Chu Hy là một vị đại Nho, được xem là nhân vật lớn thứ 2 sau Khổng tử vì có đóng góp cho sự phát triển của Nho học Trung Quốc và ở các nước trong khu vực. Số lượng trước thuật của Chu Hy cũng vào loại lớn nhất trong số các nhà Nho, bao gồm các lĩnh vực của Nho học như kinh học, sử học, văn học, triết học… Với vai trò to lớn và ảnh hưởng quan trọng như vậy, Chu Hy được nghiên cứu khá sâu rộng tại các quốc gia có ảnh hưởng của Nho học suốt từ thế kỷ XIII cho tới nay. Tại Việt Nam, từ thế kỷ XIV cho đến thế kỷ thế kỷ XIX, tư tưởng Chu Hy luôn có vai trò to lớn đối với học giới. Kinh điển Nho gia được giảng dạy, học tập và dùng trong khoa cử hầu hết là những văn bản đã qua chú giải, thảo luận của Chu Hy. Các bộ sách mang dấu ấn tư tưởng Chu Hy được dùng làm sách giáo khoa chính thức trong hệ thống khoa cử từ trung ương đến địa phương. Trong lịch sử, mặc dù có những phê phán, tranh luận về tư tưởng Chu Hy ở điểm này hay điểm khác nhưng những tư tưởng của Chu Hy vẫn có ảnh hưởng mạnh mẽ tới tầng lớp trí thức và tư tưởng của các nhà Nho Việt Nam.
|
PGS. TS. Nguyễn Kim Sơn (bên trái) và GS. Phùng Đạt Hoàn - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Thành Công (Đài Loan). |
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS. TS. Nguyễn Kim Sơn – Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc nghiên cứu Chu Hy phục vụ cho nghiên cứu Nho giáo Việt Nam: “Đã đến lúc phải có sự nghiên cứu nghiêm túc xuất phát từ ý nghĩa học thuật, nghiên cứu một cách khách quan để chỉ ra diện mạo chân thực của các ảnh hưởng của Chu Hy tại Việt Nam, dù việc nghiên cứu Chu Hy là một thách thức do số lượng trước tác của Chu Hy cũng như các thành tựu nghiên cứu Chu tử học trên thế giới rất đồ sộ”.
|
GS. Trần Ích Nguyên (Đại học Đài Loan) trình bày tham luận: Danh Nho Việt Nam Lý Văn Phức và bài “Triển yết Tử Dương thư viện cung kỉ tịnh tự” của ông. |
Với ý nghĩa đó, hội thảo lần này là dịp công bố những thành quả nghiên cứu mới, chuyên sâu về tư tưởng Chu Hy thông qua phân tích một số trước tác của ông; đánh giá những ảnh hưởng, tác động của tư tưởng Chu Hy đến Nho giáo Việt Nam qua phân tích tư tưởng và tác phẩm của những nhà nho nổi tiếng của Việt Nam.
Một số nội dung trình bày và thảo luận chính tại hội thảo:
- Nhân vật và sự kiện của quá trình tư tưởng Chu Hy, Tống Nho ảnh hưởng tới Việt Nam thế kỷ XIV, đầu thế kỷ XV - định vị và phân tích;
- Các tác phẩm của Chu Hy được du nhập và lưu truyền ở Việt Nam;
- Bàn về luân lý học tình cảnh trong trong quái hào của “Chu dịch bản nghĩa” của Chu Hà;
- Quan niệm về “tượng” và sự “suy diễn” Dịch đồ tượng của Chu Tử trong “Hy kinh lãi trắc”;
- Danh Nho Việt Nam Lý Văn Phức và bài “Triển yết Tử Dương thư viện cung kỉ tịnh tự” của ông;
- Về việc xác lập lại Đạo thống Nho giáo và phê phán tư tưởng Chu Hy của Trần Trọng Kim trong Nho giáo;
- Tìm hiểu sự bình giá về Chu Hy - Lục Cửu Uyên qua tác phẩm “Quần thư khảo biện” của Lê Quý Đôn;
- Từ “Tử Chu tử tiểu học toàn thư” tới “Tử Chu tử tiểu học lược biên” và ảnh hưởng của Chu Hy qua sự tiếp nhận của các nhà Nho Việt Nam thế kỷ XIX;
- Xu hướng kết hợp Dịch học Trình - Chu trong Kinh học Đông Á. |
|