phát triển, tự do hàng hải và trật tự thế giới mới.
Giám đốc ĐHQGHN khẳng định, xét trên nhiều phương diện thì hợp tác và phát triển vẫn là xu thế chủ đạo trong khu vực; bảo đảm an ninh và tự do hàng hải là ý nguyện của cả thế giới, khi mà phần lớn các quốc gia trong khu vực đều nhận thức được tầm quan trọng của hòa bình và hợp tác; đồng thuận giải quyết các xung đột một cách hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế.
Theo TS. Trần Công Trục – Nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ, thực tế tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như các đòi hỏi của Philippines, Malaysia, Brunei đối với toàn bộ hoặc một bộ phận của quần đảo Trường Sa cho thấy yêu sách “đường lưỡi bò” trên Biển Đông của Trung Quốc không được các nước khác chấp nhận.
GS. Francisco Nemenzo - nguyên Chủ tịch Đại học Phillipines mạnh mẽ bác bỏ yêu sách của Trung Quốc. Những bản đồ, hồi ký và đồ gốm tìm thấy được không chứng minh tính hợp lý của đường chín đoạn. Thứ gọi là “bằng chứng lịch sử” để đòi hỏi chủ quyền là không xác đáng, nếu áp dụng tiêu chí này, thì thế giới sẽ trở nên hỗn loạn vì những biên giới quốc gia luôn thay đổi theo thời gian. Nước Ý không thể đòi lại nước Anh vì Anh từng là một phần Đế chế La Mã, và Mông Cổ không thể yêu sách những phần lãnh thổ của Trung Quốc mà Thiết Mộc Chân đã thôn tính. Quan hệ quốc tế hiện nay công nhận sự chiếm đóng thực tế là cơ sở duy nhất để yêu sách chủ quyền.
Theo GS. Shafiah F.Muhibat – Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược Indonesia, Tổng thống Indonesia Joko Widoo sẵn sàng đóng vai trò trung gian giải quyết những căng thẳng leo thang trong tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, và giúp đẩy nhanh quá trình soạn thảo bộ quy tắc ứng xử giữa Trung Quốc và 10 quốc gia thành viên của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Indonesia không phải là quốc gia tranh chấp trong những đối đầu lãnh thổ ở Biển Đông, cũng không có bất cứ tham vọng lãnh thổ nào trong khu vực, tuy nhiên, nước này có những lợi ích ở đây. Đặc biệt, Indonesia liên tiếp ủng hộ một ASEAN đoàn kết hơn trong tương quan với Trung Quốc.
PGS.TS. Phạm Quang Minh – Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV (ảnh trên) nhận định: quyền lực, chính trị và hòa bình là những nhân tố quan trọng trong quan hệ Việt-Trung và cả hai nước nên tăng cường xây dựng lòng tin, ngày càng đóng vai trò tích cực, có trách nhiệm trong khu vực.
PGS.TS. Nguyễn Bá Diến, Chủ tịch Hội đồng Viện Nghiên cứu Khoa học Biển và Hải Đảo, Giám đốc Trung tâm Luật Biển và Hàng hải Quốc tế - ĐHQGHN cũng cho rằng, để giải quyết các tranh chấp quốc tế về biển và hải đảo thì các vấn đề: đàm phán; trung gian và hòa giải; tòa án và trọng tài là các phương thức ưu việt trong việc giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông hiện nay.
Tại Hội thảo, Giám đốc ĐHQGHN đã đánh giá cao các học giả, nhà khoa học quốc tế, Việt Nam nói chung và ĐHQGHN nói riêng đã có nhiều đóng góp quan trọng, thể hiện tiếng nói và hành động mạnh mẽ, góp phần vào việc giữ gìn hoà bình, an ninh trong khu vực. Thực tiễn cho thấy, trước những tranh chấp lãnh thổ, các nhà khoa học đã đóng vai trò cung cấp luận cứ khoa học, đưa ra các lý lẽ xác thực nhằm đấu tranh hoà bình để bảo vệ chân lý, lẽ phải, đồng thời cũng tránh cho các khu vực rơi vào xung đột nguy hiểm.
Trước đó, ngày 06/6/2014, nhân Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam (1-7/6), Ngày Môi trường thế giới (5/6) và Ngày Đại dương thế giới (8/6) năm 2014, ĐHQGHN đã tổ chức tọa đàm khoa học “Biển Đông: Hợp tác và Phát triển bền vững”. Hội thảo diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc ngang nhiên đơn phương đưa giàn khoan Hải Dương - 981 vào hạ đặt tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Cùng với việc đe dọa sử dụng vũ lực, Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, vi phạm các cam kết với ASEAN về vấn đề Biển Đông và Công ước của Liên hiệp quốc về Luật biển 1982.
>>> (Ảnh) Hội thảo khoa học "Tranh chấp ở Biển Đông: Tác động và các hướng tiếp cận hòa bình, hợp tác"
>>> Toạ đàm khoa học Biển Đông: Hợp tác và Phát triển bền vững (06/6/2014)
>>> Tin tức về hội thảo trên báo chí:
|