Cách đây 51 năm, sau khi tốt nghiệp phổ thông hệ 10 năm tại Hải Phòng, tôi được lên Hà Nội và vào học Khoa Sử, Trường Đại học Tổng hợp. Bài học đầu tiên của tôi là Nhập môn Khảo cổ học của thầy Trần Quốc Vượng. Tôi còn nhớ như in phong cách giảng bài cuốn hút đến kỳ lạ của thầy và cuối buổi thầy khẽ nhắc học trò: “Bây giờ ăn cơm Hà Nội, uống nước Hà Nội, thì nhớ trả nợ nguồn cho Hà Nội”. Tôi yêu môn Sử và gắn bó với Hà Nội ngay từ bài học đầu tiên ấy. Hà Nội là địa bàn căn bản của thời đại dựng nước đầu tiên, nơi mở đầu và là trung tâm của các cuộc đấu tranh chống Bắc thuộc, chống đồng hóa, nơi “lắng hồn núi sông nghìn năm”, hội tụ và lan tỏa các giá trị căn cốt của đất nước và con người Việt Nam. Những bài giảng của các thầy cô “khai tâm” cho chúng tôi về tiến trình lịch sử đất nước phần nhiều đều tập trung vào địa bàn Hà Nội. Rồi chúng tôi được đi điền dã Sử học về thời đại dựng nước đầu tiên, về nước Âu Lạc, thành Cổ Loa, An Dương Vương, Hai Bà Trưng, Lý Bí, Triệu Quang Phục, Phùng Hưng, Ngô Quyền, cho đến Lý Thái Tổ định đô Thăng Long và các triều đại Lý, Trần, Lê... hầu như cũng đều được triển khai trên địa bàn Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp đại học, được nhà trường giữ lại làm cán bộ giảng dạy, tôi có nhiều điều kiện đi sâu nghiên cứu về Hà Nội hơn, tuy nhiên đấy vẫn còn dừng lại ở niềm đam mê cá nhân. Sau thời gian gắn bó với mảnh đất văn hiến Thăng Long - Hà Nội, được sự ưu ái và tạo điều kiện của Lãnh đạo Thành phố Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội và các cấp các ngành, lấy tư cách là đại diện cho các tập thể khoa học và đào tạo hàng đầu cả nước đặt trên địa bàn Hà Nội, tôi bắt đầu tổ chức các đề tài, thực hiện các công trình nghiên cứu có tính liên ngành và tổng kết một số lĩnh vực về Hà Nội. Hội thảo khoa học Phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội Văn hiến, Anh hùng, vì Hòa bình năm 2010 đã đi đến quyết định xây dựng một ngành Hà Nội học liên ngành và giao cho tôi đứng ra tổ chức thực hiện. Hà Nội là một không gian Lịch sử - Văn hóa, một không gian phát triển hết sức điển hình, lại có một đội ngũ các nhà khoa học đa ngành, đa lĩnh vực, đông đảo nhất nước và đặc biệt tâm huyết với đời sống văn hóa và khoa học Thủ đô. Trong khoảng hơn hai chục năm trở lại đây, Thành phố Hà Nội thực sự mở rộng cửa mời đón các chuyên gia, các nhà khoa học tham gia giải quyết những vấn đề quan trọng đang đặt ra trong quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô. Hàng loạt các Chương trình khoa học cấp Nhà nước KX.09, Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến, Chương trình Bách khoa thư Hà Nội, cùng rất nhiều các đề tài dự án cấp Thành phố và cấp cơ sở nghiên cứu tổng kết, nghiên cứu phát triển Thủ đô Hà Nội, cùng kết quả của các hội nghị hội thảo khoa học quốc gia, quốc tế liên ngành và chuyên ngành về Thăng Long - Hà Nội... chính là những cơ sở bảo đảm cho sự ra đời một ngành khoa học Hà Nội học liên ngành. Năm 2014, Trung tâm Hà Nội học và phát triên Thủ đô được thành lập và đi vào hoạt động, trở thành địa chỉ tin cậy của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu và giảng dạy về Hà Nội học cả trong nước và quốc tế. Chúng tôi bước đầu đã xây dựng được cơ sở lý luận và phương pháp luận cho một ngành học Hà Nội học liên ngành, gắn với Khu vực học và Khoa học phát triển; đã biên soạn và xuất bản được Giáo trình Hà Nội học và một số sách tham khảo, cùng hàng chục cuốn sách và bài báo khoa học khác; xây dựng cơ sở dữ liệu và tủ sách về Hà Nội học. Trên cơ sở đó, chúng tôi đã triển khai một số đề tài nghiên cứu chuyên sâu về Đô thị, về Nông thôn, về Địa lý, Lịch sử, Kinh tế, Xã hội và Văn hóa của Thăng Long - Hà Nội, về Hà Nội truyền thống, Hà Nội mở rộng, Hà Nội phát triển, về một số không gian/ địa phương trong vùng Hà Nội... Đây đang là giai đoạn khởi đầu, nhưng cũng đã xác nhận sự ra đời của ngành học giữ một vị trí rất quan trọng trong chiến lược đào tạo con người, phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội. Tôi được biết trong chương trình giáo dục phổ thông mới, bên cạnh sự thống nhất trong nội dung giáo dục cốt lõi, bắt buộc đối với học sinh toàn quốc, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng trao trọng trách và quyền chủ động cho các tỉnh/ thành phố trực thuộc trung ương có thể được sử dụng một thời lượng phù hợp để bổ sung vào nội dung giáo dục về tri thức địa phương, tức là xây dựng Địa phương học thành môn học quan trọng, chính thức trong nhà trường. Đây là cơ hội lớn và cũng là thách thức không nhỏ đối với mỗi địa phương, nhưng theo tôi lại là thuận lợi rất cơ bản cho Hà Nội, vì Hà Nội đã đi trước các địa phương khác trong toàn quốc, chủ động xây dựng môn học Hà Nội học phù hợp với yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới. Được vinh dự đón nhận danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” hôm nay, tôi tự thấy mình phải cố gắng nhiều hơn nữa để xứng đáng với danh hiệu cao quý của Hà Nội. Thăng Long - Hà Nội trong tôi và trong tất cả mọi người luôn là nguồn cảm hứng vô tận để hăng say lao động, sáng tạo và cống hiến, vì sự phát triển toàn diện, bền vững Thủ đô Văn hiến, Văn minh và Hiện đại. >>>>> Các tin bài liên quan: - Phát huy cao độ truyền thống nghiên cứu Hà Nội học - Giải thưởng Bùi Xuân Phái 2015: Trung tâm Hà Nội học và Phát triển Thủ đô giành Giải Việc làm - Vì tình yêu Hà Nội - Trung tâm Hà Nội học và Phát triển Thủ đô: 'Niềm tin yêu hy vọng' |