Hội thảo được diễn ra dưới hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến với sự tham dự của đại diện các tổ chức quốc tế, các chuyên gia, nhà khoa học kết nối từ hơn 30 quốc gia.
Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân, thành viên Hội đồng Quản trị AUF dự và phát biểu trực tuyến tại sự kiện.
Franconomics-2021 là cơ hội để nhìn nhận những thách thức của chuyển đổi số trong việc tiếp cận công bằng các dịch vụ thiết yếu trong thời kỳ Covid-19, với trọng tâm là tiếp cận công nghệ thông tin, dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế và công nghiệp 4.0, trong đó tập trung về nông nghiệp thông minh.
Trong bài phát biểu, ông Chékou Oussouman - Trưởng Đại diện OIF khu vực châu Á - Thái Bình Dương đề cập tới vai trò của chuyển đổi số trong việc cung cấp những dịch vụ thiết yếu trong giai đoạn khó khăn do Covid-19 gây ra. Ông cũng chỉ ra sự bất bình đẳng đang tồn tại trong việc tiếp cận các dịch vụ thiết yếu ở tất cả các quốc gia bất kể trình độ phát triển, trong đó có các quốc gia châu Phi, và các đối tượng chịu thiệt thường là phụ nữ, trẻ em và những người yếu thế. Ông tin tưởng rằng những trao đổi, thảo luận của các chuyên gia, nhà quản lý và những người quan tâm tham gia hội thảo sẽ giúp tìm ra những giải pháp hữu ích để hạn chế sự bất bình đẳng này.
Ông Nicolas Warnely, Đại sứ CH Pháp tại Việt Nam đã nhấn mạnh vai trò của chuyển đổi số trong việc cung cấp dịch vụ cho người dân trong bối cảnh dịch bệnh Covid bùng phát trên toàn thế giới, giúp duy trì cuộc sống người dân trong hoàn cảnh mới. Sự thành công của Việt Nam, Pháp và nhiều quốc gia khác trong ứng dụng chuyển đổi số để vượt qua đại dịch trong thời kỳ Covid đã minh chứng cho điều đó.
Phát biểu tại sự kiện, Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân đánh giá cao ý nghĩa của Diễn đàn Franconomics thường niên do IFI phối hợp với các đối tác tổ chức và khẳng định Franconomics 2021 năm nay đã đề cập chủ đề rất quan trọng. Ông bày tỏ, hơn bao giờ hết, thế giới được kêu gọi chung sống với Covid-19. Vào thời điểm mà các quốc gia đang nỗ lực phục hồi nền kinh tế của mình, chuyển đổi số được xem như một đòn bẩy tối ưu mở ra các cơ hội để ổn định và theo đuổi các sứ mệnh chủ quyền của các quốc gia cũng như các hoạt động của các cơ quan kinh tế nhà nước và tư nhân. Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực đã được thực hiện, chuyển đổi số vẫn tạo ra sự bất bình đẳng trong việc tiếp cận các dịch vụ thiết yếu ở tất cả các quốc gia bất kể trình độ phát triển. Cộng đồng quốc tế, các nước phát triển và đang phát triển nhất trí về sự cần thiết phải làm nhiều hơn nữa để khuyến khích đoàn kết và công bằng trong cuộc chiến chống lại Covid-19 ở cấp quốc gia và quốc tế.
Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân tin rằng, Diễn đàn sẽ tạo cơ hội nhìn nhận lại những thách thức của chuyển đổi số để tiếp cận công bằng với các dịch vụ thiết yếu trong thời kỳ Covid-19 như dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế và công nghiệp 4.0, nông nghiệp thông minh và một số lĩnh vực thiết yếu khác.
Ông Fabien Méheust – Phó Giám đốc AUF khu vực châu Á – Thái Bình Dương khẳng định rằng giáo dục đại học và nghiên cứu là một trong những lĩnh vực thiết yếu đang chịu sự tác động mạnh mẽ của chuyển đổi số. Ông cũng nêu ra các khía cạnh tiêu cực của chuyển đổi số hiện đang tồn tại trong lĩnh vực giáo dục và một số lĩnh vực thiết yếu khác và mong muốn rằng chúng ta cần cùng nhau tìm ra các giải pháp để phát huy các mặt tích cực và hạn chế mặt tiêu cực của chuyển đổi số cả trong và sau bối cảnh Covid để hướng tới một sự phát triển bền vững.
Đồng tình với những ý kiến về những tồn tại của chuyển đổi số đang đặt ra cho tất cả các quốc gia trong và sau thời kỳ Covid, Viện trưởng IFI Ngô Tự Lập cho rằng, để giải quyết vấn đề này thì đòi hỏi không chỉ nỗ lực riêng lẻ của mỗi quốc gia, mỗi chính phủ, mà còn cần một mô hình hợp tác mới của tất cả các chủ thể tham gia vào đời sống kinh tế xã hội.
Tại phiên toàn thể, các đại biểu đã nghe các diễn giả trình bày những tham luận về: Những thách thức của giáo dục đại học trong bối cảnh Covid (diễn giả - Ông Jean Marc-Lavest, Hiệu trưởng chính trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội); Chính sách quốc gia về chuyển đổi số đảm bảo người dân tiếp cận các dịch vụ thiết yếu trong đại dịch (diễn giả - Ông Đỗ Công Anh, Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông); Dịch vụ tài chính số trong và sau đại dịch (diễn giả - Bà Jessy C.Petit-Frère, Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Haiti); Thách thức của Cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số tới nền kinh tế toàn cầu và vai trò của hợp tác giữa các quốc gia (diễn giả Bà Flora Demaegdt, Đại diện của Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp Quốc tại Bruxelle, Đại diện của UNIDO về phía Liên minh châu Âu).
Các không gian kết nối song song tại Franconomics - 2021 gồm: (1) Chuyển đổi số và tiếp cận công bằng công nghệ số”; (2) Chuyển đổi số và thách thức trong tiếp cận các dịch vụ y tế - giáo dục; (3) Chuyển đổi số và Công nghiệp 4.0 tại các nước đang phát triển.
Trong khuôn khổ Diễn đàn Franconomics năm nay sẽ diễn ra Hội thảo quốc tế “Nông nghiệp thông minh: tiềm năng và thực tế” được tổ chức vào ngày 25/11/2021. Hội thảo được tổ chức với mong muốn tập hợp những góc nhìn đa chiều đối với khái niệm “nông nghiệp thông minh” để đưa ra các định hướng phát triển nông nghiệp thông minh tại Việt Nam thông qua các trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm từ các ví dụ điển hình trong nước và quốc tế trong lĩnh vực này.
Franconomics là diễn đàn quốc tế thường niên do Viện Quốc tế Pháp ngữ, ĐHQGHN khởi xướng và tổ chức từ năm 2019. Mục tiêu của Franconomics là tạo dựng một không gian đối thoại đa ngành về lý luận và thực tiễn liên quan tới các chủ đề mang tính thời sự về kinh tế – xã hội dành cho các nhà khoa học, doanh nhân, các trường đại học, nhà đầu tư và nhà hoạch định chính sách trong và ngoài nước, đặc biệt là các quốc gia nằm trong khối Cộng đồng Pháp ngữ.
|
Các tin liên quan:
Giám đốc ĐHQGHN tham gia Hội đồng Quản trị Tổ chức Đại học Pháp ngữ
Trí tuệ nhân tạo và con người: Những tác động đa chiều của một cuộc cách mạng công nghệ
Franconomics – 2020: "Từ khởi nghiệp tới khởi nghiệp thông minh"
VNU – IFI: Khai giảng Khóa đào tạo Thạc sỹ FINTECH đầu tiên tại Việt Nam |