TIN TỨC & SỰ KIỆN
Tin tức   Tin tức chung 00:00:00 Ngày 16/01/2017 GMT+7
Từ công nghiệp 4.0 tới giáo dục 4.0: thách thức và cơ hội
Ngày 15/1/2017, tại Nhà Điều hành ĐHQGHN đã diễn ra tọa đàm với chủ đề “Từ công nghiệp 4.0 tới giáo dục 4.0: thách thức và cơ hội”, với diễn giả là ông Johnson Ong Chee Bin, chuyên gia của AUN – QA.

Đại diện Ban Giám đốc ĐHQGHN, lãnh đạo Văn phòng, các ban chức năng cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc ĐHQGHN đã tớidự và thảo luận về các nội dung liên quan đến chủ đề tọa đàm.

Cùng với công nghiệp 4.0 – cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, liên quan đến internet của vạn vật (IoT), nơi con người, sự vật và máy móc được kết nối khắp nơi để sản xuất hàng hóa và dịch vụ mang tính cá thể hóa. Hệ sinh thái mới này ảnh hưởng trực tiếp tới từng cá thể, từng gia đình, trường học, nhà máy, doanh nghiệp,… Nền công nghiệp 4.0 tạo nên những thách thức và cơ hội cho đời sống, trong đó có nguồn nhân lực và lĩnh vực giáo dục – nơi trực tiếp đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho công nghiệp 4.0.

Giáo dục 4.0 liên quan đến việc áp dụng các khái niệm công nghiệp 4.0 vào giáo dục. Giáo dục phổ biến ở những nơi mà con người, sự vật, máy móc được kết nối để tạo ra việc học tập được cá thể hóa. Hệ sinh thái mới này biến đổi tổ chức giáo dục thành một hệ sinh thái tạo ra sự đổi mới. Sự sáng tạo, đổi mới là nền tảng của giáo dục 4.0.

Tại buổi tọa đàm, ông Johnson Ong Chee Bin đồng thời đưa ra một số mô hình về giáo dục 4.0. Đó là mô hình 3 chuỗi xoắn (gồm các yếu tố chính phủ, trường đại học và tập đoàn công nghiệp sản xuất) của ĐH công nghệ Nangyang (Singpore). Theo đó, quan hệ này nhằm cải thiện các điều kiện cho việc đổi mới, sáng tạo và năng suất lao động trong xã hội tri thức.

Hay như mô hình giáo dục 4.0 của Thái Lan mà đích chủ yếu là công nghiệp thông minh, thành phố thông minh và con người thông minh. Ông Johnson Ong Chee Bin nhấn mạnh, với sự đột phá của công nghệ thông tin, các khóa học trực tuyến đại chúng mở - Thai MOOC rất phong phú. Thai MOOC tạo ra sự hợp tác giữa mạng lưới trường đại học để chia sẻ các khóa học; tạo sự hợp tác với khu vực tư nhân và công nghiệp để chia sẻ kiến thức; là bệ đỡ cho phát triển nguồn nhân lực, đồng thời giảm chi phí và tăng cường tiếp cận giáo dục đại học.

Chia sẻ những vấn đề về đổi mới và khởi nghiệp – các yếu tố cốt lõi của giáo dục 4.0, ông Johnson Ong Chee Bin đã liên hệ đến trường hợp của Hoa Kỳ. Quốc gia phát triển của châu Mĩ đã thành lập riêng Hội đồng cố vấn quốc gia về đổi mới và khởi nghiệp (gọi tắt là NACIE). NACIE đã xác định 5 lĩnh vực hỗ trợ đổi mới sáng tọa và khởi nghiệp trong giáo dục đại học, bao gồm: Thúc đẩy tinh thần đổi mới và khởi nghiệp của sinh viên; Khích lệ tinh thần đổi mới và khởi nghiệp của giảng viên; Tích cực hỗ trợ chuyển giao công nghệ của trường đại học; Tạo điều kiện cho hợp tác giữa đại học và công nghiệp; Gắn kết cùng các nỗ lực phát triển kinh tế khu vực và địa phương…

Tại tọa đàm, Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hữu Đức chia sẻ, mặc dù hiện nay ĐHQGHN đang mới phát triển ở mức độ đại học 2.0 – UniWood, nhưng cũng đã có nhiều tiền đề của mô hình 4.0, trong đó đặc trưng tích cực của mô hình được so sánh tương tự như hoạt động của nền công nghiệp điện ảnh Hollywood: đại học luôn luôn sáng tạo, phát hành và thay đổi nội dung, sản phẩm số của mình; khuyến khích cả giảng viên và người học cùng tham gia phát triển nguồn tài nguyên số; tạo điều kiện cho mọi người tham gia vào việc phát triển tri thức, đặc biệt là các tri thức liên ngành, phi truyền thống với những trợ giúp của các phương thức và công cụ ICT mới, thúc đẩy phát triển tri thức của cá nhân, của cộng đồng và xã hội.

Tiếp cận thông tin về đại học 4.0, PGĐ Nguyễn Hữu Đức đã giao nhiệm vụ cho các đơn vị tích cực tìm hiểu, đề xuất các giải pháp phù hợp để phát triển các ngành học phi truyền thống mới, xác định các chuẩn kỹ năng mới và chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo đảm bảo cho thế hệ mới khả năng làm chủ thông tin, làm chủ công nghệ và quản lý sự thay đổi; thúc đẩy được tinh thần sáng nghiệp và khởi nghiệp. PGĐ khẳng định, ĐHQGHN sẽ tham gia tích cực, ưu tiên nghiên cứu, phát triển các công nghệ cơ bản của công nghiệp 4.0 như: công nghệ gen, công nghệ IoT, công nghệ nano, vật liệu, năng lượng và đặc biệt là công nghệ in 3D… nhưng luôn luôn đảm bảo sự cân đối của tam giác kinh tế - xã hội – và môi trường của phát triển bền vững.

 

 

 Đỗ Ngọc Diệp
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ