TIN TỨC & SỰ KIỆN
Tin tức   Tin tức chung 00:00:00 Ngày 17/07/2019 GMT+7
Hướng đến thành lập Trung tâm tư liệu Việt Nam học
Chiều ngày 15/7/2019, ĐHQGHN đã tổ chức hội thảo khoa học có chủ đề “Phạm vi, loại hình, cấu trúc tư liệu Việt Nam học”.

Tham gia có đại diện lãnh đạo Trung tâm Lưu trữ Quốc gia, Viện Nghiên cứu Hán Nôm cùng các nhà khoa học đến từ một số đơn vị trong và ngoài ĐHQGHN.

Phát biểu tại Hội thảo, Giám đốc Nguyễn Kim Sơn cho rằng, ý tưởng thành lập trung tâm tư liệu việt Nam học là một “phòng thí nghiệm” đặc biệt, thư viện chuyên biệt trong không gian Đại học Quốc gia Hà Nội. Việc xây dựng sẽ được tiến hành trong tương lai và ĐHQGHN mong muốn trung tâm sẽ phục vụ được đông đảo người dạy, người học và các nhà khoa học.

Ông nhấn mạnh, nghiên cứu Việt Nam học muốn có nhiều thành tựu cần có hệ thống tư liệu phong phú. Trong các hội thảo quốc tế Việt Nam học cho thấy, các nhà khoa học nước ngoài có khả năng khai thác và xử lý tư liệu rất tốt.

Trung tâm tư liệu Việt Nam học, đơn vị tích hợp phục vụ hỗ trợ và nghiên cứu, hướng đến nguồn dữ liệu về Việt Nam. Trong lĩnh vực Việt Nam học thì Việt Nam phải là đơn vị hùng mạnh, là địa chỉ để các nhà khoa học đến khai thác tư liệu. Trước mắt Trung tâm sẽ định hướng ưu tiên tài liệu gốc, chỉ có một, công trình không thể thay thế, thư từ văn bản gốc; ưu tiên tư liệu cổ xưa; tư liệu multimedia; tư liệu khó kiếm. Với việc xây dựng và phát triển Trung tâm này, ĐHQGHN kì vọng sẽ tham gia hỗ trợ kiến tạo quốc gia thông minh.

Trung tâm được xây dựng tại Hòa Lạc, kết nối cùng hệ thống các bảo tàng, phòng thí nghiệm của đô thị ĐHQGHN trong tương lai.

Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn chủ trì Hội thảo.

Tại Hội thảo, GS.TSKH Vũ Minh Giang – Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, ĐHQGHN cho rằng, các hoạt động của Trung tâm sẽ phụ thuộc vào những qui định và chức năng và nhiệm vụ khi thành lập trung tâm.

GS.TS Nguyễn Quang Ngọc - nguyên Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển cho rằng, đối tượng của Việt Nam học là toàn bộ những vấn đề thuộc về đất nước và con người Việt Nam, cho nên tư liệu của ngành học Việt Nam học cũng bao gồm tổng hợp tư liệu của tất cả các chuyên ngành về Việt Nam (chủ yếu là khoa học xã hội và nhân văn), tuy nhiên xét trên tổng thể chúng có thể được phân ra thành các loại tư liệu thư tịch, tư liệu vật thể, tư liệu hình ảnh, âm thanh, tư liệu dân gian, truyền miệng…

GS. Ngọc liên hệ về ngành Hà Nội học với đa dạng loại hình văn bản, loại hình ngôn ngữ và có phạm vi rất rộng. Các khía cạnh, lĩnh vực và nội dung nghiên cứu cũng rất phong phú từ lịch sử, văn hóa, chính trị, ngôn ngữ, tôn giáo, tín ngưỡng cho đến y tế, thể thao, giáo dục, hành chính, kinh tế, địa lý, nhân vật lịch sử…

GS. Nguyễn Quang Ngọc cho rằng, nếu nhìn nhận nguồn tư liệu phục vụ cho nghiên cứu Hà Nội như một nguồn tư liệu địa phương về Việt Nam học thì có thể nói đây là địa phương có khối tư liệu phong phú nhất, đa dạng và điển hình hơn tất cả các địa phương khác trên cả nước. Hiểu kỹ càng về các nguồn tư liệu phục vụ nghiên cứu không gian lịch sử - văn hóa hết sức đặc biệt này sẽ là cơ sở quan trọng để hiểu phạm vi, quy mô, loại hình và cấu trúc tư liệu Việt Nam học nói chung, phục vụ cho đề án phát triển trung tâm tư liệu Việt Nam học của Đại học Quốc gia Hà Nội.

Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Hoàng Anh Tuấn

Trong khi đó, PGS. Hoàng Anh Tuấn - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn chia sẻ về nguồn tư liệu về Việt Nam qua các tài liệu nước ngoài. Tư liệu nước ngoài về Việt Nam rất phong phú và đồ sộ, có ở hầu khắp các quốc gia Nhật Bản, Trung Quốc, Hoa Kỳ, đặc biệt là Pháp và một số quốc gia châu Âu.

Tư liệu về Việt Nam có một số loại hình chính sau đây: Tư liệu văn bản (text): bao gồm văn bản viết tay (đối với giai đoạn sớm) và tư liệu in rô-nê-ô, in ấn (đối với giai đoạn cận đại về sau). Về căn bản, đại bộ phận tư liệu liên quan đến Việt Nam ở dưới dạng văn bản, trữ lượng có thể lên đến hàng trăm nghìn trang ở nhiều các quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau; Tư liệu hình ảnh: bản đồ (maps), bản vẽ (drawings), tranh-ảnh (paintings-picture; Tư liệu âm thanh: audio, video, …)

TS. Nguyễn Tuấn Cường, Viện trưởng Viện Hán Nôm, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội và Nhân văn

TS. Nguyễn Tuấn Cường, Viện trưởng Viện Hán Nôm, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội và Nhân văn, chia sẻ quan điểm của Viện khi coi Hán Nôm là một nguồn tư liệu về Việt Nam học. Từ đầu năm 2018, Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã tái cấu trúc các đơn vị cấp Phòng, trong đó có hai phòng nghiên cứu được định danh là “Phòng Nghiên cứu Thư tịch” và “Phòng Nghiên cứu Minh văn”. Đây chính là kết quả phân loại các loại hình tài liệu Hán Nôm một cách bao quát nhất khi áp dụng tiêu chí phân loại theo phương thức định hình ngôn từ. Theo tiêu chí phương thức định hình ngôn từ trên tài liệu hiện vật, tài liệu Hán Nôm được chia thành hai loại: thư tịch (書籍, books) và minh văn (銘文, inscriptions). Thư tịch được hiểu là các tài liệu có chữ viết được thể hiện trên mặt phẳng của chất liệu mềm như giấy, lụa... Minh văn được hiểu là các tài liệu có chữ viết được thể hiện trên mặt lồi hoặc lõm của chất liệu cứng như đá, gỗ, kim loại...  

TS. Đỗ Tuấn Hùng - Trưởng khoa Thông tin Thư viện , Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn thì cho rằng, tư liệu Việt Nam học sẽ được chia làm 2 nhóm: nhóm tư liệu truyên thống, được chia làm 2 loại tư liệu mặt phẳng (thư tịch) và tư liệu hình khối (minh văn); và nhóm tư liệu hiện đại, được chia làm 2 loại thư tịch (sách, báo, tạp chí) và tài liệu số (sách điện tử, dữ liệu, video, audio).

Bên cạnh đó, TS. Hùng đưa ra khái niệm Nhân văn số. Theo ông hùng, nhân văn số là sự kết hợp giữa công nghệ, khoa học xã hội và nhân văn và thông tin số, phá bỏ rào cản về không gian và thời gian trong tiếp cận tri thức. Với cách tiếp cận nhân văn số trong việc xây dựng nguồn tư liệu, Trung tâm tư liệu Việt Nam học sẽ trở thành một trung tâm dữ liệu về Việt Nam học (data warehouse).

Các tài liệu số hóa như tài liệu toàn văn, âm thanh, hình ảnh, dữ liệu, đồ họa, 3D, … đều cần được dữ liệu hóa. Với việc ứng dụng sức mạnh của công nghệ số và trí tuệ nhân tạo sẽ cung cấp cho các nhà nghiên cứu công cụ mạnh mẽ để tạo lập cộng đồng và khám phá, tạo ra tri thức mới từ kho tư liệu đa dạng mà Trung tâm thu thập được.

 Đỗ Ngọc Diệp, Vũ Ngọc Tùng - VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ