Tháng 11/2008, Ðại học Quốc Gia Hà Nội (ÐHQGHN) phối hợp với Bộ Giáo dục và Ðào tạo (Bộ GD&ÐT) tổ chức Hội thảo quốc tế “Xếp hạng các trường đại học: Xu thế toàn cầu và các quan điểm”. Trong hội thảo này, PGS. TS Nguyễn Phương Nga, Giám đốc Trung tâm Ðảm bảo chất lượng đào tạo và Nghiên cứu phát triển giáo dục, ÐHQGHN đã trình bày về “Phương pháp và tiêu chí xếp hạng các trường đại học Việt Nam” - kết quả nghiên cứu khoa học của đề án khoa học của trung tâm. Dự định của đề án là đến năm 2009 sẽ có được bảng xếp hạng các trường đại học Việt Nam. Dự định này đã và đang thực hiện đến đâu? Ở giai đoạn nào? Thuận lợi, khó khăn và thách thức ra sao? Bản tin ÐHQGHN đã có cuộc trao đổi với PGS. Nga về vấn đề này.
Xin PGS cho biết ý tưởng xếp hạng được nhen nhóm từ đâu?
Từ 2004, chúng tôi đã bắt đầu tiến hành phân tích những tác động của việc xếp hạng các trường đại học, nghiên cứu tài liệu của các tổ chức xếp hạng quốc tế, đồng thời tiến hành trao đổi với các nhà xếp hạng thế giới. Năm 2007, sau khi trở về từ Diễn đàn Giáo dục Ðông Nam Á, chúng tôi nhận thấy chưa có nước Ðông Nam Á nào tiến hành xếp hạng nội bộ. Từ những ý tưởng nhen nhóm trước đây, “cộng hưởng” với Quy hoạch của Chính phủ, chúng tôi đã đi đến quyết tâm phải triển khai nghiên cứu và ra được bảng xếp hạng. Với sự ủng hộ của nhiều đại diện các trường đại học trong nước, các chuyên gia giáo dục và đặc biệt là lãnh đạo ÐHQGHN, chúng tôi đã tiến hành đề án nghiên cứu xếp hạng các trường đại học. Các chuyên gia quốc tế cùng đóng góp ý kiến, tham gia phản biện đề án. Năm 2008, đề án này chính thức được ÐHQGHN phê duyệt.
|
PGS.TS Nguyễn Phương Nga (ngoài cùng bên phải) với các chuyên gia xếp hạng đại học tại hội thảo. |
Trong đề án xếp hạng, các tiêu chí giống và khác với các tiêu chí của các tổ chức quốc tế như thế nào?
Việc xếp hạng của chúng tôi đề xuất có sự giao thoa giữa các tiêu chí quốc tế với các tiêu chí đặc thù của Việt Nam. Trong 14 tiêu chí có đến ¾ là giống với các tiêu chí của các tổ chức xếp hạng thế giới như THES, SJTU, USNWR, Webometrics…, ; ¼ còn lại phản ánh đặc thù của giáo dục đại học Việt Nam. Chúng tôi dự kiến xếp hạng hai lĩnh vực giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Một số tiêu chí đặc thù Việt Nam có nhiều nét giống với các nước đang phát triển như: căn cứ vào năng lực “thu hút” kinh phí thông qua các đề tài nghiên cứu khoa học của trường. Thu nhập của trường cao đồng nghĩa với nghiên cứu khoa học được đánh giá tốt hơn; Khả năng chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp; Khả năng tìm các nguồn học bổng từ các tổ chức trong nước và nước ngoài cho sinh viên.
Một sự khác biệt nữa đó là các trường đại học nước ngoài khuyến khích công bố quốc tế trong khi chúng ta chưa có điều kiện làm tốt việc này thì có thể xét điểm đối với những bài báo đăng trên các tạp chí chuyên ngành quốc gia đã được Hội đồng học hàm Nhà nước công nhận tính điểm. Ngoài ra, có thể căn cứ vào các đề tài cấp Nhà nước, Bộ, Tỉnh hay cấp trường…. Với những nghiên cứu ứng dụng, các tiêu chí được tính là bằng phát minh, sáng chế và các giải pháp hữu ích. Nhiều phát minh, sáng chế cũng đồng nghĩa với “thu nhập” của trường tốt hơn. Không chỉ vậy, các giải thưởng uy tín cũng được tính điểm. Thang điểm sẽ được tính cao nhất là quốc tế, sau đó là cấp Nhà nước, Bộ….
Ðể xây dựng được bộ tiêu chí vừa chuẩn hoá quốc tế nhưng đồng thời thể hiện được đặc thù riêng của Việt Nam, chắc hẳn bên cạnh những thuận lợi sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn?
Thuận lợi đầu tiên là các tiêu chí xếp hạng đều là những tiêu chí nằm trong bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng đã có. Hàng năm Bộ GD&ÐT yêu cầu các trường đại học nộp báo cáo thực trạng của trường, trong đó có tất cả các tiêu chí dự kiến xếp hạng. Tức là có nhiều hơn điều mình mong muốn.
Khó khăn là số liệu các trường báo cáo có thể không đầy đủ, không phản ánh hết thực trạng của trường. Bởi vậy, chúng tôi phải tiến hành “kiểm tra chéo” để khẳng định số liệu có giá trị tin cậy, đảm bảo độ chính xác cao. Và còn một khó khăn nữa là làm sao để tất cả mọi người hiểu được giá trị của việc xếp hạng.
|
ĐHQGHN phấn đấu để tiếp cận trình độ khu vực và thế giới ở một số chuyên ngành đào tạo. |
Như vậy việc quyết định để xếp hạng được chính xác vẫn phải là nguồn số liệu tin cậy?
Ðúng vậy. Ðó là khâu quan trọng nhất. Tiếp sau đó là phân tích số liệu. Bên cạnh đó vấn đề về trọng số phải được xem xét hài hòa và chính xác. Các tổ chức xếp hạng thế giới đều đưa ra những trọng số đánh giá rất khác nhau. Chẳng hạn, SJTU đặt trọng số “nghiêng” về nghiên cứu. Còn các tổ chức xếp hạng Mỹ thì trọng số được cân đối cả nghiên cứu và giảng dạy. Ðánh giá nghiên cứu khoa học dễ hơn bởi có thể “cân đo đong đếm”, giảng dạy thì không phải như vậy. Xu hướng thế giới hiện nay đều coi trọng cả nghiên cứu khoa học và giảng dạy. Ðiều này thể hiện ở các trọng số.
Vậy trọng số của chúng ta được thể hiện như thế nào?
Chúng tôi chia các trường thành từng nhóm. Nhóm trường đại học có định hướng nghiên cứu thì trọng số nghiên cứu khoa học phải cao hơn; những trường “nặng” về giảng dạy, trọng số sẽ là 50/50 (50 giảng dạy/50 nghiên cứu khoa học). Còn đối với một số đại học mới thành lập, nghiên cứu khoa học chưa mạnh, thì tỷ lệ này là 70/30. Nhóm các trường có thâm niên chưa cao chỉ đào tạo đến bậc đại học thì nghiên cứu khoa học ít hơn nên trọng số giảng dạy sẽ lớn hơn. Các trường đại học dự kiến được phân theo 3 bảng: đào tạo đến bậc tiến sỹ, đào tạo đến bậc thạc sỹ, đào tạo bậc đại học. 3 bảng này phản ánh những yêu cầu khác nhau về nghiên cứu khoa học nên khác nhau về trọng số. Sau đó chúng tôi dự kiến sẽ xếp hạng tổng hợp chung tất cả các trường đại học vào một bảng khi đó trọng số nghiên cứu và giảng dạy là 50/50. Từ đánh giá xếp hạng này, các trường đại học có thể xem xét quyết định chiến lược, mục tiêu để vươn lên nhóm một hay nhóm hai. Ðây chính là đặc thù riêng của xếp hạng đại học Việt Nam.
Hiện nay, cũng có nhiều ý kiến lo ngại rằng, bảng xếp hạng sẽ đem đến những tác động “ngoại biên” ngoài ý muốn. Ðề án của PGS có tính đến chuyện này hay không?
Bạn nói rất đúng. Những tác động ngoại biên theo hướng tiêu cực cần được lường trước. Trước đề án này, chúng tôi cũng đã tiến hành nghiên cứu một đề án khác về ảnh hưởng hai mặt của việc xếp hạng các trường đại học để tìm ra những tác động tích cực và tác động không mong muốn. Trên cơ sở đó hạn chế tối thiểu những tác động ngược chiều và đưa ra các khuyến cáo. Chẳng hạn, không phải chúng ta xếp hạng tổng thể các trường đại học mà chỉ xếp hạng trên một số tiêu chí đặc trưng đưa ra. Do đó, đòi hỏi ngưởi sử dụng bảng xếp hạng cũng phải có một trình độ phân tích nhất định, phải cân nhắc khi sử dụng bảng xếp hạng và các thống kê liên quan sao cho đúng với tinh thần khách quan khoa học. Ðồng thời công bố công khai toàn bộ số liệu để người tham khảo thấy được "bức tranh" chi tiết tạo ra được bảng xếp hạng. Bảng xếp hạng nên chỉ được xem là cơ sở đầu vào phục vụ cho việc lập kế hoạch, chính sách hoặc tìm ra các giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo và sự cần thiết có đầu tư thêm các trường đại học. Bảng xếp hạng không nên dùng làm căn cứ để "thưởng - phạt".
Ðể có được “cơ sở đầu vào” đầy đủ có nghĩa là tất cả các trường đại học sẽ được xếp hạng?
Không phải vậy. Theo đề án, những trường nào tình nguyện tham gia sẽ được chúng tôi tiến hành xếp hạng. Vấn đề nữa là, một số trường mới thành lập chưa có sinh viên tốt nghiệp nên cũng không thể xếp hạng.
Như PGS cũng vừa nhắc đến ở trên, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam sẽ có trường lọt vào Top 200 thế giới. Theo PGS, việc công bố bảng xếp hạng các trường đại học Việt Nam sẽ có những tác động tích cực gì góp phần thực hiện mục tiêu này?
Hiện nay, cũng đã có một số tổ chức thế giới xếp hạng các trường đại học của Việt Nam (như Webometrics chẳng hạn). Nhưng rõ ràng là họ đã căn cứ trên nhưng số liệu chưa đầy đủ (số liệu họ thu thập qua các thông tin trên mạng bằng tiếng Anh), điều này là một thiệt thòi lớn cho các trường đại học của chúng ta. Bởi vậy chúng tôi hy vọng bảng xếp hạng của Việt Nam sẽ cung cấp những thông tin đầy đủ hơn cho các tổ chức xếp hạng quốc tế, và như vậy, vị trí của các trường đại học Việt Nam sẽ được cải thiện trong bảng xếp hạng quốc tế. Một trong những thiệt thòi của những nước không nói tiếng Anh, khi xếp hạng, các tổ chức quốc tế có thể không thu thập và đánh giá số liệu một cách đầy đủ về các trường đại học ở những nước này. Ðiều này sẽ dẫn đến những “sai số”. Vì vậy, thông qua việc công bố xếp hạng trong nước với số liệu sẽ đầy đủ và tin cậy hơn sẽ giúp mang đến một bức tranh chân thực về các trường đại học Việt Nam với thế giới.
Cuối cùng, xin PGS cho biết liệu năm 2009 chúng ta sẽ công bố kết quả xếp hạng?
Chúng tôi đang tiến hành thu thập số liệu để 2009 có thể tiến hành phân tích và có được bảng xếp hạng. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các Cục/Vụ của Bộ GD&ÐT để xin ý kiến chỉ đạo và thu thập thêm số liệu. Chúng tôi mong muốn Bộ GD& ÐT sẽ cho ý kiến công bố.
Xin cảm ơn PGS!
-
Có thể nói, trên thế giới, xếp hạng đại học là cách tiếp cận để nâng cao chất lượng các trường đại học và đã trở thành xu thế toàn cầu. Kể từ năm 1983, khi lần đầu tiên Bản tin thế giới và Tin tức Hoa Kỳ (US News and World Report – USNWR) công bố bảng xếp hạng các đại học của Mỹ, thì bảng xếp hạng các đại học đã trở thành mối quan tâm của tất cả các cộng đồng trong xã hội của tất cả các quốc gia trên khắp thế giới. Cho đến nay, chúng ta có thể liệt kê ra rất nhiều tổ chức trên thế giới đã và đang làm việc này cả ở cấp độ quốc tế cũng như cấp độ lãnh thổ, vùng hay quốc gia, nổi tiếng nhất là các bảng xếp hạng của Phụ San Thời báo Giáo dục Ðại học (Times of Higher Education Suplement – THES, Anh Quốc), của Ðại học Giao Thông Thượng Hải (Shangai JiaoTong University – SJTU, Trung Quốc), của Webometrics (Tây Ban Nha)….Còn tại Việt Nam, ngày 21/07/2007, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định số 121/2007/QÐ-TTg về “Phê duyệt Quy hoạch mạng lưới các trường đại học và cao đẳng giai đoạn 2006-2020” trong đó có quy hoạch: Việt Nam phải có một trường đại học được xếp hạng trong số 200 đại học hàng đầu thế giới vào năm 2020. Như vậy, có thể thấy, nhu cầu xếp hạng không chỉ là của xã hội nói chung mà còn thể hiện quyết tâm thực hiện Quyết định của Thủ tướng để giáo dục đại học Việt Nam tiến lên ngang tầm các nước phát triển trên thế giới.
|