Tới dự buổi nghiệm thu có ông Nghiêm Xuân Minh - Vụ trưởng Vụ quản lý Khoa học XH&TN (Bộ Khoa học & Công nghệ); TS. Phạm Hồng Tung - Phó trưởng Ban KHCN, đại diện cho ĐHQGHN; PGS.TS Vũ Đức Nghiệu, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV cùng các giảng viên và sinh viên ngành Hán Nôm của Khoa Văn học - Trường ĐHKHXH&NV. Tham dự buổi nghiệm thu còn có đại diện Ban giám đốc Sở Văn hoá - Thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế.
Đây là 1 trong 2 đề tài cấp nhà nước do Trường ĐHKHXH&NV chủ trì. Đề tài được thực hiện trong thời gian 4 năm (2001-2004), với tổng kinh phí là 1,3 tỷ đồng, do PGS.TS Nguyễn Văn Thịnh - Khoa Văn học làm chủ nhiệm.
Sản phẩm của đề tài bao gồm: Thư tịch Hán Nôm Huế (3 tập) - 533 trang, Văn học Hán Nôm Huế (2 tập) - 940 trang, Hán Nôm di tích Huế (3 tập) - 1075 trang, Hán Nôm làng xã Huế (2 tập) - 455 trang. Trong quá trình thực hiện đề tài, các tác giả đã thu thập được hơn 20.000 trang tư liệu Hán Nôm trong đó có nhiều bản gốc và bản văn khắc.
Đề tài khẳng định sự cần thiết phải bảo tồn và khai thác di sản văn hoá Hán Nôm ở Huế, mặc dù chưa phải là di sản thế giới như: Cố đô Huế, Nhã nhạc cung đình Huế nhưng di sản này đã làm tăng thêm giá trị cho thành phố Huế, là nơi đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá thế giới. Đề tài đã đưa ra những kiến nghị để các cơ quan Nhà nước tham khảo:
1.Tiếp tục nghiên cứu ở diện rộng hơn thuộc địa bàn vùng Thuận Hoá xưa.
2. Đi sâu vào một số mảng đặc trưng của Hán Nôm Huế: Văn học Hán Nôm Huế, Hán Nôm làng xã Huế…
3. Xác lập được rằng di sản Văn hoá Hán Nôm Huế là di sản của thế giới về văn tự.
4. Mở rộng nghiên cứu các vùng văn hoá Hán Nôm khác.
5. Xây dựng chương trình quốc gia về Hán Nôm.
|