TIN TỨC & SỰ KIỆN
Tin tức   Tin tức chung 16:01:59 Ngày 29/04/2016 GMT+7
Người luôn đồng hành cùng thế hệ trẻ
Thật khó tin khi gặp một người đã bước sang tuổi 79 mà vẫn trẻ trung và nhanh nhẹn như ông - PGS.NGƯT Nguyễn Xuân Hòa. Ông sinh năm 1937 tại Thanh Hóa thuộc khu IV cũ. Đây cũng là nơi hứng chịu nhiều đạn bom của Pháp và Mỹ. Có lẽ hào khí quê hương đã thấm đẫm vào huyết mạch vị PGS chuyên ngành Nga ngữ Nguyễn Xuân Hòa và tạo cho ông một sức bền hiếm thấy.

Khởi nghiệp từ một cán bộ phiên dịch hệ đại học tiếng Nga 2 năm (1958-1960), nhưng PGS. Nguyễn Xuân Hòa lại có duyên với nghề giáo. Bởi thế, sau 2 năm công tác ở nông trường Tây Hiếu (Nghệ An), ông được chuyển sang ngành giáo dục, về công tác tại Trường Ngoại ngữ Thanh Xuân Hà Nội (nay là Trường Đại học Hà Nội), làm giảng viên tiếng Nga từ năm 1962 đến 1978. Mặc dù công việc bận rộn, ông vẫn tham dự lớp học nâng cao trình độ để nhận tấm bằng đại học chuyên ngành tiếng Nga hệ 4 năm (1977). Năm 1978, Bộ Giáo dục điều động ông đến công tác tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, ông được phân công phụ trách sau đó làm Chủ nhiệm bộ môn Ngữ văn Nga tại Khoa Tiếng nước ngoài của Trường, rồi từ năm 1995 ông làm giảng viên tại Khoa Quốc tế học, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN. Cũng từ đây, sự nghiệp nghiên cứu và giảng dạy của ông bắt đầu có cơ hội phát triển.

Có thể nói, ông là một trong những người đã có công truyền bá văn hóa Nga vào Việt Nam. Điều đó không thuần túy ở việc ông là dân Nga ngữ chính hiệu mà là ở tâm hồn, ở tình yêu của ông đối với dân tộc anh em ở tận phía bên kia bán cầu. Nói một cách văn chương thì tâm hồn ông không biết tự bao giờ đã thấm đẫm văn hóa Nga. Điều này khiến ông không chỉ say mê tham gia vào nhiều đề tài nghiên cứu có liên quan đến việc tìm hiểu, nghiên cứu văn hóa Nga mà còn tham gia tích cực với tư cách đồng tác giả trong việc xây dựng bộ từ điển giáo khoa Việt – Nga (hơn 1.400 trang) được nhận giải Bạc “Sách hay” của Hội Xuất bản Việt Nam năm 2008, dịch một số tác phẩm văn học Nga có giá trị. Bạn đọc thật khó quên một phong cách dịch thuật rất riêng của Nguyễn Xuân Hòa qua những tác phẩm Tarat Septrencô (Truyện dịch), NXB Cầu Vồng, Moskva, 1988; Thơ trữ tình A. Blok (tuyển dịch), Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội. 2007… Cái nét riêng của Nguyễn Xuân Hòa trong dịch thuật chính là khi dịch dù thơ hay truyện ông đều bám sát phong cách của tác giả nguyên ngữ, không biến cách nói, cách diễn đạt của nguyên tác thành cách nói, cách diễn đạt của chính mình. Ông bám sát nghĩa văn bản, nhưng không dịch từng từ mà chú ý đến ngữ cảnh văn hóa để chuyển dịch cái hình tượng quan trọng mà nhà nghệ sĩ muốn truyền đạt. Bởi thế, những bản dịch thơ của ông thường có độ chính xác mà vẫn bay bổng, phóng khoáng mà vẫn không rời xa bản gốc. Nói khái quát, khi dịch ông không bao giờ biến thơ người khác thành thơ của chính mình. Để làm được điều này, có lẽ do ông đã tích lũy được nhiều tri thức ngôn ngữ học trong quá trình vừa giảng dạy vừa nghiên cứu. Đây cũng là lí do giúp ông sau này thực hiện thành công công trình luận án TS theo hướng ngôn ngữ học và dần chuyển sang tư cách của một nhà ngôn ngữ học thực thụ.

Điểm nổi bật trong cuộc đời hoạt động khoa học của PGS.TS Nguyễn Xuân Hòa là ông luôn tự vận động để đi lên trong mọi hoàn cảnh. Bởi vậy, mặc dù là người học ngoại ngữ ở trong nước nhưng ông là người có khả năng giao tiếp tiếng Nga rất linh hoạt nhờ có vốn từ vựng, ngữ pháp dồi dào cộng với đôi tai tinh tường về ngữ âm. Ông chẳng những nhiều năm được tin cậy mời làm giám khảo thẩm định trình độ tiếng Nga cho  nhiều ứng viên giáo sư, phó giáo sư của Hội đồng chuyên ngành văn học mà còn được Nhà nước mời làm thông dịch nhiều văn kiện quan trọng: Từ tháng 12 năm 1981 đến tháng 5 năm 1982 ông được Ban Đối ngoại Trung ương Đảng điều động đi dịch viết văn kiện Đại hội V của Đảng Cộng sản Việt Nam tại Hà Nội, sau đó từ tháng 3 năm 1982 đến tháng  5 năm 1982 ông tiếp tục được mời dịch văn kiện Đại hội III của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào tại Viêng Chăn. Sau chuyến phiên dịch này, ông tham gia lớp học nâng cao trình độ tiếng Nga tại Viện Tiếng Nga A.S. Puskin, Moskva 1 năm (1982-1983) và liên tục  làm cộng tác viên khoa học tại khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Moskva Lomonosov mỗi năm 3 tháng vào các năm 1984, 1986 và 1988. Do say mê với việc nghiên cứu ngôn ngữ, từ năm 1998, sau khi nghỉ hưu, ông tiếp tục làm giảng viên kiêm nhiệm và thỉnh giảng cho Khoa Ngôn ngữ học Trường ĐHKHXH& NV (1998-2003).

Trong khoa học, PGS.TS Nguyễn Xuân Hòa là người nghiêm túc, cẩn trọng, đôi khi biểu hiện sự lặng lẽ, nhưng trong đời sống ông là người năng nổ nhiệt thành thậm chí rất sôi nổi. Đó là điều giải thích vì sao ông luôn có mặt trong các Hội nghị nghiên cứu khoa khoa học và các buổi lễ bảo vệ luận văn, luận án cho thạc sĩ, tiến sĩ và thậm chí cả các buổi bảo vệ khóa luận tốt nghiệp của sinh viên với tư cách là cán bộ hướng dẫn, phản biện hoặc ủy viên Hội đồng. Trong công tác đào tạo sau đại học của Khoa ngôn ngữ học và của Học viện Khoa học Xã hội ông đã hướng dẫn thành công 5 luận văn Thạc sĩ ngôn ngữ học, 2 luận án Tiến sĩ ngữ văn Nga, 1 luận án Tiến sĩ ngôn ngữ học. Hiện ông đang hướng dẫn 2 NCS ngôn ngữ học làm Tiến sĩ. Hơn thế nữa, ông còn là người tham gia tích cực vào các hoạt động của Hội Ngôn ngữ học Hà Nội, đồng thời còn đảm nhiệm chức Chủ tịch Hội trong suốt 6 năm từ 2008 đến 2014. Đây là thời gian ông bộc lộ những mặt mạnh về khả năng tổ chức và ngoại giao của mình. Nhờ vào uy tín cá nhân cũng như phương hướng hoạt động của Hội Ngôn ngữ học Hà Nội, ông nhận được sự ủng hộ của nhiều doanh nghiệp và tạo dựng cho Hội quỹ hoạt động lên tới dăm chục triệu đồng. Tuy số tiền không lớn, nhưng đối với một Hội nghề nghiệp, đó là một thành tích có thể nói là hiếm có. Tôi còn nhớ, mới đây trong Đại hội IV, nhiệm kỳ 2015-2019 của Hội Ngôn ngữ học Hà Nội diễn ra vào tháng 1/2015 ở Viện Ngôn ngữ học, GS.TSKH Trần Ngọc Thêm từ thành phố Hồ Chí Minh ra tham dự Đại hội rất cảm động khi phát biểu: “Quả thật, tôi rất ngạc nhiên vì thông thường, khi đến dự một hội nghề nghiệp kiểu như thế này, chúng tôi còn phải đóng tiền ủng hộ. Đến đây, không những chúng tôi không phải đóng góp, lại còn được nhận thêm. Điều đó cho thấy, Hôi Ngôn ngữ học Hà Nội quả là một Hội rất mạnh…”.

Hiện nay, do quá tuổi quy định ông không đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội nữa nhưng ông vẫn được mọi người tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch, Tổng Thư kí Hội. Mặc dù bận nhiều công việc chuyên môn và công tác Hội, PGS.TS Nguyễn Xuân Hòa vẫn dành một góc cuộc đời mình cho văn chương, tham gia Hội Nhà văn Hà Nội. Thi thoảng ta vẫn gặp những bài viết phê bình hoặc dịch thuật của ông đăng trên sách, báo với một phong cách tươi trẻ, sung mãn. Đọc các bài viết ấy, ta không thấy một chút nào bóng dáng của tuổi già phất phơ trên đầu ngọn bút của ông mà chỉ thấy một tâm hồn tràn trề sức sống, nhiệt huyết và chí tình. Cả trong hoạt động chuyên môn và cả trong cuộc đời, ông luôn hòa mình với các thế hệ đàn em, gắn bó và gần gũi với họ. Đó phải chăng là nguyên cớ giúp cho ông trẻ mãi không già. Đến bây giờ, ông vẫn là người thầy luôn năng nổ, đồng hành cùng lớp trẻ. Do có nhiều đóng góp trong hoạt động chuyên môn và hoạt động xã hội của mình, ông đã nhận được nhiều phận thưởng cao quí: Huân chương Kháng chiến chống Mĩ hạng Ba (1985), Nhà giáo ưu tú (2008). Bằng khen của Chủ tịch UBND TP Hà Nội về thành tích hoạt động kỉ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội (2011).

PHÓ GIÁO SƯ, TIẾN SĨ, NHÀ GIÁO ƯU TÚ NGUYỄN XUÂN HÒA

  • Năm sinh: 1937.
  • Quê quán: Thanh Hóa.
  • Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội ngành Tiếng Nga năm 1960.
  • Tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ Hà Nội ngành Tiếng Nga năm 1977.
  • Nhận bằng Phó Tiến sĩ (nay là Tiến sĩ) ngành Ngôn ngữ học năm 1997.
  • Được công nhận chức Nhận chức danh Phó Giáo sư năm 2004.
  • Được tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú năm 2008.
  • Thời gian công tác tại trường: từ 1978 đến 1998.

+ Đơn vị công tác:

Khoa Tiếng nước ngoài (Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội) (1978-1995).

Bộ môn Khu vực học Nga và các nước châu Âu, Khoa Quốc tế học (1995-1998).

+ Chức vụ quản lý:

Nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Ngữ văn Nga.

Chủ tịch Hội Ngôn ngữ học Hà Nội (2008-2014).

  • Các hướng nghiên cứu chính: Đối chiếu ngôn ngữ; Từ vựng học; Thành ngữ, tục ngữ; Văn hóa Việt Nam; Dịch nghệ thuật.
  • Các công trình khoa học tiêu biểu:

 Sách dịch Tarát Septrencô. Nxb Cầu Vồng, Moskva, 1988, 374 trang.

Aleksandr Blok – nhà thơ Nga lỗi lạc đầu thế kỉ XX (Chủ nhiệm đề tài). Đề tài cấp Bộ GD-ĐT. 

Almanach những nền văn minh thế giới  (Thành viên Ban biên soạn; đồng tác giả). Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1995, Tái bản 2006, 2416 trang.

Thơ trữ tình A. Blok (tuyển dịch), Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2007, 338 trang.

Từ điển giáo khoa Việt - Nga (đồng tác giả), Nxb Giáo dục, 2007, Hà Nội, 1402 trang.

  • Các giải thưởng khoa học tiêu biểu:

+ Giải Bạc Sách hay năm 2008 của Hội Xuất bản Việt Nam cho cuốn Từ điển giáo khoa Việt - Nga (đồng tác giả), Nxb Giáo dục, 2007.

 

 PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt - Ảnh: Thành Long - VNU Media - USSH
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ