TS. Trịnh Thị Loan sinh năm 1980 tại Thanh Miện, Hải Dương. Bố công tác trong quân đội, giảng viên Khoa Lí luận Mác-Lê nin, Trường Sĩ quan Công Binh. Sau này ông về công tác tại địa phương với vị trí Phó Bí thư Đảng ủy cơ quan Trung ương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Mẹ từng là giáo viên Trung tâm Giáo dục Thường xuyên, tỉnh Hải Dương. Sinh ra và trưởng thành trong một gia đình công chức nên Loan đã có nhiều ảnh hưởng tốt. Dưới sự định hướng của bố mẹ nên từ khi học phổ thông Loan đã hiểu học tập là con đường mở rộng cánh cửa tương lai. Chia sẻ cơ duyên đến với Vật lí, Trường ĐHKHTN, chị cho biết, ban đầu không có ý định chọn ngành KHCB mà muốn trở thành một bác sĩ hay cô giáo, nên chọn thi khối B. Nhưng được mẹ phân tích và tìm hiểu thêm một số trường đại học và khối thi, lớp 12 Loan tập trung học thêm môn Vật lí. Chị không ngờ rằng bắt đầu từ đây chị gắn bó với Vật lí mà sở trường của chị là Toán. Khi hỏi nếu có cơ hội làm lại thì chị có chọn Vật lí nữa không? Chị cười và quả quyết: "Mình vẫn chọn Vật lí và mình nhận thấy muốn học giỏi Vật lí thì cần phải học giỏi cả Toán". Bốn năm học đại học, chị tập trung và cố gắng học tốt tất cả các môn học. Đến năm thứ 4 sinh viên bắt đầu làm luận án tốt nghiệp lúc này chị mới vỡ lẽ sinh viên có thể NCKH từ những năm trước chứ không phải đợi đến năm cuối. Đây là sự khởi đầu chị đến với khoa học. Chị cho rằng chị đã rất may mắn gặp được nhà khoa học nữ PGS.TS Nguyễn Thị Thục Hiền. PGS đã phân tích dẫn dắt chị đến với khoa học Vật lí chất rắn. Có lẽ qua kết quả học tập, PGS đã nhìn thấy tố chất và thế mạnh của chị ở lĩnh vực này. Dưới sự chỉ dạy tận tình của PGS. Thục Hiền, chị đã hoàn thành luận án tốt nghiệp xuất sắc, điều lớn hơn nữa đó là chị đã được thừa hưởng kiến thức, kinh nghiệm trong NCKH của một trong những vị PGS hàng đầu về Vật lí Chất rắn của Trường ĐHKHTN. Người tiếp tục hỗ trợ, bồi dưỡng cho chị tự bước trên con đường này là PGS.TS Lê Hồng Hà và PGS.TS Nguyễn Hạnh (Trường ĐHBKHN). Đặc biệt PGS.TS Nguyễn Ngọc Long - người thầy có ảnh hưởng sâu sắc nhất, người không chỉ định hướng trong nghiên cứu khoa học về kiến thức mà còn cả về đạo đức nhà KH. Thầy là cuốn từ điển sống của chị không chỉ trong lĩnh vực KH mà còn trong cả lĩnh vực xã hội. Năm 2011, chị bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ. Với mục đích nghiên cứu để tìm ra quy trình tổng hợp mẫu ZnAl2O4:Cr3+, ZnAl2O4:Co2+, Al2O3:Cr3+ và ZnO:Co2+ bằng phương pháp hóa: sol-gel hoặc thủy nhiệt. Nghiên cứu ảnh hưởng của công nghệ chế tạo lên sự hình thành cấu trúc tinh thể, hình thái học, kích thước tinh thể, sử dụng phép phân tích nhiễu xạ, hiển vi điện tử quét (SEM) và hiển vi điện tử truyền qua (TEM). Đặc biệt đề tài chú trọng vào nghiên cứu một cách hệ thống tính chất quang của các mẫu ZnAl2O4:Cr3+, ZnAl2O4:Co2+, Al2O3:Cr3+ và ZnO:Co2+ thông qua phổ huỳnh quang và kích thích huỳnh quang. Đề tài nghiên cứu của chị được đánh giá xuất sắc. Đến nay, chị đã có nhiều công trình được công bố trên các tạp chí uy tín ở trong nước và quốc tế, có 04 đề tài NCKH chị đã chủ trì và 05 đề tài NCKH chị tham gia. Các đề tài nghiên cứu của chị chủ yếu là tập trung về tổng hợp và nghiên cứu tính chất quang của các vật liệu điện môi, bán dẫn có cấu trúc nano pha tạp chất kim loại chuyển tiếp... Trăn trở lớn nhất của các nhà nghiên cứu KH nói chung và cá nhân chị nói riêng là làm thế nào để các kết quả nghiên cứu có tính ứng dụng cao trong đời sống thực tiễn. Hiện nay hướng nghiên cứu chính của chị là “Tổng hợp, nghiên cứu tính chất quang và khả năng ứng dụng của vật liệu dây nano TiO2 pha tạp kim loại chuyển tiếp”, với mong muốn tạo được vật liệu TiO2 tận dụng được tối đa dải năng lượng ánh sáng mặt trời, đặc biệt nghiên cứu một cách hệ thống và chi tiết tính chất huỳnh quang của các ion tạp chất trong mạng nền TiO2 nhằm phát hiện ra tính chất mới để tăng khả năng ứng dụng của loại vật liệu này. Nếu vật liệu có khả năng phát quang tốt chúng có thể dùng để đánh dấu trong lĩnh vực sinh học. Trong nhiều năm tìm tòi nghiên cứu chị đã tích lũy được một chút "vốn liếng" kiến thức nhất định về chúng, giúp cho khả năng khai thác sử dụng các loại vật liệu này được ứng dụng vào thực tiễn có tính khả thi. Vừa làm công tác quản lí vừa tham gia giảng dạy, NCKH, đặc biệt trong vai trò người mẹ, người vợ trẻ, chị đã sắp xếp quỹ thời gian có hạn để hoàn thành công việc một cách tốt nhất có thể bởi NCKH là một công việc đầy gian khổ nhất là đối với nữ giới. Chị chia sẻ: "Phụ nữ phải đương đầu với những khó khăn để cân bằng giữa đời sống gia đình và công việc. Khác với nam giới, các cán bộ nữ phải mang thai, sinh đẻ, phải dành nhiều thời gian cho công việc nội trợ, quán xuyến gia đình. Đặc biệt với cán bộ nữ trẻ, khi có con nhỏ và công việc gia đình cũng nặng hơn so với nữ cán bộ cao tuổi. Bằng niềm đam mê, ham muốn học hỏi để nâng cao và cập nhật kiến thức cho mình, bước đầu chị đã đạt được một số thành quả nhất định, được ĐHQGHN vinh danh là một trong 8 nữ nhà khoa học trẻ tiêu biểu của ĐHQGHN. Trao đổi về vấn đề làm thế nào mà phụ nữ vừa có thể giảng dạy, NCKH tốt, vừa có thể làm tốt được công việc gia đình, chị cho rằng phụ nữ không thể mải miết với công việc giảng dạy, nghiên cứu từ sáng tới đêm khuya không được quên công việc gia đình cũng như thiên chức làm mẹ. Tuy nhiên, nếu không có động lực quan trọng từ phía gia đình thì không thể hoàn thành được công việc. Về nhận thức là như vậy nhưng trên thực tế nhiều khi phụ nữ bị cuốn hút vào công việc nên cũng khó chu toàn. Những lúc như vậy, phụ nữ cần bù đắp nhiều hơn nữa cho con cái và gia đình, dành thời gian trò chuyện, chia sẻ với chồng và làm bạn với con. Theo chị, phụ nữ khi tham gia NCKH cần cố gắng theo đuổi mục tiêu đến cùng. Việc cơ quan, việc gia đình rất bận rộn nhưng nếu sắp xếp công việc một cách hợp lý, khoa học, thậm chí bớt giờ nghỉ ngơi của chính mình là có thể giải quyết mọi việc. Tất cả phụ nữ đều có thể tham gia quản lý, NCKH, nhưng bất cứ ai, dù làm việc gì cũng cần ứng dụng các phương pháp làm việc khoa học, các kiến thức khoa học và công nghệ để phục vụ tốt hơn công việc và cuộc sống của mình. Với sự khéo léo, tinh tế, chị đã chèo lái con thuyền gia đình tràn đầy tiếng cười hạnh phúc, từ một câu hỏi của chồng chị "mấy thứ nghiên cứu đó giúp ích gì cho cuộc sống?", chị đã có được sự cảm thông, chia sẻ của anh. Anh luôn động viên, sát cánh bên chị ngay cả lúc khó khăn, vất vả nhất. |